Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
Đức Hồng y Phaolô Giuse PHẠM ĐÌNH TỤNG (1919–2009)
1. Một nhà giáo dục đào tạo
Sau cuộc di cư năm 1954, con số các linh mục phục vụ tại các giáo phận Miền Bắc giảm sút trầm trọng. Cần phải gấp rút đào tạo một lực lượng bổ sung. Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội được khai sinh. Linh mục chính xứ Hàm Long -Phaolô Phạm Đình Tụng- được Đức cha Giuse Trịnh Như Khuê tín nhiệm đặt làm Giám đốc. Có lẽ đây là Tiểu Chủng viện liên giáo phận đầu tiên tại Việt Nam, quy tụ gần 200 chủng sinh của 7 giáo phận Miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hoá). Sau hai năm hoạt động, 9 chủng sinh lớp lớn được tách ra để thành lập Đại Chủng viện Thánh Giuse. Vị Giám đốc Tiểu chủng viện kiêm nhiệm luôn chức Giám đốc Đại Chủng viện.
Năm 1960, cả hai Chủng viện đều bị đóng cửa vì không chấp nhận việc nhà nước điều động giáo viên vào dạy môn chính trị. Các chủng sinh như đàn chim non phải rời xa me, bươn chải giữa bao sóng gió cuộc đời.
Gần 200 chủng sinh Tiểu Chủng viện (đúng hơn chỉ là các chú trường thử) với số năm “cải tạo tập trung” (một hình thức cầm tù) của các chủng sinh cộng lại dài ngót 3 thế kỷ. Vậy mà Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà nội đã cung cấp cho Giáo Hội Miền Bắc hơn 50 linh mục nhiệt tình và trung tín. Kết quả lớn lao ấy đã xác nhận khả năng giáo dục và đào tạo của các giáo sư, nhất là của vị Giám đốc.
Năm 1963 linh mục Phaolô Phạm Đình Tụng được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chính Toà coi sóc giáo phận Bắc Ninh. Có người đã nói một cách ví von: từ năm 1963, Trường Đào tạo Linh mục từ xa đã âm thầm hoạt động tại giáo phận Bắc Ninh. Phòng U8 trong Tòa Giám Mục đã xác nhận câu nói ấy. Đức tân Giám mục đã “chú ý đến việc đào tạo các linh mục không chỉ giỏi nghiệp vụ mà quan trọng hơn, gần gũi với giáo dân, đồng thời chú ý đến hàng ngũ giáo dân được đào tạo để dấn thân trong trần thế. Nên nhớ đây là những trục tư tưởng chính trong công đồng Vatican II (1963-1965, đặc biệt qua sắc lệnh “Chức vụ và đời sống linh mục”, hai Hiến chế về Giáo Hội và Giáo Hội trong thế giới ngày nay). Tuy không tham dự Công đồng -thậm chí có thể không nắm bắt tình hình thời sự của Công đồng tại Vatican trong những năm Việt Nam đóng cửa- nhưng dường như ngài đã có những trực giác ấy của Công đồng. Người ta có thể giải thích đó là do hoàn cảnh thực tế của các giáo phận bắt buộc ngài suy nghĩ thế, nhưng tại sao chúng ta không được phép nghĩ đó là kết quả thu lượm được từ những suy nghĩ và cầu nguyện sâu xa của ngài về Ðức Giêsu mục tử, hay từ tấm lòng nhân ái và bao dung của một người cha và một người thầy? Ðó có lẽ cũng là điểm lôi kéo nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân từ miền Nam tìm gặp ngài sau ngày đất nước thống nhất: tại Bắc Ninh, người ta không chỉ nghe mà còn chứng kiến thấy sự gần gũi của ngài với giáo dân, cũng như sự trân trọng và tin tưởng ngài dành cho các tông đồ giáo dân - nhất là những giáo dân tận hiến trọn đời cho Chúa và cho Giáo Hội” (Lm. ĐXT).
2. Một vị mục tử nhân lành
Ngày 07 tháng 10 năm 1963, Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về nhận giáo phận Bắc Ninh, một giáo phận trải dài từ Đồng bằng Sông Hồng đến giáp biên giới Việt Trung gồm “năm tỉnh trực thuộc và 7 tỉnh liên hệ”. Số linh mục già yếu ở lại giáo phận sau cuộc di cư 1954 đếm được trên đầu các ngón tay và có lúc chỉ còn “1 linh mục rưỡi”! Vậy mà chỉ sau một thời gian vắn, giáo phận Bắc Ninh đã dần dần hồi sức và bước vào giai đoạn cường tráng tràn đầy sức sống. Mỗi ngày Chúa Nhật, trong các buổi cầu nguyện chung, giáo dân được nghe những bài suy niệm Lời Chúa thật đơn sơ, dễ nhớ, dễ thuộc mà tác giả đã suy gẫm lâu giờ trước Thánh Thể và chỉ dẫn những chi tiết cụ thể để thực hành Lời Chúa. “Thông qua đội ngũ tông đồ giáo dân đông đảo, được huấn luyện cách căn bản, ngài đã điều hành được giáo phận” (Lm . ĐXT).
Ngài duy trì và thích nghi nếp sống Nhà Đức Chúa Trời để thành lập cộng đoàn Anh em Nhà Chúa cho những người nam muốn “dâng mình cho Chúa” và cộng đoàn Tận hiến cho những người nữ độc thân.
Hơn 20 năm Đức Giám mục giáo phận không được ra khỏi Tòa Giám mục để thi hành mục vụ! Khi Chủ chăn không thể đến với đoàn chiên thì đoàn chiên tìm đến với người mục tử. Tòa Giám Mục Bắc Ninh đã thật sự trở thành Nhà Chung của giáo phận. Để đồng cảm và gần gũi với quần chúng giáo dân, chăm lo cho giáo dân từng bữa cơm, từng đêm ngủ, gia đình Tòa Giám mục từ Đức cha cho đến người giúp việc đã lựa chọn một nếp sống giản dị, khó nghèo và phục vụ. Không người giáo dân nào cảm thấy mình là người xa lạ khi về Tòa Giám mục. Hàng ngày, Đức cha cùng ăn, cùng đọc kinh chung với giáo dân. Trong thời kỳ “hạt gạo miền Bắc chia ba” mà nhà ăn Tòa Giám mục thường xuyên đông vui, đầm ấm. Những ngày lễ trọng, Đức cha kêu gọi và tổ chức cho giáo dân “góp gạo thổi cơm chung”. Trên những chiếc xe đạp “cọc cạch” của giáo dân “miền rừng” có cả bó củi, bao khoai, bao sắn… góp thêm chất đốt và thực phẩm cho “nồi cơm chung giáo phận”! Cộng đoàn tín hữu thời các thánh Tông đồ được tái hiện ngay tại Nhà Chung Bắc Ninh!
Nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho giáo dân là điều luôn thúc bách vị chủ chăn. Không được đến với giáo dân, Đức cha đã trăn trở suy nghĩ làm sao để đời sống đức tin của giáo dân được nuôi dưỡng. Hàng tuần ngài gửi các bài suy niệm Lời Chúa đến từng xứ họ. Ngài đặt lời Thánh vịnh vào những làn điệu quan họ Bắc Ninh để ngâm nga, ca ngợi Thánh Tâm Chúa. Ngài soạn “Kinh Bản tắt” giúp giáo dân học hỏi giáo lý căn bản trong các buổi cầu nguyện chung. Ngài sáng tác những vần thơ “Ca nhiệm tích”, “Tóm lược cuộc đời Chúa”… giúp giáo dân dễ dàng thực hành việc thánh hoá ngày sống, học hỏi giáo lý và gặp gỡ Lời Chúa bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Tiếp bước các vị tiền bối, ngài đã đưa Tin Mừng hội nhập nền văn hoá dân tộc.
Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ngài dâng giáo phận cho Thánh Tâm và phát động phong trào dâng các gia đình cho Thánh Tâm Chúa. Nhiều gia đình đã thực sự trở thành nhà cầu nguyện, trường dạy giáo lý. Ngài đã vượt qua mọi trở ngại để tổ chức định kỳ những “đại hội” Ban Hành Giáo, cộng đoàn “sống lý tưởng tại gia”, “Dòng Ba Đaminh”, đoàn “thiếu nhi” Thánh Thể ... Nhờ những “đại hội” định kỳ cho từng thành phần ấy, các buổi cầu nguyện chung được duy trì và ngày càng có sức thu hút giáo dân, đặc biệt giới trẻ hăng say học hỏi Lời Chúa, suy tôn Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày.
Ngày 18 tháng 05 năm 1990, Đức Hồng Y Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Trịnh Văn Căn qua đời. Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Toà Tổng giáo phận Hà Nội. Ngày 23-03-1994 Ngài được bổ nhiệm Tổng Giám mục và cùng năm ấy ngày 26 tháng 11 ngài được vinh thăng Hồng Y.
“Ngài là một trong những gương mặt vĩ đại của Giáo Hội Việt Nam, là chứng nhân lịch sử của Giáo Hội ở Miền Bắc trong hơn 70 năm qua. Ngài đã góp phần to lớn và quan trọng trong việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là trong các lãnh vực tông đồ, đào tạo, tổ chức nhân sự và quan hệ ngoại giao. Cuộc đời phục vụ của ngài còn để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công cuộc xây dựng Giáo Hội hôm nay” (Lm. Thanh Bình).
Ngài qua đời ngày 22 tháng 02 năm 2009, một tháng sau dịp mừng kỷ niệm 90 năm ngày sinh, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục, 15 năm Hồng Y.
Để ghi dấu ấn về cuộc đời của Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói trong Huấn từ với HĐGMVN dịp các Giám mục Việt Nam thăm viếng Toà Thánh tháng 06 năm 2009: “Tôi muốn tưởng nhớ ở đây Đức Hồng Y đáng kính Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội trong nhiều năm. Cùng với Anh Em, tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lòng nhiệt thành mục tử của Ngài đã thể hiện cách khiêm nhường, với tình yêu hiền phụ sâu xa đối với đoàn dân của Ngài và tình huynh đệ lớn lao đối với các linh mục”. Và khi được tin Đức Hồng Y qua đời, trong điện văn phân ưu gửi tới Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: “Đức cố Hồng Y đã phục vụ Giáo Hội trong những hoàn cảnh khó khăn với lòng can đảm lớn lao và trong niềm quảng đại trung thành với Toà Thánh Phêrô, xả thân tận tuỵ rao giảng Tin Mừng”.
Thiết tưởng đây là lời đẹp nhất mà Đức Thánh Cha đã dành cho Đức cố Hồng Y kính yêu của chúng ta, bởi vì cả cuộc đời ngài là một lời tuyên xưng liên lỉ: “Tôi tin vào Tình Yêu Thiên Chúa”.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)