Cuộc gặp gỡ Đại kết ngày kính thánh Phanxicô Assisi
Thứ Sáu 4.10.2013, ngày Giáo hội toàn cầu cùng kính nhớ thánh Phanxicô Assisi. Nhịp thở của Phụng vụ ngày lễ thì hầu như ở đâu cũng giống nhau, với bàn tiệc Lời Chúa được đề nghị và cử hành Thánh Thể, thế nhưng về hoạt động của Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Hồng y Gioan Baotixita, thì điều ngoại thường đã diễn ra.
Vị Giám mục Rôma đã rời Tòa Thánh để thực hiện cuộc hành hương đầu tiên của mình đến Assisi – bản quán của thánh Phanxicô. Chương trình thăm viếng gồm mười hai điểm chỉ trong một ngày.
Vị Tổng Giám mục Sài Gòn đã tham dự buổi Gặp gỡ ĐẠI KẾT (1) đầu tiên, theo phương thức Suy tôn Lời Chúa, để cầu nguyện cho hòa bình, tại Trung Tâm Mục Vụ TGP.
Cùng để cho Lời Chúa soi dẫn
Từ 14g30, gian phòng nhỏ bé mà trung tâm điểm là cuốn Kinh thánh, đã sẵn sàng đón tiếp các Kitô hữu bạn. Lần lượt các thân hữu và anh em thuộc các Hội thánh Tin Lành đến. Chúng tôi gặp nhau, tay bắt mặt mừng, có người mình đã từng gặp, có vị mới tương ngộ…, nhưng chỉ sau một lời giới thiệu ngắn… là chúng tôi có thể bước vào đàm đạo.
15g00, Linh mục Phanxicô Xaviê chào mừng và giới thiệu thành phần tham dự:
Mục sư Hồ Tấn Khoa – Phó Chủ tịch I Hiệp hội Thông Công Tin Lành Việt Nam
Mục sư Lê Quốc Huy và thầy Lâm (chấp sự) – Hội Thánh Báp-tít Ân Điển
Mục sư Dương Quang Vinh – Hội Thánh Agape Việt Nam
Mục sư Võ Thiên Phước – Hội Thánh Tin Lành Bình An
Cơ Đốc nhân Nguyễn Chương thuộc Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm
Bà Grace Mishler – Hội Thánh Brethren
Phía Công giáo tham dự cuộc họp mặt Đại kết có linh mục Tổng Đại Diện (Lm), các Linh mục, tu sĩ các dòng Scalabrini, Thừa sai Máu Châu Báu, Nagia, đại diện Phong trào Focolare… và các thành viên Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn.
Ý hướng của buổi Suy tôn Lời Chúa này là: “Hiệp nguyện với Hội Đồng Đại kết các Giáo Hội Kitô cầu cho hòa bình thế giới vào ngày 21/9/2013 và đáp lại lời kêu gọi Đức Giáo hoàng Phanxicô… Với niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa chính là Nguồn Sống Bình An và Tin Lành cho con người” (Trích Thư Mời do Đức Hồng y Gioan Baotixita ký ngày 27.9.2013)
Mọi người cùng lắng nghe Lời Chúa trong 1 Côrintô 13. Tiếp đến, các tham dự viên thinh lặng - cầu nguyện riêng trong năm phút… Đoạn trích Thư của sứ đồ Phaolô được công bố ba lần theo ba bản dịch Kinh Thánh (bản dịch do Liên hiệp Thánh Kinh Hội, bản dịch của Nhóm phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ và bản Anh ngữ New International Version).
Sau khi vài mục sư chia sẻ suy niệm Lời Chúa của mình, linh mục Tổng đại diện và chị N.A chia sẻ kinh nghiệm sống đức mến trong hành trình tông đồ của mình.
16g30, Đức Hồng y đến. Sau khi lắng nghe tâm tư của anh chị em, ngài bày tỏ tâm tình với những nét chính sau đây:
Tôi đã quan tâm và theo đuổi hoạt động Đại kết từ nhiều chục năm nay, bạn của tôi ở các Hội thánh khác rất nhiều. Khoảng hơn chục năm nay tôi lại càng cố gắng tìm thêm cơ hội tiếp xúc với nhau. Khi đi họp ở Singapore, Đức Tổng giám mục ở đó tặng tôi cuốn "Life application Study Bible" và ngài nói: “đây là Kinh thánh của anh em Tin Lành.” Đem về đọc và nghiên cứu, tôi nhận thấy điều này: “về nội dung Lời Chúa thì không khác biệt, cái khác nằm ở phần chú giải. Tôi lấy ví dụ: khi quý vị mở Thơ gởi cho Timôthê xem, sẽ thấy rằng phần chú giải trong cuốn Kinh Thánh Công giáo thì nhấn đến “chuyện trên trời” (thần học); còn phần chú giải nơi Kinh Thánh Tin Lành lại chú trọng đến việc quản trị cộng đoàn. Vậy thì cả hai phần này bổ túc cho nhau. Việc đối thoại Đại kết của chúng ta cũng vậy, hễ chúng ta đi tìm sự bổ túc cho nhau thì tốt đẹp, còn nếu không nhìn ở chiều kích bổ túc thì…
Phần cầu nguyện chung tiếp theo, như đáp lại Lời Chúa trong đoạn thư thánh Phaolô về Bài ca Đức Mến, làm toát lên bầu khí hiệp nhất Kitô, thật sốt mến, chân thành và sâu lắng… Đại diện anh chị em Công giáo và các Hội Thánh Tin Lành lần lượt dâng lời nguyện xin cho bình an, sự hài hòa với thiên nhiên và môi trường, cho các nhà lãnh đạo quốc gia và tôn giáo.
Sau cùng mọi người hiệp nguyện trong lời hát Kinh Hòa bình, lời nguyện được nhập thể cách sống động nơi cuộc đời và sứ điệp của thánh Phanxicô thành Assisi.
Cảm nhận về buổi cầu nguyện Đại Kết
- Tất cả chúng tôi cùng lắng nghe và đào sâu Lời Chúa qua ba lần đọc và suy gẫm.
- Lời chia sẻ của từng vị - Tin Lành cũng như Công giáo – đều được đón nhận trong tin yêu và trân trọng bởi mọi tham dự viên.
- Lời cầu nguyện - tự phát hoặc được chuẩn bị từ trước - của anh chị em đều phản ánh đức tin vào cùng một Thiên Chúa, ý ngay lành và xin ơn hoán cải vì thiện ích chung của nhân loại.
- Lời chia sẻ của Đức Hồng y về “tìm sự bổ túc” giữa anh chị em Công giáo và Tin Lành, trở thành định hướng cho hoạt động Đại kết trong tương lai của Giáo phận.
- Cuộc gặp gỡ Đại kết – Suy tôn Lời Chúa và cầu nguyện cho hòa bình - tuy đơn sơ và khiêm tốn về số người tham dự, nhưng đã đánh dấu một bước đáng ghi nhận trong cố gắng sống tinh thần Đại kết và xây dựng tình hiệp thông giữa anh chị em Kitô hữu (Cơ Đốc nhân) thuộc nhiều Giáo Hội có mặt tại Tp.HCM.
Ra đi trong hương Kinh Hòa bình
Đẹp thay, cuộc gặp gỡ Đại kết diễn ra đúng ngày lễ kính thánh Phanxicô Assisi (4/10), bổn mạng của Ban MV.ĐTLT. Ý nghĩa tương phùng, nhiệm lạ mà chúng tôi nghiệm ra trong ngày này là: Đức Giáo hoàng Phanxicô rời nhà đi gặp gỡ anh chị em mình tại Assisi (2), còn Đức Hồng y Gioan Baotixita cùng chúng tôi mở cửa nhà đón tiếp và gặp gỡ anh chị em mình.
Xin mượn lời chia sẻ của Mục sư Lê Đức Huy để thay cho lời kết:
- Khi chúng ta đọc và suy gẫm Lời Chúa lâu, chúng ta sẽ hiểu Lời Chúa hơn.
- Khi chúng ta làm việc thờ phượng Chúa nhiều, chúng ta sẽ gặp gỡ được Chúa.
- Khi chúng ta yêu thương anh chị em mình, thì đó là lúc Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta.
Những hành động này chẳng phải là nền tảng cho hòa bình và hiệp nhất huynh đệ đó sao?
------------------------------------
(1) Gặp gỡ giữa các tín hữu tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế.
(2) mời bạn đọc xem bài "Đức Thánh Cha Phanxicô tại Assisi"
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565