Cơ hội nào cho người trẻ “chữa lành”…
WHĐ (16/11/2024) – Bài viết nói về vấn đề làm sao để những người trẻ - tương lai của Giáo hội có thể hiệp hành để ‘đồng tâm nhất trí’ xây dựng Hội Thánh cùng nhau trong khi bản thân còn nhiều bất ổn về tinh thần? Liệu Giáo hội ngày nay có bị thương tổn khi mang trong mình những thành viên đầy tổn thương?
Dẫn nhập
Một trong những từ khoá nóng nhất trong thời gian gần đây trên mạng xã hội là “chữa lành”. Từ một thuật ngữ của y khoa, tâm lý học, bỗng được mọi người nhắc đến với tần suất cao đến mức có khi trở nên phản cảm và gây khó chịu cho người nghe.
Tuy nhiên, sau những ý kiến trái chiều và tranh cãi, một điều đáng suy ngẫm là dường như việc giới trẻ gặp những tổn thương tâm trí là điều có thật. Vậy làm sao để những người trẻ - tương lai của Giáo hội có thể hiệp hành để ‘đồng tâm nhất trí’ xây dựng Hội Thánh cùng nhau trong khi bản thân còn nhiều bất ổn về tinh thần? Liệu Giáo hội ngày nay có bị thương tổn khi mang trong mình những thành viên đầy tổn thương?
1. Khi người trẻ tổn thương
Nhiều bậc cao niên nhận xét rằng thế hệ trẻ ngày nay dễ bị tổn thương hơn các thế hệ cha ông. Trong khi đó, nhiều người trẻ lại lên tiếng than phiền về những áp lực cuộc sống và sự khác biệt không thể chia sẻ do khoảng cách thế hệ. Vậy người trẻ hiện nay trong bối cảnh xã hội có nguy cơ đối diện với các vấn đề gì?
Nhiều bài nghiên cứu xã hội dùng thuật ngữ ‘PAID’ - ‘thế hệ trả giá’ để nói về người trẻ hiện nay (Hougaard và cộng sự, 2015, 2016; Arnold và cộng sự, 2023). Trong đó P là Pressure - chỉ việc người trẻ chịu rất nhiều áp lực cuộc sống. Từ áp lực học tập với các các kỳ thi và thành tích đến áp lực phải đậu vào trường đại học để tìm cơ hội việc làm. Khi tốt nghiệp và bước vào độ tuổi lao động, người trẻ còn phải đứng trước thách thức về môi trường làm việc và các mối quan hệ đồng nghiệp. Ngoài ra, người trẻ cũng luôn phải đối diện với áp lực đồng đẳng khi đặt mình trong tương quan với những người cùng trang lứa.
Để duy trì một cuộc sống ổn định, sung túc cũng chưa bao giờ là điều dễ dàng trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid 19 và làn sóng layoff tiếp tục gia tăng trên toàn cầu.
A chính là Always on chỉ về hiện tượng nhiều người trẻ bị lệ thuộc vào mạng Internet và luôn phải giữ cho bản thân trực tuyến. Việc kết nối mạng qua chiếc điện thoại cầm tay hay máy tính là một nhu cầu thiết yếu. Sóng wifi cũng từ đó trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các bối cảnh từ cơ quan đến trường học, từ công viên đến bệnh viện. Bắt đầu bằng việc sử dụng nhiều, lạm dụng và kết quả là lệ thuộc vào Internet, từ đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống, các mối quan hệ, công việc. Ở mỗi độ tuổi, Internet lại thu hút các đối tượng ở những khía cạnh khác nhau. Trong thực tế, không chỉ giới trẻ, nhiều bậc phụ huynh, hay các tu sĩ, linh mục đôi lúc cũng khó rời màn hình điện thoại của mình.
Những nghiên cứu khoa học đã được thực hiện để tìm ra mối liên hệ giữa các yếu tố về tính cách, tâm lý của một người với tình trạng nghiện Internet. Tác giả Ryan và Xenos (2011) đã chỉ ra rằng những người sử dụng mạng xã hội Facebook thường có mức độ cô đơn trong gia đình (Family Loneliness) cao hơn những người không sử dụng. Cô đơn trong gia đình chính là việc một người thiếu cảm nhận được mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên khác. Một điều cần lưu ý là tác giả Lasgaard và cộng sự (2011) đã chỉ ra tình trạng cô đơn trong gia đình có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ tự hoại thân thể (self-harm) và các rối loạn ăn uống khi làm nghiên cứu trên 1009 học sinh trung học tại Đan Mạch.
Điều này có thể gợi ý cho chúng ta suy nghĩ về hiện trạng khi vào các bữa cơm gia đình các thành viên vẫn liên tục chú ý vào màn hình điện thoại thay vì nhìn mặt nhau và có những tương tác qua lại. Dường như từ khi Internet và các thiết bị số len lỏi vào các sinh hoạt của gia đình, cha mẹ và con cái ít dành sự quan tâm đến nhau hơn? Khi vào nhà thờ, cũng không khó để bắt gặp tình trạng nhiều người vừa tham dự thánh lễ nhưng vẫn lướt mạng ‘một cách sốt sắng’.
Một trong những nguyên nhân của hiện tượng lạm dụng Internet có thể xuất phát từ quan niệm cho rằng giao tiếp trực tuyến sẽ an toàn, hiệu quả, thoải mái hơn khi đối diện với một con người thực sự (Caplan, 2003). Từ đó, người ta dễ tăng dần thời gian tương tác trực tuyến và dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào Internet. Sự tự tin vào bản thân cũng được xem là một trong những nhân tố quan trọng có liên quan đến việc lạm dụng Internet. Những thanh thiếu niên kém tự tin thường dễ rơi vào tình trạng lạm dụng Internet (Steinfeld, Ellison và Lampe, 2008).
Hậu quả của việc nghiện internet có thể đưa đến tình trạng có những thay đổi tiêu cực về mặt cảm xúc như chán nản, cáu gắt, lo âu, căng thẳng… Từ đó, nhiều rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Ngoài ra, sử dụng Internet liên tục, kéo dài còn có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Tại Nghệ An, tháng 06 năm 2020 có một vụ án chấn động dư luận khi một học sinh lớp 11 khai nhận đã “làm theo trò chơi điện tử” để bắt cóc em bé 5 tuổi gần nhà đem giấu trong rừng (Báo Lao Động, 2021). Sự kiện trên đã dẫn đến cái chết thương tâm của bé. Trước đó, vào năm 2019, một thanh niên nghiện game, có những biểu hiện bất thường về tâm thần ở Thanh Hoá đã xông vào trường tiểu học dùng dao đâm cô giáo và một số học sinh khiến một em tử vong (Hải, 2019).
Đằng sau câu chuyện đau lòng của gia đình các nạn nhân lẫn gia đình thủ phạm là câu hỏi trăn trở dành cho phụ huynh, người làm giáo dục và những nhà chuyên môn có liên quan. Đối diện với thực trạng trên, đâu là giải pháp cho gia đình và xã hội nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của lạm dụng Internet đối với con em mình?
Chữ I trong PAID có nghĩa là Information Overload, chỉ về hiện trạng người trẻ bị bội thực giữa một rừng thông tin từ mạng xã hội, thiết bị nghe nhìn… Người ta dễ dàng tiếp thu, dễ dàng phẫn nộ, lên án, ném đá và dễ dàng “quay đầu” khi nhận ra mình bị lừa bởi thông tin sai lạc. Phải chăng đó là sự bù trừ cho những giới hạn, khó khăn về phương tiện và khả năng tiếp cận thông tin của những thế hệ quá khứ?
Tuy nhiên khi tập trung xử lý quá nhiều các thông tin bên ngoài, chúng ta dễ bỏ quên thế giới nội tâm bên trong. Để rồi khi các sự kiện qua đi, người trẻ có nguy cơ đối diện với sự trống rỗng của tâm hồn. Chính Đức thánh cha Phanxicô cũng từng cảnh báo về sự trống rỗng của người trẻ giữa thế giới kỹ thuật số trong Tông huấn Đức Kitô đang sống dành cho người trẻ: “Chẳng hạn, đúng là thế giới kỹ thuật số có thể đẩy con vào nguy cơ của sự khép kín cô lập và lạc thú trống rỗng. Nhưng con đừng quên rằng cũng có những người trẻ sáng tạo và có khi rất giỏi trong môi trường ấy. Đó là trường hợp của Đấng đáng kính Carlo Acutis.” (Christus Vivit, số 104)
Chữ D cuối cùng trong PAID là Distraction nói về sự phân tâm. Dường như nhiều áp lực đẩy người trẻ vào tình trạng luôn phải đối diện và xử lý nhiều vấn đề cùng lúc. Việc học, việc làm, sinh hoạt, trải nghiệm, yêu đương… có thể làm một người luôn trong trạng thái “đa nhiệm” (Multi task).
Một số nghiên cứu chỉ ra khi con người làm nhiều việc cùng lúc dễ bị phân tâm hơn và lâu dần làm cho họ có thể gặp khó khăn trong việc tập trung sự chú ý ngay cả khi họ không làm nhiều việc cùng một lúc (Moisala và cộng sự, 2016). Người đa nhiệm cũng có nguy cơ giảm hiệu suất công việc và dễ bị mắc sai sót (Madore và Wagner, 2019).
2. Thương tổn cá nhân trong sang chấn tập thể
Đã là con người, không ai tránh khỏi những đau khổ và bất hạnh. Mầu nhiệm, sự dữ luôn là một điều khó hiểu đối với kiếp nhân sinh. Khi đối diện với tổn thương, tuỳ thuộc vào trải nghiệm và cách diễn giải của mỗi cá nhân, chúng ta có thể gặp phải những sang chấn. Sang chấn có thể là việc bị thất bại, lừa dối, bị phản bội hay gây tổn thương. Sang chấn cũng có thể đến từ các chia ly trong mối quan hệ, sự mất mát người thân yêu hay tài sản quý. Sang chấn dường như là một phần của khổ đau và gắn liền với cuộc đời.
Sang chấn tâm lý là tổn thương về tâm trí do những sự kiện căng thẳng, đe dọa từ môi trường bên ngoài tác động đến chúng ta. Sang chấn tâm lý gây nên sự quá tải về cảm xúc, nhận thức, cơ thể và để lại nhiều hậu quả tiêu cực kéo dài.
Tùy theo trải nghiệm chủ quan, khi đối diện với cùng một sự kiện đau thương, mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau. Có những người nhanh chóng giảm dần mức độ căng thẳng theo thời gian nhờ vào quá trình tự phục hồi của tâm trí. Tuy nhiên, một số khác lại gặp phải tình trạng căng thẳng kéo dài và đưa đến các rối loạn tâm thần như rối loạn stress cấp, stress sau sang chấn (PTSD), trầm cảm, lo âu…
Thế nhưng, trong tư cách là một thành viên của cộng đồng nhân loại, chúng ta lại có chung trải nghiệm với cộng đồng những biến cố, sự kiện theo dòng thời gian. Người trẻ phải chia sẻ với nhau những sang chấn lớn hơn được gọi tên là “sang chấn tập thể”. Khác với sang chấn của cá nhân, sang chấn tập thể của một cộng đồng có thể tồn tại qua nhiều thế hệ và thời gian. Các tổn thương đó là ký ức chung về một sự kiện khủng khiếp đã xảy ra cho cộng đồng (Hirschberger, 2018).
Chiến tranh, khủng bố và cả cơn đại dịch COVID 19 chẳng phải là một sang chấn tập thể đối với thế hệ đã trải qua đó sao? Gia đình Việt Nam nào chẳng có những nhân chứng sống động về một thời đạn bom và những khổ đau của chiến sự. Tất cả người trẻ hôm nay đều là những người may mắn sống sót qua cơn ôn dịch kinh hoàng.
Ở góc độ cộng đồng, sang chấn tập thể (collective trauma) có thể tác động tiêu cực làm mất kết nối trong cộng đồng. Tất cả thành viên trong xã hội đều trải nghiệm sự sợ hãi và cảnh giác cao độ. Đời sống xã hội bị gián đoạn do giãn cách ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt đời sống con người như kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, sức khỏe tinh thần…
3. Chữa lành thật sự
Khi đã có tổn thương, chắc chắn cần nhu cầu được chữa lành. Tâm trí chúng ta có khả năng tự phục hồi (recovery) và mỗi người đều tồn tại nơi mình sức bật tinh thần (resilience) nên sau khi tổn thương, chưa cần chữa thì chúng ta sẽ có xu hướng lành. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi sang chấn quá lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần khiến chúng ta không thể tự phục hồi, cần các nhà chuyên môn được đào tạo như nhà tâm lý lâm sàng, nhà tham vấn tâm lý, bác sĩ tâm thần… đồng hành và trợ giúp.
Sức bật tinh thần có thể được xem như sức đề kháng của tâm trí là kết quả của việc thích ứng thành công với nghịch cảnh (Zautra et al., 2010), được mô tả là khả năng chịu đựng những thất bại, thích nghi một cách tích cực và phục hồi từ các nghịch cảnh (Luthar & Cicchetti, 2001). Hơn nữa, sức bật tinh thần được giải thích là khả năng bật dậy sau những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực và thích ứng một cách linh hoạt với những yêu cầu thay đổi của các trải nghiệm gây căng thẳng (Lazarus, 1993).
Các yếu tố quan trọng giúp người trẻ gia tăng ‘sức đề kháng tâm trí’ chính là tính sáng tạo (Simonton, 2000), hài hước (Masten, 1994), sự lạc quan, trí thông minh (Chang & Sanna, 2001; Tusaie-Mumford, 2001). Ngoài ra, môi trường cũng ảnh hưởng đến sức bật tinh thần bao gồm nâng đỡ xã hội được nhận thức hoặc cảm giác sự kết nối và các sự kiện trong cuộc sống (Masten, 1994).
Như thế sau khi đã thừa nhận những nguy cơ tổn thương về tinh thần ở người trẻ, việc trợ giúp để họ phục hồi và lành mạnh là điều cần thiết từ gia đình, cộng đoàn, xã hội và Giáo hội. Đời sống cầu nguyện là một yếu tố quan trọng để chữa lành người trẻ. Trong cầu nguyện, chúng ta kết hiệp được với Chúa Thánh Thần - Đấng được biết đến với danh hiệu Paracletus cũng thường được dịch là “Đấng An ủi” (GLHT 693). Các nghiên cứu cũng chỉ ra những người có giấc ngủ tốt và cầu nguyện thường xuyên cũng được ghi nhận sức bật tinh thần cao (Killgore et al., 2020).
Một yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng cho người trẻ là các nâng đỡ xã hội (social support) từ những thành viên trong gia đình, bạn bè và những người quan trọng khác về phương diện vật chất lẫn tinh thần (Samuel & Burger, 2020). Nâng đỡ xã hội tác động chính đến sự an lành (well-being) của con người đóng vai trò trung gian (buffering model) bảo vệ con người khỏi những tác động bất lợi do sự kiện căng thẳng gây ra (Cohen & Wills, 1985). Các nghiên cứu cũng chứng minh nâng đỡ xã hội được xem như một biện pháp hỗ trợ để ứng phó với căng thẳng ở những công nhân bị thất nghiệp (Gore, 1973).
Vậy với người trẻ trong làn sóng khó khăn kinh tế, việc làm và cả sự mất bình an của đời sống, dường như yếu tố cộng đoàn lại một lần nữa được nhấn mạnh. Từ bối cảnh gia đình với những bữa cơm, giờ kinh tối đến hội đoàn, cộng đoàn giáo xứ và rộng hơn là Giáo hội đều là các điểm tựa vững vàng cho người trẻ. Có lẽ, trong muôn vàn thiết chế của xã hội hôm nay, Giáo hội dù cho là kho tàng của ân sủng Chúa Kito cũng khó cạnh tranh lại về độ hấp dẫn, thu hút người trẻ đến với mình. Thế nhưng, chính Đức thánh cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng năm 2013 đã mạnh mẽ mời gọi: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”. (Số 49). Ngài mời gọi các thành phần dân Chúa ra khỏi phòng thánh (số 20), ra khỏi chính mình (số 27), ra khỏi giáo xứ (số 28), để đồng hành gần gũi với đàn chiên (số 44).
Chính sự chủ động đi bước trước đó sẽ đem đến niềm an ủi và nâng đỡ thật sự cho những người trẻ tổn thương giữa lòng thế giới hôm nay. Một Giáo hội tổn thương gặp gỡ những người trẻ tổn thương để cùng được chữa lành và thánh hoá trong Đức Kitô.
Giuse Vương Nguyễn Toàn Thiện
Gx. Đồng Tiến – TGP. Sài Gòn
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)
Tài liệu tham khảo
– Arnold, M., Goldschmitt, M., & Rigotti, T. (2023). Dealing with information overload: a comprehensive review. Frontiers in Psychology, 14.
https://doi.org/10.3389/fpsyg.2023.1122200
– Caplan, S. E. (2003). Preference for online social interaction. Communication Research, 30(6), 625–648. https://doi.org/10.1177/0093650203257842
– Chang, E., & Sanna, L. (2001). Optimism, pessimism, and positive and negative affectivity in middle-aged adults: a test of a cognitive-affective model of psychological adjustment. Psychol Aging, 16(3), 524-531.
– Cohen, S., & Wills, T. A. (1985). Stress, social support, and the buffering hypothesis. PSYCHOL BULL, 98(2), 310-357.
– Francis, P. (2019). Christus vivit. Our Sunday Visitor.
– Francis, P. (2014). Evangelii Gaudium-the Joy of the Gospel. Word Among Us Press.
– Gore, S. (1973). The influence of social support and related variables in ameliorating the consequence of job loss.
– Hải M. (2019, May 4). Thanh niên xông vào trường chém chết học sinh. thanhnien.vn.
https://thanhnien.vn/thanh-nien-xong-vao-truong-chem-chet-hoc-sinh-185846936.htm
– Hirschberger, G. (2018). Collective trauma and the social construction of meaning.
Frontiers in Psychology, 9. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2018.01441
– Hougaard, R., Carter, J., & Coutts, G. (2015). MINDFUL LEADERSHIP: ACHIEVING RESULTS BY MANAGING THE MIND. Leader to Leader, 2016(79), 49–56.
https://doi.org/10.1002/ltl.20218
– Hougaard, R., Carter, J., & Coutts, G. (2016). One second ahead. In Palgrave Macmillan US
eBooks. https://doi.org/10.1057/9781137551924
– Lasgaard, M., Goossens, L., Bramsen, R. H., Trillingsgaard, T., & Elklit, A. (2011). Different sources of loneliness are associated with different forms of psychopathology in adolescence. Journal of Research in Personality, 45(2), 233–237.
https://doi.org/10.1016/j.jrp.2010.12.005
– Luthar, S. S., & Cicchetti, D. (2001). The constuct of resilience: implications for interventions and social policies. Dev. Psychopathol, 12(4), 857-885.
– Madore, K. P., & Wagner, A. D. (2019, March). Multicosts of multitasking. In Cerebrum: the Dana forum on brain science (Vol. 2019). Dana Foundation.
– Masten, A. S. (1994). Resilience in individual development: successful adaptation. In Educational Resilience in Inner City America: Challenge and Prospects (pp. 3-25). Hillsdale.
– Mây H. (2021, January 8). Nghiện Internet: Cha mẹ hãy giúp con thoát khỏi “không gian ảo.” Báo Lao Động.
https://laodong.vn/ban-doc/nghien-internet-cha-me-hay-giup-con-thoat-khoi-khong-gian-ao-869074.ldo
– Moisala, M., Salmela, V., Hietajärvi, L., Salo, E., Carlson, S., Salonen, O., Lonka, K., Hakkarainen, K., Salmela-Aro, K., & Alho, K. (2016). Media multitasking is associated with distractibility and increased prefrontal activity in adolescents and young adults. NeuroImage, 134, 113–121. https://doi.org/10.1016/j.neuroimage.2016.04.011
– Ryan, T., & Xenos, S. (2011). Who uses Facebook? An investigation into the relationship between the Big Five, shyness, narcissism, loneliness, and Facebook usage.
Computers in Human Behavior, 27(5), 1658–1664. https://doi.org/10.1016/j.chb.2011.02.004
– Samuel, R., & Burger, K. (2020). Negative life events, self-efficacy, and social support: Risk and protective factors for school dropout intentions and dropout. Journal of Educational Psychology, 112, 973-986. https://doi.org/10.1037/edu0000406
– Simonton, D. K. (2000). Creativity. Am Psychol, 151–158.
– Steinfield, C., Ellison, N. B., & Lampe, C. (2008). Social capital, self-esteem, and use of online social network sites: A longitudinal analysis. Journal of Applied Developmental Psychology, 29(6), 434–445. https://doi.org/10.1016/j.appdev.2008.07.002
– Tusaie-Mumford, K. (2001). Psychosocial Resilience in Rural Adolescents: Optimism, Perceived Social Support, and Gender Differences (dissertation).
– Zautra, A. J., Hall, J. S., & Murray, K. E. (2010). Resilience: a new definition of health for people and communities. In Handbook of adult resilience (pp. 3-29). The Guilford Press.
bài liên quan mới nhất
- Huấn luyện người trẻ-thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể
-
Những định hướng căn bản để bảo vệ trẻ vị thành niên trong Hội thánh -
Vì sao người trẻ dấn thân - Động lực hay phản lực? -
Vatican phát động cuộc thi nhiếp ảnh cho giới trẻ đánh dấu Năm Thánh Thể thao 2025 -
Giới trẻ tham gia đời sống Giáo hội -
Giới trẻ Công giáo Việt Nam loan báo Tin mừng trong không gian kỹ thuật số -
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Giới trẻ và thiếu nhi tham gia vào đời sống Giáo hội -
Giải Bóng Đá LAUDATO SI 2024 -
ĐTC Phanxicô nói với sinh viên: Hãy thực hiện "cuộc cách mạng bác ái và phục vụ" -
Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2024 – “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh (Is 40,31)
bài liên quan đọc nhiều
- Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng Lễ Chúa Phục Sinh 2024
-
Người trẻ và việc phân định: Ơn gọi Độc thân Thánh hiến hay Ơn gọi Hôn nhân -
Bạn trẻ Công giáo nói không với thủ dâm, tại sao? -
Giới trẻ, định hướng cho cuộc đời -
JMJ Lisbon 2023: Mười lời khuyên của Đức Phanxicô cho Giới Trẻ -
Công bố Logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 -
Các Thế hệ trẻ và Mục vụ Giới trẻ -
Ban Mục Vụ Giới Trẻ -
Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 35 (năm 2020) của Đức thánh cha Phanxicô -
Bài hát chủ đề Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023, phiên bản Việt ngữ