Chiến thắng của Tình yêu

Chiến thắng của Tình yêu

WGPSG -- Vào Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta lại được nghe bài Thương Khó của Chúa Giêsu. Chúng ta nhớ lại sự hèn nhát của những môn đệ Ngài: họ đã bỏ Ngài ngay giữa lúc Ngài cần họ nhất; chúng ta nhớ lại lòng dạ xấu xa của những nhà lãnh đạo Do Thái: họ đã tìm cách để giết Ngài; chúng ta cũng nhớ lại sự hung dữ của những người lính: họ đã hành hạ Ngài rất tàn nhẫn. Chúng ta phải nhớ những điều ấy, bởi vì chúng có liên hệ với chúng ta.

Tuy nhiên, điểm nhấn mạnh của tường thuật này là ở tấm lòng của Chúa Giêsu, nhân vật chính trong bài tường thuật. Điều mà các tác giả Tin Mừng muốn chúng ta nhớ nhiều nhất, đó là lòng nhân từ, trung thành và vâng phục của Chúa Giêsu.

Nhân từ

Trên nền trời u ám của đồi Canvê, lòng nhân từ của Chúa Giêsu càng chiếu tỏa sáng ngời. Nhìn bề ngoài, xem ra Chúa Giêsu đã thất bại. Nhưng thực ra, đó là một chiến thắng, chiến thắng của sự Thiện trên sự Dữ, của Tình Yêu trên Hận Thù, của Ánh Sáng trên Bóng Tối, của Sự Sống trên Sự Chết. Trong lòng Ngài lúc đó, chẳng có tình cảm nào khác ngoài tình yêu. Nếu không có tình yêu thì tất cả những khổ đau Ngài chịu đều vô ích. Không phải những đau khổ của Chúa Giêsu mang lại ơn cứu độ, mà chính là tình yêu của Ngài. Ai nói rằng mình thích chịu đau khổ thì đó là người khùng, bởi vì ai cũng muốn tránh đau khổ. Tuy nhiên, vì yêu mà người ta sẵn sàng chịu đau khổ cho người mình yêu. Chính Tình yêu làm cho đau khổ có ý nghĩa. Hơn nữa, tình yêu còn đem lại niềm vui ngay giữa những đau khổ.

Trung thành

Ham mê tiền bạc dẫn đến một người bạn phản bội Chúa. Biết vậy, nhưng Chúa Giêsu vẫn chuẩn bị chu đáo cho buổi gặp mặt cuối cùng với môn đệ; mặc dù Chúa Giêsu biết tất cả mọi sự, Ngài vẫn ngồi cùng bàn với kẻ phản bội. Ở giữa sự phản bội của một người và sự chối bỏ của một kẻ khác là dấu hiệu của tình yêu rạng ngời. Dù rằng Phêrô chối bỏ Chúa Giêsu nhưng Chúa Giêsu không từ bỏ Phêrô. Chúa Giêsu chọn sự trung thành hơn là tháo chạy, cho dù là vô tội và tốt lành, Chúa Giêsu vẫn bị coi như một kẻ trộm cướp và tội đồ. Quyết định lên án xử tử Chúa Giêsu đã được định sẵn, được bày vẽ ra cho có vẻ hợp pháp, và vào lúc xử án, Phêrô, người lãnh đạo đã chối không biết Chúa Giêsu, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Trước khi gà gáy, con sẽ chối Ta ba lần”.

Vâng phục

Trời vừa sáng, các thượng tế và kỳ lão trong dân hội họp bày mưu giết Chúa Giêsu, chính là những kẻ thuộc thành phần ưu tú đã tạo nên cái chết của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu ra trước quan tổng trấn Philatô, và như người tôi trung của Giavê, Chúa Giêsu giữ im lặng trước những kẻ tố cáo Ngài. Chúa Giêsu phải đội mão gai, lột trần, tra tấn. Và đánh đòn một ai đó, là chuyện làm nhục người ấy nhất, vậy mà Ngài vẫn cam lòng chịu đựng. Chúa Giêsu bị đóng đinh và luật nói rằng người bị treo trên thập giá là kẻ “bị Thiên Chúa nguyền rủa”. Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị treo trên thập giá trần truồng, bêu rếu trước mặt mọi người, không khả năng tự vệ, không có bất kỳ một quyền nào “Lạy Chúa tôi! Sao Chúa bỏ tôi?” Ngài kêu lên lớn tiếng và trút linh hồn. Chúa Giêsu cũng chẳng được chôn cất một cách tử tế. Và điều này đã được minh chứng: Bóng tối, ngay cả khi tối tăm nhất, cũng không thể dập tắt được sự sống. Vâng, Chúa Giêsu đã cam lòng chịu đau khổ vì vâng phục Thánh ý Chúa Cha để cứu độ chúng ta.

Noi gương Chúa Giêsu, người Kitô hữu chúng ta hãy chấp nhận những đau khổ. Nhưng không chỉ có thế, chúng ta hãy thánh hóa những đau khổ ấy. Tình yêu làm cho đau khổ có giá trị cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì Lời Chúa giúp chúng con hiểu cặn kẽ hơn thánh ý Chúa Cha. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng và ban sức mạnh để chúng con có thể thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, không chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Amen.

Top