Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ
Giáo phận Lạng Sơn đã được các linh mục Dòng Ða Minh đến truyền giáo từ năm 1908. Năm 1913, Lạng Sơn thành Phủ Doãn Tông Tòa, và năm 1960 trở thành Giáo phận Chính tòa với vị giám mục đầu tiên người Việt Nam là Ðức cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ.
Ðức cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ, sinh ngày 14 tháng 10 năm 1922, trong một gia đình sùng đạo tại Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ngày mùng 5 tháng 3 năm 1960, cha Dụ được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục hiệu tòa, coi sóc giáo phận Lạng Sơn. Ngày 26 tháng 11 năm 1960, cùng với việc thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Ðức cha Phạm Văn Dụ lại được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Lạng Sơn. Nhưng hoàn cảnh lúc đó không cho phép Ðức cha được tấn phong Giám mục. Mãi đến ngày mùng 1 tháng 5 năm 1979, Ðức cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ mới được tấn phong Giám Mục, do Ðức cha Phạm Ðình Tụng, giám mục Bắc Ninh. Sau đây là sơ lược tiểu sử và hành trình ơn gọi của ngài.
Những năm tháng ẩn dật (1960-1990)
Theo lý tưởng chung của các gia đình công giáo đạo hạnh thời đó, mấy anh em của Vinh Sơn đều muốn đi tu cả. Phạm Văn Thuyết là anh cả vào học chủng viện nhưng không bền đỗ. Anh thứ hai là Phạm Văn Lượng đi tu dòng Đaminh được gởi sang học tại Hồng Kông và đã khấn dòng nhưng cũng không lên tới chức linh mục. Phạm Thị Nhiệm là em gái út đi tu dòng nữ Đa minh tại Waterloo bên Bỉ.
Lúc còn nhỏ, Vinh Sơn theo học trường đệ tử dòng Phanxicô Thanh Hóa. Năm 1939 Vinh Sơn xin vào Tiểu Chủng Viện Thánh Têrêxa Lạng Sơn trong chương trình lớp đệ nhị. Sau đó thì được gởi đi Đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội. Thầy Dụ đã chịu chức linh mục năm 1948 do tay Đức cha Hedde. Sau khi ngài chịu chức, Đức cha có ý định gởi ngài xuống làm phụ tá cha Jeffro lúc đó đang làm bề trên nhà dòng Đa Minh. Nhưng vì địa phận chuẩn bị mở lại Tiểu chủng viện, cha Dụ được gởi lên làm cha phó tại Đồng Đăng để cha Haag rảnh rang về Lạng Sơn tu sửa khu Văn Miếu làm Tiểu chủng viện.
Sau khi Đức cha Jacq, cha Guibert và cha Nerdeux là những vị truyền giáo cuối cùng đã bị trục xuất khỏi địa phận Lạng Sơn, cha Dụ được Tòa Thánh đặt lên chức Tổng quản địa phận. Khi được tin ấy, chính quyền Việt Nam đề nghị cha Dụ lên Thất Khê coi xứ thay cha Guibert.
Tại Thất Khê, ngày 5 tháng 3 năm 1960 cha Dụ được Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục, hiệu tòa Boseta. Thế rồi, ngày 26 tháng 11 năm 1960, cùng với việc thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Đức cha Dụ được đặt lên làm Giám mục chính tòa Lạng Sơn. Dù vậy, Đức cha vẫn không được đi đâu để chịu lễ tấn phong Giám mục. Ngay trong dịp Đức cha Hedde qua đời tại Lạng Sơn ngày 4 tháng 5 năm 1960, Đức cha Dụ cũng không có mặt trong đám tang. Với Đức cha Dụ, theo nguyên tắc, Lạng Sơn đã thành địa phận Chính tòa, sau khi được các cha Đaminh Pháp tỉnh Lyon gầy dựng vun tưới trong vòng 50 năm. Lúc này, ngoài Đức cha Dụ ra, chỉ còn 3 linh mục phục vụ trong địa phận: cha Thu ở Cao Bằng, cha Khái ở Mỹ Sơn và cha Đức ở Lộc Bình.
Từ khi lên Thất Khê 1960, Đức cha Dụ sống âm thầm một mình, rất ít liên lạc với thế giới bên ngoài. Khi quân Trung Hoa tràn sang Việt Nam năm 1979, Đức cha Dụ đã cùng với một số giáo dân tản cư về Bắc Ninh. Thừa dịp này, Đức cha Phạm Đình Tụng, giám mục Bắc Ninh đã làm lễ tấn phong cho Đức cha Dụ trong một nhà nguyện nhỏ tại Tòa Giám Mục Bắc Ninh ngày 1 tháng 5 năm 1979. Sau lễ tấn phong, Đức cha đã trở về Thất Khê, không có sự thay đổi gì.
Ngày 2 tháng 4 năm 1979, Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ từ Long Xuyên báo tin ra ngoại quốc như sau:
“Đức Cha Dụ biên thư cho tôi từ Bắc Ninh ngày 15 tháng 3 năm 1979 và Đức cha Tụng ngày 19 tháng 3, Ngài cho biết là Đức cha Dụ sau mười ngày tản cư qua rừng, đã tới Bắc Ninh ngày 28 tháng 2 để bắt đầu Mùa Chay. Tại đây có thầy Quỳnh và 100 giáo hữu Lạng Sơn cũng tản cư về. Còn cha Khái đã về Bùi Chu, cha Đức không tin gì, thầy Thảo có lẽ bị pháo kích chết tại Đồng Đăng. Đàng khác, quân Tầu phá sụp gác chuông Nhà thờ Chính tòa Lạng Sơn; khu nhà các bà Notre Dame des Missions (Văn Miếu) ở Cửa Nam cũng bị phá. Nhà xứ Thất Khê chỗ thì mất mái, chỗ đổ tường. Còn Cao Bằng chưa rõ tin gì… Những ngày hai Đức cha ở cùng nhau vui vẻ êm đẹp lắm, và như vậy tinh thần Đức Cha Dụ lên khá cao, để trở về tái thiết giáo phận từ con số không. Ngài xin chúng tôi giúp đỡ, chúng tôi sẽ cố.”
Ngày 30 tháng 12 năm 1986 Đức cha Vinh Sơn viết ra ngoại quốc: “Tháng 7 vừa qua chúng tôi bị một cơn lụt kinh khủng, đến nóc nhà thờ Thất Khê. Không bị ai chết, nhưng về đồ đạc của cải thì giục xuống bùn cả. Ngẫm nghĩ mà thấy ứng nghiệm biết bao lời của các cụ xưa đã bảo: nạn vô đơn chí.”
Từ năm 1987 thì Đức cha có vẻ tự do hơn về tin tức. Ngày 25 tháng 8 năm 1987 ngài viết: “Tôi ngồi đây gần 30 năm rồi, có được tự do đi đến đâu đâu! Hội đồng Giám mục thế giới đến nơi, dĩ nhiên tôi chả hy vọng chút nào được đi. Tôi thông công bằng lời cầu nguyện vậy…”
Năm 1987, chị dòng Phạm Thị Nhiệm, người em gái của Đức cha ở Âu châu có được về thăm ngài trong những ngày từ 15 đến 21 tháng 11. Chị viết:
“Nhìn thấy cái bàn giấy của anh sao mà buồn thế; có mấy quyển sách nó xấu xí; con hỏi tại sao thì anh nói bị ướt vì năm vừa rồi bị lụt. Bàn ghế cũng chả ra sao cả. Rồi cái màn cửa để chia từ phòng giấy qua phòng ngủ lại là một miếng bao tải, trông thảm ơi là thảm. Sau khi con hỏi những sách em gởi về ở đâu. Ngài nói, “Có người họ cần hơn, anh để cho người ta”.
Chị chia sẻ tiếp: “Con thấy anh con sống rất là đơn sơ, không có vội vã và rất là bình tĩnh, con thì lo sợ, xong thấy anh con cứ rửng rưng. Con có cảm tưởng như có người anh “độc ẩn sĩ” và mục đích của anh là sống theo tinh thần Phúc âm.”
Ngày 11 tháng 2 năm 1989 Đức cha viết: “Năm nay tôi được lên dâng lễ Noel mãi trên Cao Bằng. Lễ nửa đêm sau vài chục năm im lặng, không khí cảm động khác thường. Đứng trên bàn thờ, tôi phải im lặng đến hơn 15 phút, vì họ chen chúc nhau đông quá, tưởng như nhà thờ sắp bể.”
Những năm tháng hy vọng (từ 1991 đến 2-9-1998)
Năm 1990, Đức cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ về Lạng Sơn sau 31 năm ẩn dật tại Thất Khê. Toà giám mục được tạm thời đặt tại khu Văn Miếu, Cửa Nam.
Trong tạp chí “Các Giáo Hội Á Châu” (Pháp ngữ) cũng đề cập đến Đức cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ. Theo nguồn tin của tạp chí này số 101 ngày 16 tháng 12 năm 1990 cho hay, chính quyền Việt Nam đã thừa nhận Đức cha Vinh Sơn là Giám mục Lạng Sơn Cao Bằng sau khi phái đoàn Hồng y Etchegaray gặp gỡ và thương lượng với chính phủ từ ngày 6 đến ngày 12 tháng 11 năm 1990. Dầu vậy Đức cha Vinh Sơn vẫn không thu xếp kịp để cùng đi với 21 Giám mục Việt Nam sang triều yết Đức Thánh Cha vào những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 1990.
Sau khi được thừa nhận làm Giám mục, Đức cha bắt đầu được tự do đi lại. Ngày 21 tháng 1 năm 1991 Đức cha đã viết sang Pháp cho cha Phạm Phúc Khánh như sau:
“Chắc cha đã cầu nguyện nhiều nên nay tôi được viết mấy chữ này cho cha từ thành phố Hồ Chí Minh. Phải, cha có thể tưởng tượng được không? Tôi đã được giấy vào đây 25 ngày để thăm Đức cha Ngữ. Vừa rồi chính quyền Lạng Sơn đã gọi và bảo cho tôi hay là nhà nước đã công nhận tôi là giám mục của Lạng Sơn. Sau 31 năm chờ đợi, tôi cũng đã già rồi, chả còn sức để đi đây đó trong địa phận để làm ích cho giáo dân. Cha già Quỳnh đã hơn 80 tuổi rồi, nhưng ngài vẫn còn hăng hái lắm. Kỳ đi vắng này tôi giao cả địa phận cho ngài. Tôi được nhà nước công nhận, nhưng vẫn còn phải ở Thất Khê, chưa được về Lạng Sơn. Sự thực cũng khó nghĩ vì bây giờ về Lạng Sơn thì không biết rúc vào đâu. Cha về mau mà xây dựng lại địa phận. Được công nhận là Giám mục, tôi nói đến vấn đề Ad limina, nhưng Ban Tôn giáo trung ương nói: từ từ”.
Ngày 19 tháng 8 năm 1991 Đức cha Dụ đã đáp máy bay sang Rôma để triều yết Đức Thánh Cha và nhân tiện chữa bệnh luôn. Ngài nghỉ tại nhà quản lý Phát Diệm ít ngày rồi đi chữa bệnh tại Clinique Regina Mundi, Roma.
Theo báo “Dân Chúa”, số 110 tháng 12 năm 1991 thì lúc 7 giờ sáng ngày 18 tháng 11 năm 1991, Đức cha Dụ đã dâng Thánh Lễ với Đức Thánh Cha trong nhà nguyện riêng tại Vatican. Cùng dâng Thánh Lễ còn còn có 6 linh mục Việt Nam đến từ thành phố Hồ Chí Minh và Hoa Kỳ. Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã mời Đức cha Dụ dùng bữa sáng với ngài. Đức Thánh Cha đã tặng Giám Mục Lạng Sơn một chén lễ quý giá.
Sau khi Đức cha chữa bệnh ít lâu tại Rôma, các bác sĩ cho biết bệnh tình của ngài không thể chữa khỏi hẳn được. Ngày 22 tháng 11, ngài được phép sang Bỉ thăm người em gái đồng thời đi hành hương Lộ Đức và Lisieux. Đến lúc cần phải đi Lyon cùng với Đức cha Jacq để gặp cha quản lý tỉnh Dòng Đaminh thì ngài mệt không đi được. Ngày 7 tháng 12 Đức cha đã trở về Việt Nam. Kể từ đó ngài dọn về ở Tòa Giám Mục Lạng Sơn.
Bước sang năm 1993 thì đời sống của Đức cha bắt đầu trở nên bình thường. Tuần Thánh năm đó, giáo dân các nơi trong khu vực kéo đến mừng lễ Phục Sinh rất sầm uất và long trọng. Mừng lễ Phục sinh ở Lạng Sơn xong, Đức cha đi các nơi: Thất Khê, Cao Bằng, Bố Từ, Tà Lùng. Đi đến đâu, ngài cũng phải một mình làm mọi việc: giải tội, rửa tội, cho chịu lễ lần đầu, xức dầu bệnh nhân, giải quyết các đôi vợ chồng rối ren. Năm ấy địa phận chỉ còn có Đức cha, khi ấy đã 71 tuổi và cha già Quỳnh 87 tuổi hoạt động trong cả miền.
Năm 1993, khởi công xây Toà giám mục. Dự định sẽ xây tiếp nhà thờ chính toà nhưng chưa thành. Năm 1995, khởi công xây dựng nhà thờ Thanh Sơn, Cao Bằng. Năm 1996, xây nhà thờ Cao Bình. Sang năm 1997, sức khoẻ của Đức cha ngày một giảm sút. Ngày 9-3-1998, Toà Thánh phê chuẩn đơn xin nghỉ hưu của Đức cha. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ngài đã qua đời lúc 0 giờ 45 ngày 2 tháng 9 năm 1998, sau 38 năm phục vụ Hội Thánh Chúa trong lặng lẽ ngang qua chức vụ giám mục của mình.
[Tóm tắt theo: Lm Phạm Phúc Khánh, Lược Sử Địa Phận Lạng Sơn, Cannes, 1994]
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)