ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá đi, và chúng tôi sẽ tin”. Người Do thái đã thách thức Chúa Giêsu như thế khi Người bị đóng đinh trên thập giá. Giả như chúng ta có mặt trên đồi Canvê chiều hôm ấy, liệu chúng ta có buông những lời thách thức đầy ngạo mạn ấy với Chúa Giêsu không? Tôi hồ nghi là có.
Trả lời như thế để đừng vội vã lên án những người đòi đóng đinh Chúa Giêsu. Đừng vội gọi người ta là quân dữ (với hàm nghĩa rằng mình tốt lành). Những lời thách thức kia có thể phát xuất từ niềm tin chân thành. Đã gọi là Thiên Chúa thì phải là Đấng toàn năng : “Tôi tin kính một Thiên Chúa toàn năng…”. Đã toàn năng thì làm gì chẳng được, huống chi xuống khỏi thập giá là chuyện quá dễ dàng! Mà nếu không xuống được thì rõ ràng không phải là Thiên Chúa rồi. Bản thân chúng ta lại không lý luận như vậy sao? Tại sao Chúa toàn năng mà lại để Hội Thánh phải chịu thiệt thòi đủ thứ thế này? Tại sao Chúa toàn năng mà lại không ngăn cơn sóng thần và động đất lại?
Đặt những câu hỏi như thế để thấy rằng khi Thiên Chúa chấp nhận để cho Con Ngài bị thế gian đóng đinh vào thập giá, Ngài đã bày tỏ cho ta thấy dung nhan một Thiên Chúa hoàn toàn khác. Đúng là Thiên Chúa toàn năng nhưng là sự toàn năng của tình yêu, tình yêu đi đến tận cùng, đến nỗi hiến dâng chính mạng sống mình cho thế gian được sống. Có thể nói Thập giá là cuộc cách mạng Copernique trong lịch sử tôn giáo, vì thập giá công bố một chân lý hoàn toàn mới về Thiên Chúa, mạc khải một dung mạo hoàn toàn mới về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng toàn năng nhưng là toàn năng của Tình Yêu.
Có điều là người ta không dễ chấp nhận một Thiên Chúa như thế. Người ta dễ dàng tin rằng Thiên Chúa là Đấng quyền năng nhưng lại không dễ chấp nhận Chúa là Tình Yêu. Giuđa bán Thầy vì tham tiền. Cũng có cách giải thích rằng ông chủ trương bạo lực và muốn thúc đẩy Chúa Giêsu sử dụng bạo lực nhưng không được. Cuối cùng ông tìm cách dồn Chúa vào đường cùng với hi vọng Người sẽ phản ứng để tự vệ. Không ngờ Chúa Giêsu chọn con đường yêu thương đến cùng. Và Giuđa tuyệt vọng! Phêrô cũng thế. Phản ứng đầu tiên của ông là vung gươm vì muốn giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Dân chúng buông lời thách thức cũng vì không chấp nhận được hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương đến độ chịu đóng đinh thập giá. Điều đó vẫn tái diễn trong lịch sử Hội Thánh, chẳng hạn như những cuộc thánh chiến hoặc những tòa án xử người dị giáo.
Hiểu như thế, ngày nay, nếu suy tôn Thánh Giá để hô hào bạo lực thì chỉ là đi vào vết xe đổ của những cuộc thánh chiến, vốn chẳng đem lại vinh quang cho Hội Thánh mà chỉ để lại vết nhơ trong lịch sử mà ngày nay Hội Thánh phải lên tiếng xin lỗi nhân loại. Nếu suy tôn Thánh Giá chỉ để kích động oán thù, dù dưới bất cứ hình thức nào, thì e rằng đã phản bội sứ điệp của Thánh Giá.
Cho nên chiều nay khi cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa và suy tôn Thánh Giá, xin Chúa cho chúng ta in sâu vào tâm trí mình chân lý này: suy tôn Thánh Giá là suy tôn tình yêu, tình yêu trọn vẹn, tình yêu đi đến tận cùng. Suy tôn như thế hàm chứa lời tuyên xưng tình yêu để tình yêu ấy thấm nhập và định hướng đời sống ta. Chỉ có tình yêu mới đem lại sự sống phục sinh. Chỉ có tình yêu mới ban tặng ơn cứu độ. Và chỉ có chứng tá tình yêu mới đáng tin trong thế giới này.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023