Cụ già 91 tuổi nhường vắc-xin cho mẹ của cậu bé khuyết tật

Cụ già 91 tuổi nhường vắc-xin cho mẹ của cậu bé khuyết tật

Cụ già 91 tuổi nhường vắc-xin cho mẹ của cậu bé khuyết tật

TGPSG / Aleteia -- "Cô ấy không được phép để cho mình nhiễm bệnh!" ông cụ đã nói như thế và quảng đại nhường phiên chích ngừa của ông cho mẹ của cậu bé khuyết tật.

Hiện nay nhờ nghiên cứu, ngoài vắc-xin mRNA, người ta còn tạo ra nhiều loại vắc-xin khác nữa để chống COVID-19, nhưng vấn đề lớn là việc cung cấp, phân phối và quản lý vắc-xin.

Một vấn đề quan trọng nữa là thứ tự tiêm vắc-xin cho người dân.

Quá trình này cần bắt đầu với những người dễ bị tổn thương nhất, mà trong đại dịch này, đó chính là những người cao tuổi. Nhóm đầu tiên được mời tiêm vắc-xin ở Ý là những người trên 80 tuổi; trong một số trường hợp, thậm chí cả những người trăm tuổi.

Những câu chuyện cụ thể, những giá trị phổ quát

Tuy nhiên, những câu chuyện thật về người thật lại dễ dàng cho thấy rằng: Các nguyên tắc về khuôn khổ nhất định không phải lúc nào cũng phù hợp. Ai là người dễ bị tổn thương và dễ bị nhiễm bệnh hơn: một ông cụ 91 tuổi hay một cậu bé khuyết tật không thể tiêm phòng, ít nguy cơ mắc bệnh hơn nhiều?

Ở miền trung nước Ý, có một ông cụ tên là Giancarlo, 91 tuổi, đã được hẹn tiêm liều vắc-xin đầu tiên. Nhưng ông không ngần ngại đề nghị nhường vắc-xin cho một người khác: cho mẹ của một cậu bé tàn tật, là người vài ngày trước đó đã xin được giúp đỡ. Tên cô ấy là Cinzia và con trai cô ấy tên là Mattia.

Vì tình trạng của Mattia không cho phép cậu tiêm vắc-xin, nên mẹ của Mattia (người chăm sóc chính của cậu) phải làm mọi thứ để bản thân mình không nhiễm bệnh. Trong trường hợp này, xã hội phải có nghĩa vụ đạo đức là bảo vệ những người dễ bị tổn thương càng nhiều càng tốt.

Tờ báo Firenze Repubblica đã đưa tin về những lời của cụ Giancarlo: “Hãy tiêm phòng cho cô ấy trước! Cô ấy là một bà mẹ có con khuyết tật. Cô ấy thực sự không được phép để cho mình nhiễm bệnh, không được phép mang vi-rút vào nhà. Còn tôi thì đã 91 tuổi rồi.” Mặc dù đã được hẹn tiêm phòng trước, nhưng ông cụ muốn nhường cho Cinzia và sẽ tiêm sau.

Câu trả lời của chính phủ

Lời đề nghị của cụ Giancarlo đã đến tai bà Erika Stefani - người mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Chăm sóc người Khuyết tật của Ý. Bà bộ trưởng này đã viết một lời ngỏ trên tờ báo La Nazione - ca ngợi cụ ông cao tuổi này vì sự nhạy cảm của cụ với nhu cầu của người khác và hứa sẽ tìm ra giải pháp. Trên cùng tờ báo này, cụ Giancarlo đã viết câu trả lời của mình:

“Nếu bà - vị bộ trưởng tốt bụng - muốn thể hiện một cách cụ thể lời khen ngợi của mình thì tôi xin khẩn cầu bà cho phép bác sĩ tiêm chủng cho một người mẹ đang lo lắng cho con trai mình thế chỗ của tôi. Đúng là cần tôn trọng các quy tắc để tránh bị lạm dụng, nhưng trong trường hợp này, việc trao đổi này không thuộc quy tắc ấy. Và bà có quyền cho phép trao đổi như thế. Xin vui lòng thực hiện quyền hạn của bà; chỉ khi đó tôi mới thấy hài lòng. Tôi biết là có nhiều khó khăn. Tôi cầu chúc bà và các đồng nghiệp được nhiều điều tốt đẹp trong công việc. Bà là niềm hy vọng cuối cùng cho hậu duệ của tôi.”

Sự sống quý giá đến mức có thể được dâng hiến

Tôi nhận ra sự khác biệt rất lớn giữa hai câu chuyện, nhưng nhiều năm trước, một hạ sĩ Đức Quốc xã đã chấp nhận một sự trao đổi để ban đặc ân cho một người đàn ông có gia đình. Người đã hiến thân cho người khác, người đã chết và tha thứ cho những kẻ hành quyết mình, đã được tôn kính giữa các vị thánh sáng chói nhất của thế kỷ XX đen tối: đó là Thánh Maximilian Kolbe.

Bản thân Thánh Maximilian Kolbe cảm thấy rằng: sự sống của mình - rất đáng trọng và quý giá - có thể được dâng hiến để bảo vệ sự sống của một người đàn ông đang có những đứa con nhỏ rất cần đến ông. (Tất nhiên đây không phải là lý do duy nhất của thánh nhân, bởi vì khía cạnh quan trọng nhất trong nghĩa cử của ngài là khía cạnh tâm linh, muốn cứu rỗi các linh hồn.)

Đó là một nghĩa cử mà các Kitô hữu thực hiện không phải vì khinh thường mạng sống của mình, mà chính là vì họ hiểu rõ giá trị của nó: nó được Thiên Chúa gìn giữ và biến đổi để tồn tại đến muôn đời. Mọi hy sinh vì tình yêu đều giống như Hy tế của Chúa Kitô.

Cụ ông lớn tuổi này không bị giam trong trại tập trung và bà mẹ này cũng vậy - không ai có ý định làm cô ấy đổ máu. Nhưng thật là đúng đắn khi cô ấy nói ra nhu cầu của mình và yêu cầu được quyền bảo vệ cho đứa con trai không có khả năng tự bảo vệ mình. Và cũng thật là đúng khi một cụ ông vì lòng bác ái mà có thể nói: "Hãy cho cô ấy liều vắc-xin của tôi vì cô ấy phải tránh cho mình khỏi mắc bệnh."

Toàn xã hội nên tự hỏi: "Chúng ta bảo vệ ai trước?" Không chỉ những người lớn tuổi nhất mà còn là những người dễ bị tổn thương nhất hoặc đáng quý nhất, những người đang phục vụ hoàn toàn và vĩnh viễn cho một người đặc biệt mong manh - một đứa trẻ, vợ/chồng hoặc cha mẹ tàn tật - những người sống trong tình trạng bất lực.

Đây là một ngoại lệ - nó không biện minh cho luật lệ, nhưng cải thiện luật lệ.

Một kết quả rất tích cực

Kết quả rất thỏa đáng: Cả ông Giancarlo và cô Cinzia đều sẽ được tiêm phòng. Sự kiên quyết công khai của cụ ông cao tuổi đã thu hút người ta chú ý đến những người khuyết tật: hơn những người khác, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ.

Báo La Nazione đã trích dẫn lời của cụ Giancarlo trước “thắng lợi” của mình: “Nhiệm vụ của tôi đã kết thúc. Giờ thì tôi có thể đi tiêm phòng rồi.”

Chính quyền của vùng Tuscany đã thực sự thay đổi chính sách tiêm chủng của mình để cho phép những người có hoàn cảnh như cô Cinzia và con trai của cô được ưu tiên hơn. Ông Gi­ancarlo và cô Cinzia có thể được tiêm vắc-xin trong cùng một ngày. Để không ai được phép nói rằng: một người đơn độc không thể tạo ra được sự thay đổi!

Paola Belletti (Aleteia)
N.Nguyệt & Biên Tú (TGPSG) chuyển ngữ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top