Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Giuse Hoàng Ngọc Minh

Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Giuse Hoàng Ngọc Minh

Cha Giuse HOÀNG NGỌC MINH
(1915–1960)

Năm 1915, Giuse Hoàng ngọc Rậu (tức Minh), sinh ra trong một gia đình công giáo làng Hội Am, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt).

Là con thứ hai trong gia đình, cậu bé Hoàng Ngọc Minh có ước muốn dâng mình từ khi còn rất nhỏ. Cậu bị cha xứ từ chối hai lần vì lý do còn nhỏ tuổi. Nhưng rồi dịp may đến: có người giới thiệu cậu đến với cha Nhã ở Đồng Xá, cậu được nhận vào ban giúp lễ gần được một năm. Cha Nhã giao cậu giúp lễ cho cha Trọng là nghĩa tử của ngài mới được phong chức. Sau một thời gian, năm lên 10 tuổi cậu dâng mình vào “Nhà Đức Chúa Trời” giúp cha già Thịnh ở xứ Cốc, Vĩnh Bảo trong một thời gian.

Lên 12 tuổi, cậu được nhập Trường Thử tại Đông Xuyên, sang Tiểu chủng viện Ba Đông và rồi qua Giáo hoàng Chủng viện Alberto Nam Định. Đang truyền giáo ở Kẻ Sặt, được biết tại Kontum có một Hội thừa sai Việt Nam vừa thành lập và đã được Tòa Thánh châu phê, thầy Rậu liền xin nhập Hội năm 1941. Sau thời gian giúp dạy học ở Tiểu chủng viện Kontum, năm 1942, thầy được Đức cha Khâm (Jean SION) gởi đi học tại Đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội. Nhưng vì chiến cuộc, năm sau Bề Trên lại gọi thầy về Đại chủng viện Qui nhơn. Ngày 21-10-1948, quân đội Pháp đổ bộ lên hải cảng Qui Nhơn. Thầy đã xuống tàu vào Nha Trang để về lại Kontum.

Ngày 3-4-1949 thầy Rậu (từ nay lấy tên là Minh) thụ phong linh mục do Đức cha Khâm. Trước hết cha Minh đi làm phó cha già Simon Thiệt ở Võ Định ngày 20-4-1949. Sau đó cha học tiếng Bahnar mấy tháng ở Mangla. Tháng 12 năm 1950, người được gọi đi chánh sở Kon Dŭ. Địa sở này lúc ấy mới thành lập, thiếu thốn tất cả và núi non hiểm trở. Một chú giúp ngài kể lại: khi cha mới lên nhận sở, mấy ngày đầu, thấy tình cảnh buồn tẻ, các chú giúp “mỗi anh một góc nhà ngồi quay mặt ra rừng khóc sướt mướt”.

Trong 10 năm ở Kon Dŭ, nhờ ơn Chúa, cha đã rửa tội được đến 10 làng Xơđăng. Cha là một trong những linh mục đầu tiên mở trường học với ký túc xá cho con em dân tộc (năm 1952). Năm 1959, 3 làng nhỏ ở Kon Dŭ đã bàn tính với cha để tập trung làm một làng lớn ở Kon Kơla như hiện nay. Ngoài công việc truyền giáo, cha còn mở nhà hộ sinh, phòng phát thuốc để săn sóc sức khỏe cho người dân tộc, không phân biệt lương giáo. Cha đang xây dựng một nhà thờ dài gần 40 mét, ngang 12 mét, toàn bằng gỗ cẩm lai và trắc. Trong thời gian này, cha Minh bị phong tê thấp rất đau đớn, có lúc cha phải “bò lết” trong nhà. Vì bệnh quá nặng, ngày 14-9-1960 cha phải về điều trị tại nhà Chung Kontum. Ngày 24-9-1960 được tạm bình phục, cha vội vã trở về sở với đoàn chiên. Dù sống trong vùng chiến cuộc leo thang, nguy hiểm tính mạng, nhưng cha vẫn vui lòng xin Bề trên ở lại, sống chết với con chiên.

Ngày 27-9-1960 cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Huy mời người đến họ Tân Cảnh làm phó tế giúp lễ mồ. Sáng hôm sau, như được ơn Chúa soi sáng, cha dọn mình xưng tội sốt sắng. Sau lễ, cha đi thăm bạn bè và giáo hữu quen biết ở Tân Cảnh. Độ 10 giờ sáng ngày 28-9-1960 cha trở về Kon Kơla. Khoảng 11 giờ trưa, chỉ còn cách nhà 4 cây số, bị phục kích, xe vừa ngừng thì toán người từ trên mô đất cao nhảy xuống dùng cây vót nhọn đâm đánh cha tàn nhẫn và bắn cả loạt súng vào thân mình cha. Cha ngã gục trên xe; tài xế Huỳnh Hữu cháu của ngài cũng bị 8 viên đạn bất tỉnh. Mấy phút sau, anh Hữu hồi tỉnh, thì bọn sát nhân đã tẩu thoát. Tuy bị trọng thương, anh còn cố lái xe đi một quãng độ 1 cây số; nhưng rồi kiệt sức không lái được nữa, anh để xác cha trên xe, lần mò về rẫy dân tộc gần đó báo tin. Được hung tin, dân làng kẻ đao người ná chạy ra phụ lực đẩy xe đưa thi hài cha về nhà xứ cầu kinh, đồng thời cho người cấp báo địa phương.

Tại Tân Cảnh, vào lúc 18 giờ, khi nghe tin linh mục Hoàng Ngọc Minh bị hạ sát, cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Huy đến Kon Kơla lúc nửa đêm. Vào 2 giờ sáng 29-9-1960, thi thể cha được đưa ra xe rước về nhà thờ Tân Cảnh. Sau đó cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Huy đã cử hành lễ mồ cầu cho cha, cùng với cha Léoni làm tùy phó tế như trong lễ mồ mà chính cha mới giúp nơi đây hôm qua và cha Gioakim Chế Nguyên Khoa làm phó tế. Lễ xong, linh cửu của ngài được rước về Nhà Chung Kontum lúc 2 giờ chiều ngày 29-9-1960 và ngay sau đó được đưa đến nhà thờ Chính Tòa, cho giáo hữu đến kính viếng và cầu nguyện. Qua 16 giờ ngày hôm sau, tức 30-9-1960, đông đủ linh mục, giáo dân, và một số đồng bào lương tất cả ước lượng đến gần 8000 người đưa linh cữu cha đến nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa địa các cha tại Kontum.

Cha Giuse mất đi, để lại cho giáo sĩ cũng như giáo dân Kontum, nhất là con chiên cha ở Kon Kơla, và cả đến những người ngoài công giáo, một niềm nhớ thương mến tiếc. Cha rất đơn sơ, tính tình hiền lành dịu dàng, vui vẻ. Một cựu bạn học của cha làm chứng: trong 20 năm không bao giờ thấy ngài nặng lời, cứng cỏi với một người nào, sống đời nghèo khó, hy sinh cho người dân tộc không phân biệt lương giáo. Nhớ lại Lời Chúa trong Bát Phúc:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (. . . ). Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt. 5, 3-4. 10-12).

Chúng ta tin Chúa đã ban cho ngài “đất Chúa hứa”.

Ngày 17-1-1961, nhà xứ, trường học, nhà nguyện và tất cả đồ đạc của cha ở Kon Kơla đều bị hỏa hoạn thiêu hủy. Có người nói: “Của cha Minh đã theo ngài cả”. Những di tích vật chất của cha đã tiêu tan, nhưng chính sự nghiệp của cha là sự sống Thiên Chúa mà cha đã truyền sinh, đã hun đúc trong các linh hồn, sự nghiệp ấy còn trường tồn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top