Chào bạn “Thiền”!

Chào bạn “Thiền”!

“Thiền”: một từ nghe cao siêu quá! Thưở tôi còn nhỏ, đó là từ dành riêng cho các vị sư nhà Phật hoặc là hoạt động huyền bí của các vị tu đạo trên núi cao ở Ấn Độ xa xôi - tôi nào có dịp tiếp cận. Lớn một chút, học được vài chữ ở ghế nhà trường-tôi ngưỡng mộ những tư tưởng sâu sắc của các cụ tiền bối tại Việt Nam hay ở Trung Hoa qua các tích truyện đọc được. Lớn thêm tí nữa, tôi lại mê tục ngữ ca dao, các bài vè, các nhân vật anh hùng với những bài hịch nổi tiếng thiên thu. Nếu để ý đến xuất xứ thì thấy rằng tư tưởng của các tác gỉả không ít thì nhiều, có liên quan đến Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử. Có lẽ họ từng tập thiền trong quá trình học tập và hoạt động mới có thể có những tư tưởng cao siêu đến vậy … Tóm lại, đối với tôi: Thiền là hoạt động bác học và chỉ dành cho những con người "siêu".

Cũng như bao người, đời tôi là một hành trình đi tìm hạnh phúc đích thật. Tôi kiếm tìm nó trong hoạt động ăn, uống, ngủ, nghỉ và tìm kế sinh nhai … Tất cả những điều trên chỉ giúp cho tôi tồn tại về mặt thể lý, sinh lý hoặc trên bình diện xã hội. Thế còn nhu cầu hướng thượng của tâm hồn, nhu cầu được giải đáp về những vấn nạn của đời người, nhu cầu hiểu biết những thực tại thuộc thế giới siêu nhiên của tôi … thì thú thật là tôi bó tay tắc tịt!

Có người bảo: “Thế thì đời sống Đạo và Lời Chúa không giúp cho tôi gì sao?” Dĩ nhiên là có ích lợi cho tôi chớ, vì nhờ hai yếu tố này, tôi mới có một đời sống luân lý và đạo đức tương đối không quá đáng. Thế nhưng như thế thì chưa đủ! Vì khi tôi nói: “Con tin thật có Chúa ngự trên cao, con yêu Chúa hết lòng …” cũng là nói sáo thôi, theo sách vở và giáo lý đã học, là mượn lời của những bài thánh ca để nói; chứ thật ra đã có kinh nghiệm bản thân được sờ-chạm vào Chúa vô hình đâu! Vậy là phải đi tìm Chúa để hỏi cho ra ngọn nguồn mới thỏa cái đời này.

Nhiều duyên may đến với tôi: Cha Xứ phục hồi “Phút Thinh Lặng Thánh” sau Chịu Lễ, giáo xứ có thêm Nhà Chầu Thánh Thể, tôi được theo học với các cha tại Trung Tâm Mục Vụ TGP… Tôi dành ra khoảng nửa giờ chầu Thánh Thể sau Thánh lễ (nếu có thể thôi) để đối diện với Chúa, nhìn Chúa, suy nghĩ về Chúa, Lời Chúa dạy trong Thánh lễ là nội dung tôi suy niệm. Lúc đầu, thú thật quỳ nửa giờ là khủng khiếp lắm! Túa mồ hôi mẹ mồ hôi con mấy đợt, rồi cặp đầu gối lại còn rung rinh, mỏi ơi là mỏi cái tấm lưng… Suy nghĩ về Chúa quà là kho khó đây! Trải qua một tuần, các cảm giác trên dần không hành hạ tôi nữa, tôi bắt đầu suy tư về Chúa mạch lạc hơn, tôi thuộc Lời Chúa, hiểu Lời Chúa thêm một chút, tôi liên hệ Lời Chúa có tính hệ thống hơn …

Sau này tôi bắt đầu xoay sang suy nghĩ về tha nhân, về mọi mối tương quan không trôi chảy của tôi với tha nhân, tôi hỏi Chúa rằng: con đúng con sai ở chỗ nào? Thật mắc cỡ hết sức khi phải thú nhận với mọi người rằng: “Đến bây giờ, tôi không dám hỏi Chúa đúng hay sai nữa, mà tôi chỉ kể cho Chúa nghe những nghịch cảnh tôi đang lâm vào, rồi tôi xấu hổ vì những hành động chưa đủ giống Chúa của tôi khi tương quan với mọi người”.

Hôm nay, trong khuôn viên gia trang của các môn sinh thánh Phanxicô (42 Đình Phong Phú, Quận 9), tôi lại được kỳ duyên dự buổi tĩnh tâm của cái Ban Mục Vụ hướng đến những người và chuyện nằm ngoài biên cương Kitô giáo. Kỳ duyên ở chỗ được thọ giáo về thiền dưới sự hướng dẫn của ba thiền nhân-linh mục: một là linh hướng của nhà dòng, người thứ hai là cha giáo Phật học và đệ tam nhân là linh mục Trưởng Ban MVĐTLT. Hơn nữa, còn nhận thêm kinh nghiệm của “Chị Cả” MT, người tu nữ hành thiền lâu năm. Ngoài ra, chúng tôi còn được “tắm” trong bầu khí của nhà dòng Phanxicô, vốn là nơi ngọa hổ tàng long về chiêm niệm.

Anh chị em chúng tôi được dẫn vào thế giới thiền một cách rất nhẹ nhàng. Bài nhập môn do cha Antôn gợi ý là “Xây dựng cái Tâm an định để đón Chúa” bằng linh đạo hài hòa. Sau khi công bố Lời Chúa (Mt 18,23-35), cha chia sẻ: Linh đạo này dựa trên nền tảng là các giá trị cơ bản của Tin Mừng được phong phú hóa nhờ các giá trị tiềm ẩn nơi những tín ngưỡng và văn hóa Á Châu… Chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân, sứ gỉả và trung gian của sự hài hòa. Mỗi người cần tìm cách sống hài hòa với chính mình, với tha nhân, với thiên nhiên và hài hòa với Thiên Chúa. Muốn được hài hòa, trước tiên mỗi người cần giao hòa với Chúa, với tha nhân, với vạn vật, với chính mình.

*  *  *

Một giờ sau, cha Giuse đăng đàn nói về kinh nghiệm thiền của bản thân. Thoạt tiên, chúng tôi thầm nghĩ đến giờ học môn “thiền cao siêu” đây. Nhưng với lối nói khôi hài, dí dỏm gây cười cho cả nhóm, ngài khoe rằng mình chẳng bằng cấp, chẳng bài bản gì, đã thế lời ngài nó cứ chông chênh thế nào ấy!

… chúng tôi nghe mà cũng chẳng hiểu ra làm sao! Thôi thì cứ kể rồi tùy mọi người định liệu. Ngài nói cơ duyên  của mình với Phật giáo qua “cái duyên bị bệnh”, hết bệnh này đến bệnh nọ, đến lúc “thân tàn tâm lạnh” thì mới “ngộ” ra chân lý: AM LÀ THÂN TÂM VẮNG.

Từ cái ngộ này, ngài lại dẫn chúng tôi đến cái ngộ khác:

“Thiền là nấu dầu trên lửa hực”
  Buổi sáng nói lời chào mừng,
  Buổi tối nói lời trân trọng”

Đố ai hiểu…được!

Thấy vẻ mặt ngơ ngác của thính giả, thiền nhân đành phá lệ khai khẩu: thiền sư thứ thiệt không hề dạy đạo gì về thiền hết, thầy chỉ nói mỗi câu: “Thầy của ta đứng sừng sững như vách đá 30 năm không cho nói, không cho hiểu, cho đến khi nào chợt … thế là thầy trò ôm nhau khóc”.

Cũng không hiểu!!

Thiền nhân bèn chỉ chai nước khoáng hỏi: “Anh chị bảo đây là cái gì?”. Ai mà chả biết nó là chai nước, vài người nhanh miệng trả lời: “chai nước”. Ngài quay sang và bảo: “Đánh ba mươi hèo”.

Đành bó tay!!!

Nửa giờ sau, thiền sư bắt đầu mở gói bí kíp. Thiền mà ngài đang nói đến là thiền đốn ngộ. Đó là sự dung hợp giữa truyền thống Phật giáo đại thừa và trường phái Lão Trang. Tư tưởng chỉ đạo là: Tâm bao la như hư không, hãy về lại với tâm bao la... Tâm này bên Phật giáo gọi là Phật tánh. Thực vậy, chỉ người ngu mới đi tìm Phật ở bên ngoài, cần đi tìm Phật ở trong mình. Tâm đấy chính là yêu thương vô điều kiện, vô tận, đầy sáng láng giúp ta thấy được cái thật của vũ trụ. Lúc ấy ba ngàn thế giới về lại trong mình. Lúc ta yêu thương từng lá cây ngọn cỏ, từng viên sỏi, cục đá đó là lúc Tuyệt Đối hiện diện nơi mình. Ngài rất tâm đắc câu nói: “Ngọn Đông Sơn trôi trên sóng nước”.

Bấy giờ, tôi mới lờ mờ hiểu ngài đang nói tới tư thái của con người đắc đạo là: TÂM AN. Tôi chợt nhớ đến giấc ngủ ngon của Sư Phụ Giêsu trên thuyền cá đệ tử đang khi trời và biển nổi cơn giông bão. Đến đây, thiên nhân lăng thinh như để mọi người nghĩ một lúc hay đúng hơn là để bà con tập thiền một lúc, rồi ngài dẫn tiếp:

Cái chất Kitô giáo chính là nằm ở độ sâu nhất của thiền đốn ngộ. Nơi thâm sâu nhất ấy có sự hiện diện của Ngôi Lời Hằng Hữu, sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh … Khi ta thiền, lúc đã cảm nghiệm được Chúa tràn đầy rồi, thì ta vượt qua sự hạn chế của tham, sân, si, cũng như giới hạn kiến thức của mình, mà chỉ còn thấy Chúa đang hiện diện tràn đầy ngay trong chai nước đó (à … thì ra, ăn đòn là vì thế). Ứng dụng quan yếu thiền đốn ngộ đối với người Kitô hữu: khi cử hành phụng vụ Bí tích, ta “chấp nhận thực tại Chúa đang hiện diện”. Đến đây tôi sơ ngộ về thiền rồi: thiết nghĩ cũng không quá phức tạp đối với cánh công giáo chúng mình.

Đa tạ thiền sư chỉ giáo!

Tiếng “coong” điểm canh của chị Hồng Đỉnh đã vang lên, anh chị em chúng tôi cũng hơi đuối rồi! Xin phép tạm nghỉ học để đi ăn cơm.

*  *  *

Sang giờ Mùi (13g30) là thời khắc của thiền nhân BL. Cha dẫn vào “Cầu nguyện với Hơi Thở” bằng cách gợi lên các hình ảnh: (1) Trong trình thuật sáng tạo, Thiên Chúa đã thổi hơi truyền Thần khí cho cục đất và tức thì nó có sự sống- đây là hành động ban sự sống cho con người. (2) Khi sơ cấp cứu, người ta làm hô hấp nhân tạo cho  người sắp chết ngạt - đây là hành động tiếp hơi cho sự sống. (3) Hình ảnh Chúa Giêsu trút hơi thở trên Thập giá: cùng một lúc, Người phó thác hoàn toàn sinh mạng trong tay Chúa Cha và trao ban Thần Khí cho nhân loại. Hơi thở là Thần Khí do Thiên Chúa ban. Ta luyện tập hít thở Thần khí như sau:

- Khi thở ra, ta trút cái bản ngã vào vô biên (ta trút tất cả những lo lắng theo hơi thở vào vô biên, Soeur MT bổ sung).

- Khi hít vào, ta đón nhận cái Đại ngã vào. Dù hít hay thở, ta đều ý thức mình hiệp thông, kết hiệp với Chúa. Cần có Thần khí của Thiên Chúa khi hít thở. Ta không thể cố gắng tạo tâm an, chỉ cần mở toang cánh cửa lòng để Thiên Chúa đi vào và làm chủ ta. Vậy, an không phải là an tĩnh mà là an động.

Làm sao để nới rộng không gian nội tâm? Ngài hướng dẫn tiếp: Ta bị tiếng ồn ngay trong tâm ta, vì khi ngồi im, thì đủ mọi chuyện tự nhiên ùa vào trong tâm trí ta, thinh lặng không phải là không có tiếng động. Cần có sự an định. Vậy an định là gì? Nghĩa là cái ước muốn chủ đạo của ta, việc xảy ra lúc này không thể choán hết tâm can mình. Nếu ta để cho nó choán hết thì không gian tâm linh của ta bị thu hẹp - đồng nghĩa với việc ta mất đi tự do. Cụ thể trong đời sống, khi ta chỉ đầu tư cho một người, một việc quá đáng là lúc ta bị chiếm hữu = mất quân bình = nghèo nàn đi và cũng là lúc ta chẳng còn không gian để thở. Hãy luyện tập sao để đạt đến chỗ không bị chiếm hữu mà cũng chẳng tìm cách chiếm hữu. Như thế, nội tâm ta được giải thoát, tràn đầy Thần Khí trong tâm và khi tiếp xúc với người khác ta sẽ truyền cho họ Hơi Thở của Chúa.

Đề tài này dễ nắm bắt hơn nên đã khơi lên một cuộc thảo luận nhỏ. Vấn nạn: trường hợp khi cảm xúc sáng tác của nhạc sỹ bừng dậy thì làm sao mà giữ tâm an với tâm định? Thiền sư Đặng Không Sơn kêu khổ thay cho “những con người nghệ sỹ là kẻ lên đường đi mãi …” Thiền nhân BL thì nói: “giữa tâm an và tâm cảm có tâm giao”.

Xin tóm tắt bài học thiền mà chúng tôi mới bước vào cửa trong ngày hôm nay, để ai hứng thú với chủ đề này thì cũng tiện đồng cảm và bước vào nếu muốn:

- Bước 1: Giao hòa với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân và với vạn vật.

- Bước 2: sống theo linh đạo hài hòa: hài hòa với Chúa, với bản thân, với tha nhân và với vạn vật.

- Bước 3: Nhìn ra Đấng Vô Biên hiện diện khắp nơi = Chúa Giêsu Phục Sinh sáng láng nơi tất cả muôn vật (kể cả vật không có sự sống lẫn sinh thực động vật và con người). Điều quan trọng trong thiền đốn ngộ của người Kitô hữu khi cử hành Bí tích, hay phụng vụ là “chấp nhận thực tại Chúa đang hiện diện”. Khi Tâm ta hòa với cái bao la vô tận thì yêu hết mọi loài là khả thi.

- Bước 4: luyện tập hít - thở Thần Khí giúp ta tạo tâm an. Cần mở toang cõi lòng ra để Thiên Chúa đi vào và làm chủ ta.

- Bước 5: Cần có sự an định: thinh lặng không phải là không có tiếng động mà là tâm không vọng động nữa. Khi Tâm vọng động thì không gian nội tâm bị thu hẹp (vì bị chiếm hữu), tự do nội giới cũng suy giảm dần khi ta cứ mãi nghĩ cách chiếm hữu. Khi để cho một người, vật hay việc choáng cả tâm trí mình, thì ta  đã bị người, vật hay việc ấy chiếm hữu mình. Như thế, ta không còn là ta nữa!

Kể ra theo 5 bước, nhưng khi thực hành ta lại không nhất thiết theo một trình tự bắt buộc. Đúng hơn đó là những hành động song song …

Xin chư vị bạn đọc chia vui với tôi và những người bạn đồng hành khác, vì đến giờ chúng tôi “ngộ” ra thiền là gì, gốc rễ của thiền và cùng đích của thiền, theo cái nhìn Công giáo. Hóa ra từ trước đến nay mình đã từng thiền: chẳng phải là chúng ta đã từng dạt dào cảm động khi rước Chúa Thánh Thể đấy sao! Rồi mình cũng từng nói chuyện và say sưa nghe Chúa nói trong thinh lặng đấy ư! Chỉ còn vấn đề là tập hít thở Thần Khí cho quen, cho sâu và tự nhiên. Thế là chẳng mấy chốc…

*  *  *

Nhân vì bao “ngộ” luận trên, tôi xin phép gọi những ai cầu nguyện trong an định và với Lời Chúa là “thiền nhân”. Nhưng nếu có lập danh sách những người này, thì chắc xin cho em đứng chót. Xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã kiên nhẫn…

Tôi đoán rằng khi một người đã thấm chất thiền, thì họ sẽ tràn đầy tình yêu thiên nhiên, bao dung và chân thành với người khác lắm. Gương mặt lúc nào cũng thanh thản, nhẹ như cười, mắt sáng trong veo, phong thái tự tin nhưng dịu dàng và nhất là người ta sẽ nhận ra bóng dáng Thiên Chúa đâu đó nơi họ.

Top