Chân dung linh mục Việt Nam: Đức ông Phaolô Nguyễn Quang Thiều
Giáo phận Phát Diệm là nơi đã đào tạo ra nhiều thế hệ linh mục đạo hạnh. Nhân năm thánh các linh mục, tôi muốn ghi lại đôi dòng về một linh mục Phát Diệm, một người đã trải qua những năm tháng đầy biến động của đất nước trong suốt thế kỉ 20, đó là Đức Ông Phaolô Tịnh Nguyễn Quang Thiều.
Tôi không có hân hạnh sống gần Đức ông nhiều. Những kỉ niệm giữa tôi và Đức ông chỉ là những cuộc gặp gỡ và chuyện trò ngắn ngủi, nặng tính xã giao. Tình cờ, sau khi Đức ông qua đời vào ngày 12-8-2000, tôi đọc được bốn tập hồi kí viết tay của Đức ông. Với lối văn giản dị, ngắn gọn, những tập hồi kí đã giúp tôi khám phá thêm nhiều nét đặc biệt nơi con người và cuộc đời Đức ông.
Những dốc quyết đơn giản đầu đời linh mục
Sau khi chịu chức vào ngày 31-10-1947, linh mục trẻ Phaolô Tịnh Nguyễn Quang Thiều đã soạn một bản qui tắc đời sống linh mục cho bản thân mình. Bản qui tắc ấy có thể tóm tắt bằng những nét chính yếu như sau: tĩnh tâm hằng tháng; xưng tội và gặp cha linh hướng hằng tuần; nguyện ngắm, dâng thánh lễ, xét mình, viếng Thánh Thể, đọc kinh phụng vụ trước Thánh Thể hằng ngày.
Đó là một bản qui tắc sống đời linh mục thật đơn giản, nhưng qui tắc ấy cho thấy ý thức sâu xa của vị linh mục trẻ về mối tương quan giữa đời linh mục với Chúa Giêsu, giữa đời linh mục với phép Thánh Thể, giữa đời linh mục với kinh nguyện hằng ngày. Ở tuổi 30, vị linh mục trẻ đã hiểu rằng yếu tố căn bản, đòi hỏi tiên quyết, cốt lõi của đời sống linh mục là mối tương quan mật thiết với Chúa, là SỰ THÁNH THIỆN.
Vào những thời điểm hiểm nguy nhất trong cuộc đời, cha đã luôn tận lực sống những điều cha đã tự đề ra cho mình. Ở phần cuối tập một và phần đầu tập hai, cha kể lại những thử thách thời gian cha mới bị bắt. Ngày 11-3-1952, cha bị gọi lên ti công an Ninh Bình, rồi liên tục bị chuyển từ nơi này qua nơi khác. Vài ngày sau khi bị bắt, cha bị chuyển chỗ ở vào ban đêm, cán bộ không cho mang theo vali đồ lễ. Thời đó luật giữ chay Thánh Thể buộc linh mục phải nhịn ăn nhịn uống từ nửa đêm hôm trước cho tới khi dâng lễ, sáng hôm sau, cha nhất quyết không ăn uống gì cho tới khi nhận lại được vali đồ lễ để cử hành thánh lễ. Hôm đó cha đã nhịn ăn nhịn uống tới mãi 17 giờ, khi cán bộ đưa đồ lễ tới.
Lần khác, ngày 15-4-1956, sau ba ngày bị đấu tố và nhịn đói, cha bị triệu về Kim Sơn. Cha đi bộ từ 4 giờ chiều, tới khoảng 9 giờ tối mới tới nơi. Bị canh chừng trong một ngôi nhà nhỏ, sáng sớm hôm sau, cha đã tìm cách trốn vào Tòa Giám mục để dâng thánh lễ. Khi cha trở lại, những người canh gác vẫn còn say ngủ. Vào dịp này, khi bị tạm giữ ở Lưu Phương, nhiều lần cha đã bất chấp mọi nguy hiểm, trốn đi dâng lễ ở Tòa Giám mục lúc ba giờ sáng, sau đó lại lẻn về chỗ bị giam.
Sống đời linh mục trong mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể phải chăng là bí quyết giúp cha can trường đối mặt với những thử thách cam go vượt sức chịu đựng thông thường của một con người? Đó phải chăng là chìa khóa giúp cha vượt lên trên tất cả hận thù oán ghét đằng đẵng nhiều năm đè nặng trên tấm thân hao gầy bệnh tật?
Can trường trong bão tố
Ngay sau khi chịu chức linh mục, giữa cảnh nhiễu nhương đầy bất trắc, cha Phaolô Nguyễn Quang Thiều được cử làm phó xứ Bình Sa, rồi phó xứ Tôn Đạo, sau đó làm phó xứ Phát Diệm. Đầu năm 1952, cha được Đức Cha Tađêô Lê Hữu Từ cử đi giúp “vùng tự do”, tức là vùng do Việt Minh kiểm soát. Ngày 3-3-1952, cùng với cha Nhân, cha Nguyễn Quang Thiều dắt xe đạp từ Phát Diệm, qua Lưu Phương, Bình Hải, len lỏi qua các xóm làng thuộc huyện Yên Mô, và tối ngày 4-3 tới xứ Hoàng Mai. Ngày 10-3-1953, cha bắt đầu bị triệu tới huyện Gia Khánh. Chiều ngày 11-3, cha bị đưa lên ti công an, rồi những ngày bị hỏi cung, bị giải qua các vùng rừng núi, sống tù túng trong hang hàng tháng trời. Sau đó, cha bị chuyển qua các trại giam Hang Vàng – Quảng Hiểu, rồi ngày 12-5-1952, cha bị giải đi xuyên rừng vượt núi tới trại cải tạo 5 Đ liên khu III, thuộc Cẩm Hoàng, Thanh Hóa, với thân phận của một tù nhân tại vùng do Việt Minh kiểm soát, bị cấm mọi hình thức thực hành tôn giáo, bị xiềng chân liên tục tới ngày 4-8-1952. Từ tháng 9-1952 tới tháng 5-1953, cha bị giam ở trại 5 B, Mĩ Hóa, bị xiềng xích nhiều lần. Cũng tại trại 5 B, cha đã can đảm làm chứng cho Chúa để rồi phải chịu những đòn hành hạ dã man.
Gần dịp lễ Giáng Sinh năm 1952, cha được tháo xiềng và theo lời giám thị trại giam, cha sẽ được phép cử hành lễ Giáng Sinh. Cha đã rất vui mừng và dọn mình kĩ lưỡng, dọn bài giảng cho thánh lễ trong trại cải tạo. Nhưng đến sáng ngày 25-12, ban giám thị trại cho biết không mượn được đồ lễ (!), do vậy, chỉ cho phép mít tinh và cho phép cha diễn thuyết. Cha đã nhân dịp này trình bày giáo lí của Chúa cho bạn tù và cả ban giám thị trại.
Ngày hôm sau, 26-12, cha bị đưa ra đánh đập, vu khống và đấu tố tập thể. Liền sau đó, cha bị “khóa miệng”, như lời cha viết trong cuốn hồi kí: “Hôm sau, sáng sớm đã ra lò rèn nhận chiếc xiềng 2 kg, và khóa miệng – tức là lấy một miếng kẽm to bằng bàn tay đeo kín miệng mũi, viết sơn đỏ: ‘Miệng nói láo’. Khóa miệng cho tới tháng 2-1953.”
Từ tháng 3-1953 tới tháng 5-1953, cha lại bị vu vạ cho tội làm đầu sỏ âm mưu tổ chức phá trại, bị bỏ cho đói khát, vu khống, chịu gông cùm xiềng xích, bị đem ra đấu tố ròng rã nhiều ngày, bị đánh cho tới mức ngất xỉu, chỉ vì cha cương quyết không nói dối, không chấp nhận những lời vu khống. Sau đó, cha còn tiếp tục bị đấu tố tra khảo, bị đánh tới mức khắp thân thể thâm tím, mặt mũi sưng húp, có lần đã bị đưa ra nhà xác.
Từ tháng 5-1953, giữa lúc thân thể đớn đau kiệt quệ, cha bị chuyển tới trại 5 A, Kim Tân, phải đi bộ, chân tay vẫn bị xiềng xích. Suốt bốn tháng trời, cha bị biệt giam trong xà lim kín. Sau đó, cha lại bị chuyển qua trại 5 Đ, Cẩm Hoàng, cho tới tháng 2-1954, rồi tiếp tục bị chuyển qua nhiều trại khác.
Trong thời gian tù đày, cha đã tận mắt chứng kiến một số linh mục thuộc giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu bị chết rũ tù.
Cuối tháng 12-1954, cha được đưa về xứ Hoàng Mai. Thoát cảnh tù đày xiềng xích, cha lại chuẩn bị một chặng đường mới cũng không kém phần khó khăn.
Không khuất phục trước cường quyền
Từ đầu năm 1955, cha được cha chính địa phận thay quyền Đức Cha Tađêô Lê Hữu Từ đặt làm chính xứ Hoàng Mai, kiêm Thiện Dưỡng và Ninh Bình. Tháng 11-1955, cha được chuyển về coi xứ Yên Thổ, kiêm nhiệm Bình Sơn, Quảng Phúc và Bình Hải. Thời gian này, cha đã chịu nhiều sóng gió của “cuộc cách mạng long trời lở đất”.
Đầu năm 1956, cha bị đem ra đấu tố công khai, với đủ thứ tội: lập tề, làm bảo an, bắt cán bộ, nói xấu chế độ dân chủ cộng hòa, khinh chính quyền, dụ dỗ đồng bào đi Nam theo Mĩ Diệm, thu tô, mị dân, dâm ô, đầu độc bằng Bánh Thánh, bỏ thuốc độc vào giếng nước của bộ đội và nhân dân, lấy tin ngầm ở tòa giải tội, xui trẻ em phá các cuộc họp v.v… Sau đó, cha lại bị vu thêm tội “chống phá cải cách ruộng đất”, bị giam cầm hạch hỏi. Ngày 5-5-1956, cha lại bị đem ra đấu tố tại Yên Thổ, lần này cha đã thẳng thắn vạch ra những điều dối trá gian xảo trong các cuộc đấu tố từ ngày 9-4-1956. Sau đó, ngày 9-5-1956, đội cải cách lại tổ chức một “cuộc họp” tại Yên Thổ, một lần nữa cha lại lên tiếng phản đối thói hỗn xược, phách lối của đội cải cách. Nhân dịp lễ Chúa Lên Trời, ngày 10-5-1956, cha làm một cuộc phỏng vấn công khai rồi gửi văn bản tới giới hữu trách nhằm chỉ rõ thói gian xảo của những trò đấu tố. Sau đó, cha nhiều lần cương trực yêu cầu giới cầm quyền hành xử theo pháp luật.
Từ khi có lệnh sửa sai, cuộc sống của các cha cũng như bà con giáo dân được dễ dàng hơn đôi chút. Ông đội nói với cha lúc chào từ giã: “Địa phương muốn có thành tích, nhiều khi cũng làm không đúng, nhưng đảng và chính phủ thấy có sai thì sẽ sửa.”
Đầu năm 1957, cha Phaolô Bùi Chu Tạo được sắc phong làm Giám quản tông tòa Phát Diệm. Cha Giám quản đã đặt cha Phaolô Nguyễn Quang Thiều làm thư kí. Cha cùng Đức Giám quản đi kinh lí một số giáo xứ trong giáo phận Phát Diệm. Dịp này, Đức Giám quản đã nhờ cha nói về Ủy ban liên lạc toàn quốc những người Công giáo Việt Nam yêu tổ quốc yêu hòa bình. Sau đó, giới cầm quyền cấm không cho cha cùng đi với Đức Giám quản nữa.
Sau lễ tấn phong Giám mục cách đột ngột cho cha Phaolô Bùi Chu Tạo tại Hà Nội, ngày 26-4-1959, tình hình trở nên căng thẳng. Đức Khâm Sứ Dooley bị trục xuất. Ngày 15-8 năm đó, khi cha đi dâng lễ ở miền Yên Mô thì nhận được công văn số 158 của ti công an Ninh Bình với đại ý chỉ được làm lễ ở ba xứ Yên Thổ, Quảng Phúc, Bình Hải, và cấm về Nhà Chung Phát Diệm. Tuy nhiên, ngày 21-8 cha vẫn về Nhà Chung, và ngày 22-8 cha vẫn dâng lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa. Cũng từ đây, cha bắt đầu sống chuỗi ngày bị hành hạ, đọa đày. Tháng 11-1959, tuần tĩnh tâm năm các linh mục trong giáo phận, cha bị cấm tham dự với lí do “còn nhiều khuyết điểm”. Tuy nhiên, cha gửi thư thông báo cho ti công an và ngày 12-11, cha vẫn đi dự tĩnh tâm. Công an biết không dọa nạt được cha nên đã tìm cách khủng bố tinh thần cha Giuse Hoàng Duy Kim, chủ hộ Tòa Giám mục. Vì ích chung, cha đã phải miễn cưỡng trở lại giáo xứ để tĩnh tâm riêng, sau đó cha viết một thư cho ti công an, phản bác những việc làm hách dịch, phi lí của công an; tố cáo thói gian xảo, cấp trên đổ cho tại “cấp dưới làm sai vì anh em chưa nắm vững”; cha cũng chỉ ra những thủ đoạn “lợi dụng lòng yêu nước chân chính của người Công giáo mà làm việc phản Giáo hội, phản đạo Chúa, cái Ủy ban liên lạc Công giáo nguy hại cho khối đoàn kết thống nhất của đạo Công giáo …”; cha cũng tuyên bố thẳng thắn “việc xưng tội, ít là ba tháng một lần, tôi nhất định xin bằng được, nếu không cho phép thì tôi vẫn đi.” Cứ như thế, nhiều lần cha viết thư thông báo, sau đó cha đi khỏi nơi tạm giam, bất chấp mọi lệnh cấm, mọi lời vu khống, đe dọa cũng như hành khổ. Có lần, khi gửi thư ra huyện Yên Mô, cha đã viết thêm: “Chúc cơ quan đoàn thể trong huyện được tiến bộ trong sự thật thà!”
Tháng 3-1960, nhân kì kiểm tra dân số, cha đã dựa vào chỉ thị do ông Nguyễn Khang kí về việc kiểm tra dân số để đòi quyền được về Nhà Chung Phát Diệm đúng theo nguyên văn chỉ thị. Đám cán bộ ra sức o ép, dùng đủ kiểu đe dọa, mánh lới để buộc cha đăng kí “thường trú” tại xứ Quảng Phúc, xã Yên Phong, nhưng cha cương quyết đòi hỏi cán bộ phải thi hành đúng chỉ thị. Ngày 12-3-1960, Ủy ban hành chính (UBHC) tỉnh Ninh Bình ra công văn số 588 quyết định quản chế cha ba năm tại nhà thờ Vân Mộng. Cha tuyên bố: “Tôi kháng khiếu, không thi hành!”, rồi viết đơn khiếu nại lên Bộ nội vụ phi bác ba lí do mà UBHC tỉnh viện lấy để kết án quản chế. Bộ nội vụ không trả lời, cha tiếp tục viết đơn khiếu nại lên Bộ tư pháp. Ngày 9-5-1960, Bộ tư pháp trả lời: “Giao sang Viện công tố trung ương xét”. Sau đó cha tiếp tục bị gây khó khăn, không cho đi dâng lễ, bị bắt trói, sỉ nhục và vu khống, cha vẫn cư xử cương quyết, gửi khiếu nại yêu cầu cán bộ thi hành đúng chính sách, đồng thời khuyên giáo dân yêu thương và tha thứ.
Càng ngày, cha càng bị canh chừng cẩn mật hơn, nhưng cha vẫn trốn đi xưng tội đều đặn, bất chấp những khó khăn, hành hạ mỗi lần bị bắt. Không lung lạc được tinh thần của cha, cán bộ xã Yên Phong tung tin rằng bắt được cha ở đâu là đánh chết! Ngày 16-3-1963, cán bộ công bố lệnh số 147/UB, tăng lệnh quản chế thêm ba năm. Cha lại thẳng thắn tuyên bố: “Tôi đã nghe lệnh của tỉnh. Tôi kí giấy kháng án, chưa biết tôi có giữ được lệnh đó không.”
Khiếu lại ở tỉnh và trung ương bằng đơn từ nhiều lần mà không có hồi âm, hoặc có hồi âm với nội dung chung chung: “giao cho công tố xét”, ngày 3-6-1963, cha đi Hà Nội, để lại một thư cho ti công an để báo việc cha đi trung ương. Cha tới Nhà Chung Hà Nội và 11 giờ đêm hôm ấy bị công an tới bắt cha ra đồn, rồi đưa tới giam tại Hỏa Lò, sau đó lại bị giải về Ninh Bình, bị giam trong xà lim tại trại giam Phúc Chỉnh. Ngày 7-6-1963, cha bị đưa tới Viện kiểm sát và nhận lệnh tạm giam hai tháng vì tội “trốn đi Hà Nội”. Sau đó, ngày 18-6-1963, cán bộ vận động giáo dân xin cho cha về xã Yên Phong. Trở về, cha càng bị canh giữ nghiêm ngặt hơn. Cha kể lại sự việc như chuyện hài hước sau đây: “Tôi giữ đúng lệnh quản chế báo cáo lịch trình nửa tháng đi làm lễ, hoặc xin phép năm lần bảy lượt để đi xưng tội. Chính quyền xã và huyện nhất định không cho. Trụ sở thì chuyển lung tung, giờ hành chính cũng chẳng ấn định, có ý làm cho tôi không tìm được mà đặt đơn.” Giáo dân cũng bị ngăn cản không cho đến với cha, không cho tham dự lễ Chủ Nhật, không cho lãnh nhận các bí tích.
Dịp mừng ngân khánh linh mục, năm 1972, cha ghi lại tâm tình tạ ơn, trong đó có câu: “Nếu vì người ta ghét Chúa nên ghét con thì có phúc cho con! Hân hạnh cho con biết bao.” Cũng dịp này, cha còn ghi thêm rằng: “Từ 1955 – 1959, con muốn hoạt động cho Giáo hội Chúa, bù lại những năm xa vắng giáo dân, giáo phận, nhìn vào thời thế vài chục anh em già ốm ‘ở lại coi nhà’, mà nhà thì rộng, trộm cắp thì nhiều, tương lai không có, đôi khi con đã nghĩ đến cảnh ‘không trông được hưu’ cho đến chết …, thì Chúa đã cho con ‘hưu non’ suốt từ năm 1960 đến nay, nhất là từ 1963 lại càng được hưu kĩ … hưu non!!!”
Năm 1981, trong một bức thư cho giáo dân nhân dịp cha trốn đi xưng tội, cha viết: “Tuy tôi bị tước ‘quyền công dân’, nhưng tôi vẫn là một người dân Việt Nam, hơn nữa là một người Công giáo, một Linh mục, thì tôi có quyền sống, sống lành mạnh cả xác lẫn hồn, được thế thì đẹp cho chế độ lắm. Tôi sống thì phải có những nhu cầu (việc cần) cho xác và hồn. Đó là ‘việc cần’ mà không được giúp đỡ, thì phải tự lo liệu.”
Cứ như thế, cha phải chịu đủ loại hành hạ về tinh thần cũng như vật chất, bị cô lập và o ép nhiều năm cho tới mãi những ngày cuối đời. Từ cuối những năm 80 của thế kỉ trước, cuộc sống của cha có dễ thở hơn đôi chút, nhưng không thiếu những khó khăn trở ngại từ phía nhà cầm quyền.
Về phía Giáo hội, cha đã nhận được những nghĩa cử ủi an và khích lệ. Ngày 17-6-1984, cha được Đức Cha Phaolô Bùi Chu tạo đặt làm Tổng đại diện. Ngày 27-1-1996, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trao tặng cha tước Đức ông, Giám chức danh dự. Cha qua đời tại Tòa Giám mục Phát Diệm ngày 12-8-2000, hưởng thọ 83 tuổi.
Trên đây chỉ là đôi nét sơ lược về cuộc đời sóng gió của Đức ông Phaolô Tịnh Nguyễn Quang Thiều. Đời sống thánh thiện, mối thân tình với Chúa quả thật như chiếc neo giúp con thuyền cuộc đời của Đức ông được cột chặt vào cung lòng yêu thương của Thiên Chúa (x. Dt 6,19). Đó chính là bí quyết giúp Đức Ông vượt thắng những đọa đày đằng đẵng vơi bao nhiêu mưu ma chước quỉ. Nhân dịp kỉ niệm 9 năm ngày Đức ông giã từ cuộc sống trần gian, nguyện xin Thiên Chúa nhân lành ân thưởng cho người đầy tớ tốt lành và trung tín.
KIM ÂN
Nguồn: Xuân Bích Việt Nam
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)