Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32)

Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32)

Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32)

Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng
và vinh quang ngự trong đám mây mà đến (Mc 13, 26)

BÀI ĐỌC I: Đn 12, 1-3

“Khi ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát”.

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Khi ấy, tổng lãnh sứ thần Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi, đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ. Trong thời kỳ ấy dân ngươi, hễ ai đã có ghi tên trong sách, sẽ được cứu thoát.

Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời.

Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời. 

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 15, 5 và 8. 9-10. 11

Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Xướng:

1) Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Đáp.

2) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Người thấy điều hư nát. - Đáp.

3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh: sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Dt 10, 11-14. 18

“Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.    

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Mc 13, 24-32

24 “Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, 25 các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.

26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.

28 “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.

29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.

30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

32 “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 33 Thường niên năm B:

WHĐ (14/11/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 33 Thường niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 1038-1050: Phán Xét cuối cùng; niềm hy vọng về trời mới đất mới

Số 613-614, 1365-1367: Hy lễ trọn hảo duy nhất của Đức Kitô và Bí tích Thánh Thể

Bài Ðọc I: Ðn 12, 1-3

Bài Ðọc II: Dt 10, 11-14. 18

Phúc Âm: Mc 13, 24-32

Số 1038-1050: Phán Xét cuối cùng; niềm hy vọng về trời mới đất mới

Số 1038. Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng … Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó Đức Kitô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái…. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46).

Số 1039. Đối diện với Đức Kitô, Đấng là Chân lý, chân lý về mối tương quan của từng người với Thiên Chúa sẽ được biểu lộ một cách vĩnh viễn[1]. Việc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải, đến tận những hậu quả cuối cùng của nó, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, hoặc đã bỏ không làm, trong suốt đời sống trần thế của họ:

“Bất cứ điều gì những kẻ dữ làm, đều bị ghi lại, mà họ không biết, khi ‘Thiên Chúa ta ngự đến, Ngài không nín lặng’ (Tv 50,3)…. Rồi Ngài quay sang những kẻ ở bên trái và nói: Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta trên trần thế cho các ngươi. Ta như là Đầu, Ta đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, nhưng các chi thể của Ta nơi trần thế phải đau khổ, túng thiếu. Nếu các ngươi cho các chi thể của Ta bất cứ cái gì, thì cái đó đã lên tới Đầu. Các ngươi phải biết rằng, Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta cho các ngươi khi còn ở trần thế, Ta đặt ho làm những người phục vụ các ngươi để đem các việc làm của các ngươi vào kho tàng của Ta. Và các ngươi đã chẳng đặt gì vào tay họ, vì vậy các ngươi chẳng gặp được gì ở nơi Ta”[2].

Số 1040. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ diễn ra khi Đức Kitô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Ngài quyết định việc Ngự đến của Đức Kitô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha sẽ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình tạo dựng và của toàn bộ Nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi sự bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết[3].

Số 1041. Sứ điệp của việc Phán Xét cuối cùng là kêu gọi hối cải, trong khi Thiên Chúa còn cho người ta “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Sứ điệp này gợi lên sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa. Nó thúc đẩy người ta đến sự công chính của Nước Trời. Sứ điệp này loan báo “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,13), tức là ngày trở lại của Chúa, Đấng sẽ đến “để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Tx 1,10).

Số 1042. Lúc cùng tận thời gian, Nước Thiên Chúa sẽ đạt tới sự viên mãn của mình. Sau cuộc Phán Xét chung, những người công chính, được tôn vinh cả xác cả hồn, sẽ hiển trị muôn đời với Đức Kitô, và chính toàn thể trần gian sẽ được đổi mới:

Lúc đó Hội Thánh “sẽ được hoàn tất trong vinh quang thiên quốc, khi … cùng với nhân loại, cả toàn thể trần gian, được kết hợp mật thiết với con người và nhờ con người mà đạt tới mục đích của mình, cũng được canh tân trọn vẹn trong Đức Kitô”[4]

Số 1043. Thánh Kinh gọi sự canh tân huyền diệu này, nó sẽ biến đổi nhân loại và trần gian, là “trời mới đất mới” (2 Pr 3,13)[5]. Đó sẽ là sự hoàn thành chung cuộc kế hoạch của Thiên Chúa: “Quy tụ muôn loài trong trời đất… trong Đức Kitô” (Ep 1,10).

Số 1044. Trong trần gian mới[6], trong thành Giêrusalem thiên quốc, Thiên Chúa sẽ có nơi cư ngụ của Ngài giữa con người. “Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4)[7].

Số 1045. Đối với con người, sự hoàn tất này sẽ là sự thực hiện vĩnh viễn việc hợp nhất nhân loại mà Thiên Chúa đã muốn từ tạo thiên lập địa, và Hội Thánh lữ hành đã “như là bí tích” của sự hợp nhất ấy[8]. Những ai được kết hợp với Đức Kitô sẽ làm thành cộng đoàn những người được cứu chuộc, “Thành thánh” của Thiên Chúa (Kh 21,2), “Hiền thê của Con Chiên” (Kh 21,9). Cộng đoàn này sẽ không còn bị tổn thương bởi tội lỗi, bởi các điều ô uế[9], bởi tính ích kỷ từng hủy diệt hoặc làm tổn thương cộng đồng nhân loại nơi trần thế. Sự hưởng kiến vinh phúc (visio beatifica) trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra cách vô tận cho những người được chọn, sẽ là nguồn mạch vĩnh cửu của vinh phúc, của bình an và của sự hiệp thông với nhau.

Số 1046. Đối với vũ trụ, Mạc khải khẳng định rằng nhân loại và vũ trụ vật chất có chung một vận mệnh sâu xa:

“Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài… Vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát… Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng … khi trông đợi sự cứu chuộc thân xác chúng ta” (Rm 8,19-23).

Số 1047. Vì vậy, vũ trụ hữu hình được tiền định để chính nó được biến đổi: “Chính nó phải được phục hồi như tình trạng ban đầu, không có trở ngại nào, mà phục vụ những người công chính”[10], trong khi tham dự vào sự tôn vinh họ trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

Số 1048. “Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Quả thật bộ mặt biến dạng vì tội lỗi của trần gian này sẽ qua đi, nhưng chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị một nơi lưu ngụ mới và một trần thế mới, trong đó sự công chính lưu ngụ, và vinh phúc của nó sẽ thỏa mãn và vượt quá mọi khát vọng về bình an, vốn đã trào lên trong trái tim con người”[11].

Số 1049. “Tuy nhiên, sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải khích động hơn sự quan tâm phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và đã có khả năng đưa ra một nét phác hoạ nào đó của thời đại mới. Vì vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt sự tiến bộ trần thế với sự tăng trưởng Nước Đức Kitô, nhưng tiến bộ này trở thành rất quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ nó có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội nhân loại một cách tốt đẹp hơn”[12].

Số 1050. “Thật vậy, sau khi chúng ta đã theo lệnh Chúa, và trong Thần Khí của Người, truyền bá khắp cõi đất những sự tốt lành của phẩm giá nhân loại, của sự hiệp thông huynh đệ và của sự tự do, nghĩa là tất cả những hoa trái tốt đẹp của bản tính và sự nghiệp của chúng ta, thì sau đó chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng trong tình trạng đã được thanh luyện khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và được biến hình, khi Đức Kitô trao lại cho Chúa Cha Nước vĩnh cửu và phổ quát”[13]. Lúc đó, trong đời sống vĩnh cửu, Thiên Chúa “có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28):

“Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn các hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Ngài, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống muôn đời”[14].

Số 613-614, 1365-1367: Hy lễ trọn hảo duy nhất của Đức Kitô và Bí tích Thánh Thể

Số 613. Cái chết của Đức Kitô đồng thời vừa là hy lễ Vượt Qua, mang lại ơn Cứu Chuộc tối hậu cho loài người[15], nhờ Con Chiên, Đấng xoá tội trần gian[16], vừa là hy lễ của Giao Ước Mới[17], cho con người lại được hiệp thông với Thiên Chúa[18], khi giao hòa con người với Thiên Chúa nhờ máu đổ ra cho muôn người được tha tội[19].

Số 614. Hy lễ này của Đức Kitô là duy nhất, hy lễ đó hoàn tất và vượt hơn hẳn mọi hy lễ[20]. Trước hết, hy lễ đó là một hồng ân của chính Thiên Chúa Cha: Chúa Cha trao nộp Con của Ngài để giao hòa chúng ta với Ngài[21]. Đồng thời, đây là sự dâng hiến của Con Thiên Chúa làm người, Đấng, vì tình yêu[22], tự ý dâng hiến mạng sống mình[23] cho Cha của Người nhờ Chúa Thánh Thần[24], để đền bù sự bất tuân của chúng ta.

Số 1365. Bởi vì là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, nên bí tích Thánh Thể cũng là một hy tế. Tính chất hy tế của bí tích Thánh Thể được biểu lộ trong chính các lời thiết lập bí tích này: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô ban chính thân mình đã bị nộp vì chúng ta trên thập giá, ban chính máu mà Người đã đổ ra “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).

Số 1366. Vì vậy, bí tích Thánh Thể là một Hy tế bởi vì bí tích này làm cho Hy tế thập giá hiện diện, bởi vì bí tích này là việc tưởng niệm Hy tế đó, và bởi vì bí tích này áp dụng hiệu quả của Hy tế đó:

Đức Kitô “là Thiên Chúa và Chúa chúng ta, … đã tự hiến cho Chúa Cha bằng cái chết trên bàn thờ thập giá một lần cho mãi mãi, để thực hiện ơn cứu chuộc muôn đời cho loài người. Tuy nhiên, bởi vì cái chết của Người không chấm dứt chức tư tế của Người [Dt 7,24.27], nên trong bữa Tiệc Ly, ‘trong đêm bị nộp’ [1 Cr 11,23], … Người đã để lại cho Hiền Thê yêu dấu của Người là Hội Thánh một hy tế hữu hình (như bản tính con người đòi hỏi); trong hy tế hữu hình này, hy tế đẫm máu được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá được hiện diện, và việc tưởng niệm hy tế đẫm máu đó sẽ còn mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế đó sẽ được áp dụng để tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày”[25].

Số 1367. Hy tế của Đức Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất. “Cũng cùng một hiến vật, cũng cùng một Đấng xưa đã tự hiến trên thập giá, nay cũng chính Người dâng lên qua thừa tác vụ tư tế, chỉ khác biệt về cách tiến dâng”[26]: “Vì trong hy tế thần linh được thực hiện trong thánh lễ, cũng chính Đức Kitô Đấng đã tự hiến một lần bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, nay được hiến dâng và sát tế một cách không đổ máu, nên hy tế này thật sự có giá trị đền tội”[27].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 33 Thường Niên năm B:

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 33 Thường Niên năm B - Ngày Thế giới Người nghèo.

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 33 Thường Niên năm B, Ngày Thế giới Người nghèo (14/11/2021) - Nỗi khổ đau hôm nay và niềm hy vọng ngày mai

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (14/11/2021) - Đâu là lựa chọn của tôi?

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (18/11/2018) - Điều duy nhất chúng ta có thể mang theo

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (15/11/2015) - Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (18/11/2012) - Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa sẽ tồn tại mãi mãi

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (15/11/2009) - Tiếp nhận hạt giống của Lời Chúa

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Trong ngày sau hết, ngày Con Người đến trong vinh quang đầy quyền năng. Ngày Ðức Giêsu trở lại để đưa nhân loại chúng ta về cùng Thiên Chúa. Ngài đến triệu tập những người được tuyển chọn từ khắp muôn nơi. Ðể cho họ được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn bên Ngài.

Những ai là người được tuyển chọn ? Ai sẽ được cứu ? Tin Mừng Ga 3,16 quả quyết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Vì thế, tất cả chúng ta đều được cứu, nếu chúng ta muốn. Nếu muốn thì hãy tin vào Ðức Giêsu Con của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, chúng con thường sợ hãi khi nghĩ đến ngày phán xét. Chúng con hay sợ bị phạt trong hỏa ngục. Một hình ảnh lệch lạc khi nghĩ đến Cha uy nghi, nghiêm khắc làm chúng con khiếp sợ. Thế nhưng Kinh Thánh đã mạc khải cho chúng con biết: Còn gì quý hơn Con Một của Cha ? Thế mà Cha đã ban cho chúng con, thì Cha còn tiếc gì với chúng con nữa ? Cha yêu thương chúng con, không phải Cha phạt chúng con. Nhưng đúng hơn, chúng con đã lạm dụng tự do để chọn cho mình nỗi bất hạnh.

Ghi nhớ: “Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Căn nguyên và cùng đích. Mọi cái đều có điểm xuất phát và điểm đến của nó. Đi và đến là hai hành động nhắc nhở chúng ta phải hoạt động liên lỉ để đạt được đích điểm. Con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài; sự sống con người bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa. Vậy đích điểm của đời người chúng ta ở đâu ? khi nào ?

Câu hỏi mà người đời vẫn thường hỏi nhau khi nào thì tận thế ? khi nào thì thế giới này qua đi ? Hẳn nếu người ta luôn đặt vấn đề này cho cuộc đời của họ thì có lẽ họ luôn sẵn sàng chuẩn bị cho hành trình mai sau. Nhưng thực tế cho thấy, có mấy ai quan tâm, có mấy ai đặt vấn đề đó để rồi suy nghĩ, để rồi chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Hay là họ chỉ mải mê kiếm tìm những thứ vật chất, của cải ở đời này mà quên mất việc chuẩn bị cho mình những thứ cần thiết cho đời sau.

Có người cho rằng: mình còn trẻ, còn khoẻ mạnh, lo nghĩ đến chuyện đó làm gì cho bận tâm, mình còn có nhiều khả năng để làm nhiều thứ … lo chi cho mệt ! Thế nhưng, trước sự thờ ơ, lơ đãng, không để ý của con người thì đùng một cái mọi thứ chỉ xảy ra trong nháy mắt là tiêu tan hết. Chúng ta đã từng nghe những thien tai; núi lửa, sóng thần đã lấy đi biết bao nhiêu sinh mạng con người trong khi họ đang vui chơi, giải trí… hay như trong kinh thánh thuật lại rằng: “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12, 19-21). Rồi chỗ khác tác giả Thánh vịnh lại nói: “Khi ta đang mải mê dệt đời mình thì bỗng Thiên Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.”

Đúng vậy, có mấy ai trong chúng ta cho rằng ngày mai tôi không còn hiện diện trên cõi đời này nữa đâu, mà nghĩ rằng mình vẫn sống đấy thôi. Phải chi những ai luôn biết sống tinh thần sẵn sàng và chờ đợi thì chắc chắn ngày đó, khi xảy đến với họ lại là ngày hạnh phúc nhất cho cuộc đời họ, vì chỉ có hạnh phúc nước trời mới tồn tại mãi. Ai còn đang mải mê kiếm tìm những thứ mà nước trời không thể dùng được thì ngày đó lại là ngày khủng khiếp cho cuộc đời của họ.

Vậy, để được hưởng niềm vui và hạnh phúc nước trời, người ta cần phải chuẩn bị những gì ? có lẽ không gì ngoài hai điều này là: “Tình yêu và lòng mến.” Vì tình yêu và lòng mến là thước đo giá trị lòng người. Hơn nữa, ngôn ngữ để hiểu được trong nước trời đó lại là tình yêu. Chính tình yêu thúc bách người ta làm mọi việc vì Chúa, vì anh em. Còn lòng mến như là tấm vé thông hành cho mỗi người khi đến trình diện trong nước trời. Lòng mến được biểu lộ qua tinh thần sống đạo, tinh thần làm việc, tinh thần hăng say phục vụ, tinh thần quảng đại, tinh thần hy sinh, tinh thần cảm thông, tinh thần chia sẻ

Vây, mỗi người chúng ta hãy biết chuẩn bị hành trang cho cuộc đời mai sau bằng những thứ mà mối mọt không thể đục khoét được như là “tình yêu và lòng mến.” Có như thế thì chắc chắn ngày đó xảy đến bất cứ lúc nào, giờ nào cũng sẽ là ngày hạnh phúc nhất cho cuộc đời chúng ta. Và khi đó chúng ta sẽ nghe được câu nói: “…. ngươi hãy vào mà hưởng phần thưởng Ta đã dành sẵn cho ngươi.”( Mt 25, 23)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

NGÀY CHÚA TRỞ LẠI
+++

A. DẪN NHẬP

 Hôm nay là Chúa nhật 33 thường niên, Chúa nhật áp chót theo niên lịch Phụng vụ; và Chúa nhật tới là Chúa nhật chót được dành để đặc biệt mừng kính Đức Giêsu Kitô Vua. Phụng vụ hôm nay đề cập tới ngày tận thế, ngày chấm dứt lịch sử nhân loại cùng những gì sẽ xảy ra trong những ngày ấy. Đồng thời trong ngày ấy, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

 Chúa Giêsu và các môn đệ vừa ra khỏi đền thờ Giêrusalem, một trong các môn đệ trầm trồ vẻ huy hoàng tráng lệ của đền thờ và nền tảng vững chắc có thể đứng vững được qua nhiều thế kỷ. Nhưng Đức Giêsu không nói gì thêm mà chỉ làm cho môn đệ ấy cụt hứng khi Ngài nói: “Sẽ chẳng còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào”. Do đó, môn đệ muốn biết khi nào đền thờ sẽ bị tàn phá và cứ dấu hiệu nào để biết. Chúa Giêsu chỉ cho biết sẽ có những điềm lạ trên trời dưới đất làm cho người ta kinh sợ. Cứ nhìn cây vả thì biết…

 Chúa Giêsu báo trước đền thờ Giêrusalem sẽ bị phá huỷ trong thế hệ này, nhưng cũng trong dịp này Ngài báo trước ngày thế giới sẽ bị tàn phá, tức là ngày tận thế, và cũng có những điềm lạ báo trước. Tuy nhiên, không ai có thể biết trước được ngày tận thế, vì đó là chương trình bí mật của Chúa Cha. Việc cần thiết chúng ta phải làm là chờ đợi trong tin yêu và hy vọng, sẵn sàng chờ đợi Chúa đến trong “tỉnh thức và cầu nguyện”, trong việc yêu thương và phục vụ mọi người.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Đn 12,1-3

 Đây là một trong những đoạn quan trọng nhất của Cựu ước nói về việc phục sinh kẻ chết vào thời sau hết. Và khi ấy sẽ có cuộc ân thưởng dứt khoát.

 Vào thế kỷ thứ 3 trước Chúa Giáng sinh, Antiôkô Epiphane đã phát động một cuộc bách hại dữ dội chống lại dân Do thái. Tiên tri Đaniel đưa đến cho dân một sứ điệp hy vọng: vào giờ ấn định, Thiên Chúa sẽ can thiệp để che chở họ. Đối với những kẻ đã chết, họ sẽ trỗi dậy từ bụi đất dưới mộ sâu để hưởng một cuộc vinh quang.

 Thật vậy, sẽ có một cuộc ân thưởng dứt khoát. Trong khi những người công chính sẽ sống lại để hưởng cuộc sống vĩnh cửu, thì những kẻ khác cũng sống lại, nhưng để chịu hình phạt đời đời.

+ Bài đọc 2: Dt 10,11-14.18

 Tác giả thư Do thái làm một cuộc so sánh giữa các thượng tế Do thái với Đức Giêsu Thượng tế, để cho thấy hy lễ của Đức Giêsu dâng trên thập giá lại trổi vượt bội phần mọi hy tế khác.

 Những thứ hy tế mà thượng tế Do thái dâng trong đền thờ chẳng thể nào xoá bỏ được tội lỗi, còn hy tế của Đức Giêsu Thượng tế xóa sạch tội lỗi của loài người.

 Ngoài ra, các thượng tế Do thái phải dâng đi dâng lại mỗi ngày cũng ngần ấy thứ hy tế, còn Đức Giêsu Thượng tế chỉ dâng có một lần là đủ và sau đó lên ngự bên hữu Chúa Cha đến muôn đời.

+ Bài Tin mừng: Mc 13,24-32

 Nền tảng của đoạn văn này là một bài khải huyền Do thái viết trước năm 70 trong tâm trạng lo âu bồn chồn sợ Giêrusalem bị tàn phá, bài viết đầy những trích dẫn Sách thánh…

 Các Kitô hữu gốc Do thái dựa trên bài khải huyền này để cho rằng việc Giêrusalem bị tàn phá trùng hợp với ngày Đấng Phục sinh ngự đến.

 Thực sự, Đức Giêsu chỉ loan báo cuộc trở lại vinh quang của Ngài vào thời sau hết, còn ngày giờ thì không ai biết. Còn ví dụ cây vả và thời điểm của “ngày giờ đó” chỉ liên quan đến sự sụp đổ của Giêrusalem mà thôi.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Chờ đợi ngày tận thế

 Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật áp chót trong niên lịch Phụng vụ và đề tài được đề cập đến là ngày tận thế và những gì xảy ra trong ngày đó. Chúng ta đều nhìn nhận rằng: bất cứ cái gì ở trần gian, nếu đã có khởi đầu thì chắc chắn sẽ có lúc chấm dứt. Con người sống trong hiện tại, nhưng muốn biết hậu lai, hậu lai của chính mình cũng như của thế giới.

I. NÓI VỀ NGÀY TẬN THẾ

1. Chúa Giêsu đã báo trước

 Vào lúc Chúa Giêsu ra khỏi đền thờ để rồi không bao giờ trở lại nữa, một trong số các môn đệ của Ngài mong muốn Thầy chia sẻ lòng thán phục của mình: “Này Thầy nhìn kìa, những phiến đá rực rỡ biết bao, toà kiến trúc lộng lẫy chừng nào!” Đền thờ này đáng thán phục thật!

 Theo J. Potin giải thích: đền thờ do Hêrôđê xây lên đã là một trong những công trình đẹp nhất thế giới. Ngay cả đến Rôma cũng không có được một ngôi đền thờ tôn giáo nào hùng vĩ như vậy. Tính bạo tàn của người xây lên nó cũng giảm bớt hung hãn trước vẻ đẹp tráng lệ của nó; nó còn vượt xa đền thờ vinh hiển của vua Salômôn. Nền móng vững chắc của nó bảo đảm nó có thể đứng vững nhiều thế kỷ, vẻ sáng ngời của cẩm thạch và vàng bạc trang trí ngời lên đức tin độc thần lan đi khắp cả hành tinh” (Jésus, l’histoire vraie, Centurion, tr 396).

 Câu trả lời của Đức Giêsu làm người môn đệ cụt hứng: “Sẽ không còn phiến đá nào chồng trên phiến đá nào” (Mc 13,1-2). Qua câu trả lời đó, môn đệ xin Ngài trả lời những câu hỏi đầy lo lắng của họ: “Xin Thầy nói cho biết các sự việc ấy xảy ra và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước” (Mc 13,3) .

 Chúa Giêsu muốn nói về ngày tàn của thành Giêrusalem vào năm 70, nhưng đồng thời Ngài mời chúng ta suy nghĩ về ngày cuối cùng của lịch sử thế giới. Trong những ngày ấy sẽ có những dữ kiện xảy ra trên trời dưới đất…

 Trong một cái nhìn thông suốt, Chúa cho chúng ta nhìn thấy hiện tại và tương lai. Hiện tại gần là ngày tàn của thành phố Giêrusalem. Năm 70, khi đại quân Rôma bắt đầu đến bao vây thành, tục truyền rằng giáo dân đã nghe lời Chúa, biết trước, nên do sự hướng dẫn của thánh Simon đã trốn qua thành phố Pella và tránh khỏi tai hoạ. Dân Do thái đã phải chịu cảnh tang thương chưa từng thấy, đền thờ bình địa “không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào”. Còn tương lai xa là ngày tận thế, biến cố đó sẽ xảy ra và cũng có những điềm báo trước.

2. Những dấu hiệu báo trước

 Chúa Giêsu báo trước trong ngày tận thế, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Sẽ có những điềm lạ xảy ra trên trời dưới đất làm mọi người kinh sợ. Dĩ nhiên các môn đệ muốn biết ngày nào việc ấy xảy đến, nhưng Chúa Giêsu không nói rõ mà chỉ đưa ra dụ ngôn về cây vả để báo trước ngày đó.

 Những người ở ngoài Bắc chúng ta đều dễ hiểu điều Đức Giêsu nói đây. Cây cối cứ mùa đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Nhìn xem cây cối có thể biết thời tiết, hoặc nói đến hình thức cây cối người ta biết ở vào tháng nào, ví dụ:

Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Nguyễn Du, Kiều)

 Không cần phải có câu “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, ai cũng biết ngay là đã cuối mùa xuân, sắp sang hạ.

 Đây Chúa nói với những người Palestine nên Chúa dùng ví dụ cây vả. Tại Giuđê, cây vả rụng lá vào mùa đông và đâm chồi nảy lộc vào tháng 3, hè vào tháng 6. Vậy khi đâm chồi là dấu sắp tới hè.

 Cũng thế, có những dấu báo trước biến cố sẽ đến. Biến cố đây là biến cố nào? Biến cố nói ở câu 4-19 về việc phá huỷ đền thờ và thành Giêrusalem. Những ai tỉnh táo có thể lợi dụng mà thoát thân.

 Đức Giêsu đã khẳng định rõ ràng: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến” (Mc 13,26). Chưa bao giờ từ lúc Người sinh ra một cách nghèo nàn trong chuồng bò ở Belem cho đến hôm nay, Đức Giêsu đã nói về Người như thế. Bỗng nhiên, Người trở nên cao cả, vĩ đại, vinh hiển, từ trên cõi trời! Người tự nói Người là thẩm phán ngày cánh chung, mà vai trò này chỉ dành cho Thiên Chúa. Rõ ràng là thế, Người sẽ lặp lại điều này trước Thượng Hội đồng, vài ngày nữa (Mc 14,62).

3. Không ai biết được điều đó

 Một lần nữa, Chúa Giêsu khẳng định: “Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi” (Mc 13,32). Đúng vậy, Đức Giêsu với tư cách là Thiên Chúa thì Người biết điều đó, nhưng với tư thế là con người nhân loại như chúng ta thì Ngài không biết.

 Khi được hỏi bao giờ đến ngày tận thế? Thánh Augustinô đã trả lời dứt khoát: “Việc này hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Thiên Chúa”. Nơi khác, ngài còn nói: “Đức Giêsu không cho biết ngày cuối cùng của ta, để ta luôn cảnh giác chờ đợi Người”.

 Chúng ta không biết ngày tận cùng của thế giới, nhưng chúng ta biết chắc ngày ấy phải đến. Đó không phải là tai họa trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là ngày mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại.

 Vì thế hiền triết Seneca nói: “Ngày mà bạn cho là tận cùng của mọi sự, lại là ngày khởi đầu của vĩnh cửu”.

 Chúa Giêsu đã khẳng định rằng không ai biết được ngày tận thế, vậy mà có kẻ dám cướp quyền Chúa mà tuyên bố đích xác ngày tận thế.

Truyện: Tận thế ngày 14/7/1960

 Các báo chí hoàn cầu nhao nhao bình luận và băn khoăn tự hỏi:

- Phải chăng đã đến ngày “Tận thế”?

 Thế rồi, lửa đỏ lại bỏ thêm rơm! Thình lình người ta tung ra lời tiên tri Emman, rụng rời nghẹt thở: Tận thế! Ngày 14/7/1960 sẽ là ngày tận thế.

 Kinh khủng! Nhiều nơi, các thợ thuyền đình công. Các phu hầm mỏ chạy lên núi... chờ chết.

 May phước thay! Ngày tận thế Emman đã qua đi như cơn ác mộng.

 Lại một tin giật gân nữa! Dạo cuối tháng 10/1992, có hàng chục ngàn tín đồ Nam Hàn thuộc một giáo phái đã tụ tập tại hơn 150 nhà thờ, để đón Chúa quang lâm và phán xét thế gian. Theo giới lãnh đạo của giáo phái này, ngày tận thế sẽ xảy ra vào đúng nửa đêm 28/10/1992. Họ trương nhiều biểu ngữ với câu: “Chúng ta sẽ gặp nhau trên trời”.

 Trong khi đó, hàng ngàn cảnh sát Nam Hàn được đặt trong tình trạng báo động trên toàn quốc để phòng ngừa một cuộc tự sát tập thể, nếu tận thế không xảy đến. Bởi vì, nhiều người đã bỏ tài sản, gia đình để chuẩn bị cho biến cố này. Thế nhưng, cuối cùng tận thế đã không xảy ra, nên giáo phái này đã tự động giải tán.

II. THÁI ĐỘ CẦN PHẢI CÓ

1. Chuẩn bị tâm hồn

a) Chuẩn bị cho ngày tận thế

 Chúa Giêsu báo trước cho chúng ta là sẽ có ngày tận thế, nhưng lại dạy chúng ta không nên hoảng sợ. Chúa đến phán xét mọi người, nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến” (2Tm 4,8), thì Ngài sẽ là Đấng Cứu Độ và là vinh quang của họ: “Ngài sẽ sai các thiên thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn”. Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được an ủi vì “sẽ thấy vinh quang của Đấng Cứu Chúa Giêsu Kitô” (Tt 2,13).

 Đứng trước các tin đồn về ngày tận thế, thái độ sống thích hợp nhất của chúng ta là: vì thân phận con người mỏng dòn và yếu đuối, chúng ta hãy sống trong “tỉnh thức và cầu nguyện”, trong niềm mong chờ “ngày Chúa đến sẽ xảy ra bất cứ lúc nào”.

b) Chuẩn bị cho ngày chết của mình

 Mọi người đều phải chết, đây là án lệnh của Thiên Chúa sau khi tổ tông loài người phạm tội: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về cùng bụi đất”. Loài người cũng phải nhìn nhận ra cái thực trạng này là “sinh, lão, bệnh, tử”, ai cũng phải chết, chỉ có điều là kẻ chết trước người chết sau. Cái chết của Abel là cái chết đầu tiên trên trái đất, còn cái chết cuối cùng của nhân loại là ai, ở đâu, vào lúc nào… Điều đó không ai biết, và cũng không cần biết. Sách Công vụ Tông đồ có viết: “Anh em không cần biết thời gian và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1,7).

 Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ đến lúc chúng ta sẽ phải gặp Chúa Giêsu - vào cuối đời chúng ta hoặc vào lúc tận cùng thế giới – bất kỳ lúc nào xảy ra. Thái độ của chúng ta là bình tĩnh chờ đợi: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44; Lc 12,40).

 Trong cuốn “God’s Trombones” (Tiếng kèn của Chúa) tác giả Weldon Johnson có mô tả cái chết của một phụ nữ thánh thiện như sau: Chị đã thấy những cái chúng ta không thấy được. Chị đã thấy thần chết. Chị đã thấy ông ta đến như một ngôi sao băng. Nhưng cái chết đâu có làm cho chị nữ tu Caroline sợ hãi. Chị đã nhìn thần chết như một người bạn thân, như một vị khách quý. Chị đã thì thầm nói với chúng tôi: “Tôi đang trở về nhà tôi”. Rồi chị mỉm cười nhắm mắt lại.

2. Tiêu chuẩn của ngày phán xét

 Kitô giáo tuyên xưng có một ngày tận thế, nhưng ngày ấy xảy đến lúc nào thì không ai biết được, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Khi loan báo về ngày tận thế, Đức Giêsu cũng nói đến ngày Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét nhân loại.

 Trong ngày phán xét ấy, Đức Kitô muốn nêu bật chiều kích cộng đồng của Ơn Cứu độ: con người không được cứu rỗi riêng lẻ, nhưng trong một cộng đồng. Đường về nhà Cha không phải là con đường đơn độc, nhưng trong đó mọi người cùng nắm tay nhau tiến bước. Chính vì thế, trong ngày phán xét, Đức Kitô không xét xử con người dựa trên một tiêu chuẩn nào khác ngoài tiêu chuẩn duy nhất, đó là tình yêu. Ai sống trong yêu thương, người đó sẽ được sống lại và hưởng hạnh phúc trường sinh, còn kẻ khước từ yêu thương sẽ sống lại để rồi bị trầm luân muôn kiếp.

 Nữ bác sĩ Kubler-Ross, thuộc trường đại học Chicago có viết một cuốn sách nhan đề: “Death and Dying” (Chết và hấp hối). Cuốn sách được viết ra là vì bà thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân sắp chết. Bàn về những cảm nghĩ của những bệnh nhân ấy về cuộc sống lúc họ nhìn lại quá khứ khi đối diện với cái chết, bà viết: “Khi phân tích mọi sự lần cuối cùng, họ thấy rằng chỉ có hai điều này là quan trọng thôi: tình yêu đối với tha nhân, và tinh thần phục vụ tha nhân. Tất cả những gì khác mà ta đã từng cho là quan trọng, chẳng hạn như danh tiếng, tiền bạc, uy tín, quyền lực, thì đều là vô nghĩa”.

 Nhận xét này hoàn toàn phù hợp điều Chúa Giêsu dạy bảo lúc Ngài còn ở dương thế, Ngài nói: “Con người không đến để được phục vụ, mà Người đến để phục vụ” (Mc 10,45) và Ngài cũng nói: “Các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).

 Trong ngày phán xét cuối cùng, điều chủ yếu mà Thiên Chúa phán xét ta chính là tình yêu của ta đối với tha nhân và những việc ta làm để thể hiện tình yêu ấy (x. Mt 25,31-46). Điều tốt lành nhất ta có thể làm cho tha nhân chính là giúp họ trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa: Ngày ấy “Những ai làm cho người người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,3). Đó cũng là cách tốt nhất để chuẩn bị ngày ta ra trước toà Thiên Chúa.

3. Chờ đợi trong tin tưởng và hân hoan

 Những Kitô hữu đầu tiên đã mong ước mãnh liệt ngày “trở lại của Chúa” mà tiếng Hy lạp gọi là “Parousie”. Trong Tân ước người ta gặp được nhiều lần từ huyền nhiệm này: MARANATHA (1Cr 16,22; Kh 22,20). Đó là kiểu nói Aramên, tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu, đã được đưa vào phụng vụ ban đầu có nghĩa là “Lạy Chúa, xin hãy đến!”.

 Đó là niềm hy vọng làm vang lên lời cầu xin của các tín hữu ban đầu, và ngày nay trong thánh lễ, sau truyền phép, chúng ta đồng thanh dâng lên lời cầu xin tha thiết như thế: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”.

 Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Tại sao chúng ta lại không hát với các Kitô hữu đầu tiên trong cùng một âm tiếng của Đức Giêsu “Maranatha!”

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

 

Top