Chúa nhật 12 Thường niên năm B (Mc 4,35-41)
“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”.
BÀI ĐỌC I: G 38, 1. 8-11
“Sóng cồn của ngươi phải dừng lại đây”.
Trích sách Gióp.
Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 106, 23-24. 25-26. 28-29. 30-31
Đáp: Hãy tán tạ Chúa, bởi đức từ bi Người còn muôn thuở (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Những người xuống tàu vượt biển ra khơi, làm nghề thương mại trên nơi nước cả, họ đã nhìn thấy những kỳ công của Chúa, và những việc huyền diệu của Người ở chỗ thâm uyên. - Đáp.
2) Chúa lên tiếng, và Người đã khiến phong ba nổi dậy, Người đã khiến cho sóng biển dâng cao. Những người đó lên tới trời xanh, xuống lòng biển thẳm, tâm hồn họ bủn rủn trong cảnh gian nguy. - Đáp.
3) Họ đã kêu cầu Chúa trong cơn khốn khó, và Người đã giải thoát họ khỏi chỗ lo âu. Người biến đổi phong ba thành gió thổi hiu hiu, và bao làn sóng biển đều im lặng. - Đáp.
4) Họ mừng vui vì thấy sóng biển yên, và Chúa đã đưa họ cập bến ước mong. Những người đó hãy cảm ơn Chúa vì lòng nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Người đối với con người ta! - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 14-17
“Đây mọi cái mới đã được tạo dựng”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ.
Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 4,35-41
35 Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”.
36 Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người.
37 Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. 38 Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ.
Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”
39 Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ.
40 Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?”
41 Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 12 Thường niên năm B
WHĐ (19.06.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 12 Thường niên năm B theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 423, 464-469: Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và Người thật
Số 1814-1816: Đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, và sự đáp lại của con người
Số 671-672: Duy trì đức tin trong nghịch cảnh
Số 423, 464-469: Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và Người thật
Số 423. Chúng tôi tin và chúng tôi tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Nazareth, một người Do thái sinh bởi một phụ nữ Israel tại Bêlem dưới thời vua Hêrôđê Cả và hoàng đế Cêsarê Augustô I, vốn làm nghề thợ mộc, đã chịu chết trên thập giá tại Giêrusalem, thời tổng trấn Phongtiô Philatô dưới triều hoàng đế Tibêriô, Chúa Giêsu ấy là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã làm người, “Người bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 13,3), là “Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13; 6,33), Đấng đã đến trong xác phàm[1], bởi vì “Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,14.16).
Số 464. Biến cố độc nhất vô nhị là việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa không có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa, một phần là người; cũng không có nghĩa Người là kết quả của một sự pha trộn lẫn lộn giữa hai ban tính thần linh và nhân loại. Người đã thật sự làm người, mà vẫn thật sự là Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Hội Thánh đã phải bảo vệ và làm sáng tỏ chân lý đức tin này suốt những thế kỷ đầu tiên, trước các lạc thuyết đã làm sai lạc chân lý đó.
Số 465. Các lạc thuyết đầu tiên không phủ nhận thần tính của Đức Kitô, cho bằng chối bỏ nhân tính thật của Người (Ảo thân thuyết theo chủ trương Ngộ đạo). Ngay từ thời các Tông Đồ, đức tin Kitô giáo nhấn mạnh đến việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong xác phàm[2]. Nhưng vào thế kỷ thứ III, để chống lại Phaolô Samosatênô, tại Công đồng họp ở Antiôchia, Hội Thánh phải khẳng định rằng: Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính chứ không phải do được nhận làm nghĩa tử. Công đồng chung thứ I, họp tại Nicêa vào năm 325, tuyên xưng trong Tín biểu của mình rằng: Con Thiên Chúa “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha” (trong tiếng Hy Lạp là homousion)[3], và Hội Thánh đã kết án Ariô là người đã khẳng định rằng “Con Thiên Chúa đã xuất phát từ hư vô”[4] và “có một bản thể hay yếu tính khác với Chúa Cha”[5].
Số 466. Lạc thuyết cua Nestôriô cho rằng trong Đức Kitô ngôi vị nhân loại được liên kết với Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Chống lại lạc thuyết này, Thánh Cyrillô Alêxanđria và Công đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 tuyên xưng rằng: “Ngôi Lời đã làm người, khi một thân thể do một linh hồn có lý trí làm cho sống động được kết hợp với Ngài theo Ngôi Vị”[6]. Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình từ lúc tượng thai. Chính vì vậy, Công đồng chung Êphêsô vào năm 431 công bố rằng Đức Maria, nhờ sự tượng thai nhân loại của Con Thiên Chúa trong lòng bà, bà đã rất thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa: “[Đức Maria là] Mẹ Thiên Chúa…, không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm”[7].
Số 467. Những người chủ trương thuyết Nhất Tính (Monophysitae) khẳng định: bản tính nhân loại không còn tồn tại nơi Đức Kitô, khi bản tính đó được Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Để chống lại lạc thuyết này, Công đồng chung thứ IV, họp tại Chalcêđonia năm 451, tuyên xưng:
“Theo sau các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con Duy Nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với Đức Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, ‘giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi’;[8] sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt, sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn khi kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị và một Đấng duy nhất”[9].
Số 468. Sau Công đồng Chalcêđônia một số người biến nhân tính của Đức Kitô thành như một chủ thể có ngôi vị riêng. Chống lại những người này, Công đồng chung thứ V, họp tại Constantinôpôli, năm 553, tuyên xưng rằng: “Chỉ có một Ngôi Vị duy nhất, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Một Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh”[10]. Bởi vậy, mọi sự trong nhân tính của Đức Kitô đều phải được quy về Ngôi Vị thần linh của Người với tư cách là chủ thể riêng của Người [11], không những các phép lạ, nhưng cả những đau khổ[12] và chính cái chết: chúng tôi tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng bị đóng đinh vào thập giá về phần xác, là Thiên Chúa thật, là Chúa vinh quang, và là một Ngôi trong Ba Ngôi chí thánh”[13].
Số 469. Như vậy, Hội Thánh tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật một cách không thể tách biệt. Người thật sự là Con Thiên Chúa đã làm người, là anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, Chúa chúng ta:
Phụng vụ Rôma hát kính: “Ngài vẫn là Ngài như trước [Ngài là Thiên Chúa], và Ngài đã đam nhận lấy điều mà trước đó Ngài không là [Ngài làm người]”[14]. Còn phụng vụ của thánh Gioan Kim Khẩu công bố và hát kính: “Lạy Con duy nhất và Ngôi Lời của Thiên Chúa, dù bất tử, nhưng để cứu độ chúng con, Chúa đã đoái thương nhập thể trong lòng Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh. Chúa đã làm người và đã chịu đóng đinh vào thập giá mà không hề biến đổi. Lạy Đức Kitô, là Thiên Chúa, Chúa đã dùng cái chết của mình mà đập tan sự chết, Chúa là Một trong Ba Ngôi Chí Thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con!”[15]
Số 1814-1816: Đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, và sự đáp lại của con người
Số 1814. Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và đã mạc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là Chân lý. Nhờ đức tin, “con người tự nguyện phó thác toàn thân cho Thiên Chúa”[16]. Vì vậy ai tin, người đó cố gắng nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17). Đức tin sống động “hành động nhờ đức mến” (Gl 5,6).
Số 1815. Hồng ân đức tin tồn tại trong người không phạm tội nghịch với đức tin[17]. Nhưng “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Nếu thiếu đức cậy và đức mến, đức tin sẽ không kết hợp đầy đủ tín hữu với Đức Kitô và không làm cho họ trở nên chi thể sống động của Thân Thể Người.
Số 1816. Người môn đệ Đức Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống bởi đức tin, mà còn phải tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi tín hữu … phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn luôn gặp phải”[18]. Việc phục vụ và làm chứng cho đức tin là những điều phải có để được cứu độ. “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).
Số 671-672: Duy trì đức tin trong nghịch cảnh
Số 671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[19] do việc Vua ngự đến trần gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[20], mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới khi mọi sự quy phục Người[21], “cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên Chúa”[22]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[23], để Đức Kitô mau lại đến[24], bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[25].
Số 672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel mong đợi[26], Nước đó phải mang lại cho mọi người, theo lời các tiên tri[27], một trật tự vĩnh viễn của công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng[28], nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[29] và bằng sự thử thách của sự dữ[30], thời gian này không buông tha Hội Thánh[31], và khởi đầu cuộc chiến của những ngày sau cùng[32]. Đây là thời gian của sự mong đợi và tỉnh thức[33].
Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 12 Thường Niên năm B
Chúa nhật 12 Thường Niên năm B (20.06.2021) - Thưa với Chúa về cơn sóng đang đe dọa cuộc đời
Chúa nhật 12 Thường Niên năm B (21.06.2015) - Tình yêu Thiên Chúa bền vững và chắc chắn
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Con thuyền tròng trành trước phong ba giữa biển cả thế mà Thầy Giêsu vẫn nằm ngủ. Tại sao Thầy không nao núng, trong khi các tông đồ cuống cuồng lên ? Phải chăng vì Thầy đang nằm trong tay mọi uy quyền. Nếu các môn đệ tin vào sức mạnh của Thầy mình, chắc chắn các ông sẽ an tâm. Các ông nhát đảm vì thiếu niềm tin.
Cầu nguyện: Lạy Thầy Giêsu kính mến! Chúng con, Giáo Hội chúng con, lao đao giữa biển cả cuộc đời. Quyền lực sự dữ đang thét gào như muốn nuốt gọn lấy chúng con. Nhiều phen chúng con đã té nhào trước sự tấn công của ác thần. Xin Thầy thức dậy và mau đến với chúng con. Có Thầy cùng chiến đấu, chắc chắn chúng con sẽ chiến thắng vẻ vang. Amen.
Ghi nhớ: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA
+++
A. DẪN NHẬP
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống hiện tại có nhiều gian nan thử thách, hãy tin cậy vào Chúa quan phòng. Thực vậy, trong cuộc sống hằng ngày không thiếu gì những giông tố xảy đến cho Giáo hội, quốc gia, thế giới và riêng của từng người chúng ta nữa. Trước những trạng huống đó, chúng ta cảm thấy hoang mang không biết phải xoay sở ra sao, có khi đã nản lòng trước những biến cố bất ngờ xảy đến.
Nhưng trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã nói với chúng ta như đã nói với các Tông đồ xưa kia trên biển hồ Tibériade: “Việc gì phải sợ, người đâu mà kém tin thế?” Qua lời kêu cứu của các Tông đồ, Đức Giêsu đã truyền cho giông tố ngưng lại và biển trở nên phẳng lặng như tờ. Sở dĩ các Tông đồ chưa đủ tin tưởng vào Đức Giêsu và sợ hãi như vậy, vì các ông chưa nhìn ra con người thật của Ngài, nên mới đặt câu hỏi: “Ngài là ai mà cả gió và biển phải vâng lời vậy?”
Trong suốt lịch sử của mình, Giáo hội đã trải qua những cảnh huống bi đát như bị bách hại, chia rẽ nội bộ, lạc giáo... nhưng Giáo hội vẫn đứng vững vì có Chúa “nằm ngủ” ở đó, Ngài sẽ ra tay khi cần thiết. Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người cũng không thiếu gì những gian nan thử thách, hãy tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa, hãy vững tin và cầu nguyện, Ngài sẽ đến cứu giúp.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: G 38, 1.8-11
Ông Gióp gặp nhiều tai ương hoạn nạn mặc dầu ông là người công chính. Trước những đau khổ đó, ông biểu lộ những hoài nghi về sự công bằng của Thiên Chúa: ông muốn hỏi Thiên Chúa tại sao lại để cho đau khổ xảy đến với ông cách bất công như vậy? Đâu là nguyên do những nỗi bất hạnh ấy?
Thiên Chúa không trực tiếp giải đáp thắc mắc của ông, Ngài chỉ cho ông biết Ngài là Chúa tể muôn loài, Ngài có thể làm được mọi sự theo ý Ngài: chính Ngài điều hành sức mạnh của nước, cho nó chảy đi đâu, Ngài dẹp yên sóng cả ngoài biển khơi.
Như vậy, Thiên Chúa gián tiếp trả lời cho ông Gióp: mọi sự lành hay sự dữ được Ngài cho phép mới xảy ra, con người phải biết phó thác vào sự sắp xếp của Ngài, đừng nên mở miệng than trách.
+ Bài đọc 2: 2Cr 5, 14-17
Thánh Phaolô cho tín hữu Côrintô biết: Đức Kitô đến trần gian này để làm một cuộc tạo dựng mới nhờ sự chết và phục sinh của Ngài. Nhờ cái chết của mình, Đức Kitô làm cho nhân loại thực sự chết cho tội lỗi và nhờ sự sống lại của mình, Ngài làm cho con người hoàn toàn đổi mới, mặc lấy cuộc sống mới đã được biến hình đổi dạng, được trở nên một tạo vật mới tốt lành thánh thiện
Nếu Đức Kitô đã ban cho chúng ta một cuộc sống mới, thì chúng ta cũng phải bỏ nếp sống của con người cũ, để sống một cuộc sống mới hoàn toàn trong Đức Kitô để thông hiệp vào sự sống của Ngài.
+ Bài Tin mừng: Mc 4, 35-41
Buổi chiều, khi đã giảng dạy cho dân chúng xong, Đức Giêsu bảo các Tông đồ xuống thuyền vượt biển hồ Tibériade sang bờ bên kia. Biển hồ này thường có bão, nhất là vào buổi chiều. Khi ra giữa biển, một cơn bão táp nổi lên, nước đã tràn vào thuyền, các môn đệ cuống cuồng lên. Trong khi đó, Đức Giêsu, bị mệt mỏi vì rao giảng suốt ngày, nằm gối đầu ở đàng lái mà ngủ, như không có sự gì xảy ra.
Các ông sợ hãi đánh thức Ngài và còn có sự trách móc: “Chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao?” Đức Giêsu bình tĩnh đứng lên phán một lời vắn tắt: “Im đi, câm đi”, tức thì gió im, biển lặng như tờ. Sau đó Đức Giêsu vừa trách các môn đệ vừa khuyên họ hãy tin vào quyền năng của Ngài.
Các môn đệ chưa nhận ra con người thật của Đức Giêsu nên mới nói: “Ngài là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” Có lẽ thánh Marcô thuật lại cảnh dẹp yên sóng gió trên đây nhằm trấn an và củng cố các Kitô hữu đầu tiên tại Rôma đang hoảng sợ trước cơn bách hại của hoàng đế Néron?
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Đừng sợ, hãy vững tin
I. SÓNG GIÓ TRÊN BIỂN KHƠI
1. Gió và biển
“Trong ngôn ngữ Do thái, cùng một tiếng “gió” cũng có nghĩa là “thần trí”. Ngoài ra trong Kinh thánh, biển thường là biểu tượng những thế lực gian tà mà Thiên Chúa phải đánh gục để kế hoạch của Người toàn thắng. Ở đây, biển động dữ dội do ảnh hưởng của cuồng phong. Ta phải hiểu là có “thần trí xấu” (Satan chăng?) đang tung những ma lực dưới quyền để ùa đến tấn công con thuyền, tức là tấn công các môn đệ” (Boismard, Jésus, un homme de Nazareth, 1966, tr 78).
Làm cho bão tố yên lặng là một dấu chỉ đặc biệt về quyền năng của Thiên Chúa, bởi vì biển và gió được coi như là những sức mạnh của xấu xa và hỗn loạn, mà chỉ Thiên Chúa mới có thể làm chủ, điều khiển chúng (Bài đọc 1).
2. Biển hồ Tibériade
Biển hồ này cũng có tên gọi là biển hồ Galilê. Biển có chiều dài 21km và chỗ rộng nhất là 12 km. Thung lũng Jordan là một vết nứt sâu trên mặt đất và biển Tibériade là một phần của vết nứt đó. Nó thấp hơn mặt biển 200 mét nên khí hậu ấm áp dễ chịu, nhưng cũng đem lại nhiều nguy hiểm. Bên phía tây có núi non, thung lũng, khe suối, nên khi gió lạnh từ phía tây thổi đến thì thung lũng, khe suối này có tác dụng như những cái phễu lớn. Gió bị nén trong đó và thổi ào ào xuống hồ bất thình lình với sức gió mạnh dữ dội đến nỗi mặt hồ phẳng lặng biến thành sóng gió gào thét. Nên biển Tibériade hay nổi lên những cơn sóng gió bão táp vào ban chiều hay ban đêm.
II. CHÚA DẸP YÊN SÓNG GIÓ
1. Câu chuyện giông tố
Đức Giêsu cũng có một số môn đệ để giúp phổ biến giáo thuyết của Ngài. Các môn đệ này không phải là những nhà trí thức hay ít ra là những người học thức trung bình, nhưng thực ra họ là những người ít học: họ là những người chài lưới. Chúa cần phải giáo dục họ từng bước để trở thành những môn đệ kiên cường và trung thành trong việc rao giảng Tin mừng. Họ cần phải đặt tin tưởng vào Chúa nhất là trong những cơn gian nan khốn khó lúc này và về sau.
Ngài phải thử thách họ bằng những tình huống nguy hiểm. Vì thế, sau một ngày giảng cho dân chúng những dụ ngôn về Nước trời. Đức Giêsu bảo các môn đệ xuống thuyền sang bờ biển bên kia, là vùng của dân ngoại để truyền giáo cho họ. Nhưng mục đích chính là để thử thách họ và cho họ thấy quyền năng của Ngài.
Vì thế, một cơn sóng gió nổi lên hầu nhận chìm con thuyền của các ông mà Đức Giêsu thì nằm ở đàng lái mà ngủ, coi như không có chuyện gì xảy ra. Các môn đệ vừa cầu cứu vừa có vẻ hơi trách móc Ngài. Lúc ấy Ngài mời bình tĩnh đứng lên, truyền lệnh cho sóng gió phải ngưng hoạt động, tức thì gió im, biển trở nên lặng như tờ. Trước cảnh tượng này các môn đệ hết sức kinh ngạc và thán phục Đức Giêsu nên mới nói với nhau: “Ngài là ai mà cả gió và biển đều phải tuân lệnh Ngài?” Các ông đã nhìn ra quyền năng của Ngài và tin tưởng vào Ngài hơn.
2. Ý nghĩa câu truyện
a) Củng cố niềm tin cho môn đệ
Đức Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền ra biển là có ý tỏ quyền năng của Ngài để các ông tin tưởng vào Ngài. Sóng gió bão táp cũng có nghĩa là những thử thách và đau buồn mà người công chính phải chịu đựng và chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới có thể cứu họ ra khỏi tình trạng ấy.
Các môn đệ chưa hiểu rõ con người Đức Giêsu, các ông coi Ngài cũng chỉ là một đấng tiên tri có quyền phép, làm được nhiều phép lạ để cho nhiều người tin theo nên các ông mới thắc mắc với câu hỏi “Người này là ai?” Khi bão tố yên lặng, các ông chứng kiến một việc mà chỉ Thiên Chúa mới có thể hoàn thành. Điều đó có ý nghĩa là Đức Giêsu có quyền năng của Thiên Chúa. Thực ra, họ mới biết Đức Giêsu theo quan niệm của loài người. Đồng thời, nhờ phép lạ này cho thấy Đức Giêsu chăm sóc các môn đệ của Ngài.
Theo suy luận của J. Hervieux thì “khi đọc lại câu chuyện Chúa đi qua biển và dẹp yên sóng gió như vậy, Marcô cố gắng đáp ứng những nhu cầu hiện thực của Giáo hội thời Ngài. Những tín hữu Rôma đang phải điêu đứng vì những cuộc bách hại. Họ đang sống trong nỗi sợ hãi, giống như các môn đệ trong con thuyền vượt biển xưa. Đối với họ, Đức Kitô hình như đang ngủ. Việc Ngài “vắng mặt” rõ ràng trong những biến cố bi thảm họ đang sống, tạo cho họ thêm e dè sợ sệt! Chúa phải làm gì để giải thoát họ khỏi cảnh chết chóc đang rình rập” (Fiches dom., năm B, tr 207).
b) Chúa vẫn có mặt ở đó
Cơn sóng gió nổi lên dữ dội, các môn đệ bất lực, không chèo chống nổi, nước tràn vào đầy thuyền và sắp ngập, khi đó Đức Giêsu lại đang nằm ngủ ở đàng lái! Ngài ở chỗ quan trọng nhất vì số phận con thuyền tuỳ ở tay lái. Thế mà đang lúc khó khăn nguy hiểm tột độ, Ngài lại nằm ngủ.
Đối với Marcô, Ngài nằm ngủ như thế là hình ảnh về Thiên Chúa như nhắm mắt làm ngơ và ngủ say quên mất rằng loài người chúng ta sắp chết rồi, con thuyền Hội thánh đang sắp chìm và bản thân chúng ta sắp bị vùi dập trong nguy hiểm. Thái độ lạ lùng này khiến loài người phải đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề đau khổ và sự dữ: có Thiên Chúa hay không? Ngài không biết chúng ta đang đau khổ sao? Ngài bất lực hay đa đoan như người ta thường nói về “Con Tạo”?
Bài đọc 1 cũng đặt ra cho chúng ta một câu hỏi, giống như thời ông Gióp; chúng ta cũng tra hỏi, chất vấn, sửng sốt, đòi hỏi Chúa phải giải thích và trình bày cho ra lẽ! Tại sao vẫn xảy ra những vụ tàn sát những người vô tội, những cảnh chém giết nhau không nương tay, những cuộc bách hại đẫm máu, những trận dịch kinh hoàng, những bất công chỉ biết kêu trời báo oán, những cảnh chết đói khiến phải đào mồ chôn tập thể?
Thật ra, đường lối sư phạm của Thiên Chúa rất huyền diệu, ta không hiểu nổi, nhưng dầu sao nó cũng nhằm giúp chúng ta tin tưởng rằng trong mọi nơi mọi lúc “Con thuyền Giáo hội lúc nào cũng bị sóng gió dập dồn” (theo Tertullianô), nhưng không sao, không bị chìm được vì luôn có Ngài ở đó, Ngài có vẻ ngủ nhưng thực ra Ngài vẫn thức để theo dõi chúng ta chèo chống và chờ đợi chúng ta kêu cầu Ngài giúp đỡ.
Theo nhận xét của chúng ta, dù có Đức Giêsu ở trong thuyền với các môn đệ thì bão tố vẫn xảy ra. Vì thế, dù bão tố có chụp xuống chúng ta, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ không nghi ngờ Ngài ở với chúng ta, và chúng ta sẽ hướng về Ngài để cầu xin và tin chắc rằng Ngài sẽ đến giúp đỡ.
Một ngày kia, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngã tay chèo, được hoàng đế phán ra một câu bất hủ: “Anh không biết là anh đang chở hoàng đế César sao?”
Một vị hoàng đế sẽ bất lực trước cơn cuồng phong dữ dội, thế mà dám nói những lời như thế. Thì huống hồ ở đây, không phải là vị vua trần thế mà là vua cả trên trời Ngài làm cho sóng gió bão táp phải lặng yên sao? Thánh vịnh đã nói :
Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng
Sóng đang gầm, bỗng im tiếng.
Họ vui mừng vì trời yên bể lặng
Và Chúa dẫn đưa về bến mong chờ (Tv 107, 29-30)
III. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA
Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta bài học: hãy tin cậy vào Chúa và cầu nguyện. Ai cũng thích sóng yên bể lặng, xuôi chèo mát mái. Nhưng cuộc đời nào mà chẳng có giông tố? Tuy nhiên, chính giông tố mới giúp chúng ta nhận ra chính mình: mình còn yếu đuối và bất lực, còn nhát đảm và kém tin. Cũng chính giông tố sẽ đưa ta đến với Chúa, để ta hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Ngài. Cũng chính giông tố sẽ giúp chúng ta biểu lộ đức tin. Có thể nói, đức tin sẽ lớn lên ít nhiều sau mỗi lần giông tố. Khi đã biết con người hoàn toàn yếu đuối và bất lực thì chỉ còn biết trông cậy vào Chúa và xin Ngài đến cứu giúp, không phải chỉ cầu xin khi gặp hoạn nạn, nhưng phải tin Chúa và cầu xin Ngài mọi nơi mọi lúc trong lúc được bình yên.
Truyện: Cầu nguyện khi bình yên
Có câu chuyện về một đại úy hải quân, khi về hưu làm thuyền trưởng trên một chiếc tàu đưa khách đến đảo Shetland tham quan trong ngày. Trong một chuyến đi chơi, tàu chở toàn thanh niên. Họ cười nhạo ông đại uý già khi thấy ông này cầu nguyện trước lúc ra khơi, bởi vì đó là một ngày trời đẹp và biển êm.
Nhưng biển không êm lâu khi một trận cuồng phong bất ngờ thổi tới và chiếc tàu bắt đầu chồm lên chồm xuống dữ dội. Các hành khách hoảng sợ chạy đến ông đại úy thuyền trưởng, để yêu cầu ông cùng cầu nguyện với họ. Nhưng ông đáp: “Tôi đã cầu nguyện lúc trời êm bể lặng. Khi sóng gió nổi lên, tôi phải lo cho con tàu của tôi”.
Đó là một bài học cho chúng ta. Nếu chúng ta không thể hoặc không muốn tìm đến Thiên Chúa trong những lúc yên tĩnh của đời mình, thì chúng ta có lẽ sẽ không tìm thấy Người khi cơn rối loạn chụp xuống. Có lẽ chúng ta hoảng sợ nhiều hơn. Nhưng nếu chúng ta đã biết tìm đến Người và phó thác nơi Người trong những lúc bình yên, thì hầu như chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy Người khi sóng gió nổi lên (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr 458).
Mỗi người chúng ta không khác gì chiếc thuyền nan chồng chềnh giữa biển trần gian đầy sóng gió bão táp, khó khăn nối tiếp khó khăn. Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mình hay dựa vào một quyền năng nào đó thì chúng ta sẽ thất bại. Ai có thể cứu chúng ta thoát khỏi sóng gió ba đào, khi chiếc thuyền của chúng ta sắp chìm? Chỉ còn có Thiên Chúa. Ngài như người cha lái con tàu vững chắc trên biển cả, chúng ta là con chỉ biết tin tưởng vào quyền năng của người Cha trên trời.
Có Chúa trong đời, Ngài sẽ hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Lúc đó, những cô đơn như bị xoá nhoà, những khó khăn dường như nhỏ lại, những yếu đuối như được mạnh sức. Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như biển lặng, nhưng xin cho cõi lòng chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc biển động.
Truyện: Cha tôi cầm lái tàu
Một thi sĩ người Anh, ông Byron, có viết một câu chuyện như sau:
Hôm ấy, một con tàu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển mênh mông. Bỗng chốc, bầu trời kéo mây đen đặc. Rồi giông tố ầm ầm nổi lên, sấm chớp kinh hoàng. Mưa càng lớn, gió càng mạnh. Các hành khách kêu la hỗn loạn. Duy có một em bé cứ ngồi chơi trên boong tàu như không có gì xảy ra.
Lạ lùng, một thuỷ thủ giương to đôi mắt hỏi em:
- Em không sợ chết sao?
Cậu bé thản nhiên trả lời:
- Sao lại sợ? Chính ba cháu cầm lái con tàu này mà!
Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay thách đố sự tin tưởng của chúng ta vào quyền năng của Thiên Chúa. Khi đã có đức tin, chúng ta không cần đứng ra chỉ huy mọi sự. Đã có Chúa Tình yêu, Ngài sẽ làm tất cả.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
SAO CHƯA CÓ LÒNG TIN?
“Sóng gió” là từ thường được dùng để chỉ những thử thách
mà ai cũng có lần gặp trong cuộc đời.
Chẳng đời ai hoàn toàn êm đềm như biển lặng.
Cả cuộc đời của những người đi theo Đức Giêsu cũng vậy.
Các môn đệ không tránh khỏi sóng gió, hiểu theo nghĩa đen.
Hồ Galilê thường hay có những cơn bão bất ngờ.
Giữa lúc trời yên bể lặng thì sóng gió ập tới.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện về một kinh nghiệm sóng gió
mà Thầy trò trải qua trên hồ Galilê.
Có nhiều yếu tố làm tăng độ khó cho kinh nghiệm này.
Trời lúc đó đã là chiều tối, chứ không phải ban ngày.
Đức Giêsu và các môn đệ đang ở bên này của biển hồ.
Chính Thầy đưa ra lệnh: “Chúng ta hãy sang bờ bên kia đi !”
Bờ bên kia là vùng Thập Tỉnh, nơi ở chủ yếu của dân ngoại.
Không rõ tại sao khi trời tối, Thầy lại muốn mọi người qua đó.
Thầy đã từ thuyền mà ngồi giảng các dụ ngôn cho dân (Mc 4, 1).
Bây giờ Thầy vẫn đang ở trong con thuyền đó (Mc 4, 36).
Hành trình trên biển của Thầy trò xem ra không suông sẻ,
vì bất ngờ một trận cuồng phong nổi lên.
Cùng với gió mạnh là sóng to.
Cùng với sóng to là nước lớn ào vào.
Con thuyền chòng chành vì gió, nghiêng ngả vì sóng,
và ngập nước đến độ có nguy cơ bị chìm.
Các môn đệ quen đánh cá ban đêm có kinh nghiệm này không?
Vậy mà Thầy lại nằm ngủ say, trên một chiếc gối, ở đàng lái.
Các môn đệ thật không sao hiểu được
làm sao Thầy có thể ngủ bình yên
trong hoàn cảnh hiểm nghèo như thế (G 11, 18-19; Tv 4, 9).
Họ cuống lên nên trách móc Thầy mình:
“Chúng ta sắp chết mà Thầy chẳng quan tâm sao?”(Mc 4, 38).
Dường như họ muốn Thầy mình làm một điều gì đó.
Thầy Giêsu đang ngủ, bị đánh thức và Thầy đã thức dậy.
Thầy ngăm đe gió như đã ngăm đe quỷ (Mc 1, 25; 3, 12),
và ra lệnh cho biển động phải yên lặng như tờ.
Những sức mạnh tự nhiên đe dọa con người bị khuất phục.
Thầy Giêsu không chỉ có quyền uy trên bệnh tật, ma quỷ,
Thầy còn có quyền trên các năng lực tự nhiên trong trời đất.
Khi biển lặng, sóng yên, Thầy mới bắt đầu trách môn đệ:
“Tại sao anh em nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao.”
Khi sống bên Thầy, lẽ ra họ phải có lòng tin vững mạnh,
nhưng sóng gió đã làm lộ ra chuyện họ yếu tin.
Sau phép lạ của Thầy Giêsu, chỉ bằng một lời quyền năng,
các môn đệ hoảng sợ, sợ hơn cả lúc gió to sóng lớn.
Nhưng đứng trước Đấng làm chủ cả gió và biển,
họ vẫn chưa trả lời được câu hỏi: “Người này là ai?” (Mc 4, 41).
Các môn đệ đã trải qua bao kinh nghiệm trong đêm nay:
kinh nghiệm bị sóng gió dập vùi, kinh nghiệm cận kề cái chết,
kinh nghiệm tuyệt vọng và hoảng loạn,
kinh nghiệm trách móc đối với sự thinh lặng của Thiên Chúa,
và kinh nghiệm bình an khi biển lặng sóng yên.
Con thuyền Giáo hội và thế giới cũng có khi gặp sóng gió.
Chúng ta chỉ cần có Chúa trong thuyền, Ngài ngủ cũng được.
Cũng cần kêu xin Ngài với lòng tin, chứ không hoảng hốt.
Rồi mọi sự sẽ qua, bình an trở lại.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Sống ở đời chẳng ai thích sóng gió,
nhưng sóng gió lúc nào cũng có trong đời người.
Các môn đệ đầu tiên đã nhiều lần gặp sóng gió ở hồ Galilê.
Sóng gió đến khi Chúa đang ngủ vùi trên thuyền,
khiến môn đệ phải vội vàng đánh thức.
Sóng gió đến khi Chúa không ở trong thuyền,
khiến môn đệ phải chèo chống vất vả.
Chúa không tránh cho đời chúng con khỏi mọi sóng gió,
vì Chúa biết sóng gió làm chúng con trưởng thành,
tập vượt qua nỗi sợ hãi bằng lòng tin,
tập vượt qua nỗi lo âu bằng hy vọng.
Chúa để chúng con chiến đấu suốt đêm với gió ngược,
nhưng lại đến với chúng con khi trời gần sáng.
Xin cho chúng con yêu quý sự bình an,
nhưng lại không ngỡ ngàng trước sóng gió.
Giữa cơn sóng gió, xin cho chúng con tin rằng
Chúa vẫn hiện diện gần bên chúng con,
và đang đưa con thuyền Giáo Hội về đến bến.
4. Suy niệm (song ngữ)
12th Sunday in Ordinary Time
Reading 1: Jb 38:1, 8-11
Reading 2: 2 Cor 5:14-17
Chúa Nhật 12 Thường Niên
Bài đọc 1: G 38, 1.8-11
Bài đọc 2: 2 Cr 5, 14-17
Gospel
Mark 4:35-41
35 On that day, when evening had come, he said to them, “Let us go across to the other side.”
36 And leaving the crowd, they took him with them, just as he was, in the boat. And other boats were with him.
37 And a great storm of wind arose, and the waves beat into the boat, so that the boat was already filling.
38 But he was in the stern, asleep on the cushion; and they woke him and said to him, “Teacher, do you not care if we perish?”
39 And he awoke and rebuked the wind, and said to the sea, “Peace! Be still!” And the wind ceased, and there was a great calm.
40 He said to them, “Why are you afraid? Have you no faith?”
41 and they were filled with awe, and said to one another, “Who then is this, that even wind and sea obey him?”
Phúc Âm
Máccô 4, 35-41
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”
36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.
37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.
38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”
39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
Interesting Details
- (vv. 35-37) The wind and the sea are ancient symbols of chaos and of evil that struggle against God. The early Christian community considered the boat a symbol of the church.
- (v. 38) The disciples have seen Jesus healed all kinds of sickness, and drove out demons(chapters 1-3). Now that they are with him in a raging storm, he sleeps. They conclude that Jesus does not care for them! A peaceful and untroubled sleep is a sign of complete trust in God (Prov 3:24, Job 11:18-19), Jesus' ability to sleep in the middle of a storm reflects his complete confidence in God.
- (v. 39) The words which Jesus uses to address the wind and sea are the same words he has used earlier to rebuke the demons in a man (Mk 1:25). This suggests that in this story Jesus is also demonstrating his control over the powers of evil.
- (v. 40) The Hebrew and Greek words which are translated to English as "faith" are actually better translated as "personal loyalty" or "personal commitment." Jesus reprimands the disciples for letting their fear of death shaken their loyalty to him.
- (v. 41) Control over the sea and wind are characteristic signs of divine power. Calming of a storm is also a major proof of God's loving care (Ps 107:23-32).
Chi tiết hay
- (cc. 35-37) Vào thời thượng cổ, gió và biển là tượng trưng cho náo loạ n và sự dữ, luôn chiến đấu với Thiên Chúa. Giáo hội tiên khởi được coi như là một con thuyền.
- (c. 38) Các môn đệ đã từng thấy Chúa Giêsu chữa nhiều bệnh tật, và trừ được quỷ (chương 1-3). Thế mà khi họ phải lao đao giữa cơn bão biển, Chúa Giêsu lại ngủ. Họ kết luận rằng Chúa Giêsu chẳng lo nghĩ gì đến họ! Sách Cách Ngôn (3, 24) dùng giấc ngủ an bình để tả lòng tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu có thể ngủ ngay lúc bão táp là dấu chỉ lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa của Ngài.
- (c. 39) Những lời Chúa Giêsu dùng để nói với bão biển, "Im đi! Câm đi!", cũng cùng là lời Chúa đã dùng để trừ quỷ (Máccô 1, 25). Như thế, quyền năng của Chúa Giêsu trên sóng gió ngụ ý nói về quyền năng của Người trên thần dữ.
- (c. 40) Chữ "lòng tin" khi dùng trong xã hội Hy Lạp hay Do Thái thời đó có nghĩa là "lòng trung thành". Chúa Giêsu trách các môn đệ đã để sự nhát gan làm lung lay lòng trung thành của họ đối với Người.
- (c. 41) Quyền năng trên biển và bão tố là dấu hiệu một quyền năng đến từ Thiên Chúa (Thánh Vịnh 107, 23-32).
One Main Point
The presence of Jesus brings peace to our hearts. To travel with Jesus is to travel in peace even in the storms of life. Trust him at all times and in all circumstances.
Một Điểm Chính
Sự hiện diện của Chúa mang bình an đến cho tâm hồn. Đi với Chúa Giêsu là đi trong bình an, dù là đi giữa bão tố của đời. Hãy tin tưởng vào Chúa luôn luôn và trong mọi biến cố.
Reflections
- What are the storms in my life right now? (It can be a situation or a struggle from within).
- I am with Jesus on a raging sea. Would I stay by his side as water fills the boat? Would I wake him up to ask for a miracle? Would I look to other gods to calm the sea?
Suy Niệm
- Đời tôi hiện nay đang ở trong cơn bão tố nào? Có thể là một biến cố bên ngoài hay một cuộc chiến trong tâm hồn.
- Nếu như Chúa Giêsu ở bên cạnh tôi khi tôi lao đao giữa giông tố ngoài biển khơi, thì tôi sẽ làm gì? Tôi có vẫn ngồi bên Người ngay khi nước trào ngập thuyền? Tôi có đánh thức Người dậy để xin một phép lạ? Tôi có bỏ đi tìm một quyền năng nào khác để làm lặng xuống những sóng gió trong tôi?
bài liên quan mới nhất
- 27 tháng 12: Ngày thứ 3 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Tình Yêu hỗ trợ cho Niềm Tin (Ga 20,2-8)
-
Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22) -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Ngày 24 tháng 12: Lời kinh Benedictus (Lc 1,67-79) -
Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66) -
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C - Đến với mọi người (Lc 1,39-45) -
Ngày 21 tháng 12: Đức Mẹ đi thăm bà Isave (Lc 1,39-45) -
Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38) -
Ngày 19 tháng 12 - Đối với thiên Chúa điều gì cũng có thể (Lc 1,5-25) -
Ngày 18 tháng 12: Đấng Emmanuen (Mt 1,18-24)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)