Chúa nhật 17 Thường niên năm B - Cộng tác (Ga 6,1-15)

Chúa nhật 17 Thường niên năm B - Cộng tác (Ga 6,1-15)

Chúa nhật 17 Thường niên năm B - Cộng tác (Ga 6,1-15)

“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá,
nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6, 9)

BÀI ĐỌC I: 2 V 4, 42-44

“Họ ăn xong mà hãy còn dư”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có một người từ Baal-salisa mang đến dâng cho Êlisê, người của Thiên Chúa, bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói: “Xin dọn cho dân chúng ăn”. Đầy tớ của người trả lời: “Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” Nhưng người ra lệnh: “Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: 'Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư'“. Đoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 15-16. 17-18

Đáp: Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê (c. 16).

Xướng:

1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Đáp.

2) Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê. - Đáp.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. Chúa gần gũi những kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. - Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Ep 4, 1-6

“Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc.

Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Ga 6,1-15

1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.

2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.

3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.

7 Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”

8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”

10 Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.

11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.

12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.”

13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!”

15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 17 Thường Niên năm B

WHĐ (24.07.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 1335: Phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể

Số 814-815, 949-959: Việc chia sẻ các ân sủng trong sự hiệp thông của Hội Thánh

Bài Ðọc I: 2V 4, 42-44

Bài Ðọc II: Ep 4, 1-6

Phúc Âm: Ga 6, 1-15

Số 1335: Phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể

Số 1335. Các phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi Chúa dâng lời chúc tụng, bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ Người để nuôi dưỡng đám đông, là hình ảnh tiên báo sự vô cùng phong phú của tấm bánh duy nhất là Thánh Thể của Người[1]. Dấu chỉ nước hoá thành rượu ở Cana[2] đã loan báo Giờ vinh quang của Chúa Giêsu. Dấu chỉ này biểu lộ sự hoàn tất của bữa tiệc cưới trong Nước của Chúa Cha, nơi các tín hữu uống rượu mới[3] đã trở thành Máu Đức Kitô.

 

Số 814-815, 949-959: Việc chia sẻ các ân sủng trong sự hiệp thông của Hội Thánh

Số 814. Tuy nhiên, ngay từ khởi đầu, Hội Thánh duy nhất đó cho thấy mình rất đa dạng, điều này vừa xuất phát từ những hồng ân khác nhau của Thiên Chúa đồng thời vừa từ vô số những người lãnh nhận các hồng ân đó. Những đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá được quy tụ thành sự duy nhất của dân Thiên Chúa. Giữa các phần tử của Hội Thánh có sự đa dạng về các hồng ân, các chức năng, các hoàn cảnh và các cách sống; “trong sự hiệp thông của Hội Thánh, có sự hiện diện cách chính đáng của các Giáo Hội địa phương với những truyền thống riêng”[4]. Những phong phú lớn lao của sự đa dạng này không nghịch lại tính duy nhất của Hội Thánh. Tuy nhiên tội lỗi và những hậu quả nặng nề của nó không ngừng đe doạ hồng ân là sự duy nhất. Vì vậy thánh Tông Đồ đã khuyên phải duy trì “sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Ep 4,3).

Số 815. Những mối dây của sự duy nhất này là gì? Trên hết mọi sự, đó là đức mến, là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,l4). Nhưng sự duy nhất của Hội Thánh lữ hành cũng được nâng đỡ bằng những mối dây hiệp thông hữu hình:

– Nhờ việc tuyên xưng một đức tin duy nhất đã tiếp nhận từ các Tông Đồ;

– Nhờ sự cử hành chung việc phượng tự thần linh, nhất là các bí tích;

– Nhờ sự kế nhiệm tông truyền qua bí tích Truyền Chức Thánh, điều này duy trì sự hòa hợp huynh đệ của gia đình Thiên Chúa[5].

Số 949. Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, các môn đệ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Sự hiệp thông trong đức tin. Đức tin của các tín hữu là đức tin của Hội Thánh, được đón nhận từ các Tông Đồ, là kho tàng của sự sống, một kho tàng khi được truyền thông thì lại thêm phong phú.

Số 950. Sự hiệp thông các bí tích. “Quả vậy, hoa trái của tất cả các bí tích thuộc về hết mọi tín hữu; nhờ các bí tích này, giống như nhờ những mối dây thánh thiêng, họ được gắn liền và kết hợp với Đức Kitô, nhất là nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó, như qua một cái cửa, họ tiến vào Hội Thánh. Các Giáo phụ giải thích rằng, ‘các Thánh thông công’ trong Tín biểu phải được hiểu là sự hiệp thông các bí tích…. Danh xưng [hiệp thông] này phù hợp với tất cả các bí tích, vì tất cả đều kết hợp chúng ta với Thiên Chúa…; tuy nhiên danh xưng ấy thích hợp hơn cho bí tích Thánh Thể, là bí tích thực hiện sự hiệp thông này”[6].

Số 951. Sự hiệp thông các đặc sủng: Trong sự hiệp thông của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần “ban phát các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống” để xây dựng Hội Thánh[7]. “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7).

Số 952. “Đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32): “Kitô hữu thật sự không sở hữu một điều gì, mà không cho rằng đó là của chung cho mình cùng với tất cả những người khác; vì vậy họ phải mau mắn và sẵn sàng làm nhẹ bớt sự cùng khốn của những người túng thiếu”[8]. Kitô hữu là người quản lý tài sản của Chúa[9].

Số 953. Sự hiệp thông đức mến: Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình” (Rm 14,7). “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là Thân Thể của Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,26-27). Đức mến “không tìm tư lợi” (1 Cr 13,5)[10]. Việc nhỏ nhất trong các hành vi của chúng ta được làm trong đức mến đều sinh lợi ích cho mọi người, trong sự liên đới hỗ tương với tất cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết, sự liên đới đó được đặt nên trong mầu nhiệm “các Thánh thông công”. Mọi tội lỗi đều làm tổn thương sự hiệp thông này.

Số 954. Ba tình trạng của Hội Thánh. “Cho tới khi Chúa ngự đến trong sự uy nghi của Người, có tất cả các Thiên thần với Người, và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi sự đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ của Chúa, có những người đang tiếp tục cuộc lữ hành trên trần thế, có những người đã hoàn tất cuộc sống đời này và đang được thanh luyện, lại có những người đã được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng ‘cách tỏ tường chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, như Ngài là’”[11]:

“Tuy nhiên, tất cả chúng ta, theo mức độ và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, và cùng hát lên bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Thật vậy, tất cả những ai thuộc về Đức Kitô, có Thần Khí của Người, đều họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Người”[12].

Số 955. “Vì vậy, sự kết hợp giữa những người còn đi đường với các anh em đã yên nghỉ trong bình an của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, mà trái lại, theo đức tin trường tồn của Hội Thánh, sự hợp nhất đó còn được tăng cường bằng việc truyền thông cho nhau những lợi ích thiêng liêng”[13].

Số 956. Sự chuyển cầu của các Thánh: “Vì được gắn bó mật thiết hơn với Đức Kitô, các Thánh trên trời củng cố toàn thể Hội Thánh một cách vững chắc hơn trong sự thánh thiện…. Các ngài không ngừng chuyển cầu với Chúa Cha cho chúng ta, trong khi dâng các công nghiệp các ngài đã lập được nơi trần thế nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Kitô Giêsu…. Nhờ vậy sự yếu đuối của chúng ta được giúp đỡ rất nhiều bằng sự quan tâm huynh đệ của các ngài”[14]:

“Anh em đừng khóc, bởi vì tôi sẽ có ích cho anh em hơn, ở nơi tôi sắp tới, hơn là lúc tôi ở đây”[15].

“Tôi muốn ở trên trời, để làm việc lành dưới thế”[16].

Số 957. Hiệp thông với các Thánh. “Chúng ta không chỉ kính nhớ các Thánh trên trời vì gương sáng của các ngài, nhưng hơn thế nữa, còn để sự hợp nhất của toàn thể Hội Thánh trong Thần Khí được tăng cường nhờ việc thực thi đức mến huynh đệ. Thật vậy, cũng như sự hiệp thông giữa những người đi đường đưa chúng ta tới gần Đức Kitô hơn, thì sự liên kết với các Thánh cũng kết hợp chúng ta với Đức Kitô, tự nơi Người, với tư cách là nguồn mạch và là Đầu, tuôn chảy mọi ân sủng và sự sống của chính dân Thiên Chúa”[17]:

“Quả vậy, chúng ta tôn thờ Đức Kitô vì Người là Con Thiên Chúa; và chúng ta yêu mến một cách chính đáng các vị Tử Đạo, xét như là những môn đệ và những người bắt chước Chúa, vì sự hết sức tốt lành của các ngài đối với Đấng là Vua và Thầy của mình; ước gì chúng ta được là bạn đồng hành và đồng môn với các ngài”[18].

Số 958. Hiệp thông với những người đã qua đời. “Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô, nên ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời, và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ (2 Mcb 12,45), nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ”[19]. Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu.

Số 959. Trong gia đình duy nhất của Thiên Chúa. “Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Đức Kitô, nên khi chúng ta hiệp thông với nhau trong đức mến hỗ tương và trong cùng một lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta sống phù hợp với ơn gọi thâm sâu của Hội Thánh”[20].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 17 Thường Niên năm B

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (25.07.2021) - Nhìn thấy, chia sẻ, gìn giữ

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (25.07.2021) - Logic của sự nhỏ bé và sự cho đi

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (29.07.2018) - Không dửng dưng trước tiếng kêu đói của dân chúng

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (26.07.2015) - Luận lý trao ban và chia sẻ

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (29.07.2012) - Thiên Chúa hóa ra nhiều từng cử chỉ yêu thương bé nhỏ

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðược chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, người Do thái cho rằng Ðức Giêsu là vị ngôn sứ của thời cuối cùng. Vị ngôn sứ được sai đến để giải phóng dân tộc và phục hồi sức mạnh nước Israel. Họ muốn tôn Ðức Giêsu làm vua với mục đích để Ngài bảo đảm đời sống cho họ bằng những phép lạ tương tự. Nhưng Ðức Giêsu lánh đi, Ngài muốn cho thấy Ngài được Thiên Chúa sai đến thế gian không phải để làm chính trị nhưng để cứu vớt con người, dẫn đưa họ về Thiên Chúa. Phép lạ cho thấy Ðức Giêsu thương con người. Ngài cứu chữa phần hồn, dưỡng nuôi phần xác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hóa bánh để nuôi dân Do thái. Ngày nay, Chúa cũng ban chính Thịt Máu Chúa để nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin cho chúng con ý thức được đó là một ân huệ lớn lao mà Chúa dành cho chúng ta. Xin giúp mỗi người trong gia đình chúng con, giáo xứ chúng con biết siêng năng nước Chúa để được lãnh nhận sức sống của Chúa. Ðó mới là hạnh phúc đích thực mà Chúa đem lại cho chúng con. Chúng con không đòi phép lạ nào khác mới tôn phục Chúa, vì hằng ngày chúng con vẫn được chiêm ngắm một phép lạ cao cả là Bí tích Thánh Thể. Chúa vẫn hiện diện và nuôi sống chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Có người cho rằng phép lạ Chúa Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều kể lại trong Tin Mừng là chuyện không có thực mà chỉ là tác dụng tâm lý, nghĩa là họ cho rằng: em bé có năm chiếc bánh và hai con cá đã chia phần ăn của mình cho người bên cạnh, và thế là theo gương em bé này, mọi người chia phần ăn của mình cho nhau, nên ai cũng đủ bánh ăn.

Nhưng sự thật không phải như vậy, vì Tin Mừng đã kể lại những chi tiết rất rõ ràng và cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại, đây là một phép lạ thực sự của Chúa Giêsu. Các nhà chú giải Kinh Thánh đã quả quyết: “Phải chối bỏ cả Tin Mừng thì mới có thể loại bỏ khỏi Tin Mừng sự kiện hóa bánh ra nhiều”. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tìm hiểu phép lạ này có thực hay không mà là tìm hiểu xem Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì khi làm phép lạ này. Có nhiều điều lắm, chúng ta hãy ghi nhận và suy nghĩ hai điều.

Điều thứ nhất Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta về lòng thương xót. Trong bối cảnh của phép lạ này, chúng ta thấy có hai thứ thương xót. Các môn đệ thấy trời đã về chiều và người ta mệt mỏi rồi, các ông tội nghiệp họ và đã thưa với Chúa: “Xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mua thức ăn”. Đó là thứ thương xót như thế, thứ thương xót nhập đề, lòng thương xót này cần thiết vì là khởi điểm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ, vì thế, Chúa muốn các môn đệ bước qua thứ thương xót khởi điểm đó, đem thứ thương xót nhập đề vào thứ thương xót thứ hai, thứ thương xót nhập cuộc: “Anh em hãy cho họ ăn”.

Quả thực, có tấm lòng thương xót người khác là một điều tốt rồi nhưng chưa đủ, có những lời nói thương xót người khác cũng là một điều tốt rồi nhưng cũng chưa đủ, mà cần phải có việc làm cụ thể, cần phải có hành động thương xót thực sự nữa. Chúa Giêsu đã thể hiện như thế và Ngài dạy chúng ta hãy sống như thế. Cũng vậy, có lòng trắc ẩn hay những lời nói an ủi, khích lệ, cảm thông là thái độ tốt rồi, nhưng tốt nhất vẫn là biết chia sẻ, biết san sẻ giúp đỡ. Chúa không đòi chúng ta những việc làm to lớn, nhưng đòi chúng ta phải biết san sẻ, phải biết cho những gì trong tầm tay, trong khả năng của mình, phần còn lại chúng ta sẽ được Chúa tiếp tay thực hiện. Điều quan trọng không phải là cho ít hay cho nhiều, nhưng là ở chỗ chúng ta có con mắt đức tin đủ để nhận ra những người khác cũng là con Thiên Chúa, cũng là anh em của chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của người khác. Xin Chúa tiếp tay trợ giúp chúng ta để tình yêu thương nhân ái được tỏa lan rộng rãi hơn.

Điều thứ hai Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta qua phép lạ hóa bánh này là sự cộng tác. Trước hết, chúng ta phải xác nhận chắc chắn rằng: nếu không có năm chiếc bánh và hai con cá của em bé kia, Chúa Giêsu vẫn có thể làm phép lạ cho hàng ngàn người ăn no nê, thoải mái. Cũng vậy, không cần có sự cộng tác của các môn đệ trong việc đi tìm bánh, Chúa Giêsu vẫn có thể làm được phép lạ dễ dàng. Nói tóm lại, một mình Chúa có thể làm được mọi sự, không cần ai cộng tác, không cần vật liệu nào cả, với quyền năng vô biên, Chúa chỉ cần phán một lời là tức khắc có ngay, tức khắc có dư thừa bánh cho mọi người ăn. Nhưng ở đây Chúa muốn cho mọi người thấy: việc hóa bánh ra nhiều không phát xuất từ số không, nhưng do sự chia sẻ đầu tiên, rất khiêm tốn, rất nhỏ nhoi của một em bé. Em có thể giữ lại những chiếc bánh và mấy con cá cho riêng mình hay cho những người thân quen. Làm như thế thì chỉ một mình em hay một vài người được ăn, nhưng em đã trao tất cả cho Chúa và Ngài đã dùng quyền năng làm cho bánh và cá hóa ra nhiều cho hàng ngàn người cùng được ăn. Như vậy, năm chiếc bánh và hai con cá của em bé kia là biểu trưng cho một sự cộng tác cần thiết để Chúa Giêsu làm phép lạ.

Cũng vậy, Chúa muốn các môn đệ cộng tác với Ngài trong việc đi tìm bánh, nên Chúa bảo các ông: “Anh em hãy cho họ ăn”, nên chúng ta thấy khi các môn đệ tìm được năm chiếc bánh và hai con cá rồi Chúa mới làm phép lạ. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết: cần có sự cộng tác của chúng ta trong chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta, nghĩa là bên cạnh tình thương và ơn phúc của Chúa, cần có sự cộng tác của chúng ta để xây dựng cuộc đời mình.

Dĩ nhiên với quyền năng vô biên, Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài bằng tất cả những gì chúng ta có, kể cả sự dốt nát, hèn kém, vô dụng của chúng ta. Chúng ta đừng chỉ trông mong Chúa làm phép lạ, dĩ nhiên Chúa có thể làm, nhưng Chúa muốn chúng ta đóng góp bằng thiện chí, bằng cố gắng, bằng kiên nhẫn, bằng hy sinh, không phải chỉ trong đời thường thôi, nhưng cả trong ơn cứu chuộc nữa, như thánh Âu Tinh đã nói: “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần có sự cộng tác của chúng ta”. Trong cuộc sống, chúng ta hãy cộng tác với nhau và nhất là cộng tác với ơn Chúa để hoàn thành trách nhiệm đời mình và cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CHÚA BAN CỦA ĂN CHO LOÀI NGƯỜI

A. DẪN NHẬP

  Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người. Ngài ban cho họ của ăn dồi dào để dưỡng nuôi hồn xác. Ngài không bỏ rơi ai mặc dầu người ta không quan tâm đến Ngài, như Đức Giêsu đã nói: “Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Phép lạ của tiên tri Êlisê trong bài đọc 1 cũng nói lên điều đó. Phép lạ làm cho bánh hoá nhiều trong bài Tin mừng hôm nay chứng tỏ lòng thương và quyền năng của Chúa. Đức Giêsu làm phép lạ để thoả mãn cấp thời cơn đói khát phần xác của đoàn dân chúng đi theo Ngài cả ngày. Ngài ban cho họ lương thực phần xác nhưng cũng ban cho họ lương thực phần hồn là những lời dạy dỗ của Ngài và nhắc nhở họ hãy tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

  Qua phép lạ này, Đức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta nhiều điều. Ngài kêu gọi chúng ta hãy cộng tác với Ngài trong việc phục vụ con người. Tuy việc cộng tác của chúng ta chỉ nhỏ nhoi như 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng với ngần ấy vật liệu rất nhỏ mọn, Ngài làm nên một phép lạ lớn lao: nuôi sống 5000 người đàn ông ăn no nê, còn thu lượm được 12 thúng đầy những miếng bánh vụn.

  Ngài còn dạy chúng ta phải biết chia sẻ cho nhau những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần, bởi vì tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân Chúa ban, chúng ta đừng giữ lấy cho riêng mình. Sau cùng, Đức Giêsu khuyên chúng ta phải chú trọng đến của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn là Lời Chúa và phép Thánh Thể. Nhu cầu thiêng liêng phải vượt lên trên nhu cầu vật chất: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 2V 4,42-44

  Trích đoạn sách Các Vua trùng hợp với bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Lúc ấy tại Israel xảy ra nạn đói, tiên tri Êlisê làm phép lạ 20 chiếc bánh lúa mạch hoá ra nhiều cho 100 người ăn no nê mà vẫn còn dư. Phép lạ này minh chứng cho lòng tốt lành vô cùng của Thiên Chúa, Đấng ban phát của ăn cho mọi người. Bánh ăn vẫn còn dư nói lên lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa, đồng thời cũng nói lên tính cách dư dật của bữa ăn “thời cuối cùng” dành cho những người nghèo của Thiên Chúa (Is 65,13).

+ Bài đọc 2: Ep 4,1-6

  Đọc những dòng này, chúng ta có thể đoán được các tín hữu ở Êphêsô đang chia rẽ nhau. Tuy đang ngồi trong tù, thánh Phaolô rất băn khoăn lo lắng cho họ, nên đã viết thư khuyên họ hãy sống hoà thuận hiệp nhất với nhau, hãy sống xứng đáng với ơn gọi của mình. Theo Ngài, phương cách chữa trị sự chia rẽ đó là sống bác ái đối với nhau, chịu đựng lẫn nhau trong sự khiêm tốn, nhẫn nại và hiền hoà. Sự hiệp nhất mà thánh Phaolô muốn họ xây dựng đã có sẵn, đó là sự hiệp nhất mà Thần khí đem lại. Hay nói chính xác hơn, đó là sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự hiệp nhất chỉ tồn tại trong sự đa dạng triệt để của các Ngôi Vị.

+ Bài Tin mừng: Ga 6,1-15

  Chạnh lòng thương đoàn dân đã theo Ngài tự bên kia Biển hồ Tibériade, Đức Giêsu làm phép lạ cho bánh hoá nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá cho 5000 người đàn ông ăn no, còn dư lại 12 thúng đầy những miếng bánh vụn.

  Đây là phép lạ duy nhất được bốn tác giả sách Tin mừng thuật lại. Trong trình thuật này, thánh Gioan không chú ý đến biến cố cho bằng nói lên ý nghĩa của nó. Phép lạ này gợi lên hình ảnh Manna trong sa mạc, một thứ bánh vật chất mau hư nát, còn thứ bánh mà Đức Giêsu ban cho là một thứ manna mới ban sự sống trường sinh.

  Có nhiều chi tiết trong phép lạ này báo trước về phép Thánh Thể mà Đức Giêsu sẽ lập. Quả vậy, vài ngày sau phép lạ này, trong bài giảng thuyết về bánh sự sống, Ngài tuyên bố là Ngài sẽ ban thịt mình cho người ta ăn và máu Ngài cho người ta uống: “Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống” (Ga 6,55).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Các con hãy cho họ ăn

I. PHÉP LẠ HÓA BÁNH RA NHIỀU

1. Đức Giêsu làm phép lạ

  Trình thuật trong bài Tin mừng hôm nay nối tiếp câu chuyện xảy ra tuần trước. Đức Giêsu và các Tông đồ muốn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một chút sau cuộc truyền giáo đã thấm mệt, đồng thời Thầy trò trao đổi với nhau về công việc vừa qua, nhưng không thể được vì dân chúng kéo đến quá đông, khiến các Ngài không có thời giờ ăn uống. Chúa muốn đem các ông đến nơi thanh vắng, để Thầy trò nghỉ ngơi và chỉ dẫn thêm cho các ông.

  Nhưng vừa đến nơi thì dân chúng đã đến trước. Ngài chạnh lòng thương họ, bỏ chương trình nghỉ ngơi để dạy dỗ họ. Mà vì đây là nơi rừng vắng, nên dân chúng không tìm được thức ăn. Ngài thương họ đang đói khát nên làm phép lạ cho bánh hoá nhiều. Phép lạ này được kể lại trong Tin mừng thánh Marcô song Phụng vụ hôm nay mượn ở thánh Gioan.

  Trong khung cảnh giữa nơi hoang vắng, trước một đám đông dân chúng hầu như mệt lả sau một ngày đi theo Chúa, để được nghe Ngài giảng dạy và được chữa lành… Đám môn đệ giờ đây cũng mệt nhoài không hơn gì họ. Thế mà Đức Giêsu lại bảo các Tông đồ hãy cho họ ăn. Các ông đều có ý nghĩ rằng: trong nơi hoang địa này lấy gì cho họ ăn, giả như có được 200 đồng mua bánh đi nữa thì cũng chẳng thấm vào đâu với số người đông đảo này. Nhưng Đức Giêsu đã ra tay, chỉ với 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá, Ngài đã làm cho 5000 người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ, được ăn no nê, lại còn thu được 12 thúng đầy miếng bánh vụn.

  Qua phép lạ này, dân chúng rất hồ hởi và muốn tôn phong Ngài làm vua, vì coi Ngài như một tiên tri có quyền năng, Đấng phải đến trong thế gian. Nhưng Đức Giêsu thấy họ hiểu sai ý định của mình và có thể gây ra nguy hiểm cho việc truyền giáo, nên Ngài lánh mặt họ, trốn lên núi một mình.

2. Sứ điệp Đức Giêsu gửi đến cho ta

  Phép lạ hóa bánh ra nhiều cho người ta ăn no, không chỉ có mục đích làm cho người ta khỏi bị chết đói, mà còn mang nhiều ý nghĩa cao quý hơn mà Đức Giêsu muốn gửi cho chúng ta qua phép lạ này.

a) Tiên báo phép Thánh Thể

  Phép lạ hóa bánh ra nhiều không phải chỉ để nuôi 5000 người, mà để nuôi cả nhân loại qua mọi thế hệ. Như vậy phép lạ là dấu chỉ phép Thánh Thể. Bánh ấy là bánh ban sự sống, mà quần chúng đông đảo vô số kể là Giáo hội qua mọi thời đại. Đức Giêsu hiện diện trong Giáo hội sẽ thực hiện lại phép lạ mà Ngài làm hôm nay là biến bánh rượu nên Thịt và Máu để nuôi linh hồn chúng ta. Và nhân danh Ngài, các “cộng tác viên của Đức Kitô và những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” còn tiếp tục ban phát Bánh hằng sống cho nhân loại (1Cr 4,1).

b) Tình thương và quyền năng của Đức Giêsu

  Tường thuật phép lạ làm cho bánh hoá nhiều của Tin mừng Gioan hôm nay – cũng như các tường thuật tương tự trong các sách Tin mừng khác – đều muốn nói với chúng ta về lòng thương và quyền năng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đức Giêsu tỏ lòng thương những người dân đơn sơ, chất phác đi theo Ngài không kể gian nan, không nghĩ đến việc phải tìm ra đâu của ăn.

  Nếu chúng ta đem so sánh Đức Giêsu với tiên tri Êlisê trong bài đọc 1 hôm nay, thì chúng ta thấy Đức Giêsu chẳng thua kém Êlisê chút nào về lòng thương yêu đối với những người đang đói. So với tiên tri Êlisê, Đức Giêsu lại trổi vượt hơn nhiều về quyền năng, vì Ngài đã làm cho bánh ra nhiều, còn Êlisê chỉ ban phát bánh mà ngài đã nhận được mà thôi, còn việc làm cho bánh ra nhiều lại là việc của Thiên Chúa: Êlisê khi nhận được những tấm bánh người ta biếu ông, thì đã nói với tiểu đồng: “Phát cho người ta ăn”, nghĩa là ông chia sẻ những tấm bánh của mình với những người đang đói. Còn Đức Giêsu đứng trước hàng ngàn người bụng đang đói, đã thực hiện phép lạ biến 5 chiếc bánh và 2 con cá thành một khối lượng thật nhiều bánh và cá để làm cho mọi người no nê. Rõ ràng trong phép lạ bánh hoá nhiều, Đức Giêsu vừa thể hiện lòng thương, vừa thể hiện quyền năng của một vị tiên tri của Thiên Chúa (VietCatholic).

c) Tin vào Chúa quan phòng

  Theo sách Sáng thế, trước khi dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa đã tạo dựng nên vạn vật từ hư vô, và Ngài đã trao vũ trụ này cho con người quản lý. Thiên Chúa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con người làm việc để làm ra của ăn. Con người được sống trong cảnh an nhàn thư thái trong vườn địa đàng. Sau khi phạm tội, con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, phải làm việc cực nhọc mới có của ăn, nhưng Thiên Chúa vẫn tạo mọi điều kiện để con người làm việc và có đầy đủ của ăn.

  Vì thế, ta thấy tư tưởng này được viết trong sách Kinh Thư mà các dân tộc Đông phương vẫn tin tưởng: “Thiên sinh chư dân hữu vật, hữu tắc: Trời sinh muôn dân, cho có muôn vật, phép tắc.

  Người Việt Nam cũng trình bày tư tưởng đó trong ca dao tục ngữ như “Trời sinh, trời dưỡng” hoặc “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Như vậy, tất cả của cải trong trời đất đều do Thiên Chúa ban cho. Thánh vịnh cũng có câu:  “Chúa thương mở tay ra và thi ân cho mọi sinh vật được no nê” (Tv 144,16).

  Suốt chiều dài lịch sử, loài người hoàn toàn sống nhờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không dựng nên vũ trụ vạn vật, như một kho tàng vô tận, con người phải tự lực cánh sinh thì chỉ trong năm mười phút, cả loài người đều bị tiêu diệt.

II. BÀI HỌC CHÚA DẠY CHÚNG TA

  Phép lạ hóa bánh ra nhiều có mục đích thỏa mãn cơn đói khát vật chất của đám dân chúng đi theo Chúa cả một ngày đàng, nhưng còn hơn thế nữa, phép lạ này còn đem lại cho chúng ta nhiều bài học thiết thực cho cuộc sống hằng ngày của Kitô hữu.

1. Cộng tác vào công trình của Chúa

  Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự theo ý Ngài, nhưng Ngài lại muốn chúng ta cộng tác vào công trình của Ngài. Ngài có thể biến đá thành cơm bánh, nhưng Ngài vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: “Aide-toi, le Ciel t’aidera: Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp bạn.

  Trong phép lạ bánh hoá nhiều, chúng ta không chỉ thấy tình thương và quyền năng của Đức Giêsu, mà chúng ta còn thấy giá trị của sự đóng góp của con người. Dĩ nhiên nếu không có 5 chiếc bánh và 2 con cá của một cậu bé, Đức Giêsu vẫn có thể làm phép lạ ra nhiều bánh để nuôi dân chúng, như Thiên Chúa đã làm cho manna từ trời rơi xuống trong sa mạc nuôi dân Israel khi họ tiến về Đất Hứa. Nhưng ở đây có yếu tố 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé và chi tiết này đáng chúng ta suy nghĩ để rút ra bài học bổ ích.

  Trong lời giới thiệu cuốn sách “Năm chiếc bánh và 2 con cá” của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức Hồng y Bernard Law (nguyên Hồng y giáo chủ giáo phận Boston, Hoa Kỳ) đã viết: “Một cậu bé đã đem đến cho Đức Giêsu 5 chiếc bánh và 2 con cá, một tặng vật đơn sơ mà Đức Giêsu đã dùng để nuôi một đoàn dân đông đảo. Chúng ta cũng thế, dù tặng vật của mình nhỏ bé, chúng ta cũng có thể dâng lên Thiên Chúa. Ngài sẽ dùng chúng để có một hiệu quả lớn lao trên đường của Ngài” (trang 5).

Truyện: Mẹ Têrêsa Calcutta

  Ngày nọ, có một phụ nữ trung niên đến với lũ người nghèo khổ, hung dữ. Nhìn thấy tình trạng bi đát trước mắt, bà nhủ lòng: “Ta phải làm điều gì mới được”. Thế rồi bà dồn tất cả tiền bạc của mình thuê một căn nhà cũ với chiếc sàn nhà dơ dáy bẩn thỉu. Tuy căn nhà không khang trang lắm nhưng có thể dùng được. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm lũ con nít đem về dạy dỗ chúng...

  Thế rồi điều gì đã xảy ra cho người phụ nữ và công việc bảo trợ của bà ấy? Ngày hôm nay bà đã có 80 trường học trang bị đầy đủ, 300 nhà phát chẩn lưu động hiện đại, 70 bệnh viện cho người cùi, 30 viện săn sóc người hấp hối, 30 viện săn sóc trẻ em bị bỏ rơi và 40.000 tình nguyện viên khắp thế giới sẵn lòng giúp bà. Người phụ nữ đó không ai khác chính là Mẹ Têrêsa Calcutta, ngày nay đã được phong lên hàng chân phước và hiển thánh (Theo M. Link).

2. Cộng tác bằng việc làm cụ thể

  Lòng thương cảm là một tình cảm tốt. Nhưng thương cảm suông thì chưa có giá trị, chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng thương cảm nhiều khi trở thành hình thức hay giả dối, như người ta thường nói:

Thương thương, nhớ nhớ, thương thương,
Nước kia muốn chảy mà mương không đào.

  Lòng cảm thương ấy cũng có, nhưng số người ra tay hành động vì lòng thương cảm lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu phương tiện. Các Tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động.

  Có một sự tương phản giữa Anrê và Philipphê. Khi Philipphê nói: “Hoàn cảnh thật là tuyệt vọng, chẳng có thể làm gì được”. Anrê thì nói: “Để coi thử, tôi có thể làm được gì và phần còn lại tôi trao cho Đức Giêsu”. Chính Anrê đã đem cậu bé đến với Đức Giêsu, và bởi việc đem cậu bé ấy lại mà phép lạ đã xảy ra. Đức Giêsu bắt các ông vào cuộc, dù khó khăn cũng phải vượt qua. Với sự cố gắng của Anrê mà Đức Giêsu đã làm phép lạ cho bánh hoá nhiều từ 5 cái bánh và 2 con cá. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người và thu lượm được 12 thúng đầy bánh vụn. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.     Truyện: Thánh Vinh Sơn

  Năm 1634, thánh Vinh Sơn họp một số các bà đạo đức để cùng nhau sống đức ái như lời Chúa dạy. Họ ngồi lại với nhau bàn cãi để tìm phương cách hành động. Tuy nhiên, sau nhiều buổi họp bàn sôi nổi mà chẳng đi đến kết quả cụ thể nào. Một hôm, trong lúc họ đang hội họp như vậy, thì thánh Vinh Sơn từ bên ngoài bước vào phòng họp, trên tay mang theo một vật gói trong khăn vải. Ngài đặt chiếc khăn xuống giữa bàn họp. Thì ra đó là một bé gái khoảng mới sinh được ba ngày, bị bỏ rơi bên cạnh đống rác công cộng, mà ngài mới lượm được. Thánh nhân nói: “Các bà muốn làm việc bác ái thì không cần nói nhiều nữa mà hãy làm việc cụ thể. Các bà hãy bắt tay mà làm ngay!” Dòng bác ái Vinh Sơn ra đời từ đó.

3. Phải tiết kiệm những của Chúa ban

  Đức Giêsu đã nói: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không” (Mt 10,8). Thánh Phaolô cũng xác nhận: Mọi sự chúng ta có  đều là hồng ân Chúa ban khi Ngài nói: “Tất cả là hồng ân”.

  Ngày nay đói khát và dư thừa, thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh thừa. Đức Giêsu bảo các môn đệ đi thu lượm những miếng bánh thừa ấy. Ngài dạy cho mọi người biết tiết kiệm. Tiết kiệm là biết trân trọng những cái Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức rằng của cải trên thế giới là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Ngày nay, người ta có mối bận tâm về lương thực, nhưng vấn đề khác nhau tùy từng khu vực của thế giới.

  Trong thế giới phát triển, chúng ta có quá nhiều lương thực. Lo lắng chính của nhiều người là làm thế nào giảm bớt phần ăn để được giảm cân. Nhưng những người cứ mãi bận tâm về mình với vấn đề đó, không còn có chỗ dành cho yêu thương. Còn trong thế giới thứ ba, vấn đề là làm sao có được cái ăn cho mọi người.

  Phép lạ của Đức Giêsu phải làm cho chúng ta biết ơn Thiên Chúa về lương thực mà chúng ta có được và cẩn thận không hoang phí nó. Phép lạ ấy cũng phải làm cho chúng ta tích cực quan tâm đến những người không có lương thực. Người ta biết rằng có hơn 700 triệu người trên thế giới ngày nay không đủ ăn. Một phần ba trẻ em châu Phi bị suy dinh dưỡng. Phải làm gì với lương thực dư thừa là một vấn đề gây bối rối cho các Kitô hữu. Một câu trả lời là dự trữ lương thực. Nhưng chắc chắn việc dự trữ lương thực dư thừa cũng gây ra sự phẫn nộ lớn như dự trữ các võ khí hạt nhân. Một câu trả lời khác là giảm số lượng lương thực sản xuất. Nhưng điều này dẫn đến sự phẫn nộ của các nông dân được trả tiền để bỏ không đất đai màu mỡ. Hầu hết nông dân không hài lòng với sự dàn xếp ấy (Flor MacCarthy).

  Thế giới văn minh ngày nay vẫn còn là một thế giới đói nghèo, vì 80% của cải trên trái đất này đang nằm trong tay 20% những người giàu sang phú quý. Vậy cái đói trên thân xác vẫn còn làm quay quắt con người thời nay. Có biết bao tâm hồn thiện nguyện xót xa trước cảnh đói nghèo đã bắt tay vào việc với niềm tin: dù chỉ với “năm chiếc bánh và hai con cá”, Thiên Chúa cũng sẽ làm cho con người được no nê ân phúc. Ngài sẽ biến đổi khuôn mặt thế giới nên nhân bản hơn, Ngài sẽ tô điểm cho bộ mặt trái đất trở nên tốt tươi hơn.

4. Phải tìm của ăn thiêng liêng

  Khi ma quỷ đến cám dỗ Đức Giêsu đang chay tịnh trong bốn mươi ngày, Ngài đã trả lời cho hắn: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời, nhưng còn cần phải giải quyết các nạn đói khác nữa. Đó là nạn đói văn hoá. Đó là nạn đói những nhu cầu thiêng liêng.

  Ngày nay được ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp cũng chưa đủ, người ta còn cần nhu cầu tinh thần, nhu cầu văn hoá nữa. Người ta muốn nâng cao tinh thần hơn, nếu chỉ biết ăn ngon ngủ kỹ thì không hơn con vật bao nhiêu. Con người có lý trí cần phải có nhu cầu hiểu biết, nhu cầu giải trí, tinh thần phải được vươn cao hơn vật chất. Tuy người ta chê người lười biếng không chịu làm việc, nhưng cũng nói lên rằng: ăn ngon ngủ kỹ cũng chưa đủ mà còn phải có nhu cầu giải trí nữa:

Ăn no rồi lại nằm quèo,
Thấy giục trống chèo, bế bụng đi chơi.

  Con người có hai phần: linh hồn và thể xác. Linh hồn phải có những nhu cầu khác với thể xác, cao hơn thể xác, linh thiêng hơn. Nhu cầu tâm linh của con người ngày nay càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện.

  Đối với đời sống thể xác, con người cần có của ăn vật chất để duy trì và phát triển sự sống. Đối với đời sống linh hồn, con người cũng cần phải có của ăn thiêng liêng để giúp linh hồn được sống và phát triển. Linh hồn có một nguồn lương thực dồi dào và không bao giờ cạn kiệt, đó là Lời Chúa và Thánh Thể:

- Lời Chúa là nguồn sống mới nuôi linh hồn ta: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Lc 4,4).

- Thánh Thể là nguồn sống dồi dào và nhu cầu khẩn thiết cho linh hồn: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời... vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống” (Ga 6,54-55).

  Hai nguồn sống này Chúa vẫn ban cho ta mọi ngày trong Thánh lễ Misa. Mỗi lần đi tham dự Thánh lễ, Chúa ban cho chúng ta được dồi dào sự sống trong hai nguồn sống ấy.

  Thánh lễ được chia ra hai phần:

- Phụng vụ lời Chúa: Chúng ta được trực tiếp nghe Lời Chúa trong các bài Sách Thánh và được tăng cường bằng các lời giảng dạy của linh mục chủ tế. Thật vậy, Lời Chúa đem lại sự sống cho con người: “Lời Thầy nói là Thần khí và là sự sống” (Ga 6,63).

- Phụng vụ Thánh Thể: Bánh rượu được trở nên mình và máu Chúa Kitô để trở nên của ăn của uống cho chúng ta. Chúa thiết tha mời gọi: “Các con hãy nhận lấy mà ăn... Các con hãy nhận lấy mà uống” (Lc 22,17-20; 1Cr 11,25).

  Tóm lại trong sứ điệp Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài thực hiện những phép lạ y hệt những phép lạ Ngài đã làm trong Kinh thánh. Bất cứ chúng ta trao tặng cho Ngài điều gì – chẳng hạn thời gian, tài năng, lời cầu nguyện, sự hy sinh và nguồn lực của chúng ta – Ngài sẽ sử dụng nó để đem lại kết quả vượt mọi kỳ vọng vĩ đại nhất của chúng ta. Ngài sẽ bội nhân chúng lên vượt khỏi bất cứ niềm mơ ước nào của chúng ta, giống như Ngài đã biến đổi những chiếc bánh lúa mạch và hai con cá trong bài Tin mừng hôm nay. Đấy chính là lời mời gọi mà Đức Giêsu ngỏ với chúng ta trong những bài đọc hôm nay.

  Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời kinh nguyện rất được thánh Inhaxiô Loyola yêu chuộng:

 “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tự do, trí nhớ, sự hiểu biết và toàn bộ ý chí của con. Xin hãy nhận lấy toàn thân con và tất cả sở hữu của con. Ngài đã ban tặng cho con, giờ đây con xin hiến tặng hết cho Ngài để Ngài tuỳ ý sử dụng. Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng, như thế là đủ cho con rồi và con không còn mong muốn điều chi khác nữa” (M. Link).

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

CÓ MỘT CẬU BÉ

Cả bốn sách Tin Mừng đều kể lại chuyện bánh hóa nhiều,

vì đây là một phép lạ mang nhiều ý nghĩa.

Hội Thánh sơ khai coi trọng phép lạ này.

Bánh hóa nhiều không phải do mỗi người trong đám đông

lấy bánh giấu trong bao của mình ra, để chia cho người khác.

Đây không phải là phép lạ do con người bớt ích kỷ,

nhưng do sự quảng đại quyền năng của Con Thiên Chúa,

Đấng đã biến nước thành rượu ở tiệc cưới Cana (Ga 2,1-11),

Đấng có thể đi bình yên trên mặt biển động (Ga 6,19).

Dấu lạ bánh hóa nhiều đi kèm với một diễn từ dài

làm nên cả chương 6 của Tin Mừng thứ tư.

Trình thuật về bánh hóa nhiều ở đây có những đặc điểm

khi so với các Tin Mừng Nhất Lãm.

Nét đầu tiên là sự chủ động của Đức Giêsu.

Khi thấy đám đông dân chúng kéo đến với mình,

Đức Giêsu đã bày tỏ mối bận tâm của mình với Philípphê:

“Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Ngài muốn kéo các môn đệ vào cuộc.

Ngài như muốn tìm chỗ mua bánh để đãi mọi người.

Ý muốn ấy là chuyện lạ, chưa từng xảy ra,

vì dân chúng thường đến chỉ để nghe giảng và chữa bệnh.

Còn chuyện ăn uống thì họ tự lo.

Philípphê thấy chuyện Thầy muốn đãi ăn là bất khả thi.

Nếu có dùng hai trăm ngày lương công nhật để mua bánh

thì cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút,

bởi lẽ trước mặt Thầy trò là đám đông gần năm ngàn người!

Anrê khá nhanh nhạy khi tìm ra một cậu bé

có năm cái bánh lúa mạch và hai con cá.

Nhưng ông mau chóng nhận thấy rằng

những thứ đó chẳng thấm vào đâu so với số đông dân chúng.

Như thế cả hai ông đều không trả lời được câu hỏi của Thầy:

“Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Mua bánh cho hàng ngàn người ăn đúng là không dễ,

nếu chỉ dựa trên năng lực của con người.

Thật ra Thầy Giêsu chỉ hỏi vậy thôi,

chứ tiền đâu mà nghĩ đến chuyện mua bán.

Thầy đã lên một kế hoạch mà các môn đệ chưa biết.

Chính Thầy sẽ nuôi đám đông này, sẽ đãi họ một bữa ăn.

một bữa ăn không thịnh soạn, nhưng đủ để họ nhớ mãi.

Thầy sẽ không phải đi tìm nơi để mua bánh,

nhưng Thầy lại cần toàn bộ bánh và cá của cậu bé ở đây.

Như một sự tình cờ, Thầy sẽ nuôi đám đông cả ngàn người

bằng tất cả số lương thực ít ỏi và khiêm tốn ấy,

số lương thực mà Anrê bảo là chẳng thấm vào đâu.

Trong tay Thầy, những đóng góp chẳng thấm vào đâu của ta

sẽ làm nên những điều lớn lao kỳ diệu.

Thầy Giêsu không lấy khí trời để nuôi dân.

Thầy lấy bánh của con người để nuôi con người.

Chính Đức Giêsu tự tay trao bánh và cá cho dân chúng.

Ngài là người nuôi họ ăn, ăn no nê và dư dật.

Có ai cám ơn cậu bé có năm cái bánh không?

Cậu có biết là bánh của cậu đã nuôi mọi người không?

Để làm một phép lạ lớn lao, Đức Giêsu cần một cậu bé.

Thế giới hôm nay khốn khổ vì dịch bệnh và đói nghèo.

Chúa Giêsu hôm nay vẫn cần những người như cậu.

Với những đóng góp nhỏ bé của tôi,

Ngài có thể chữa lành và nuôi ăn cả thế giới.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,

sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.

Chúa cũng từng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.

Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,

và đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.

                                       

Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,

nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,

Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều

vì sợ người ta xỉu dọc đường,

Chúa đã bảo người ta cho cô bé mới hồi sinh được ăn.

Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,

và Chúa chẳng bao giờ coi thường

những nhu cầu chính đáng của nó.

Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng

con người không chỉ sống nhờ cơm bánh,

mà còn nhờ Lời Chúa,

không chỉ đói khát thức ăn vật chất

mà còn khao khát những giá trị tinh thần.

Xin dạy chúng con đừng khép cửa lòng

như ông nhà giàu xây thêm kho,

nhưng biết chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng.

Xin cho chúng con hiểu

giá trị của một ly nước được trao đi,

của tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đói khát nên vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày

mà chúng con không hay.

Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng

dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ.

Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa

và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top