Diễn văn của Đức Thánh Cha dành cho Hội nghị về chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện
WHĐ (17.11.2023) - Từ ngày 13 – 16. 11 vừa qua, Bộ Phong Thánh đã tổ chức một Hội nghị chuyên đề quốc tế về “Chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện” tại Học viện Giáo hoàng Augustinianum. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Hội nghị buổi tiếp kiến riêng vào sáng ngày 16.11.2023. Sau đây là nội dung Bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC THAM DỰ VIÊN
HỘI NGHỊ VỀ CHIỀU KÍCH CỘNG ĐOÀN CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Hội trường Clementine
Thứ Năm, ngày 16 tháng 11 năm 2023
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tôi hân hoan chào mừng anh chị em khi kết thúc Hội nghị chuyên đề về Chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện, do Bộ Phong Thánh tổ chức. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Marcello Semeraro, quý Bề trên, quý Viên chức, quý Thỉnh viên, và cộng tác viên, Đức Tổng Giám mục Paglia và toàn thể anh chị em, đến từ khắp nơi để tham gia vào công trình của những ngày này.
Anh chị em đã tặng tôi cuốn bình giải về Tông huấn Gaudete et exsultate, do Bộ xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của tôi. Tôi chân thành cảm ơn anh chị em! Tôi hy vọng rằng những suy tư trong tập sách này sẽ giúp nhiều người hiểu rõ hơn về lời mời gọi nên thánh phổ quát.
Chủ đề về lời mời gọi nên thánh phổ quát, và trong đó, chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện được Công đồng Vatican II đề cao và đề cập đến, đặc biệt là trong Hiến chế Lumen gentium (x. Chương V). Từ nhãn quan này, không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây, số lượng việc phong chân phước và phong thánh cho những người nam nữ thuộc các bậc sống khác nhau gia tăng đáng kể: những người kết hôn, độc thân, linh mục, những người thánh hiến, và giáo dân thuộc mọi lứa tuổi, nguồn gốc và văn hóa, ngay cả các gia đình – hãy nghĩ đến gia đình tử đạo người Ba Lan – Đặc biệt, trong Tông huấn Gaudete et exsultate, tôi muốn lưu ý đến việc tất cả anh chị em này đều thuộc về “dân thánh trung thành của Thiên Chúa” (số 6); cũng như sự gần gũi của họ với chúng ta, như là những vị thánh “ngay bên cạnh” (số 7), những thành viên trong cộng đoàn của chúng ta, những người sống đức ái cao cả trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày, cho dù với những giới hạn và khuyết điểm của mình đã theo Chúa Giêsu cho đến cùng. Vì vậy, bây giờ tôi muốn cùng anh chị em suy tư về chính chủ đề này, qua việc nêu bật 3 khía cạnh: sự thánh thiện hiệp nhất, sự thánh thiện gia đình, và sự thánh thiện tử đạo.
Thứ nhất, sự thánh thiện hiệp nhất. Chúng ta biết rằng ơn gọi mà tất cả chúng ta được kêu gọi thực hiện trước hết trong đức ái (x. Lumen gentium, 40), là hồng ân của Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5), vốn hiệp nhất chúng ta trong Đức Kitô và với anh chị em mình: do đó, đây là một biến cố không chỉ đơn thuần mang tính cá nhân mà còn mang tính cộng đoàn. Khi Thiên Chúa kêu gọi cá nhân, điều đó luôn mang lại thiện ích cho mọi người, như trường hợp của Ápraham và Môsê, Phêrô và Phaolô. Thiên Chúa gọi cá nhân cho một sứ mạng. Và hơn nữa, giống như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành, gọi tên từng con chiên của mình (x. Ga 10,3) và tìm kiếm con chiên lạc để đem nó về đàn (x. Lc 15,4-7), vì thế, việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa chỉ có thể diễn ra trong sự năng động của tham gia và chuyển cầu. Tin Mừng cho chúng ta thấy điều này, chẳng hạn như Mátthêu, người mà ngay khi được Chúa Giêsu gọi, đã mời bạn bè của mình đến gặp Đấng Thiên Sai (x. Mt 9, 9-13) hoặc như Phaolô, người sau khi gặp Đấng Phục Sinh, đã trở thành vị Tông đồ dân ngoại. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu có chiều kích cộng đoàn.
Thực tại này được Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu diễn tả một cách hết sức sinh động, vị thánh mà tôi đã ban hành Tông huấn C'est la confiance nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ngài. Trong các bài viết của mình, với hình ảnh được gợi hứng từ Kinh Thánh, thánh nữ chiêm ngưỡng toàn thể nhân loại như “khu vườn của Chúa Giêsu”, nơi tình yêu ôm lấy tất cả những bông hoa của mình theo cách thế vừa bao quát vừa độc quyền (x. Manuscript A, 2rv), và đòi hỏi được đốt cháy đến mức bừng cháy bởi ngọn lửa tình yêu ấy, để đến lượt mình, dẫn dắt tất cả anh chị em mình đến với ngọn lửa đó (x. Manuscript C, 34r-36v). Đây là loan báo Tin Mừng “bằng sức thu hút” (Tông huấn Evangelii gaudium, 14), là chứng tá và đồng thời là hoa trái của trải nghiệm thần bí cao nhất về tình yêu cá vị, và về “'mầu nhiệm' của việc chung sống" (Tông Hiến Veritatis gaudium, 4a). Trong đó, hai cách thế hiện diện của Chúa thâm nhập vào nhau, cả trong nội tâm của mỗi cá nhân (x. Ga 14,23), lẫn ở giữa những người quy tụ nhân danh Ngài (x. Mt 18,20); trong “lâu đài của nội tâm” và trong “lâu đài của cộng đoàn”, sử dụng một hình ảnh thân thương của Thánh Têrêsa Avila (x. Lâu đài Nội tâm). Sự thánh thiện hiệp nhất, và nhờ đức ái của Các Thánh, chúng ta có thể biết được mầu nhiệm Thiên Chúa là Đấng “hiệp nhất […] với mọi người” (x. Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22) và ôm lấy toàn thể nhân loại trong lòng thương xót của Ngài, để tất cả có thể nên một (x. Ga 17,22). Thế giới của chúng ta cần tìm được sự hiệp nhất và bình an trong vòng tay này biết bao!
Chúng ta chuyển sang điểm thứ hai: sự thánh thiện gia đình. Sự thánh thiện này tỏa sáng rực rỡ nơi Thánh Gia Nazareth (x. Tông huấn Gaudete et exsultate, 143). Tuy nhiên, Giáo hội ngày nay cống hiến cho chúng ta nhiều mẫu gương khác: “Có nhiều cặp vợ chồng thánh thiện, trong đó mỗi người là một phương tiện mà Đức Kitô dùng để thánh hóa người kia” (sđd. 141). Chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Louis và Zelia Martin; Chân phước Louis và Maria Beltrame Quattrocchi; Các Đấng đáng kính Tancredi và Julia Barolo; Các Đấng đáng kính Sergio và Domenica Bernardini. Sự thánh thiện của vợ chồng, cũng như sự thánh thiện cụ thể của hai người riêng biệt, cũng là sự thánh thiện chung trong hôn nhân: do đó, sự thánh thiện được nhân lên - chứ không phải chỉ được cộng thêm - hồng ân cá nhân của mỗi người được thông truyền. Và một tấm gương sáng về điều này, như tôi đã đề cập lúc đầu, gần đây đã được đưa ra cho chúng ta trong lễ phong chân phước cho cặp vợ chồng Jozef và Wiktoria Ulma cùng 7 người con của họ: tất cả đều tử đạo. Các ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Nên thánh là một hành trình trong cộng đoàn, sát cánh với những người khác” (sđd.), chứ không phải một mình. Luôn luôn được thực hiện với cộng đoàn.
Và bây giờ chúng ta đi đến điểm cuối cùng: sự thánh thiện tử đạo. Đây là một mô hình mạnh mẽ mà chúng ta có nhiều mẫu gương trong suốt lịch sử của Giáo hội, từ các cộng đoàn sơ khai cho đến thời hiện đại, qua nhiều thế kỷ và tại nhiều nơi trên thế giới. Cho đến nay, không có thời kỳ nào mà không có các vị tử đạo, Và chúng ta cho rằng những vị tử đạo này là một điều gì đó không tồn tại… nhưng hãy nghĩ đến một trường hợp của đời sống Kitô hữu sống trong sự tử đạo liên tục: trường hợp của Asia Bibi, người đã bị bỏ tù nhiều năm, và con gái của bà đã mang Mình Thánh đến cho bà… Và nhiều năm trôi qua cho đến khi các thẩm phán tuyên bố bà vô tội. Gần 9 năm làm chứng tá Kitô! Asia Bibi là một người phụ nữ vẫn tiếp tục sống, và có rất nhiều người giống như bà, làm chứng cho đức tin và đức ái. Và chúng ta đừng quên thời đại của chúng ta là một thời đại có nhiều vị tử đạo! Đôi khi họ là “toàn bộ cộng đoàn đã sống Tin Mừng một cách anh hùng hoặc đã dâng hiến cho Thiên Chúa mạng sống của tất cả các thành viên” (sđd.). Và vấn đề còn mở rộng hơn nữa nếu chúng ta suy xét chiều kích đại kết của cuộc tử đạo của họ, gợi nhớ tới những người thuộc mọi hệ phái Kitô (x. ivi., 9). Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến nhóm 21 vị tử đạo Coptic mới được đưa vào Sổ các thánh Tử đạo Rôma. Các ngài chết khi đang kêu tên “Giêsu”, “Giêsu”, “Giêsu” trên bãi biển….
Anh chị em thân mến, sự thánh thiện mang lại sức sống cho cộng đoàn, và với công việc của mình, anh chị em giúp chúng tôi hiểu và tôn vinh thực tại cũng như động lực của cộng đoàn ngày càng hữu hiệu hơn, theo nhiều lộ trình khác nhau mà anh chị em đánh giá và đề xuất cho chúng tôi tôn kính; tuy khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới cùng một mục tiêu: tình yêu trọn vẹn. Đây là lộ trình dẫn tới thánh thiện.
Tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều vì điều này, và tôi khuyến khích anh chị em hân hoan tiếp tục sứ mạng cao đẹp của mình, vì lợi ích của các cá nhân và sự phát triển của cộng đoàn. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Xin cảm ơn!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (16.11.2023)
bài liên quan mới nhất
- Hai Chân phước trẻ Frassati và Acutis sẽ được tuyên thánh vào Năm Thánh 2025
-
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và những ước nguyện -
Mừng lễ Các Thánh và những ước nguyện -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Nhận diện sự thánh thiện -
Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila -
Thánh Giuseppe Allamano, nhà truyền giáo không vượt trùng dương -
Têrêsa: Con đường tình nhỏ bé -
Luận về Phép Lạ của Thánh Phanxicô Assisi theo Tommaso Da Celano -
Sự thật về việc được in Năm Dấu Thánh của Thánh Phanxicô -
3 bài học từ cuộc đời của Thánh Monica dành cho các Kitô hữu hiện đại
bài liên quan đọc nhiều
- Sự khác biệt giữa Thiên thần và Tổng lãnh thiên thần
-
Thánh Phaolô: Hành trình từ Damas đến Roma -
Những câu nói của các Thánh về lòng Chúa thương xót -
Thánh Valentine thực sự là ai? -
Điều gì đã xảy ra với Mười Hai Vị Tông Đồ ? -
Danh sách Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ -
5 vị thánh đã từng tan vỡ cõi lòng sẽ phù giúp bạn trong ngày Valentine -
"Cười đến phút chót với Chiara": những giây phút cuối đời của Chiara Corbella -
Phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte tại Tàpao -
Năm vị thánh đem lại niềm vui và hài hước cho gia đình bạn