Đã có Đức Tân Giáo hoàng: Cảm nhận và suy nghĩ

Đã có Đức Tân Giáo hoàng: Cảm nhận và suy nghĩ

WGPSG -- Ngày 14.03.2012, các phương tiện truyền thông như: báo chí, truyền hình, truyền thanh, internet, và nhất là những trang báo mạng Công giáo tập trung vào sự kiện trọng tâm của toàn thế giới: Giáo hội đã có Đức Tân Giáo Hoàng, đó là ĐHY Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, TGM giáo phận Buenos Aires, Argentina, với danh hiệu là Phanxicô.

Sự kiện trên đây gợi lên nơi mỗi Kitô hữu chúng ta những cảm nhận và suy nghĩ gì? Phải chăng đó là những tâm tình vui mừng và hy vọng vì Giáo hội đã có vị chủ chăn mới, kế vị thánh Phêrô? Ngoài những tâm tình cốt lõi cắm mốc nơi sự kiện ấy, bạn và tôi chắc còn nhiều cảm nhận và suy nghĩ khác.

Vui mừng và hy vọng

Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô, niềm vui mừng và hy vọng cho toàn thể Giáo hội Công giáo. Trên một số trang báo mạng có viết: “Tại Roma, hàng chục ngàn tín hữu và dân chúng dùng mọi cách để tuốn về Quảng trường thánh Phêrô để chào mừng vị tân Giáo Hoàng. Quảng trường đông chật người, các tín hữu nhẩy mừng, reo hò ca hát, phất cờ quốc gia của họ. Có những nhóm trương biểu ngữ hoan hô Đức Giáo Hoàng.” Vâng, làm sao không vui cho được, khi giờ đây con thuyền Giáo hội đã có người đứng mũi chịu sào, lèo lái con thuyền ấy vượt qua những sóng gió, nguy hiểm, đầy thách thức và phức tạp của thời đại hôm nay. Vì thế, gắn liền với niềm vui của hàng triệu tín hữu Công giáo trên toàn thế giới, phải chăng đó là tâm tình hy vọng Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô sẽ mang lại luồng gió mới cho Giáo hội Công giáo toàn cầu.

Thật vậy, thế giới và cuộc sống hôm nay có quá nhiều vấn đề thách thức niềm tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Những trào lưu tự do hưởng thụ, phá thai, ly dị, đồng tính, chủ nghĩa vật chất, cá nhân, quyền lực v.v… thường kéo chúng ta ra khỏi những cảm thức đức tin nhạy bén. Chúng ta cảm thấy khô khan, nguội lạnh, không muốn đi lễ Chúa nhật, đọc kinh, xưng tội, suy niệm hay làm những việc đạo đức để tôn thờ Thiên Chúa. Một thế giới dường như vắng bóng Thiên Chúa, nhường chỗ cho những thứ không phải là Thiên Chúa. Điều này có lẽ chất chồng trên đôi vai và tâm trí vị Tân Giáo Hoàng Phanxicô của chúng ta, của các hồng y, Giám mục, linh mục, phó tế; trong đó, có trách nhiệm của mỗi Kitô hữu chúng ta. Chúng ta nghĩ gì, đã sống như thế nào, và sẽ làm gì để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa lòng thế giới hôm nay? Một thế giới tôn thờ quyền lực, sự giàu sang và vật chất.

Khiêm nhượng và khó nghèo

Đức Tân Giáo Hoàng đã chọn cho mình danh hiệu là Phanxicô. Điều này gợi lên trong tâm trí mỗi Kitô hữu trên toàn thế giới những suy nghĩ gì? Có lẽ chúng ta phải lần lại cuộc đời của thánh Phanxicô Assisi. Ngài đã sống một đời khiêm nhượng và khó nghèo. Là con một nhà giàu, gấm vóc lụa là, nhưng ngài đã từ bỏ tất cả, trở thành kẻ hành khất, làm bạn với những người nghèo, gần gũi và sống như họ. Linh đạo này đã một thời mang lại luồng sinh khí mới cho Giáo hội thời xa xưa.

Thế nhưng, tại sao ĐHY Jorge Mario Bergoglio lại chọn cho đời Giáo hoàng của ngài danh hiệu là Phanxicô. Phải chăng ngài đang muốn làm dấy lên nguồn sức sống mạnh mẽ của Tin Mừng Chúa Giêsu nơi linh đạo thánh Phanxicô thành Assisi năm xưa? Nếu lần lại cuộc đời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy Ngài là vị tôn sư của khiêm nhượng và khó nghèo khi Ngài rao giảng rằng: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”, hay “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, và như thánh Phaolô đã nhắn nhủ mỗi tín hữu giáo đoàn Êphêsô: “Trong anh em, người nào làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (Eph 6,1)

Thật vậy, khiêm nhượng và khó nghèo là nét đẹp và giá trị cốt lõi của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô muốn gieo vào lòng thế giới hôm nay. Bởi thế, thiết nghĩ danh hiệu Phanxicô mà Đức Tân Giáo Hoàng đã chọn cũng là một dấu chỉ đáng để mỗi Kitô hữu chúng ta suy ngẫm về Giáo hội và về chính mình. Vậy, phải sống như thế nào mới sát với hai chữ “khiêm nhượng” trong Tin Mừng, hay “khó nghèo” có lạc hậu trong bối cảnh thế giới vật chất như hiện nay hay không?

Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô đã không chỉ lấy danh hiệu như thế mà ngài đã từng sống một cuộc đời như thế: “Khi làm TGM giáo phận Buenos Aires, nổi tiếng là gần gũi dân chúng và sống khiêm nhường. Ngài vẫn thường đi xe bus, viếng thăm người nghèo, sống trong một căn hộ đơn sơ và tự nấu ăn. Đối với nhiều người dân Buenos Aires, ngài thường được gọi bằng danh hiệu đơn sơ là “Cha Jorge”. ĐHY Bergoglio thiết lập các giáo xứ mới, chỉnh đốn các văn phòng hành chánh, hướng dẫn các sáng kiến bảo vệ sự sống và bắt đầu các chương trình mục vụ mới, như thành lập một Ủy ban về những người ly dị.” 

Điều còn đọng lại

Bạn thân mến, sự kiện trên đây rồi sẽ qua đi theo dòng chảy tất yếu của thời gian. Tất cả trở thành quá khứ, và mỗi Kitô hữu chúng ta đang sống giây phút hiện tại đầy sóng gió và thách thức đức tin. Tin tưởng vào Giáo hội, qua sự cai quản của Đức Tân Giáo Hoàng, mỗi chúng ta cần phải làm gì?

Thiết nghĩ rằng, mỗi chúng ta hy vọng Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là dấu chỉ, có những đường hướng cai quản và hướng dẫn con thuyền Giáo hội theo tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Vâng, làm sao để hạt giống Tin Mừng ấy có thể sống mãi trong tâm hồn chúng ta? Làm sao để Giáo hội có thể giới thiệu Chúa cho một thế giới dường như xa vắng Thiên Chúa như hiện nay? Trong tinh thần ấy, mỗi chúng ta cần lắng đọng tâm hồn để suy nghĩ và cầu nguyện cho chính mình, cho Đức Tân Giáo Hoàng, và cho Giáo hội chúng ta thật nhiều!

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top