Chút suy tư về cuộc Hội ngộ Liên tôn (27/10/2012)
Trong cuộc Hội Ngộ Liên Tôn, tổ chức tại TTMVTGP Sài Gòn vừa qua, tôi đã được mời gọi để làm một chứng nhân cho Đức Kitô. Trên đường đến hội trường, nơi diễn ra cuộc hội ngộ, tôi cứ nghĩ lát nữa đây mình sẽ đối diện với một cử tọa khoảng độ hơn trăm người mà thôi. Không ngờ số người tham dự lên tới hơn sáu trăm, trong đó các tín đồ cùng với quý vị chức sắc của các tôn giáo bạn đã là cả trăm rồi. Những con số khiến tôi ngạc nhiên, người ta ngồi kín hết cả các ghế, có một số người phải ngồi ở ngoài sân, theo dõi chương trình qua màn ảnh nhỏ. Cuộc hội ngộ liên tôn hôm đó nói về chủ đề “Cùng nhau Vượt qua Khổ Đau”, khởi đi từ sự kiện “Kỷ niệm 100 năm sinh nhật nhà thơ Hàn Mặc Tử”; Hàn Mặc Tử: một con người có thể nói đã biến sự đau khổ của mình thành những áng thơ tuyệt mỹ.
Qua những vần thơ đầy bi thống của mình, Hàn Mặc Tử đã làm thăng hoa ý nghĩa của sự chịu đựng đau khổ. Nếu như đi sâu vào phân tích thơ của Hàn Mặc Tử, người ta còn có thể nhận ra ý nghĩa tích cực trong sự tu luyện bản thân qua con đường đau khổ nữa. Trong thơ Hàn Mặc Tử, thơ của một tín hữu Công giáo, lại phảng phất nét thiền của đạo Phật, thơ anh trở nên dễ đồng cảm hơn giữa các tín đồ của hai tôn giáo lớn ở Việt Nam hiện nay. Cũng qua thơ anh, người ta có thể phải nhìn lại mình trong cách đối xử với những con người đang gặp bất hạnh và đau khổ.
Từ những nhận xét trên, càng khẳng định được rằng thế giới hôm nay đã thay đổi nhiều, không chỉ mậu dịch toàn cầu làm cho người ta tìm đến với nhau, không chỉ internet làm cho người ta xích lại gần nhau, mà cả sự đau khổ cũng đã làm cho con người trở nên gần gũi với nhau hơn! Và như thế, với cùng một mục đích “Ban vui, cứu khổ”, các tôn giáo cũng đang trở nên gắn kết một cách chặt chẽ với nhau hơn.
Tại sao nói thế, tôi có cái nhìn chủ quan quá chăng?
Hồi còn nhỏ, tôi thường nghe người lớn nói đến những cụm từ như: “bên lương”, “bên giáo”; thậm chí, họ còn e dè và đôi khi tránh giao thiệp với người ngoại đạo nữa. Với trí óc non nớt của một đứa trẻ, tôi lờ mờ nhận ra, có sự kỳ thị giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau. Sự khác biệt giữa niềm tin các tôn giáo tất nhiên là có, song sự kỳ thị trong tôn giáo thì chẳng nên tồn tại. Sau này lớn lên, tôi nhận ra rằng, có sự kỳ thị giữa các tín đồ là vì họ đã không hiểu biết nhiều về nhau. Bản thân tôi tuy chẳng hiểu biết nhiều, song những gì tôi không biết thì tôi cần tìm hiểu, và những gì không biết thì tôi không lên án. Tôi chẳng dám phê bình, song cái cách làm từ thiện của một ai đó mà mang tính phân biệt tôn giáo, luôn khiến cho tôi cảm thấy bất bình. Sự phân biệt này vẫn còn tồn tại, tuy nhiên, tôi thấy đã được giảm thiểu rất nhiều, một phần nhờ vào sự giảng dạy của các bậc chức sắc trong tôn giáo, phần khác là nhờ vào các yếu tố thuộc về mặt xã hội.
Trong cuộc hội ngộ liên tôn này, diễn từ của các vị chức sắc tập trung vào vấn đề “ban vui cứu khổ”, những tham luận của họ giúp người ta hiểu biết thêm về tôn giáo bạn. Đồng thời, các tham luận đã nêu bật một điểm chung giữa các tôn giáo, đó là niềm tin của các tín đồ đều đang đặt vào một đấng linh thiêng, đấng mà họ tôn thờ luôn giang tay che chở và mong cứu giúp họ thoát khỏi bể khổ.
Tôi cho rằng, cuộc hội ngộ này đã là một bước tiến lớn trong những cố gắng của Ban Mục vụ đối thoại liên tôn ở TGP Sài Gòn. Đối thoại liên tôn vốn là một vấn đề cực kỳ khó, đặc biệt là ở các tầng lớp tín đồ còn đang chao đảo giữa niềm tin và cuộc sống. Sẽ khó mà nói với họ, nếu như lời nói không đi đôi với việc làm. Cuộc hội ngộ liên tôn vừa qua cũng chỉ mới ở cấp độ ra mắt trước thành phần chủ yếu là giới các chức sắc, tu sĩ, còn ít tham dự viên thuộc tầng lớp thường dân. Như vậy, để công cuộc đối thoại liên tôn được phát triển, cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa về nội dung và cách thức truyền đạt cho công chúng. Trước mắt đã mở ra một phương thức dễ dàng và phổ biến, đó là phương thức đến với nhau qua con đường “Ban vui, cứu khổ”, nghĩa là cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tôn giáo trong việc giúp đỡ người nghèo khổ.
Tôi hy vọng cuộc hội ngộ liên tôn này sẽ mở ra nhiều con đường, ngõ hầu niềm tin tôn giáo có thể đến được với nhiều người và trở thành sự trợ giúp cho mỗi tín đồ đạt đến cứu cánh của cuộc sống. Thượng Đế là Đấng linh thiêng, đang chờ đợi để phù giúp chúng ta, tôi tin chắc như vậy.
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565