Cuộc gặp gỡ liên tôn đầu năm 2014
Cuộc gặp gỡ liên tôn đầu năm 2014 của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn là với quý anh chị em đạo hữu Cao Đài tại Vĩnh Nguyên Tự, xã Long An, Huyện Cần Giuộc, Tỉnh Long An.
Nhận lời mời của Chánh Hội trưởng Vĩnh Nguyên Tự, sáng ngày 3.1.2014 (mùng 3 tháng Chạp năm Quý Tỵ), 7 thành viên đã cùng linh mục Trưởng Ban đến dự lễ Kỷ niệm 100 năm ngày viên tịch của Đức Lê Đạo Long và 105 năm kiến lập Vĩnh Nguyên Tự, một trong những di tích lịch sử đầu tiên của đạo Cao Đài.
Sau phần dâng hương và trình bày về cuộc đời và giáo huấn của Đức Tổ sư cũng như hoạt động từ thiện của Vĩnh Nguyên Tự trong năm qua, Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn được mời lên phát biểu cảm tưởng. Sau đây là nội dung phần chia sẻ do linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc trình bày.
* * *
Phát biểu của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP tại Vĩnh Nguyên Tự
Kính thưa Ban Cai quản và Bổn đạo Vĩnh Nguyên Tự,
Kính thưa Quý chức sắc, quý Đạo huynh, Đạo tỷ của các Hội Thánh Cao Đài, các Thánh sở, Thánh tịnh,
Kính thưa Đại diện chính quyền các cấp, cùng toàn thể quý đạo hữu, đạo tâm.
Cùng đến với tôi hôm nay có 7 anh chị em Công giáo tại Tp. HCM là thành viên của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn Tổng Giáo phận Tp.HCM, và từ nhiều năm qua chúng tôi được quen biết với Giáo sĩ Hoàng Mai là Chánh Hội Trưởng của Vĩnh Nguyên Tự ở đây.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự gần gũi, không phải chỉ do sự quen biết từ hơn 20 năm nay với Chánh Hội trưởng, với quý đạo tỷ, đạo huynh đó đây, mà còn là sự gần gũi về dòng họ. Gia đình bên ngoại của tôi xuất thân từ Long An này và ông ngoại của tôi là cụ Lê Văn Biện, ở gần cầu Voi.
Do đó, tôi được đánh động bởi lời Chánh Hội Trưởng nói: "Đạo không phải của một họ mà là của trăm họ". Cảm tưởng gần gũi khi đến đây như về quê của mình. Đọc và lắng nghe về đời tu hạnh và Thánh giáo của Đức Tổ Sư Lê Đạo Long, như người hậu bối, tôi đón nhận cách tâm đắc một Thánh giáo của ngài trong ngày này cách nay 44 năm, 3/12 năm Kỷ Dậu (10.1.1970), đó là:
"Gởi trao hậu thế chữ tân dân
Đừng quên nhứt quán tâm an tại
Hãy dẹp nhị nguyên tánh định phần
Rằng ghét rằng thương rằng hoạn khổ
Thuận thời an mạng sống chung trần." (1)
1. Tâm tình thứ nhất, tôi muốn chia sẻ với quý đạo tỷ, đạo huynh và quý khách, đó là tôi gặp ở đây một sự giao thoa của Nhân, Địa và Thiên.
Trước hết, lý do ta nêu ra là kỷ niệm 100 năm ngày đăng tiên của Tổ sư, nhưng hiền nhân đó lại chọn cái "địa" này, thành ra có thể nói Vĩnh Nguyên tự là một trong các di tích lịch sử thánh đầu tiên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Giống như người Công giáo gọi La Vang là linh địa thì ở đây cũng là linh địa đối với đạo hữu Cao Đài. Vùng đất Long An này có hiền nhân và linh địa. Tuy nhiên, nếu chỉ có "địa" và có "nhân" không thôi, thì nhiều sự trên thế gian này sẽ không thành. Người Việt Nam chúng ta, cho dù theo niềm tin tôn giáo nào đi nữa, đều đồng thuận với nhau rằng: “thành sự tại thiên”. Có lẽ về việc thành sự này mà thánh giáo của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn nói: "Thuận thời thì an mạng và sống chung trần".
2. Điểm thứ hai trong suy niệm tại chỗ - không phải là một bài diễn văn được dọn trước - sau khi lắng nghe các bài trình bày với cái tâm, tôi muốn chia sẻ với quý vị tâm nghiệm cũng như tâm nguyện của mình.
Đó là qua việc cử hành một biến cố lịch sử hôm nay, tôi còn cảm nhận được ở đây một sự giao thoa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta vừa nghe trình bày về quá khứ xa cách đây 100 năm (ngày đăng tiên của Đức lê Đạo Long) và 105 năm (kiến lập Vĩnh Nguyên Tự). Chúng ta cũng nghe những hậu bối của Đức Tổ Sư nói về việc hành thiện và tu thân trong quá khứ gần là một năm qua.
Tương lai như thế nào có lẽ chúng ta chưa biết hết, biết rõ, mặc dầu chúng ta có phóng chiếu những dự án và ước mong của mình vào tương lai đó. Nhưng giây phút hiện tại này, là giây phút thánh thiêng nhất, vì nó kết giao quá khứ, hiện tại và tương lai.
3. Và ý cuối cùng là nhân dịp đầu xuân của ngày hội liên giao hành đạo cũng như dịp giao kết nhiều thành phần trong cộng đồng dân tộc, tôi xin trích điều ước muốn của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn diễn tả trong Thi Bài năm Kỷ Dậu:
"Phải làm sao lập lại mùa xuân;
Mùa xuân không bị chuyển luân
Không vơi không cạn, mùa xuân vĩnh tồn." (2)
“Phải làm sao...?” Khi đọc thi bài này như một câu hỏi, tôi tìm được câu trả lời dựa trên cái danh của miền đất này, đó là Long An.
- Chữ "Long" đối với tôi như một lời mời gọi, làm sao sống thanh cao hơn, vì tất cả chúng ta đều là “con Rồng cháu Tiên”, làm sao phải thăng hoa toàn diện đời sống con người của mình, không phải chỉ về mặt thể lý, mà nhất là cả cái tâm tu. Vĩnh Nguyên tự vốn là nơi được dạy kinh Nhựt tụng, dạy Pháp Tu thiền. Đây là thế mạnh của linh địa này, chính kinh nguyện và thực hành pháp tu giúp cho chúng ta thực hiện được chữ "Long" này, là thanh cao để thăng hoa đời sống.
- Tiếp đến là chữ “An”, điều mà người dân Việt chúng ta thường chúc cho nhau mỗi dịp Xuân về, riêng với quý đạo hữu, đạo tâm, đối với người tu đạo, người có tâm đạo, thì “An” ở đây chính là Tâm An. "An" cũng là ước muốn của mọi người dân, là Dân An; và "An" còn mang nghĩa An Hòa.
Tuy nhiên, chỉ có Thượng Đế, Thiên Chúa, chỉ có yếu tố “Thiên” - mà Đạo giáo gọi là Thái cực - mới giúp chúng ta đạt được Long và An. Khi nghe Chánh Hội Trưởng nhắc đến "Vô vô hữu hữu, sắc sắc không không"..., thì tôi nghĩ rằng để có thể thực hiện được chữ "Long" và "An", cần có bí kíp, bí kíp đó chính là sự thuận Thiên.
Ước mong đây là lời chúc của người nhà Đạo dành cho nhau, nhưng đồng thời cũng là lời cầu chúc chân thành phát xuất từ tâm nguyện của tôi gởi đến toàn thể quý vị, sau khi lắng nghe các bài chia sẻ và tiếp cận với quá khứ cùng giáo huấn của Đức Tổ Sư Vĩnh Nguyên Tự này.
Xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người đã lắng nghe.
-------------------------------------
(1) Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Thánh giáo Sưu tập Lời dạy của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Kỷ niệm 100 năm thành lập Vĩnh Nguyên Tự (1908-2008), tr. 115.
(2) Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Thánh giáo Sưu tập Lời dạy của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Kỷ niệm 100 năm thành lập Vĩnh Nguyên Tự (1908-2008), tr. 117.
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565