Chuyên đề "Cha mẹ: Người thầy đầu tiên của con cái"

Chuyên đề "Cha mẹ: Người thầy đầu tiên của con cái"

WGPSG -- “Nhân cách của mỗi người chúng ta được xây dựng từ trong gia đình, trưởng thành nhờ cha mẹ, anh chị em, hít thở bầu khí ấm áp của gia đình. Gia đình còn là nơi chúng ta học cách đối thoại và giao tiếp giữa con người với con người, học biết yêu thương và tha thứ”. (Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Đại hội Gia đình 2013)

Theo định kỳ sinh hoạt hằng tháng, lúc 08g30 thứ Bảy ngày 14/11/2015, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TPHCM, Ban Mục vụ Gia Đình đã có buổi sinh hoạt với chuyên đề "Cha Mẹ: Người thầy đầu tiên của con cái".

Hiện diện trong buổi sinh hoạt chuyên đề có Linh mục phụ trách Luy Nguyễn Anh Tuấn; Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc; Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền; quý tu sỹ, quý giảng viên và các tham dự viên. 

Chương trình được khai mạc với lời cầu nguyện cho các gia đình, sau đó tham dự viên và Ban Tổ chức cùng theo dõi video clip phỏng vấn Đức Tổng Giám mục (ĐTGM) Phaolô Bùi Văn Đọc về Đại hội Gia Đình thế giới 2015 và Thượng Hội đồng Giám Mục (THĐGM) kỳ 14.

Theo ĐTGM, THĐGM năm 2015 thảo luận về sứ vụ của các gia đình, trong đó nhấn mạnh đến vai trò chủ động của các gia đình, qua việc tích cực đến với các gia đình khác để đồng hành, chia sẻ, yêu thương, nhất là những gia đình trẻ. Linh đạo của gia đình phải dựa trên bí tích Hôn Phối, bất khả phân ly. Năm nay, THĐGM cũng nhấn mạnh đến Linh đạo Lòng Thương Xót (LTX) Chúa, LTX Chúa phải được đi sâu vào trong lòng Giáo hội và trong các gia đình, để chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau. Trong bản tóm lược phúc trình, ĐTGM nhấn mạnh đến những phần quan trọng cần quan tâm nhiều nhất là Sứ vụ gia đình: Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, cần chuẩn bị giáo lý hôn nhân thật tốt; đồng hành với những gia đình bắt đầu đời sống hôn nhân; các linh mục, thừa tác viên sinh hoạt trong Mục vụ Gia Đình, cần được đào tạo chuyên sâu trong sứ vụ gia đình, có tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, luôn luôn đồng hành với các gia đình.

Phần tiếp theo, Thầy Uông Đại Bằng, giảng viên giáo lý, chia sẻ về chuyến tham dự Đại hội Gia Đình thế giới 2015 tại Philadenphia.

Cha Luy chia sẻ: THĐGM lần thứ 14 có 2 gia đình chứng nhân đặc biệt, một gia đình trẻ rất sống động, một gia đình được tuyên thánh ngay trong thời gian diễn ra THĐGM. Gia đình trẻ 41 và 45 tuổi là anh Patrizia & chị Massino Paloni, họ có 12 người con. Đến tham dự THĐGM, họ muốn góp tham luận bằng chính sự hiện diện của gia đình mình, bằng những tâm tình tri ân cảm tạ mà họ cảm nhận được từ tình yêu gia đình, qua hôn nhân của Hội Thánh. Gia đình Chân phước Louis và Zélie là đôi vợ chồng đầu tiên đồng thời được phong thánh, ông bà là song thân của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, hai chứng từ trong THĐGM, là hình ảnh tiêu biểu để đi vào chủ đề “Gia đình với sứ vụ và ơn gọi”, đồng thời nói lên tính tích cực của ơn gọi phục vụ trong bí tích Hôn Phối. Thật vậy, trong gia đình, cha mẹ là người thông truyền sự sống cho con cái và là người thầy đầu tiên dạy dỗ con cái trưởng thành về nhân cách, dạy con có trách nhiệm với bản thân, yêu thương những người chung quanh, dạy con mỗi ngày một lớn lên và tự đứng vững trên đôi chân của mình. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II nhắc nhớ chúng ta, hãy “dạy con là”, không “dạy con có”, bởi “cái con là” sẽ đi theo con suốt cuộc đời, còn “cái con có” sẽ mất đi. Trong gia đình, ngoài cha mẹ, còn có ông bà, ông bà là những người lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm sống, có thời gian gần gũi với con cháu, ngoài xã hội có thầy cô, trong giáo xứ có các anh chị giáo lý viên, linh mục, tu sỹ cùng góp phần xây dựng nên một con người hoàn thiện về thể lý, tri thức, tâm linh. Nhưng cha mẹ luôn luôn là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc giáo dục con cái, việc truyền thụ đức tin cho con cái cần phải được dạy dỗ thường xuyên, thông qua giờ kinh tối trong gia đình, giờ cầu nguyện, thói quen cầu nguyện thường xuyên sẽ giúp con cái ngày càng trưởng thành trong đức tin; nhờ đó, thử thách thế gian không thể làm con cái chúng ta sa ngã. Đa số các gia đình trẻ ngày nay thường làm ngược lại, họ cho con học đủ thứ, nhưng lại không chăm lo giáo dục đức tin, giáo dục nhân bản cho con cái… Vậy chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu, học hỏi để cùng nhau thăng tiến trong trách nhiệm là cha mẹ.

Tiếp theo là phần đặt câu hỏi, chia sẻ trải nghiệm cuộc sống gia đình của các tham dự viên.

Một bạn chia sẻ: Bạn mới lập gia đình với một người tân tòng, bạn đang cố gắng sống truyền giáo ngay trong gia đình bằng những việc nho nhỏ như chu toàn bổn phận người chồng người cha để người bạn đường cảm nhận được Thiên Chúa đang hiện diện trong gia đình, đồng thời nêu gương sáng cho con cái noi theo, vì cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái.

Bạn khác đặt câu hỏi: Bạn gặp rất nhiều khó khăn khi sống trong gia đình chồng không cùng tôn giáo, sự nghi ngờ, đố kỵ mẹ chồng nàng dâu, những nghi thức biểu lộ lòng hiếu kính đối với ông bà cha mẹ đã khuất lồng trong nghi thức tôn giáo đã làm bạn rất lúng túng, nếu không cử hành nghi thức đó sẽ bị coi là bất hiếu đối với ông bà tổ tiên, còn ngược lại bạn cảm thấy như mình đang thờ hai Chúa. Cha Bảo Lộc phụ trách đối thoại liên tôn trả lời, khi sống trong một gia đình không cùng tôn giáo đòi hỏi người Kitô giáo phải hy sinh rất nhiều để có thể lan tỏa niềm tin Kitô giáo ngay trong gia đình mình, đồng thời với những nghi thức của tôn giáo bạn chúng ta có thể linh động trong từng hoàn cảnh, vì tôn trọng tín ngưỡng của họ là một hành động chứng tỏ chúng ta là người luôn yêu thương và đồng cảm với mọi người như Lời Chúa dạy.

Một bạn đề nghị: Giáo lý Công giáo dành cho lứa tuổi thiếu niên nên cải tiến để phù hợp với tâm sinh lý của các em, vì thiếu niên đang là lứa tuổi tìm tòi, học hỏi, nếu cứ theo như giáo trình cũ, các em chán nản không muốn học, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin Công giáo của các em.  Cha Phêrô Hiền phụ trách huấn giáo trả lời, đúng là giáo lý dành cho các em thiếu niên quá bao la, các em học kinh Tin Kính, học phục vụ, học luân lý… Tất cả những nội dung đó mang tính huấn luyện giáo lý viên. Hiện nay đã thay đổi, nội dung giáo lý dành cho thiếu niên sẽ giúp các em hình thành nhân cách Kitô giáo, để khi bước vào đời sống gia đình hoặc dòng tu, các em sẽ có một nhân cách vững mạnh, để chung thủy trong đời sống hôn nhân, tôn trọng nhau trong các cộng đoàn tu trì. Điều đó thiết thực hơn cho các em.

Buổi sinh hoạt diễn ra thật sôi nổi với những câu hỏi, những trải nghiệm xoay quanh chủ đề của các tham dự viên, và những chia sẻ, trao đổi của các linh mục phụ trách, còn rất nhiều ý kiến và thắc mắc, nhưng thời gian có hạn nên chương trình đã khép lại với lời cám ơn của Cha Luy tới các tham dự viên đã đóng góp ý kiến cho buổi sinh hoạt chuyên đề thêm phong phú, và phép lành của quí cha.

Buổi sinh hoạt kết thúc lúc 11g00.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top