Diễn văn Đức Thánh Cha Lêô XIV dành cho các tu sĩ Dòng Lasan ngày 15.5.2025

Diễn văn Đức Thánh Cha Lêô XIV dành cho các tu sĩ Dòng Lasan ngày 15.5.2025

Diễn văn Đức Thánh Cha Lêô XIV dành cho các tu sĩ Dòng Lasan ngày 15.5.2025

WHĐ (15/5/2025) Sáng thứ Năm ngày 15/5/2025, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã gặp gỡ các tu sĩ Dòng Lasan nhân dịp kỷ niệm 300 năm dòng được Đức Bênêđictô XIII ban sắc lệnh thành lập dòng và phê chuẩn tu luật của dòng, và 75 năm Đức Piô XII chọn Thánh Gioan Lasan làm bổn mạng các nhà giáo dục. Sau đây là bản dịch Việt ngữ diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV

GỬI CÁC SƯ HUYNH CỦA DÒNG ANH EM TRƯỜNG KITÔ GIÁO

Thứ Năm, ngày 15 tháng 5 năm 2025

[Đa phương tiện]

 

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Bình an ở cùng anh chị em!

Hồng y kính mến,
Anh chị em thân mến, chào mừng anh chị em!

Tôi rất vui mừng được đón tiếp anh chị em nhân dịp kỷ niệm 300 năm ban hành Sắc chỉ In apostolicae dignitatis solio, qua đó Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIII đã phê chuẩn Hội Dòng và Luật Dòng của các Sư Huynh (ngày 26.1.1725). Dịp này cũng trùng với kỷ niệm 75 năm ngày Đức Giáo hoàng Piô XII tôn phong Thánh Gioan La San làm “Đấng Bảo trợ trên trời của tất cả các nhà giáo dục” (xem Tông thư Quod ait, ngày 15.5.1950: AAS 12, 1950, 631-632).

Trải qua ba thế kỷ, thật đẹp khi nhận thấy sự hiện diện của các Sư Huynh vẫn tiếp tục mang lại sức sống tươi mới của một sứ mạng giáo dục phong phú và rộng lớn, vẫn đang được các sư huynh dấn thân thi hành với lòng nhiệt thành, trung tín và hy sinh tại nhiều nơi trên thế giới, để đào tạo giới trẻ.

Dưới ánh sáng của những dịp kỷ niệm này, tôi muốn cùng các Sư Huynh suy tư về hai khía cạnh trong lịch sử của Hội Dòng mà tôi cho là quan trọng đối với tất cả chúng ta: sự quan tâm đến thời sự và chiều kích thừa tác và truyền giáo của việc dạy học trong cộng đoàn.

Khởi đầu sứ mạng của các Sư Huynh đã nói lên rất nhiều về tính “thời sự”. Thánh Gioan La San đã bắt đầu bằng cách đáp lại lời cầu cứu của một giáo dân tên là Adrien Nyel, người gặp khó khăn trong việc duy trì những “trường học dành cho người nghèo” của ông. Đấng sáng lập của các Sư Huynh đã nhận ra trong lời kêu cứu ấy một dấu chỉ của Thiên Chúa, đã đón nhận thách đố và bắt tay vào hành động. Như thế, vượt ngoài dự định và kỳ vọng của chính mình, ngài đã khai sinh ra một hệ thống giáo dục mới: các Trường học Kitô giáo, miễn phí và mở cửa cho mọi người. Trong cuộc cách mạng sư phạm này, một số yếu tố đổi mới đáng kể do ngài đề xướng có thể kể đến như: dạy học theo lớp thay vì từng cá nhân; sử dụng tiếng Pháp thay cho tiếng Latinh để giảng dạy, để học sinh dễ tiếp cận hơn; tổ chức các buổi học vào Chúa nhật, nhằm tạo điều kiện cho những em phải làm việc trong tuần; và sự tham gia của gia đình trong tiến trình học tập, theo nguyên lý “tam giác giáo dục” – vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Như thế, mỗi khi có vấn đề nảy sinh, thay vì chùn bước, ngài lại được khơi dậy để tìm ra những giải pháp sáng tạo và bước vào những con đường mới mẻ, đôi khi chưa từng được khám phá.

Tất cả những điều ấy không thể không khiến chúng ta suy nghĩ và đồng thời đặt ra những câu hỏi hữu ích trong chúng ta. Đâu là những thách đố cấp bách nhất của giới trẻ hôm nay phải đối mặt? Những giá trị nào cần được cổ vũ? Những nguồn lực nào có thể trông cậy?

Giới trẻ ngày nay, cũng như ở mọi thời, là một ngọn núi lửa đầy sức sống, năng lượng, cảm xúc và sáng kiến. Điều này thể hiện rõ qua những điều kỳ diệu mà các bạn trẻ đang làm được trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, họ vẫn cần được trợ giúp để phát triển một cách hài hòa những tiềm năng phong phú ấy, và để vượt qua những điều – dù khác với thời xưa – vẫn có thể cản trở sự phát triển lành mạnh của họ.

Chẳng hạn, nếu vào thế kỷ 17, việc sử dụng tiếng Latinh là rào cản giao tiếp không thể vượt qua với nhiều người, thì ngày nay, những rào cản mới cũng đang xuất hiện. Ta có thể nghĩ đến tình trạng cô lập do các mô hình tương quan nông cạn, cá nhân chủ nghĩa, và bất ổn trong tình cảm; sự lan rộng của lối tư duy bị làm suy yếu bởi chủ nghĩa tương đối; hay việc lấn át của nhịp sống và phong cách sống khiến người ta không còn thời gian cho lắng nghe, suy tư và đối thoại – điều này diễn ra ngay cả trong nhà trường, trong gia đình và giữa bạn bè, dẫn đến sự cô đơn.

Đây là những thách đố lớn, nhưng – như Thánh Gioan La San – chúng ta cũng có thể biến những thách đố này thành bàn đạp để khám phá những con đường mới, phát triển những công cụ mới và sử dụng những ngôn ngữ mới nhằm chạm đến trái tim học sinh, giúp các em can đảm vượt qua mọi trở ngại để sống đúng với ơn gọi và kế hoạch của Thiên Chúa. Trong hướng đi này, tôi đánh giá cao sự quan tâm mà các Sư Huynh dành cho việc đào tạo giáo viên và xây dựng cộng đồng giáo dục, nơi mà việc dạy học được làm phong phú nhờ sự đóng góp của mọi thành phần. Tôi khích lệ các Sư Huynh tiếp tục bước đi trên những con đường ấy.

Nhưng tôi cũng muốn nhắc đến một khía cạnh khác trong linh đạo La San mà tôi cho là rất quan trọng: đó là việc giảng dạy được sống như một thừa tác vụ và một sứ mạng, như một sự thánh hiến trong lòng Hội Thánh. Thánh Gioan La San đã không muốn có linh mục trong số các thầy dạy của Trường học Kitô giáo, mà chỉ muốn có các “Sư Huynh” – để mọi nỗ lực của các Sư Huynh, với ơn Chúa trợ giúp, đều quy hướng về việc giáo dục học sinh. Thánh nhân thường nói: “Bàn thờ của anh em là bục giảng”, qua đó ngài đã khơi mở trong Hội Thánh thời ấy một thực tại chưa từng có: đó là những giáo viên và giáo lý viên giáo dân, được trao phó trong cộng đoàn một thừa tác vụ thực sự, dựa trên nguyên tắc truyền giáo bằng cách giáo dục và giáo dục bằng cách truyền giáo (x. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn từ trước Tổng tu nghị Dòng La San, ngày 21.5.2022).

Như thế, đặc sủng giáo dục mà anh em đón nhận qua lời khấn thứ tư – lời khấn giảng dạy – không chỉ là một sứ vụ phục vụ xã hội hay một việc bác ái quý giá, mà ngày nay vẫn là một trong những biểu hiện đẹp đẽ và hùng hồn nhất của thừa tác vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả mà mỗi người chúng ta lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội, như các văn kiện của Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh. Trong môi trường giáo dục của các Sư Huynh, đời sống thánh hiến của các tu sĩ trở nên dấu chỉ tiên tri, làm nổi bật tính thừa tác vụ phát sinh từ Bí tích Rửa tội, thúc đẩy mọi người (x. Lumen Gentium, số 44), tùy theo bậc sống và sứ vụ của mình, không phân biệt, để cùng góp phần như những chi thể sống động […] vào việc xây dựng Hội Thánh và làm cho Hội Thánh luôn được thánh hóa (x. Lumen Gentium, số 33).

Vì lý do đó, tôi cầu mong cho ơn gọi sống đời thánh hiến La San ngày càng triển nở, được khích lệ và vun trồng cả trong và ngoài các trường học của các Sư Huynh, và trong sự hiệp lực với các thành phần giáo dục khác, tiếp tục khơi lên nơi các bạn trẻ những hành trình nên thánh đầy vui tươi và sinh hoa kết quả.

Tôi cám ơn vì những gì các Sư Huynh đang thực hiện!

Tôi cầu nguyện cho các Sư Huynh và ban Phép lành Tòa Thánh cho các Sư Huynh, cách riêng mở rộng đến toàn thể Gia đình La San.

____________
Tâm Bùi lược dịch
Từ 
vatican.va
(Nguồn: hdgmvietnam.com)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top