Chúng ta là anh em - Các tu sĩ kết thúc sứ vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12

Chúng ta là anh em - Các tu sĩ kết thúc sứ vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12

Chúng ta là anh em - Các tu sĩ kết thúc sứ vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12

TGPSG -- “Khi có giờ rảnh, em và các cha, các sơ cũng trao đổi với nhau về giáo lý Phật giáo và Công giáo; điểm chung mà em thấy ở hai tôn giáo là giảm bớt ‘cái tôi’ và sống vì tha nhân: chúng ta là anh em.”

Phật tử Dương Hữu Tùng - Chùa Bửu Long, Q. 9 - đã chia sẻ như thế trước buổi lễ “Đón và tri ân các tình nguyện viên (TNV) tôn giáo” được tổ chức vào lúc 8g30 ngày 1-11-2021 tại sân Bệnh viện Dã chiến số 12 (BVDC 12) ở Chung Cư R5 Phường An Khánh.

Buổi lễ này do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM phối hợp tổ chức để đón 14 TNV, gồm:

- 1 phật tử phục vụ 3 tháng tại BVDC 12;
- 1 linh mục và 12 tu sĩ (*) phục vụ 1 tháng tại BVDC 12.

Chỉ còn 5 bệnh nhân

Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường - Phó giám đốc Bệnh viện Da Liễu kiêm Giám đốc BVDC 12 - với gương mặt rất hiền từ và đôi mắt ánh lên niềm vui, đã cho biết:

BVDC 12 chỉ còn 5 bệnh nhân đang điều trị. Họ cũng đang hồi phục và sắp được xuất viện. 

Nhớ lại ngày đầu nhận công tác với một bệnh viện đúng với cái tên “Dã chiến”, chúng tôi đã có những giai đoạn quá tải, thiếu phương tiện phòng hộ, có lúc đã phải tính đến cả phương án tái sử dụng khẩu trang N95... Nhưng nhờ các doanh nghiệp và những tổ chức tư nhân hỗ trợ, cuối cùng phương tiện phòng hộ cho y tế đã không còn thiếu hụt nữa.

Thời gian đầu khi triển khai chống dịch, đã có những lúc gọi là 'điểm chết' rất đáng sợ như thế: quá tải, thiếu phương tiện phòng hộ, virus 'chui vào hệ thống bệnh viện' khiến bệnh viện bị phong tỏa, không đủ bình oxy cho bệnh nhân... Như bác sĩ Đông - Phó Giám đốc - chia sẻ “Bây giờ ngủ mà vẫn còn bị giật mình; 2 hay 3 giờ sáng giật mình dậy là thức luôn đến sáng vì bị ám ảnh bởi tiếng gõ cửa phòng lúc bệnh nhân đông - mọi người gõ cửa bất cứ lúc nào 24/24: bệnh nhân kẹt thang máy, nước nghẹt, thiếu oxy…"

 

Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường

Bác sĩ Tường cho biết ông rất cảm động về sự hợp tác của đội ngũ TNV: 

Họ rất thầm lặng, không nói gì, không than thở. Không có họ, chúng tôi không thể hoàn thành sứ mạng, bệnh nhân thiếu người chăm sóc, thăm hỏi…

Tất cả là anh em

Sau câu chuyện của bác sĩ Giám đốc, tôi đã tìm gặp phật tử Dương Hữu Tùng đã phục vụ 3 tháng tại đây. Anh Tùng đã học xong Điều dưỡng nên được tham gia trực tiếp vào khâu điều trị bệnh nhân. Anh kể:

Những ngày đầu đến bệnh viện, không khí rất căng thẳng. Em và các TNV mới được chích vắc-xin mũi 1 được 2 ngày nên mọi người làm việc trong e dè và thận trọng. Bệnh nhân mỗi ngày nhập viện một đông, mọi phòng của tòa nhà lúc nào cũng sáng đèn, mọi khâu luôn khẩn trương. Phòng cấp cứu của bệnh viện có khoảng 40 bệnh nhân nặng mà không thể chuyển tuyến được vì bệnh viện tuyến trên đã kín giường rồi, vì thế thật áp lực và xót xa khi bệnh nhân không qua khỏi được.

Khoảng cuối tháng 9, các ca bệnh giảm dần nhờ việc phủ vắc-xin trong cộng đồng bắt đầu có hiệu quả, gánh nặng bớt nhiều. Bệnh viện đến hôm nay không tiếp nhận bệnh nhân nữa. Em cảm nghiệm mình vừa trải qua một mùa giông bão khủng khiếp.

Phật tử Dương Hữu Tùng

Chia sẻ về tình huynh đệ, anh nói:

Trước đây chưa bao giờ được gặp các sơ, các cha. Việc tham gia tình nguyện tại bệnh viện đã mang đến cho em một cái nhìn rất mới. Các cha, các sơ sống chan hòa tình người, cởi mở, hòa đồng và phục vụ bệnh nhân như đang phục vụ người nhà của họ. Khi có giờ rảnh, em và các cha, các sơ cùng nhau trao đổi giáo lý về Phật giáo và Công giáo. Điểm chung mà em thấy ở hai tôn giáo là: giảm bớt “cái tôi”, sống vì tha nhân, tất cả đều là anh em...

Niềm hy vọng

Trong khi các TNV chuyển đồ lên xe, chúng tôi được nghe Lm Phêrô Trần Hoàn Chỉnh nói về thời gian phục vụ tại BVDC số 12, với 3 bài học được rút ra: (1) chung tay góp sức vì bệnh nhân, (2) đời sống thiêng liêng nhờ cầu nguyện và Thánh lễ lúc 6g, (3) niềm hy vọng tha thiết...

Linh mục Phêrô chia sẻ:

Ngày đầu tiên khi mới đến, buổi tối chúng con thường nhìn lên các phòng của tòa nhà, hầu như các căn hộ đều sáng đèn, nghĩa là lượng bệnh nhân rất nhiều. Nhưng ngày qua ngày, đèn ở các căn hộ tắt dần, đó là dấu hiệu nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh. ‘Khi ánh đèn của căn hộ chung cư này tắt đi, thì ánh đèn nơi căn hộ các gia đình lại sáng lên”: mọi người đều thấy vui, và đó là ý nghĩa của niềm hy vọng.

      Lm Phêrô Trần Hoàn Chỉnh, Dòng Tên

Vui vẻ với bệnh nhân và công việc

Chúng tôi đến gặp các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức và được nghe về niềm vui trong 1 tháng phục vụ. Nữ tu Maria Ngọc Hảo cho biết, trước khi đi, chị nghĩ là vào sẽ được phục vụ bệnh nhân như đã đọc các bài trên web của TGP Sài Gòn, nên đã chuẩn bị trong đầu phải làm sao cho bệnh nhân bớt đau. Nhưng khi đến bệnh viện thì được phân công phát thuốc cùng các chị điều dưỡng. Mỗi sáng khi phát thuốc cho bệnh nhân, "em cười với họ, chúc họ bình an hạnh phúc và mau khỏe; thấy họ khỏe lên mỗi ngày là em vui lắm.”

Còn nữ tu Maria Thùy Trâm thì kể về kinh nghiệm khi bước vào ca trực, không biết tí gì về y tế: 

Ca đầu tiên thử lượng đường trong máu cho bệnh nhân, em không biết phải lấy máu như thế nào. Em phải liên hệ dưới văn phòng, được các nhân viên y tế hướng dẫn. Sau khi chích lấy máu bệnh nhân, chụp hình gửi xuống văn phòng, được duyệt kết quả, em vui lắm. Rồi phải thức đến 12 giờ đêm để học tên thuốc... 

Vui nhất là khi được lên phòng thông báo cho bệnh nhân được xuất viện. Họ vui một thì mình vui mười.

Nữ tu Maria Kim Phương cũng nghĩ là đến đây sẽ được phục vụ bệnh nhân, nhưng lại được phân công dọn dẹp vệ sinh dưới các phòng của các bác sĩ và nhân viên y tế, rồi làm hồ sơ bệnh nhân: "Con hiểu ngay ý Chúa muốn con làm tất cả những gì mà Chúa muốn qua sự phân công của những người có trách nhiệm, vì làm gì thì cũng đều cộng tác vào việc điều trị cho bệnh nhân hết."

Đại diện TNV nói lên niềm tri ân

Khi buổi lễ đón tiếp bắt đầu, tu sĩ Giuse Vũ Duy Thao - Dòng Anh Em Hèn Mọn - đã nói lời tri ân:

Chúng tôi không có kinh nghiệm chuyên môn như các bác sĩ, nhưng vẫn được bệnh viện đón nhận và giao phó cho một vài công việc để chúng tôi được đóng góp với tinh thần đức ái qua các công việc nho nhỏ.

Ở đây, chúng tôi được làm việc với các TNV tôn giáo bạn như các phật tử, sư cô cùng các sinh viên. Nhiệt huyết làm việc của các bạn đã đem lại động lực, đóng góp 'chất lửa' cho chúng tôi.

Chúng tôi cũng cám ơn các bệnh nhân đã giúp chúng tôi cảm nghiệm sâu sắc hơn về giá trị của sự sống. 

Mở ra một chặng đường mới

Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - bày tỏ niềm vui:

Hôm nay chúng ta vui mừng vì chỉ còn 5 bệnh nhân và họ cũng sẽ trở về với gia đình. Đây là điều rất đáng mừng vì chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Các TNV đã kết thúc chặng đường hỗ trợ các y bác sĩ để giúp cho bệnh nhân đủ sức khỏe trở về với gia đình.

Bà Phan Kiều Thanh Hương

Mỗi người đóng góp một việc khác nhau nhưng chúng ta đã đạt được kết quả chung. Tuy nhóm TNV này tham gia ở giai đoạn cuối nhưng đây là giai đoạn mang ý nghĩa lịch sử: chúng ta đã kết thúc chặng đường của bệnh viện Dã chiến và mở ra một chặng đường mới.

Kinh nghiệm tự hủy

Tiếp theo, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - Đại diện Tòa TGM TGPSG - nhắn nhủ các TNV:

Tuy thời gian và công việc phục vụ của các TNV trong đợt này không nhiều như những đợt trước, nhưng đây cũng là một kinh nghiệm quý cho các TNV.

Trong đời dâng hiến, có lúc chúng ta thấy mình vẫn hiện diện để sẵn sàng yêu thương, dù người ta không cần. Khi thấy mình thừa thãi thì chính lúc ấy ta có kinh nghiệm về sự tự hủy, học được kinh nghiệm khiêm cung của Chúa Giêsu.

Xin cầu chúc quý cha, quý tu sĩ và quý phật tử luôn mạnh khỏe. Hy vọng những ngày làm việc chung sẽ trở thành kỉ niệm để chúng ta nhớ nhau, nhắn tin gọi điện thoại chia sẻ với nhau. Mỗi người là một miếng mẩu nhỏ, nhưng ghép lại sẽ tạo ra bức tranh toàn cảnh. Vậy  hãy tiếp tục sánh vai nhau, chung sức chung lòng vì cuộc sống tốt đẹp chung của mọi người.

Kết thúc buổi lễ “Đón và Tri Ân”, Ban lãnh đạo BVDC số 12 và lãnh đạo các ban đã tiễn các TNV về nơi cách ly tại Tu Hội Cao Thái.

(*) Chú thích: Các TNV Công giáo đợt này gồm: Lm Phêrô Trần Hoàn Chỉnh, 1 thầy Dòng Tên, 7 tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn, và 4 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức.

Bài & Ảnh: Sơn Nữ, SPC (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top