Chúa nhật 27 Thường niên A

Chúa nhật 27 Thường niên A

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN - A
Lời Chúa: Is 5, 1-7; Pl 4, 6-9; Mt 21, 33-43

 

***

Gospel

33 Jesus said to the chief priests and the elders of the people: "Hear another parable. There was a landowner who planted a vineyard, put a hedge around it, dug a wine press in it, and built a tower. Then he leased it to tenants and went on a journey.

34 When vintage time drew near, he sent his servants to the tenants to obtain his produce. 35 But the tenants seized the servants and one they beat, another they killed, and a third they stoned.

36 Again he sent other servants, more numerous than the first ones, but they treated them in the same way.

37 Finally, he sent his son to them, thinking, 'They will respect my son.' 38 But when the tenants saw the son, they said to one another, 'This is the heir. Come, let us kill him and acquire his inheritance.' 39 They seized him, threw him out of the vineyard, and killed him.

40 What will the owner of the vineyard do to those tenants when he comes?" 41 They answered him, "He will put those wretched men to a wretched death and lease his vineyard to other tenants who will give him the produce at the proper times."

42 Jesus said to them, "Did you never read in the scriptures: 'The stone that the builders rejected has become the cornerstone; by the Lord has this been done, and it is wonderful in our eyes'?

43 Therefore, I say to you, the kingdom of God will be taken away from you and given to a people that will produce its fruit.

Tin Mừng

33 Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.

34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi.35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ.

36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy.

37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta."38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó! "39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.

40 Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia? "41 Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."

42 Đức Giê-su bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

***

MỤC LỤC

1. Thợ vườn nho 
2. Tá điền và vườn nho 
3. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt 
4. Tôi tớ hay kẻ tiếm quyền? – Achille Degeest. 
5. Chúa Giêsu vẫn còn hiện diện với chúng ta 
6. Có một chủ vườn kia 
7. Hành động và phản ứng. 

----------------o0o----------------

1. Thợ vườn nho

Dụ ngôn những thợ vườn nho phản loạn thuộc vào loại các dụ ngôn Chúa dùng để tỏ lộ thân thế của Ngài là Đấng Thiên Sai. Dụ ngôn này cũng cho thấy sự cô đơn bi thảm của Chúa Giêsu, khi bị dân Ngài loại bỏ.

Như thường lệ Chúa Giêsu cấu tạo dụ ngôn từ các thực tại mà Ngài nghe thấy trước mắt. Trong xứ Galilêa thời ấy, những điền chủ bỏ tiền vào việc trồng nho. Họ giao cho thợ làm vườn nho trông coi rồi trả lương. Đôi khi họ đi vắng xa, chẳng hạn như ra nước ngoài, và để quan lý mùa màng, họ sai những đầy tớ đến với những người thợ làm vườn. Theo luật Do Thái, nếu chủ một thửa đất chết đi mà không có người thừa kế, thì thửa đất ấy sẽ thuộc về người nào chiếm ngụ đầu tiên. Điều này làm cho chúng ta hiểu được lý luận của các thợ làm vườn nho: Đứa con thừa tự đây rồi, nào hãy giết nó đi và chúng ta sẽ chiếm được gia tài của nó. Quả thực, người con thừa tự mà chết, đất sẽ thành vô chủ và thuộc quyền những kẻ cư ngụ.

Qua dụ ngôn này và qua đoạn kế tiếp với hình ảnh viên đá góc bị thợ xây loại bỏ, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng: Chính Ngài là người con bị bọn thợ làm vườn nho giết đi, chính Ngài là viên đá góc bị thợ xây loại bỏ.

Một cách quyết liệt, dụ ngôn đã đưa ra câu hỏi sau đây: Làm sao giới hữu trách của dân Do Thái lại đi tới chỗ loại bỏ Đấng thiên sai? Tôi xin thưa vì họ đã buông thả theo bản năng chiếm hữu của họ. Chủ vườn nho là Thiên Chúa, thủ lãnh duy nhất của họ. Thế nhưng tinh thần chiếm hữu của họ hệ tại việc áp đặt quan niệm riêng của họ về lề luật. Họ dùng lề luật để thống trị dân, họ còn có cao vọng dùng dân tộc của họ để lên ngôi thống trị thế giới. Các vị tiên tri đã đến để nhắn nhủ họ, nhưng tất cả đều bị họ giết chết, và sau cùng họ đã đi tới chỗ loại bỏ Đấng Thiên Sai, Con Một của Thiên Chúa. Thay vì phục vụ cho lề luật và dân chúng thì họ đã chiếm hữu, coi mình là chủ của lề luật và của dân chúng.

Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta có thoát khỏi thái độ tự coi là người làm chủ của Tin Mừng, của chân lý hay không? Làm thế nào để phục vụ Phúc Âm mà không chiếm hữu? Tôi xin thưa bằng cách để cho tinh thần Phúc Âm thấm nhập vài cải tạo chúng ta, chứ chúng ta không đọc Phúc Âm, rồi sau đó ngồi sắp xếp Phúc Âm theo ý riêng của chúng ta. Ngày xưa các thầy thông luật đã lèo lái niềm trông đợi của dân chúng tới những ước vọng thống trị trần gian. Ngày nay cũng không thiếu gì những người muốn lợi dụng Phúc Âm để quảng cáo cho một hệ thống chính trị hay một quan niệm xã hội. Chúng ta không có quyền sử dụng và dùng Phúc Âm vào một mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu đi đến Đức Kitô. Nhiều người muốn chiếm hữu Phúc Âm để mưu cầu lợi ích riêng tư, để rồi cuối cùng đã đi đến chỗ phủ nhận con người Đức Kitô. Tin Mừng mời gọi chúng ta xây dựng cuộc sống trên viên đá góc là Đức Kitô, Đấng chúng ta tìm kiếm và yêu mến, chứ không nên lèo lái Ngài và Tin Mừng của Ngài vào những ý đồ riêng tư của mình.

2. Tá điền và vườn nho

Nếu ruộng lúa, nương khoai, khóm trúc và con trâu là những hình ảnh quen thuộc của người Việt Nam, thì người Do Thái cũng có những hình ảnh thân thương đối với họ, đó là đàn chiên và vườn nho.

Thực vậy, Chúa Giêsu sinh ra là người Do Thái, cũng đã thừa hưởng nền văn hóa con chiên và cây nho ấy. Ngài đã dùng những hình ảnh quen thuộc đó để nói lên quan điểm của Ngài đối với mối tương giao giữa Thiên Chúa và Israel, cũng như mối tương giao giữa bản thân Ngài đối với các tín hữu của mình…

Chẳng hạn trong Tin Mừng theo thánh Gioan thì Chúa Cha là người trồng nho, bản thân Ngài là cây nho còn các môn đệ là ngành nho. Điều Ngài muốn truyền dạy là chúng ta phải sống gắn bó mật thiết với Ngài.

Thế nhưng trong Tin Mừng theo thánh Matthêu thì hình ảnh cây nho hay nói đúng hơn hình ảnh vườn nho được khai thác cho một đề tài khác.

Chúa Giêsu đã nói tới lòng tốt của ông chủ vườn nho không những sẵn sàng thuê mướn mọi người, nhất là những kẻ thất nghiệp, kém may mắn, mà còn trả công đồng đều cho cả những kẻ làm việc ít giờ nhất.

Ngài cũng đã nói tới những tá điền, là những người quản lý có trách nhiệm canh tác vườn nho để giao nộp hoa lợi cho chủ. Nhưng họ đã phản bội, đã đánh đập các sứ giả và đã giết chết chính người con của chủ. Để rồi, chủ đã phải lấy lại vườn nho mà trao cho người khác quản lý, tức là Giáo Hội.

Hôm nay, khi đọc lại dụ ngôn này, chúng ta sẽ ung dung tự nhủ: Do Thái là Do Thái và Giáo Hội là Giáo Hội Chúa đã trao đoàn chiên cũng như vườn nho của Ngài cho Giáo Hội, người quản lý cuối cùng mà Chúa đã chọn, vì thế không còn gì phải lo sợ: Làm thế nào mà Giáo Hội lại có thể giết hại các tôi tớ Chúa và cướp đoạt vườn nho Chúa được.

Thế nhưng chúng ta không nên lạc quan với những nhận định trừu tượng và lý thuyết trên đây mà phải nhìn vào thực tại trước mắt: Và thực tại trước mắt cho thấy Giáo Hội chính là chúng ta. Cộng đoàn dân Chúa, gồm những con người bằng xương bằng thịt, mới chỉ được mời gọi và được ban ơn sủng để nên thánh, hay nên hoàn thiện, nhưng thực tế thường chưa thánh, chưa hoàn thiện, do đó vẫn còn có thể có những kẻ lười biếng không chịu làm việc trong vườn nho, tệ hơn nữa vẫn còn có thể có những kẻ hung ác đánh đập, hành hạ và thậm chí giết hại những người tôi trung của Chúa, những người làm vườn tốt, để chiếm lấy vườn nho cho mình. Chính những ngôn ngữ chúng ta thường dùng cũng tố cáo sự chiếm đoạt có khi là vô ý thức đó.

Thực vậy, chúng ta chẳng thường nói: Con chiên của tôi, nhà thờ của tôi, giáo xứ của tôi, Giáo Hội của tôi. Trong khi đúng ra phải nói là con chiên của Chúa, nhà thờ của Chúa, giáo xứ của Chúa, Giáo Hội của Chúa.

Nhìn vào vườn nho Chúa, chúng ta thấy không thiếu những cây nho cành lá xum xuê mà chẳng sinh được một trái. Cũng chẳng thiếu những cành nho khô héo èo uột vì chỉ còn dính hờ vào thân cây.

Điều đáng buồn hơn nữa là cũng chẳng thiếu gì những tá điền, những người quản lý đã chiếm đoạt vườn nho Chúa làm gia nghiệp riêng của mình. Họ mặc sức khai thác tùy theo ý muốn, miễn sao có lợi cho mình. Không thiếu những kẻ chỉ lo rào dậu, xây tường và kiến tạo những bồn đạp nho, nhưng lại chẳng chăm sóc gì đến cây nho, khiến vườn nho Chúa mọc lên những cỏ dại và gai góc.

3. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

CÂU CHUYỆN VƯỜN NHO - CÂU CHUYỆN ĐỜI TA

Vườn nho là một hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái. Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để thính giả dễ hiểu điều Chúa nói về Nước Trời. Ý nghĩa dụ ngôn này như sau. Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho thoạt tiên được dùng để chỉ dân Do Thái. Dân Do Thái được Chúa chọn là dân riêng. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước. Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai khiến các tiên tri đến dạy dỗ họ. Quả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm sóc từng li từng tí. Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ. Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa. Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp lại bằng sự phản bội. Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa. Họ giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ. Họ còn giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng họ. Nhưng họ có biết đâu rằng nếu để Chúa là chủ thì vườn nho còn được bảo vệ, được chăm sóc và họ còn được hưởng hoa lợi. Nhưng từ chối quyền làm chủ của Chúa, vườn nho rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát, không còn hoa trái. Và vì thế cuộc đời họ cũng bị diệt vong.

Câu chuyện vườn nho không chỉ nói với người Do Thái mà còn nói với tất cả chúng ta, đặc biệt các sinh viên học sinh nhân dịp đầu năm học mới. Sinh viên học sinh là những cây nho được Chúa ưu ái trồng trong vườn nho của Chúa. Vườn nho đó là Nước Chúa, là Giáo Hội, là gia đình, là trường học. Các cháu thiếu nhi, các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên trẻ trung là những cây nho non mơn mởn được Chúa chăm sóc tưới bón trong tình thương bao la của cha mẹ, trong sự tận tâm của thày cô giáo, trong sự nhiệt thành quên mình của các linh mục, tu sĩ nam nữ. Chúa đặt lương tâm như tháp canh để cảnh báo những nguy cơ đe dọa tàn phá vườn nho. Để ngăn chặn thú dữ tàn phá, trẻ con nghịch ngơm, kẻ thù quấy phá, Chúa cẩn thận rào dậu vườn nho. Rào dậu là đặt ra những quy tắc luật lệ. Kỷ luật là phên dậu vững chắc bảo vệ những cây nho còn non yếu, bảo vệ hoa lợi khỏi kẻ thù đến phá hoại. Kỷ luật giúp bảo vệ cuộc đời của các con. Không chỉ bảo vệ sự sống mà còn tất cả những hoa trái tốt đẹp của sự sống. Bảo vệ tương lai của các con. Chúa xây bồn ép nho. Bồn ép nho là nơi làm việc. Quả nho phải trải qua quá trình ép, lọc, ủ mới lên men thành thứ rượu nho thơm lừng làm đẹp cho xã hội. Cũng vậy các con phải lao động vất vả qua nhiều công đoạn mới trở nên hữu ích cho Giáo Hội và cho xã hội. Có thể nói cuộc đời của mỗi người các con là một kỳ quan về tình yêu thương của Chúa. Chúa tạo dựng nên các con để các con được hạnh phúc. Chúa đã định sẵn cho các con một định mệnh tốt đẹp cao quý trong thánh ý Chúa.

Tiếc là có nhiều người không hiểu được điều đó, nên đã chối bỏ quyền Chúa làm chủ đời mình. Vì xua đuổi Chúa nên ma quỷ đã xâm nhập cuộc đời họ. Có nhiều người đã bỏ tháp canh lương tâm nên không còn tỉnh thức trước những nguy cơ đe dọa tàn phá sự sống. Có nhiều người đã phá đổ những phên dậu kỷ luật, biến vườn nho tâm hồn thành bãi đất hoang mặc cho mọi người chà đạp, tàn phá. Có nhiều người đã bỏ quên bồn ép nho, không chịu làm việc, chỉ rong chơi ngày tháng nên cả cuộc đời tiêu tốn biết bao sự thương yêu, tiền bạc, công sức của cha mẹ, thày cô giáo, các bề trên trong Giáo Hội mà không sinh được hoa trái gì cho cuộc đời.

Các con, sinh viên học sinh thân mến,

Đầu năm học mới là dịp các con chỉnh đốn lại vườn nho tâm hồn các con. Hãy để Chúa làm chủ cuộc đời các con. Hãy tin tưởng định mệnh Chúa dành cho các con là định mệnh tốt đẹp nhất. Tương lai Chúa dọn sẵn cho các con là tương lai tươi sáng không gì có thể so sánh được. Hãy đón nhận tình yêu thương của cha mẹ, thày cô giáo, và các bề trên trong Giáo Hội. Tình yêu thương chăm sóc của các ngài là nước mát tưới cho cây đời các con xanh tươi. Hãy tuân theo sự hướng dẫn của tháp canh lương tâm để các con biết phân biệt thật giả, trắng đen, thiện ác giữa lúc vàng thau lẫn lộn, biết chọn lựa con đường tốt đẹp cho tương lai. Hãy sống theo sự hướng dẫn của luật lệ, luật xã hội, luật học đường, luật sự sống, luật Giáo Hội. Đó chính là cách tự bảo vệ trước những lực lượng xấu, trước những cơn cám dỗ ngọt ngào đang rình chờ trói chặt những cuộc đời ẻo lả, mềm yếu, buông tuồng. Hãy làm việc trong bồn ép nho. Sự siêng năng chăm chỉ, lòng say mê học tập chính là chìa khóa của sự thành công.

Năm học mới là một ân huệ nhưng cũng là một trách nhiệm. Các con được ban nhiều, các con sẽ bị đòi hỏi nhiều. Năm học mới được ban tặng để các con sinh lợi. Sinh lợi để xứng đáng với tình thương của Chúa. Sinh lợi để xứng đáng với xã hội, quê hương đất nước. Sinh lợi chính là thăng tiến bản thân, làm lợi cho chính các con trước hết.

Xin Chúa ban phúc lành cho năm học mới để các thày cô giáo, các học sinh sinh viên thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thăng tiến bản thân, gia đình, Giáo Hội và xã hội. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1. Chúa đã ban cho bạn sự sống và còn đặt biết bao người, biết bao phương tiện, hoàn cảnh để nuôi dưỡng và phát triển sự sống đó. Bạn có nhận biết điều này không?

2. Bạn có nhìn nhận Chúa làm chủ đời mình và có thái độ xứng hợp không?

3. Phát triển là một trách nhiệm. Bạn có chu toàn trách nhiệm đó không?

4. Tôi tớ hay kẻ tiếm quyền? – Achille Degeest. (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Dụ ngôn các thợ vườn nho phản loạn thuộc vào loại dụ ngôn Chúa Giêsu tạo ra để tỏ bày thân thế của Ngài là Đấng Messia. Dụ ngôn này cũng cho thấy sự cô đơn bi thảm của Đức Kitô bị dân Người loại bỏ và chung quanh có những môn đệ mà lòng tin phát sinh khó khăn và hiện còn mỏng manh. Như thường lệ, Chúa Giêsu cấu tạo dụ ngôn từ thực tại mà Người nghe thấy trước mắt. Trong xứ Galilêa thời ấy, những điền chủ bỏ tiền vào việc trồng nho. Họ giao cho thợ làm nho trông coi rồi trả lương. Đôi khi họ đi xa, ra cả nước ngoài và để việc quản lý mùa màng lại cho những phái viên họ sai đến với các thợ làm nho. Theo luật Do thái nếu chủ một thửa đất chết đi mà không có người thừa kế, đất ấy thuộc về người nào chiếm ngụ đầu tiên. Điều này cho ta hiểu lý luận của các thợ vườn nho: Con thừa tự đấy, giết nó đi, chúng ta sẽ chiếm được gia tài của nó. Quả thực, con thừa tự mà chết, đất thành vô chủ và thuộc quyền những kẻ cư ngụ. Qua dụ ngôn này, và trong đoạn nói tiếp nhắc lại hình ảnh viên đá góc bị thợ xây loại bỏ, Chúa Giêsu muốn cho hiểu rằng chính Ngài là người con trai bị thợ làm vuờn nho giết đi và là viên đá góc. Trong tâm trí người đọc sách phúc âm vào thời Mt viết ra, cũng như trong tâm trí chúng ta, tất cả câu chuyện kết thúc bằng việc Chúa Con sống lại, để giải cứu gia tài Ngài, là toàn thể nhân loại và đã trở thành viên đá chính trong việc xây dựng nước trời. Dụ ngôn này đặt ra cách quyết liệt câu hỏi sau đây: Làm sao các người hữu trách dân Do thái lại đã tới chỗ loại bỏ Đấng Messia?

1) Họ đã hướng theo bản năng chiếm hữu. Chủ vườn nho là hình ảnh Thiên Chúa, thủ lãnh duy nhất và Cha của dân tộc Do thái. Việc các lãnh tụ của dân chiếm hữu nằm ở chỗ họ áp đặt quan niệm riêng và lề luật. Họ dùng lề luật để thống trị dân, họ còn có cao vọng dùng dân tộc được chọn để đạt tới chỗ thống lãnh thế giới. Các vị tiên tri đã đến và chính Con Thiên Chúa cũng đã đến để nhắc nhủ rằng, lề luật thuộc riêng mình Thiên Chúa và dân không phải là sở hữu của những kẻ cai trị, nhưng là của Thiên Chúa mà thôi. Họ đã giết các tiên tri và cuối cùng đã giết luôn Con Thiên Chúa. Họ đã tới chỗ loại bỏ Đấng Messia bởi vì thay vì phục vụ lề luật và dân, họ đã chiếm hữu, coi mình là chủ lề luật và dân. Một câu hỏi: liệu chúng ta có thoát khỏi thái độ tự coi là người làm chủ Chân lý?

2) Làm thế nào để phục vụ Chân lý Phúc Âm mà không chiếm hữu? Bằng cách hãy để cho Phúc Âm thâm nhập và cải tạo chúng ta, chứ không phải đọc rồi sắp xếp Phúc Âm theo ý chúng ta. Ngày xưa các thày thông luật lèo lái sự trông mong của dân đến những ước vọng thống trị trần gian. Ngày nay, phải chăng không có những nhà trí thức xử dụng Phúc Âm để quảng bá hệ thống chính trị của họ, các quan niệm về xã hội của họ dầu cho đó là bảo thủ hay là cách mạng? Người ta không có quyền cư xử như chủ nhân Phúc Âm và dùng Phúc Âm như mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu đi đến Chúa Giêsu Kitô trong đức tin. Nhiều người tiếm hữu Phúc Âm mưu lợi cho ý tưởng của họ, như các ký lục ngày xưa tiếm hữu lề luật, cuối cùng đi tới chỗ phủ nhận con người Đức Kitô. Phúc Âm mời gọi chúng ta xây dựng cuộc sống trên viên đá sống động là Chúa Giêsu Kitô, Đấng chúng ta lắng nghe, tìm kiếm và yêu mến. Không ai làm chủ Đức Kitô, chúng ta tất cả đều phục vụ cho Phúc Âm của Ngài mà chúng ta chỉ là người lãnh nhận.

5. Chúa Giêsu vẫn còn hiện diện với chúng ta (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ của Charles E. Miller)

Nếu Chúa Giêsu đã đến trái đất này cùng một cách như Người đã đến lần đầu tiên, bạn thử nghĩ xem Người sẽ được tiếp bạn ra sao? Sự tiếp đón ngày hôm nay của chính xứ sở bạn có khác với những gì đã xảy ra ở Giudea vào những thế kỷ trước không?

Chúa Giêsu đã đến thế gian sau những lời tiên báo của một loạt các tiên tri trong kỷ nguyên Cựu Ước nhưng chúng đã bị dân chúng thời đó coi thường và phớt lờ đi. Họ đã xử sự giống như những người nô lệ trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã kể trong bài Phúc âm hôm nay. Những nô lệ này đã đối xử cách đáng xấu với những người làm công mà chủ sai đến lấy phần thu của ông. Thật kinh tởm, khi người khi chủ sai chính con trai của ông, vì ông hy vọng rằng họ sẽ nể ông, nhưng họ đã giết luôn đứa con trai của ông.

Chúng ta không cần phải tưởng tượng gì thì cũng nhận ra người con mà dụ ngôn nhắc đến chính là Chúa Giêsu. Hôm nay có gì mới không? Chúa Giêsu sẽ đến đổi mới thế giới đau khổ và tàn tệ mà Người đã chịu đựng hai mươi thế kỷ trước không?

Không phải tưởng tượng nhưng chúng ta cần đức tin để trả lời cho câu hỏi này. Theo đức tin công giáo của chúng ta, sự thật là Chúa Giêsu đang đến giữa chúng ta,đặc biệt là nơi người hất hủi, bị khinh bỉ và những phần tử nghèo nàn cơ cực trong xã hội của chúng ta.

Chúa Giêsu đến trong ngôi vị của một thai nhi trong dạ mẹ. Người đang cố gắng để được sinh ra một lần nữa vào trong thế giới của chúng ta, nhưng phong trào phá thai đang loại bỏ Người bằng cách huỷ diệt Người ngay tại nơi được coi là cung thánh an toàn nhất trên mặt đất này, là nơi dạ người mẹ. Có phải Thiên Chúa Cha sẽ nói như người chủ đất hôm nay: “Chắc họ sẽ kính trọng con trai ta”.

Theo lịch sử, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Bethlehem, âm vang cái tên thành phố. Bên trong câu chuyện nhẹ nhàng ở Bethlehem là một thú nhận bi thảm về gia đình Thánh: “ Không có phòng cho họ nơi quán trọ”. Thật ra, Mẹ Maria và Thánh Giuse là những người dân nhập cư. Họ từ Nazareth, một nơi phương Bắc xa xôi. Cho dù Chúa Giêsu đã sinh ra nơi thành phố của tổ tiên là Bethlehem, người cũng đã bị đối xử như một người ngoại quốc. Các quán trọ có thật đã chật chỗ không? Hay đơn giản hơn là họ đã không được tiếp đón? “Không có phòng cho họ”.

Ngày hôm hay Chúa Giêsu vẫn còn cố gắng để được chúng ta tiếp đón trong những người dân nhập cư đến với đất nước của chúng ta, những người con cái Chúa này bị loại bỏ như những người ngoại quốc, cho dù họ đã đến một miền đất giống như tất cả trái đất đều thuộc về Thiên Chúa là Cha của họ.

Đời sống công khai của Chúa Giêsu đầy dẫy những chống đối vì những lời rao giảng và giáo huấn của người. Sự thương xót của Người dành cho dân nghèo và người đau ốm làm dâng cao sự căm phẫn bởi vì Người đã làm những công việc tốt lành vào ngày Sabath. Lời hứa về Thánh Thể của Người đòi hỏi những người lắng nghe Người một là chấp nhận người, hai là loại bỏ Người. Nhiều người đã xoay lưng và bỏ đi. Sự loại bỏ biến thành oán ghét, và oán ghét làm cho điên cuồng, họ đã đóng đinh Chúa Giêsu như là một tội nhân.

Có phải đây là một cú nhảy đức tin quá nhiều để chúng ta nhìn về Chúa Giêsu trong một đội nhân không? Nếu như thế, ít nhất chúng gta không nhớ lời Chúa Giêsu đã tha thứ cho trộm lành có lòng hối cải và tha thứ cho những người đã đóng đinh Người ư? “Họ không biết việc họ làm?” Chúng ta có biết việc chúng ta đang làm cho chúng ta thích phạt và khuyến khích một hành động dẫn chúng ta tới tình trạng dã man không?

Một dụ ngôn Chúa Giêsu đã nói khi xưa vẫn có ý nghĩa với chúng ta hôm nay nếu chúng ta khiêm nhường đủ để cho nó thách đố chúng ta bằng những vấn nạn giống như nhiều người đồng hương của chúng ta, chúng ta yếu ớt trong việc tìm kiếm Chúa trong tha nhân.

6. Có một chủ vườn kia

“Chủ vườn” là từ quan trọng trong dụ ngôn này, cùng với một từ khác tương ứng với từ đó: “hoa trái”. Người chủ vườn này muốn có những hoa trái đặc biệt. Với lòng quan tâm chăm sóc, ông trồng một vườn nho và mong đợi một mùa thu hoạch tốt đẹp, nhưng các tá điền không có vẻ gì là hoạt động cả. Chủ vườn sai đầy tớ tới: tá điền giết chết họ. Thế là chủ vườn thực hiện một hành vi điên rồ: ông sai chính con trai của mình đến và con trai ông cũng bị giết.

Chúng ta biết rằng người con trai này chính là Chúa Giêsu, nhưng vườn nho này là vườn nho nào? Những thợ làm vườn nho là ai? Chúng ta phải làm gì trong câu chuyện này?

Từ một vườn nho ở trên một sườn đồi, dụ ngôn kể chuyện những tương quan giữa Thiên Chúa và con người, điều mà Tin Mừng gọi là Nước Trời: “Ta sẽ là Chúa của các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta”, Chúa đã nói như thế. Đây là món quà đẹp nhất của Thiên Chúa, ông chủ của mọi sự, người thầy của mọi sự.

Thiên Chúa mong ước ban Nước Trời cho chúng ta. Là tình yêu Thiên Chúa muốn làm cho tất cả mọi người thành một dân tộc của tình yêu. Điều này muốn nói lên hai điều luôn luôn liên kết với nhau một cách chặt chẽ: một dân tộc gồm những con cái được Thiên Chuá yêu thương và yêu thương Thiên Chúa; một dân tộc gồm những người anh em yêu thương nhau. Đó là vườn nho và đó là những mùa hái nho.

Để thực hiện dự định vĩ đại này, Thiên Chúa đã chọn một dân tộc nhỏ làm hạt giống, làm men, đó là Israel. Ngài đã giao phó vườn nho của Ngài, tức là dự án về Nước trời cho dân tộc này.

Thất vọng. Được các vị lãnh đạo tôn giáo dẫn dắt tồi, Israel không sử dụng cho đúng những đặc ân của mình. Chúa sai đến cho Israel những sứ ngôn, những tiên tri, nhưng nước này không nghe họ. Coi thường chủ vườn, các tá điền xấu tin rằng họ có thể một mình làm chủ vườn nho của Chúa. Họ chăm sóc vườn nho không tốt bởi vì các ân sủng của Thiên Chúa chỉ sinh hoa kết quả với Thiên Chúa mà thôi.

Trong một nhiệt tình yêu thương tối hậu, Thiên Chúa sai Con Trai của Ngài để dạy cho các thợ làm vườn nho biết cách làm cho vườn nho của Chúa sinh lợi, biết cách sống vì Nước Trời như thế nào. Nhưng hết rồi, vào cuối Tin Mừng, Chúa Giêsu nhận thấy rằng chính Ngài cũng không được lắng nghe, các nhà lãmh đạo dân chúng muốn bóp nghẹt tiếng nói của Ngài.

Thế rồi Ngài đưa ra một lời đe doạ hoàn toàn không khoan nhượng cho những ai tự xem mình là những người được ưu tiên vĩnh viễn, những người chủ của các ân sủng của Thiên Chúa. Cho tới lúc đó, Chúa thường đe doạ họ và thậm chí sửa phạt họ một cách nghiêm khắc, nhưng không hề có ai dám nói với họ rằng Thiên Chúa sẽ giao phó vườn nho của Ngài cho những người khác. Dầu sao thì đây cũng chính là ý nghĩa của dụ ngôn ghê gớm này mà những từ cuối cùng rơi xuống như một cái máy chém: “Nước Trời sẽ được cất khỏi các ngươi và sẽ được trao cho dân khác làm cho trổ sinh hoa trái”,

Lời đe doạ đã được thực hiện, người Kitô hữu tiếp tục sự nghiệp của người Do thái. Điều này không xoá bỏ sự vĩ đại của dân tộc đã được chọn đầu tiên và vẫn là một dân tộc được chọn này (Rm 11, 28-29). Dân Do thái vẫn tiếp tục loan báo Đấng Tối Cao bằng đức tin sâu xa và thường rất anh hùng của họ. Tiếp theo sau và cùng với dân Do thái chúng ta nên giòng mạc khải Do thái –Kitô giáo. Và dụ ngôn này phải làm cho chúng ta suy nghĩ về sự vĩ đại và trách nhiệm của chúng ta. Thật là một sứ mạng nặng nề! Sống tình yêu, loan truyền tình yêu khắp nơi, tạo ra những kết quả thực sự của Nước Trời. Chúng ta có xứng đáng không? Người Kitô hữu và những nhà lãnh đạo tín hữu có tỏ ra trên khắp thế giới như là những tá điền tốt, những thợ làm vườn nho tốt của ông chủ duy nhất của vườn nho hay không?

7. Hành động và phản ứng.

Những người Biệt phái không sẵn sàng trở lại. Đó là một thái độ thụ động. Nhưng đi xa hơn, họ bước sang hành động quyết định chống lại Đức Kitô. Trong ngụ ngôn thợ làm vườn nho, Thày chí thánh đã mô tả cho chúng ta như sau: Israel là một dân gồm những mục tử và nông dân. Các dụ ngôn Phúc âm là những hình ảnh thu nhặt trong đời sống đồng áng. Trước kia nơi các tiên tri và các thánh vịnh, quốc gia này đã được so sánh với một vườn nho được Thiên Chúa vun trồng săn sóc đặc biệt. Chúa chờ hái lượm những chùm nho chĩu nặng tức là mong thấy bay tỏa hương thơm đạo đức và lòng tùng phục Thiên Chúa. Nhưng ít khi Chúa mãn nguyện. Bây giờ, khi Chúa đến, giờ quyết định của dân tộc đã điểm.

Đó là giờ quyết định thực sự! Bổn phận mà Israel chu toàn lại bị coi như là một cố gắng vô ích sao? Quả thực các vị thủ lãnh dân tộc có một đời sống tôn giáo nông cạn khô khan. Ngoài ra họ bắt đầu công kích Chúa, mặc dầu Ngài đã góp công phục hưng quốc gia. Cha ông họ đã giết các tiên tri, những thừa sai của Thiên Chúa, còn chính họ là con cái lại quyết định giết Chúa.

Theo phương diện lịch sử, giờ quyết định đã điểm vì tất cả quá khứ của Israel hướng về ngay vị cứu tinh xuất hiện. Tất cả những hy vọng quy về vị cứu tinh là tột đỉnh mong đợi. Đây Chúa Cứu Thế đã đến và số phận dân tộc đã biểu lộ. Các thủ lãnh đều có trách nhiệm về điều đó. họ tự quyết chống lại Ngài, vì họ muốn một vị khác đáp lại những đòi hỏi sai lầm của họ. Họ không những đã từ chối, nhưng nhất là công kích đầy căm phẫn nữa. Đấng phải đến cho họ sự phục sinh, lại bị chính họ xử tử.

Lời Chúa đòi p hải có lập trường vững chắc, nhất là khi hành động. Ngược lại với lời nhân loại, lời Chúa bắt phải dấn thân. Người ta có thể gạt bỏ những ý tưởng triết học, gạt bỏ hệ thống suy luận của một tư tưởng gia hay những tác phẩm của văn sĩ. Người ta ít chú ý đến những thứ đó, nên một năm khó lòng mua được một số sách, do đó nhiều khi sách vở phải bán theo giá giấy. Trái lại lời Chúa, tiếng gọi và đòi hỏi, đòi phải chọn lựa khi nghe biết. Không chú ý đến lời Chúa là phủ nhận lời Chúa và như vậy là gạt Chúa sang một bên. Làm như thế tức là tiến thêm một bước nữa về sự dữ. Trong khi chối từ những gì đem lại ơn cứu độ, người ta tự ý hướng về tình trạng khai trừ. Kitô giáo, không phải chỉ loan báo những chân lý để bàn luận hay xác định lập trường tùy tiện. Thiên Chúa mời gọi chúng ta, muốn chúng ta dấn thân phục vụ Ngài. Vì thế từ chối có nghĩa là nổi loạn. Lời Chúa là nền tảng cho đời sống. Ai chối bỏ là chối bỏ chính Chúa: Hòn đá không ở một nơi, nhưng theo Đức Kitô, hòn đá đó sẽ nghiến nát ai chối bỏ nó để ở lại giữa loài người.

Tình trạng cuộc sống không bất động: mỗi hành động nhân loại đều được Thiên Chúa đáp ứng cách khác nhau. Thực ra, Ngài không chỉ sửa phạt, Ngài sẽ không tiêu diệt những ai từ chối, nhưng đôi khi Ngài chịu đựng để biến đổi sự dữ thành sự lành. Trước hành động của kẻ thù, Ngài phản ứng lại theo đức công bình và nhất là phản ứng theo lòng yêu thương.

Adam từ chối Thiên Chúa đã gọi mình, nên đánh mất Thiên Đàng, nhưng đồng thời ông lại được hứa Đấng Cứu Thế. Lỗi phạm, nhờ ơn sủng biến thành lỗi có phúc. Đại hồng thủy đưa đến giao ước với Noe. Tháp Babel biểu thị sự chia rẽ nhân loại, cũng biểu thị ơn gọi của Abraham là người biến Israel thành dân duy nhất của Chúa. Việc bán Giuse sang Ai Cập trở nên sự cứu độ cho anh em. Pharaon cứng lòng đưa dân Chúa đến việc ký kết giao ước với Thiên Chúa. Lịch sử tiếp tục thể hiện cho tới lúc Israel từ chối Đức Kitô, đóng đanh Chúa họ trên núi Calvariô. Sự thất bại tuyệt đối đã được ân sủng tác động để hình thành giao ước mới với toàn thể nhân loại, và hy tế cứu độ của Chúa. Trong suốt lịch sử Giáo Hội, máu các vị tử đạo không ngừng trở nên hạt giống làm trổ sinh những kitô hữu mới. Cho tới ngày chung cuộc, việc xuất hiện người chống lại Đức Kitô sẽ kêu mời Đức Kitô tái giáng. Trái đất bị chúc dữ sẽ báo hiệu một thế giới mới, để tất cả tăm tối sẽ bị ánh sáng toàn thắng. Tất cả sự chết sẽ bị sự sống thống trị, tội lỗi sẽ bị ơn sủng chế ngự. Hòn đá bị thợ ném đi, được Chúa can thiệp để trở nên hòn đá góc. Và nước Chúa được ban cho một dân tộc ưu tú mới, vườn nho được phó thác cho những người thợ mới; những người ấy nhờ tác động của ơn sủng, sẽ gặt hái hoa trái chín mọng do ơn Chúa. Vậy, những hầm rượu và kho lẫm Thiên Chúa được tràn đầy phong phú, rồi những kẻ ưu tú được lệnh trao hoàn cho Ngài. Tất cả biến thành ơn sủng.

Top