Để Chúa đến, để tình yêu đến…
William James có lần nói dí dỏm rằng: mỗi lần có hai người gặp nhau thì thật ra có đến sáu người hiện diện. Lý do là vì nơi mỗi người lại có đến ba ‘con người’. Có con người mà ta tưởng mình là. Lại có con người mà người khác nhìn thấy nơi ta. Và có con người thật của ta như ta là. Thế nên càng lớn tuổi, con người càng nhận ra mình đã sống hời hợt ở bề mặt chứ chưa sống đúng với sự thật về mình.
Ngay cả trong thế giới vật lý cũng thế. Cứ tưởng mình đang đứng hay ngồi yên một chỗ nhưng có phải thế đâu. Trái đất đang quay quanh mặt trời với tốc độ 67.000 dặm/giờ và phải mất một năm mới hết một vòng với chiều dài 580 triệu dặm. Ở trên một trái đất không ngừng vận chuyển như thế thì làm sao đứng yên! Mặt trời và các hành tinh khác trong Thái dương hệ cũng quay chung quanh thiên hà Milky Way với tốc độ còn lớn hơn nhiều. Mà vũ trụ này ước tính có đến 170 tỉ thiên hà!
Thế giới vật lý còn thế, huống chi đời sống xã hội và tinh thần. Sự kiện xã hội xảy ra là thế, nhưng chỉ là bề mặt thôi, còn đủ thứ tính toán bên trong, ai thấy được. Trong từng sự việc cũng vậy. Sự việc ở bề mặt là thế nhưng động lực nào dẫn đến hành động và sự việc đó? Ngay cả chính đương sự trong cuộc nhiều khi cũng bị đánh lừa hay tự lừa dối mình. Cho nên có khi trình bày động lực thật tốt nhưng thật ra lại có những xung lực chi phối bên trong mà chính đương sự không nhận ra hoặc không làm chủ được.
Vậy thì một trong những hệ luận cần rút ra là chớ bao giờ vội vã xét đoán sự việc hay con người nào đó. Những suy nghĩ và ý kiến của ta cần phải xét nghiệm lại dựa vào thực tế không ngừng biến chuyển. Và chớ bao giờ tự hào rằng mình là duy nhất và tuyệt đối đúng. Con người làm khổ nhau cũng chỉ vì ảo tưởng này.
Với thế giới tự nhiên và sinh hoạt xã hội mà đã khó thế, làm sao biết được Thiên Chúa? Đâu phải vô tình mà nhiều người chủ trương bất khả tri. May mắn thay, Thiên Chúa đã tỏ mình ra, không chỉ với Môsê khi Ngài trả lời ông: “Ta là Đấng Ta là”, nhưng nhất là trong thư thứ nhất của thánh Gioan: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Chính vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mới thực sự quan trọng. Yếu tính của Thiên Chúa không phải là sự cô độc hay chủ nghĩa cá nhân mà là chia sẻ, trao ban và đón nhận. Cũng chính vì tình yêu ấy mà bạn, tôi và mọi sự khác trong vũ trụ hiện hữu. Chúng ta được tạo dựng bởi tình yêu để sống yêu thương. Toàn bộ cuộc sống của ta có mục đích chính là để học yêu. Thiếu vắng điều này thì dù ta có học gì, làm gì, thành công gì, cũng vẫn là thiếu vắng và thất bại. Dựa theo lời Đức Giêsu nói với Martha, đó chính là “điều cần duy nhất” (Lc 10,42). Chân phước Gioan Phaolô II đã tóm tắt trong một câu tuyệt vời: “Tạo dựng nhân loại theo hình ảnh Ngài và không ngừng gìn giữ nhân loại được tồn tại, Thiên Chúa đã ghi khắc vào nhân tính chúng ta ơn gọi, do đó, cả khả năng và trách nhiệm, để yêu thương và thông hiệp. Vì thế, tình yêu là ơn gọi sâu xa và nền tảng của tất cả mọi người” (Tông huấn Gia Đình, số 11).
Teilhard de Chardin cũng nhìn thấy tình yêu là luật nền tảng của vũ trụ, là động lực đầu tiên và thiết yếu cho vũ trụ phát triển. Ông viết: “Những quan niệm duy thực và duy thực nghiệm luôn luôn tìm cách loại trừ tình yêu, thế nhưng sớm hay muộn rồi chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tình yêu là sức đẩy nền tảng của sự sống, hoặc nếu bạn thích hơn, đó là chất xúc tác tự nhiên cho dòng chảy tiến hóa đi lên. Bỏ mất tình yêu thì trước mắt chúng ta sẽ chẳng còn gì khác hơn là sâu bọ và mối mọt.. Chính qua tình yêu và trong tình yêu mà chúng ta phải đi tìm cái tôi sâu xa nhất của mình.
Tình yêu Thiên Chúa hệ tại ở chỗ trao ban chính mình, và chúng ta chỉ có thể chia sẻ tình yêu ấy khi chính mình cũng biết trao ban. Càng biết cho đi và trao ban, lại càng đón nhận được nhiều và nên phong phú hơn: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai đành mất mạng sống, sẽ được sống” (Lc 17,33). Thế nhưng tất cả chúng ta lại mang nơi mình thứ tình yêu quá ích kỷ, chỉ tập trung vào bản ngã mình. Không dễ dàng để bước ra khỏi quỹ đạo của sự ích kỷ. Thật vậy, có thể xem cả cuộc đời ta như một nỗ lực không ngừng để ngày càng vươn đến tình yêu đích thực, bớt ích kỷ hơn và biết hướng đến tha nhân hơn.
Hiểu như thế, mùa Vọng, mùa Chúa đến (Adventus) phải được hiểu là Tình Yêu đến. Sống mùa Vọng là sống tỉnh thức trước muôn vàn cám dỗ không ngừng lôi kéo ta vào quỹ đạo của ích kỷ, để biết mở lòng ra nhiều hơn, ra khỏi chính mình nhiều hơn, đến với tha nhân nhiều hơn, từ ngay trong tâm tưởng trước khi biến thành hành động.
Này, Tình Yêu đang đứng ngoài cửa, ai nghe tiếng của Tình Yêu và mở cửa, Tình Yêu sẽ vào và làm cho cuộc đời người ấy nở hoa hạnh phúc.
Mùa Vọng 2011
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19