ĐHY George Pell, một năm sau khi được tuyên vô tội

ĐHY George Pell, một năm sau khi được tuyên vô tội

ĐHY George Pell, một năm sau khi được tuyên vô tội

ĐHY Pell trong Thánh lễ Canh thức Phục sinh do ĐTC Phanxicô chủ tế
tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 3-4-2021
(ảnh: Franco Origlia / Getty)

TGPSG – Bài viết dưới đây chỉ là ý kiến riêng của linh mục Raymond J. de So. Hẳn còn nhiều điều Tòa Thánh Vatican đã thấy rõ, nhưng cha Raymond có thể chưa thấy. Dù là như thế, bài viết này và vụ kiện này cũng cho thấy ĐHY George Pell có tâm hồn và cách ứng xử tuyệt đẹp, bất chấp mọi thử thách gian nan…

Một trong những điểm thu hút sự chú ý trong Tuần Thánh năm 2021 là Đức Hồng Y George Pell, cao hơn hầu hết các giám mục khác một cái đầu, có thể nhìn thấy rất rõ trong các nghi lễ của Giáo hoàng.

Chính trong Tuần Thánh năm ngoái 2020, vụ án kéo dài của ngài đã kết thúc, để cho ngài được tự do sau hơn 400 ngày biệt giam, và giải oan cho ngài khỏi tội lạm dụng tình dục, nhờ một phán quyết nhất trí của Tòa án tối cao Úc.

Trong suốt một năm qua, đã có 4 điều chính yếu được triển khai trong câu chuyện của Đức Hồng Y Pell.

1. Nhật ký trong tù

Đáng kể nhất là việc xuất bản tập đầu tiên của ‘Nhật ký trong tù’ - nhật ký hằng ngày mà ĐHY Pell đã viết khi bị giam giữ. Với một tinh thần hoàn toàn không có chút cay đắng hay tủi thân nào, vị hồng y này nhớ lại thế giới của mình đã bị thu nhỏ lại như thế nào trong phòng giam, “dài từ 7 đến 8 mét, rộng hơn 2 mét, với một cửa sổ mờ đục.

Bị giam cả ngày lẫn đêm, nhưng ĐHY Pell vẫn dành ra được một khoảng ngắn trong thời gian tập thể dục hằng ngày để viết nhật ký, thường xuyên ghi lại một chủ đề thông thường nhất - đó là chủ đề thời tiết. Tuy nhiên, thời tiết quả thật là rất quan trọng trong cuộc sống tù đày bị giảm thiểu cách nghiêm trọng của ngài; vì thời tiết khắc nghiệt có thể khiến ngài không được rời khỏi phòng biệt giam của mình.

Theo phán quyết của ban quản lý nhà tù, cần phải biệt giam ĐHY Pell để bảo vệ ngài khỏi bị các tù nhân khác tấn công. ĐHY rất bao dung khi đánh giá việc canh giữ ngài, nhưng đó vẫn là một hình phạt cực kỳ khắc nghiệt đối với một người không bị ai coi là mối đe dọa đối với người khác hoặc đối với an ninh trật tự.

Nhật ký của Đức Hồng Y Pell minh họa điều này: một tâm hồn cởi mở với Thiên Chúa thì không thể bị giam giữ hoàn toàn. Sự trung thành của ngài với lời cầu nguyện - chủ yếu là kinh nhật tụng, vì ngài đã bị từ chối không được dâng Thánh lễ - và những liên hệ rộng rãi với rất nhiều thông tín viên, khiến ngài không hề đơn độc trong khi bị biệt giam. Các tập sắp xuất bản của nhật ký chắc chắn sẽ được phát hành như một bài đọc tinh thần sâu sắc cho tất cả những người bị đau khổ oan ức.

Tập đầu tiên, kết thúc trước khi nói đến phán quyết của Tòa Phúc thẩm, cho thấy niềm tin chắc chắn ngài sẽ thắng khi kháng cáo. Ngài thậm chí còn thảo luận với các luật sư về cách sắp xếp đưa ra tuyên bố sau khi được minh oan. Nhưng kháng cáo đã thất bại, khiến ngài phải ngồi tù thêm 7 tháng.

2. Tư pháp Úc

Một trong những điểm đặc biệt rất lớn của việc truy tố ĐHY Pell là lệnh cấm hoàn toàn việc phổ biến vụ án, báo chí không được tường thuật bất cứ điều gì về vụ án. Kể từ khi ĐHY Pell được trả tự do, các công tố viên Úc đã phải dàn xếp với các công ty truyền thông bị buộc tội đưa tin bất hợp pháp về phiên tòa.

Người ta đã cho rằng phiên tòa của ĐHY Pell diễn ra bí mật thì sẽ có lợi cho ngài. Với hai phiên tòa - xét xử hai lời cáo buộc: một vụ ở Nhà thờ chính tòa Melbourne năm 1996, và vụ còn lại liên quan đến Giáo phận Ballarat của ngài vào những năm 1970 - người ta cho rằng việc xét xử công khai vụ kiện đầu tiên sẽ khiến bồi thẩm đoàn không thể công bằng đối với vụ kiện thứ hai. Đó không phải là một giả định vô lý, nhưng nó có tác dụng gây bất lợi cho Đức Hồng y Pell.

Nếu điều mà bên công tố đưa ra để tố cáo ĐHY Pell là hoàn toàn bất khả thi - được báo chí tường thuật hằng ngày - thì rất có thể cả cơ quan pháp luật và dư luận sẽ trở lại ủng hộ ngài như trước. Việc giữ kín quá trình tố tụng đã bảo vệ công tố viên để họ không ngại nỗ lực tưởng tượng thêm mà “bắt tội ĐHY Pell”. Nếu cho rằng việc truy tố Hồng y Pell được thúc đẩy, không phải vì công lý, mà bởi sự phẫn nộ của công chúng đối với Giáo hội nói chung và Đức Hồng y Pell nói riêng, thì việc làm dịu bớt công luận trong một phiên tòa công khai sẽ có lợi cho ngài.

Nhật ký trong tù của ĐHY Pell tiết lộ rằng: ĐHY vẫn tin tưởng vào công lý Úc ngay cả sau khi ngài bị kết án và bị bỏ tù, bất chấp bằng chứng đáng kể cho thấy: cảnh sát bang Victoria, nơi truy tố ngài, đã hết sức tham nhũng. Toàn bộ vụ việc đã khiến người ta phải đưa ra những câu hỏi về việc phải làm gì trong trường hợp các cơ quan dân sự kết án oan sai. Đó không phải là trường hợp hiếm gặp, tuy nhiên nhiều quy trình điều tra theo giáo luật về các cáo buộc lạm dụng đã khiến cho các cơ quan dân sự lại được coi là liêm chính.

3. Quy trình điều tra theo giáo luật

Khi lời kết tội Đức Hồng y Pell được công bố công khai vào đầu tháng 2-2019, Bộ Giáo lý Đức tin (GLĐT) đã thông báo rằng: Bộ sẽ mở cuộc điều tra riêng của mình. Các quy trình điều tra về lạm dụng đòi hỏi rằng: khi bất kỳ một giáo sĩ nào bị cáo buộc lạm dụng tình dục, thì Bộ GLĐT phải được thông báo nếu lời buộc tội đó ‘có vẻ là sự thật’. Một lời kết tội của tòa án (như trường hợp ĐHY Pell) chắc chắn là đã đáp ứng được tiêu chuẩn này. Nên một quy trình điều tra theo giáo luật đã được thực hiện ngay sau đó, mặc dù thường thì nó không được tiến hành cho đến khi các thủ tục hình sự hoàn tất.

Trong thời gian này, bị cáo bị tước các thừa tác vụ, như trường hợp Đức Hồng y Pell. Vì thế, khi vị hồng y này - sẽ bước qua tuổi 80 vào ngày 8/6/2021 - rõ ràng là đã quay trở về với chức vụ công khai của mình, thì có vẻ như cuộc điều tra theo giáo luật của Bộ GLĐT đã được hoàn tất theo chiều hướng tốt đẹp cho ngài. Tuy nhiên, điều đó đã không được công bố.

Trong một năm - kể từ khi Đức Hồng y Pell được trả tự do, Vatican đã không bình luận công khai về kết quả của cuộc điều tra theo giáo luật này. Ngay cả những người chỉ trích ngài ở Vatican cũng tin rằng những cáo buộc về ngài là hoàn toàn bịa đặt. Do đó phải nhận định rằng: việc Tòa án Tối cao của Úc tuyên bố ngài vô tội đã được chấp nhận như một cuộc điều tra đầy đủ kỹ lưỡng về vấn đề này rồi, và cuộc điều tra theo giáo luật cũng được khép lại một cách lặng lẽ.

Nhưng tại sao lại phải lặng lẽ như thế? Tại sao không có một thông báo công khai? Có thể là vì vụ án của Đức Hồng y Pell nêu bật tình huống khó xử sẽ xảy ra nếu quy trình điều tra theo giáo luật của Bộ GLĐT đưa ra một kết luận khác với kết luận do tiến tình điều tra hình sự hoặc dân sự của Úc đưa ra. Hãy tưởng tượng một linh mục bị kết án với những tội không thể xảy ra giống như thế, nhưng không có đủ nguồn lực để kháng cáo vụ kiện lên Tòa án Tối cao. Khi ấy, nếu một cuộc điều tra theo giáo luật kết luận rằng vị linh mục bị kết án oan ấy quả thật là vô tội, thì Giáo hội có can đảm thực hiện một cuộc điều tra như vậy, với những hậu quả của nó không?

Vatican đã tránh được kịch bản đầy ác mộng - là điều có thể xảy ra nếu Tòa án Tối cao của Úc từ chối kháng cáo của Đức Hồng y Pell hoặc ra phán quyết chống lại ngài. Một cuộc điều tra theo giáo luật chắc chắn sẽ cho thấy ngài vô tội, ngài không hư hỏng như lời của những người theo chủ nghĩa chống giáo sĩ thời thượng. Liệu Vatican có đủ can đảm thách thức phán quyết của hệ thống tư pháp hình sự của Úc không?

Trong toàn bộ vụ kiện, hầu hết tất cả các thông cáo báo chí của Vatican đều bày tỏ sự “tôn trọng” đối với tư pháp hình sự của nước Úc. Tại sao vậy? Rõ ràng là đã có sự thất bại ít nhất là trong trường hợp của Đức Hồng y Pell, khi đáng lẽ không cần phải kháng cáo lên Tòa án Tối cao của Úc, để cứu một người vô tội khỏi bị biệt giam 400 ngày.

Cũng nên nhớ rằng tiêu chuẩn để "kết tội" theo giáo luật không phải là tiêu chuẩn "trên mức nghi ngờ hợp lý" của các tòa án hình sự. Nó phải là một "sự chắc chắn về mặt luân lý". Trên lý thuyết và trong thực tế, lời tuyên bố vô tội trong các tòa án hình sự không có nghĩa là đương sự đã được minh oan theo giáo luật. Việc tuyên trắng án này không giải quyết xong nghị trình xét xử theo giáo luật. Đó là một lý do khác khiến cho cần phải có sự rõ ràng về kết quả cuộc điều tra Đức Hồng y Pell theo giáo luật.

4. Cải cách tài chính ở Vatican

Vào tháng 12-2019, ngay cả khi Đức Hồng Y Pell đang ở trong tù, và hai năm rời khỏi văn phòng ở Rôma, các câu chuyện về các khoản đầu tư bất động sản không tốt của Vatican ở London vẫn được phổ biến trên báo chí tài chính của Anh. Vụ bê bối tài chính ngày càng lan rộng - khiến ĐTC Phanxicô phải sa thải Hồng y Angelo Becciu - vẫn chưa đi đến hồi kết. Nhưng giờ đây rõ ràng là người ta đã ghi nhận ngay từ đầu những cải cách tài chính của ĐHY Pell, được ĐHY Becciu và ĐTC Phanxicô tán thành lúc đầu, sau đó bị đảo ngược.

Vào năm 2020, ĐTC Phanxicô đã đổi ý một lần nữa, quay trở lại chương trình ban đầu của ĐHY Pell. Trong khi ĐHY Pell không còn tại vị, việc nghỉ hưu của ngài ở Rôma chắc chắn sẽ dễ chịu hơn khi chứng kiến ​​chương trình cải cách của ngài đang được thực hiện. Những phát giác từ khi ngài ra khỏi tù cách nay một năm, đã chấm dứt điều này vào tháng trước nhờ các phán quyết từ các tòa án Anh và Ý, chứng minh rằng ĐHY Pell đã đúng khi mạnh mẽ theo đuổi điều mà sau này ngài có thể gọi là “tội phạm rực rỡ”.

Lm Raymond J. de So (NCR)
Tóc Ngắn & Biên Tú (TGPSG) chuyển ngữ

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top