Chuyên đề: Để nhà thờ hấp dẫn người trẻ
WGPSG -- Năm 2005, khi đến thăm Giáo Hội Việt Nam, Đức Hồng y Sepe đã có những lời nhận xét rất tích cực về đời sống đạo của giáo dân Việt Nam, tại Việt Nam hiện nay vẫn còn giữ được các sinh hoạt mà tại nhiều xã hội Châu Âu đã không còn nữa. Có lẽ ngài muốn nói đến những Thánh lễ luôn đông người, có nơi, ngày Chúa nhật đã cử hành tới 6 hoặc 8 Thánh lễ nhưng vẫn có đông người tham dự.
Có thể đó chỉ là những nhận xét mang tính ngoại giao của một vị khách, còn người trong nhà là Đức GM. Bùi văn Đọc trong một lần nói chuyện tại Trung tâm Mục vụ đã nhận xét, tính “đơn sơ vui vẻ” trong những buổi họp mặt của các tín hữu thời sơ khai (Thánh lễ) như đã được thuật lại trong Công vụ Tông đồ hôm nay chúng ta đã không giữ được, và ngài đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân.
Vì thế, nhà thờ và Thánh lễ luôn là chủ đề nóng, rất nóng trong đời sống đạo của người tín hữu, cách riêng cho giới trẻ, tương lai của Giáo Hội. Tại nhiều nước Tây Phương và Châu Âu, người ta ít còn quan tâm đến nhà thờ và Thánh lễ, có nơi người ta chỉ đến nhà thờ nhiều nhất chỉ là 3 lần: lần thứ nhất, chịu phép rửa tội, lần thứ hai nằm trong quan tài khi đã qua đời, lần thứ ba lễ cưới, nhận bí tích Hôn phối. Trong một thế giới phẳng với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, điều đã xảy ra ở trời Tây hôm qua, chẳng có gì đảm bảo sẽ không xảy ra ở đây lúc này và cả ngày mai đang đến.
Vào lúc 14g thứ bảy 28/11/2009 tại hội trường Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, hơn 200 người đã tham dự buổi nói chuyện với chủ đề: “Làm thế nào để nhà thờ hấp dẫn giới trẻ thời @” Buổi nói chuyện chuyên đề lần này chính là điểm nhấn, là trung tâm của khoá chuyên đề số 5 trong tháng 11 và 12, mà nữ tu Maria Hồng Quế dành đặc biệt để các bạn trẻ có thể bộc lộ tất cả tâm tư tình cảm với mọi người. Đây cũng là một sân chơi quý báu giúp các bạn trẻ có cơ hội nói lên tiếng nói của mình.
CHA ƠI! XIN LẮNG NGHE
Các bạn trẻ lớp kỹ năng sống đã mang đến cho cử tọa là quí cha, quí tu sĩ nam nữ và nhất là quí phụ huynh, cha mẹ của chính các bạn trẻ về những suy tư, mong đợi của các bạn đối với Thánh lễ, với các linh mục và nhất là với ước mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Giáo Hội và gia đình đối với các bạn trẻ thời đại @ này. Xin được tóm tắt một vài ý tưởng như sau:
Không trình bày từ cảm tính cá nhân, nhưng đây là công trình khảo sát và công sức đầu tư của chính các bạn trong suốt 3 tuần lễ, từ bài viết đến video clip phỏng vấn mà các bạn đã tham khảo 170 bạn trẻ công giáo, hầu hết các là sinh viên xa nhà.
3 đề tài được đưa ra:
1) “Làm thế nào để Thánh lễ hấp dẫn người trẻ” do hai bạn nữ sinh Kim Quyên và Thảo Quyên trình bày. Dựa trên cơ sở khảo sát 170 bạn trẻ mà phần lớn là sinh viên xa nhà lên thành phố, nhóm đã thu được một số kết quả và ghi nhận đáng quan tâm.
- Với câu hỏi thứ nhất “Vì sao bạn tham dự thánh lễ?” phần lớn các bạn trả lời: mong ước được gặp Chúa để tìm thấy sự bình an, thanh thản và giảm căng thẳng mà chính cuộc sống, đôi khi không biết bám víu vào đâu nơi đất khách quê người. Họ mong ước Thánh lễ giúp họ có thêm nghị lực để sống, để thấy cuộc đời này còn có nhiều giá trị cao đẹp hơn chính những gì họ đang theo đuổi.
- Thế nhưng thực tế lại chẳng như họ mong muốn, bởi một phần không nhỏ trong số họ đã nói rất rõ rằng, vì là người Công Giáo nên họ phải đi tham dự thánh lễ Chúa nhật hằng tuần, chẳng qua là để giữ luật Hội Thánh chứ không mong muốn gì!
2) “Bạn thích phần nào nhất trong Thánh lễ?” Ngoài phần thánh ca mang lại chút cảm tình cho các bạn trẻ, phần còn lại đều là những nhận xét kém vui và không hay, nào là bộ lễ nhàm chán, bài giảng của linh mục không thực tế, quá cao siêu hay chỉ tập trung vào Lời Chúa mà không quan tâm gì đến giới trẻ.
- Các lời nguyện tín hữu không liên quan gì đến người trẻ trong khi họ thật sự mong muốn được góp phần một cách chủ động; ngoài ra trong một số nghi thức khác như dâng bánh rượu chỉ là các công thức nhàm chán, đơn điệu, cần thêm tâm tình, ước muốn mà người trẻ chưa được thấu hiểu; một bạn chia sẻ có lần tham dự thánh lễ của người Phillipines, thấy rất cảm động khi đọc kinh “lạy Cha” mọi người cùng nắm tay nhau và cả khi “chúc bình an”, bạn cũng nhận thấy hơi ấm của gia đình khi mọi người bắt tay nhau, ôm nhau, hôn nhau và trao cho nhau lời chúc “Peace be with you”.
Ngoài kết quả khảo sát trên giấy, các bạn còn mang đến cho thính giả một đoạn video clip như một lời khẳng định “chúng con thật sự quan tâm đến thánh lễ, nhưng thực tế thật là đáng nản”
* “Làm thế nào để các lớp giáo lý và các sinh hoạt trong giáo xứ hấp dẫn người trẻ?” do 2 bạn Cao Hải và Tâm Anh trình bày, có một số điểm rất đáng lưu ý như sau:
- Các hội đoàn dành cho các bạn trẻ dường như tập trung chủ yếu là giáo lý viên, ca đoàn, lễ sinh, ngoài ra còn có giới trẻ, thanh sinh công. Thế nhưng, phần đông trong số các bạn tham gia nhiều nhất là giáo lý viên và ca đoàn. Thiết nghĩ đây là môi trường thuận tiện để phát huy những khả năng của các bạn nhưng có cả tích cực và không thiếu tiêu cực.
- Một số bạn khi tham gia Giáo lý viên đã gặp khó khăn như: áp lực của công việc, đi học, áp lực chính trong môi trường giáo lý, áp lực từ các đấng bề trên, từ phía ban đại diện giáo lý; từ phía các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh và cả ngay áp lực từ phía các đồng nghiệp của mình là những người với cùng tinh thần phục vụ.
- Ngoài những áp lực đó còn một số yếu tố cũng tác động, một số chưa thật sự nhiệt tâm, kỹ năng giảng dạy chưa cao đã làm tinh thần phục vụ của các bạn suy giảm.
- Và cuối cùng, một số lượng không nhỏ các bậc phụ huynh không thích cho các bạn trẻ tham gia sinh hoạt trong giáo xứ, vì lý do, sợ con mình phân tâm trong việc học cũng như công việc gia đình.
* Trước khi qua đề tài thứ ba thiết nghĩ nên điểm qua một số nét chính trong tiểu phẩm “Nỗi lòng ông chánh trương” mà các bạn đã tự sáng tác, để phản ảnh thực trạng đức tin của một gia đình công giáo tại Việt Nam, với nội dung:
- Là người ông trong gia đình và cũng là Chánh trương trong giáo xứ, ông Toàn rất quan tâm đến đời sống đạo của con của cháu. Thế nhưng quan niệm và hành động của ông không mang lại đời sống đạo cho con cháu như ông mong muốn.
- Hai đứa cháu của ông một nam một nữ thuộc thế hệ @, còn cha mẹ dù quan tâm đến con, nhưng đời sống tâm linh của họ chỉ dừng lại ở phạm vi giữ luật.
- thực trạng xã hội cho thấy các cháu ông bị cuốn hút vào các thể loại nhạc trẻ, bóng đá và nhất là việc học hành ở trường, ở trung tâm,học nhóm, còn về đời sống tâm linh, trong mắt các em chỉ thấy một Thánh lễ buồn chán với kinh kệ, các nghi thức dài dòng, ông linh mục thì thuộc vào hàng “Tiến sĩ gây mê”, và Thánh lễ thậm chí chỉ làm mất thời giờ của các em, trong khi có thể làm được nhiều việc khác hay hơn. Về phía cha mẹ thì chạy theo những nhu cầu xã hội và nuông chiều con quá mức, đến nỗi chính họ đã trở thành những tấm gương không hay trong mắt chúng.
Đứng trước thái độ sống đạo của con cháu, xin mượn lời ông chánh trương để đúc kết “…Tao không vào thiên đàng thay tụi mày được đâu!!!”
Đâu là giá trị thật của ngày hôm nay và giới trẻ mong đợi gì ở các vị linh mục, tu sĩ và nhất là nơi các bậc phụ huynh của mình?
3) “Người trẻ mong đợi gì nơi các linh mục và tu sĩ thời @?”
Một người Kitô hữu có ít nhất hai lần phải đến nhà thờ: một là khi đến nhà thờ để lãnh nhận Bí tích Rửa tội, và hai là khi đã qua đời được mọi người khiêng tới. Tuy nhiên, giữa hai lần đó còn biết bao lần khác mà những người trẻ thực sự mong muốn được thấy nơi người linh mục và tu sĩ, là một nhân chứng sống hơn là một thầy dạy; một sự đối thoại thân mật không khoảng cách và một sự lắng nghe không phê phán.
- Vài gợi ý suy tư: “Đặt một linh mục khôn ngoan nhưng nguội lạnh ở nhà thờ Chánh Toà, không ai thèm đến. Đặt một linh mục thánh thiện đạo đức ở nơi hẻo lánh, giáo dân lũ lượt tuôn đến”
* Đề nghị của các bạn trẻ:
- Thánh lễ:
+ Nên thay đổi một số bộ lễ mới làm sinh động thánh lễ và cuốn hút hơn
+ Trong thánh lễ có thể hát thánh ca nhiều hơn để lôi cuốn các bạn
+ Linh mục nên đầu tư vào bài giảng nhiều hơn, nhất là quan tâm đến giới trẻ.
+ Lời nguyện tín hữu tâm tình và thực tế hơn
+ Có thể thay đổi cách thức khi đọc kinh lạy cha và chúc bình an
+ Giới trẻ cần có người hướng dẫn để hiểu và yêu mến thánh lễ.
- Sinh hoạt giáo xứ
+ Nên đầu tư vào phòng học, thiết bị thay vì xây dựng những nhà thờ nguy nga, tốn kém.
+ Cần thiết cho sự giao lưu với các xứ bạn để mở mang kiến thức và nâng cao tinh thần hy sinh, phục vụ
+ Sự quan tâm hơn của quí cha và các vị hướng dẫn đối với người trẻ
+ Bồi dưỡng kiến thức cũng như tâm linh giúp các bạn nuôi sống ơn gọi phục vụ
- Về phía gia đình:
+ Cần sự quan tâm hơn nữa không chỉ về mặt vật chất nhưng cả về đời sống tâm linh
+ tạo điều kiện để các bạn có thêm thời gian đến với nhà thờ và các sinh hoạt trong giáo xứ.
* Chia sẻ và hy vọng
- Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Mục vụ Gia đình cũng là Thư ký HĐGM bày tỏ sự quan tâm và thấu hiểu của các bạn trẻ qua 2 lời tóm gọn “I LOVE YOU” VÀ “I AM SORRY”.
- Nữ tu Hồng Quế cũng đồng cảm với các bạn và chia sẻ chuyến đi nói chuyện với các linh mục, tu sĩ ở Giáo phận Xuân Lộc đợt vừa rồi về đề tài “stress của các vị mục tử.” Qua đó chúng ta nhận thấy không phải các linh mục và tu sĩ không quan tâm đến các bạn trẻ, nhưng còn nhiều vấn đề khiến các vị không thể thực hiện được điều mong muốn.
- Cha Giuse dòng Donbosco chia sẻ qua lời của Đức GM. Phaolô Bùi văn Đọc “Anh chị em hãy thương lấy các Cha”; đồng thời bày tỏ “những gì các bạn đã trình bày là cơ hội giúp các linh mục, mà riêng cha phải khâm phục và tri ân, đồng thời kiểm điểm lại bản thân để làm sao đáp ứng được nhu cầu thời đại. Kết lại, cha nghĩ phải làm sao để thánh giá của mỗi người trở nên giải pháp mang lại niềm hạnh phúc cho cuộc đời họ.
- Trong giờ giải lao, một nữ tu Dòng Trinh Vương cũng bày tỏ sự đồng cảm với các bạn trẻ về kinh nghiệm như thế khi dạy giáo lý ở một vài xứ, phòng học cũng như trang thiết bị rất thiếu thốn, nhưng giáo xứ chỉ quan tâm lo xây dựng, sửa chữa nhà thờ mà ít quan tâm đến vấn đề giáo dục.
- Chị Lành hiện đang phụ trách khoá huấn luyện huynh trưởng cũng bày tỏ sự yêu mến dành cho các bạn trẻ, vì chính kinh nghiệm giảng dạy của chị cho thấy, các bạn của nhóm kỹ năng sống đã làm rất tốt việc của mình, đồng thời cũng mang đến cho chị một niềm tin vào tương lai người trẻ sẽ thật sự được quan tâm.
- Hai phụ huynh của bạn Tuấn trong nhóm kịch khi được hỏi về những gì xảy ra trong vở kịch, có thật sự đã xảy ra nơi gia đình bác không, thì được biết Tuấn không chỉ là người con ngoan, mà hiện còn đang đi dạy giáo lý trong xứ nhà. Hôm nay hai bác rất tự hào vì con mình và đã thu xếp mọi việc trong nhà, để lên cổ vũ và xem con thể hiện vai trò của mình.
- Mục sư Liên, Nhóm Trưởng lão đã trình bày vấn đề giáo dục. Qua nhiều trích dẫn Thánh Kinh, nữ Mục sư đã giúp cử tọa nhiều điều bổ ích.
bài liên quan mới nhất
- “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Mừng thọ - Lời tạ ơn và bài học cho người Kitô hữu -
Lắng -
Nhịp bước với Mẹ Maria trong cuộc hành hương hy vọng -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Sáng - Chúa Giêsu chịu phép rửa -
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa -
Lý do theo Kinh Thánh để chúng ta phải tránh nói hành nói xấu -
Mùa Giáng Sinh lần hạt Năm Sự Vui -
Ba bước chân hành hương thực hiện trong cuộc sống -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 01/2025: Cầu cho quyền được giáo dục
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19