Chiến đấu và mùa Chay 2012
WGPSG -- Có bao giờ chúng ta đặt ra những câu hỏi liên quan đến những người phụ nữ quét rác trong thành phố Sài Gòn này: các chị từ đâu đến? Công việc của các chị như thế nào? Người ta trả lương cho các chị mỗi tháng bao nhiêu? Vâng, những câu hỏi như thế có lẽ tế nhị nhưng phần nào gợi lên trong chúng ta những hình ảnh thầm lặng của những người phụ nữ quét rác nơi chốn thị thành. Giữa biết bao sự ồn ào xa hoa của Sài Gòn đô thị, họ là những con người âm thầm làm việc chẳng mấy ai để ý tới. Giữa biết bao người Sài Gòn đang ngủ say, các chị là những người miệt mài chiến đấu làm việc lúc đêm khuya. Giữa biết bao dòng người, xe cộ lưu thông tấp nập trên các con đường trong khắp thành phố, thử hỏi có mấy người cảm thông cho những số phận lặng thầm với cái nghề quét rác? Một chị làm công việc quét rác có lần tâm sự: “Làm công việc này vất vả lắm: phải làm từ buổi chiều hôm trước cho tới một giờ sáng hôm sau; tôi phải quét thật sạch đoạn đường từ Tôn Đức Thắng đến Nguyễn Hữu Cảnh, P. Bến Nghé, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh; bữa nào quét không sạch bị thanh tra đi kiểm, phải quét lại, bị kiểm điểm và trừ lương…”
Bạn thân mến, câu chuyện đời thường trên đây cho thấy đời sống con người là một cuộc chiến đấu không ngừng. Đó là sự chiến đấu với cơn buồn ngủ dữ dội, với những mệt mỏi của thể xác của những người phu quét rác trong thành phố này. Đó còn là sự chiến đấu của rất nhiều bệnh nhân đang đau đớn do những chứng bệnh nan y gây ra. Đó là sự chiến đấu miệt mài đèn sách đêm khuya với biết bao bài vở của những em học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và cao đẳng, đại học. Hay đó còn là sự chiến đấu nội tâm, chiến đấu giữa ý Chúa và ý mình, chiến đấu giữa cái tốt và cái xấu, giữa tự nhiên và siêu nhiên trong đời sống đạo của các Kitô hữu chúng ta. Thật vậy, chiến đấu luôn gắn liền với cuộc đời của con người: đời sống thường ngày cũng như đời sống tâm linh. Điều này cho thấy, cuộc đời của mỗi chúng ta luôn chứa đựng nhiều nghịch cảnh éo le, đòi hỏi chúng ta phải chiến đấu không ngừng như Kark Marx đã từng nói: “Muốn có hạnh phúc, tôi phải đấu tranh.”
Trước hết, mùa Chay Thánh 2012 là cơ hội để mỗi Kitô hữu chúng ta cảm nhận rằng: Chúa Giêsu cũng đã từng chiến đấu quyết liệt giữa việc làm theo ý mình và thực thi thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26,39). Đây là một cuộc chiến đấu nội tâm quyết liệt mà Chúa Giêsu phải trải qua tại vườn Giếtsêmani năm xưa: chiến đấu giữa thần tính và nhân tính, chiến đấu giữa ý riêng và ý Chúa, chiến đấu giữa cái tốt và cái xấu, giữa Thiên Chúa và ma quỷ. Trong một buổi huấn dụ sau kinh Truyền Tin tại Rôma, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã nói rằng: “Tại vườn Cây Dầu năm xưa, Đức Giêsu đã buông mình cho thánh ý Chúa Cha”. Còn mỗi người chúng ta thì sao: chúng ta có dám đặt trọn cuộc đời của mình trong bàn tay Thiên Chúa hay không?
Quả thật, trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng đã từng trải qua những giờ phút chiến đấu quyết liệt. Điều này đã được thánh Phaolô cảm nghiệm sâu sắc: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19) Thật vậy, kinh nghiệm cuộc sống thường ngày có lẽ sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm được điều này: chúng ta biết điều đó là sai lầm, là ngược lại với luân thường đạo lý, với thánh ý của Thiên Chúa, nhưng chúng ta vẫn cứ làm. Điều gì đã khiến chúng ta hành động như thế? Thánh Phaolô chia sẻ thêm với chúng ta: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.” (Gl 5,16-17).
Vậy, xác thịt chính là gánh nặng cho chúng ta, nó kéo lê cuộc đời chúng ta với biết bao suy nghĩ, ước muốn sai lầm, xấu xa hay với biết bao hành động tội lỗi công khai hoặc kín đáo. Cuộc chiến đấu giữa xác thịt và ý Chúa bao giờ cũng gay go quyết liệt. Cuộc chiến đó làm phân mảnh cuộc đời chúng ta: Chúa muốn như thế nhưng chúng ta thì muốn ngược lại; chúng ta biết làm như thế là sai lầm, tội lỗi nhưng ta vẫn cứ làm mà không biết hậu quả sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Thực tế cuộc sống đã chứng minh điều ấy: đã có biết bao cặp vợ chồng ly dị, ly thân cũng chỉ vì không thể vượt qua những níu kéo của dục vọng thấp hèn, của tiền tài, sắc đẹp và tiếng tăm; cũng đã có những người sống ơn gọi dâng hiến không thể vượt qua sự cô đơn của lời khấn độc thân – khiết tịnh, để rồi quyết định hồi tục, sống theo tiếng gọi thật sự của lòng mình. Vâng, đôi khi cuộc sống lại chứa đựng những điều bất ngờ và nghiệt ngã như thế.
Cuối cùng, phải chăng những chiến đấu trong cuộc đời là cơ hội để chúng ta nhận ra những giới hạn nơi thân phận làm người? Từ đó, chúng ta cần đến Chúa và cần đến nhau. Phải chăng điều này làm cho cuộc đời chúng ta trở nên ý nghĩa? Cuộc chiếu đấu nào bao giờ cũng có kẻ thắng người thua. Thật vậy, biết bao lần chúng ta vấp ngã, thất bại và sai lầm. Thế nhưng, sau những thất bại và sai lầm ấy chúng ta rút ra được điều gì? Phải chăng với ý chí và đạo đức của bản thân, chúng ta sẽ chiến đấu và chiến thắng ma quỷ, xác thịt và thế gian? Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta: “Không có Thầy thì anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5). Vì thế, nếu không có ơn Chúa thì chúng ta không thể chiến thắng ma quỷ. Nếu không có ơn Chúa thì chúng ta sẽ kéo lê cuộc đời của mình trong những trục trặc bất an và sai lầm. Điều này cho chúng ta thấy: càng chiếu đấu chúng ta càng thấy mình giới hạn, bất toàn: Chúa ơi, cuối cùng thì sức của con cũng chỉ tới đó mà thôi. Càng chiến đấu nội tâm chúng ta càng nhận ra sức mạnh của Thiên Chúa ẩn sâu nơi tâm hồn khiêm tốn của chúng ta. Vâng, chúng ta cần ánh sáng tình yêu, ánh sáng chân lý và sự sống để nuôi dưỡng đời sống nội tâm chúng ta như lời Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI mới đây có nói: “Tất cả chúng ta đều cần đến ánh sáng nội tâm, để vượt thắng những khó khăn của cuộc đời.”
Vì vậy, mùa Chay Thánh 2012 là cơ hội để chúng ta thấy mình giới hạn, để dễ cảm thông và quan tâm đến những người anh em của chúng ta. Chúng ta thầm cảm ơn và cầu nguyện cho những chị quét rác trong thành phố này, vì nếu không có các chị thì không thể có một đô thị Sài Gòn văn minh, sạch sẽ và vui tươi. Hơn thế nữa, những chiến đấu trong cuộc đời là cơ hội để Kitô hữu chúng ta nhận ra và tạ ơn Chúa: cuối cùng tất cả chúng ta đều mang thân phận tro bụi mỏng dòn, yếu đuối như nhau. Thế nhưng, chúng ta có được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc là nhờ dấu ấn tình yêu mà Chúa đã ghi khắc lên chính cuộc đời chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19