Chân dung linh mục Việt Nam: cha Phaolô Châu

Chân dung linh mục Việt Nam: cha Phaolô Châu

Cha Phaolô CHÂU (1833-1862)

Ông Hòa và bà Nguyện là một gia đình dòng dõi công giáo ở Gò Thị, làng Xuân Hương, tỉnh Bình Định (nay là thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Vợ chồng ông Hòa và bà Nguyện tảo tần buôn bán nuôi sống gia đình, một gia đình bình dân vừa đủ ăn đủ mặc, không bon chen ngược xuôi. Trong mái ấm gia đình này, vào khoảng năm 1833, một bé trai đã chào đời và được đặt tên là Phaolô Châu.

Khi lên 9, Phaolô Châu được đi học và được phát hiện là một đứa trẻ thông minh. Năm mười ba tuổi, Phaolô Châu được cha mẹ cho giúp Đức cha Cuénot Thể tại Gò Thị. Đức cha nhận thấy Phaolô Châu sáng trí và tính hiền nết tốt nên gởi đi học ở Chủng viện Penang.
Sau bảy năm dùi mài kinh sử ở Chủng viện Penang, thầy Phaolô Châu trở về quê nhà và được Đức cha Cuénot sai đi giúp xứ ba năm. Năm 1856, thầy Phaolô Châu được Đức cha Cuénot truyền chức linh mục tại Gia Hựu. Tân linh mục Phaolô Châu vừa tròn 23 tuổi, một tuổi đời rất trẻ so với các linh mục Việt Nam thời bấy giờ. Được truyền chức linh mục với một tuổi đời trẻ trung ấy chứng tỏ lòng đạo đức, nhân cách trưởng thành, sự cần mẫn chu toàn việc bổn phận, sự chững chạc, hiền lành và khiêm nhường trong đối nhân xử thế cũng như khả năng tri thức của cha Phaolô Châu đã tạo được sự tín nhiệm của Bề trên.
Sự tín nhiệm này còn được thể hiện qua việc Đức cha Cuénot bổ nhiệm tân linh mục Phaolô Châu làm Giám đốc chủng viện Mương Lở [1], một trong ba chủng viện được thành lập sau Công Nghị Địa Phận Đàng Trong tại Gò Thị, tức sau năm 1841:Một trường tại họ Tùng Sơn, Quảng Nam, một trường tại họ Mương Lở và một trường tại họ Làng Sông tỉnh Bình Định [2] .
Các chủng viện này sinh hoạt tương đối ổn định cho đến năm 1859, năm Vua Tự Đức ra sắc dụ cấm đạo và được thi hành gắt gao. Trước tình trạng khó khăn vì sắc dụ cấm đạo, Đức cha Cuénot cho giải thể chủng viện Tùng Sơn và Mương Lở, các chủng sinh ở Mương Lở nhập về chủng viện Làng Sông do cha Tư làm Giám đốc. Cha Phaolô Châu ở lại Mương Lở chăm sóc mục vụ cho giáo dân. Sau khi chủng viện Mương Lở nhập về Làng Sông khoảng hai tháng, một hôm trên đường từ Làng Sông ra Gò Thị yết kiến Đức cha Cuénot, cha Tư đã bị bắt giam. Cha Phaolô Châu liền được bổ nhiệm về làm Giám đốc chủng viện Làng Sông. 
Năm 1861, chiếu chỉ phân sáp của Vua Tự Đức được các quan thi hành triệt để. Đức cha Cuénot chỉ thị cho cha Phaolô Châu tìm cách đưa các chủng sinh vô Gia Định ẩn trú. Trong khi như một quản gia trung tín đang thắt lưng gọn gàng phục vụ, sắp xếp công việc theo ý Giám mục của mình, cha Phaolô Châu đã bị bắt giam và đã hy sinh mạng sống vì đức tin như lời tường thuật:
“Đến khi có chỉ ra bắt bổn đạo đi phân sáp, cùng truyền phá nhà bổn đạo hết, cho nên các chú ở nhà trường không được nữa, thì Đức cha dạy người lo chở các chú vô Gia Định; nên người dọn đem đồ cần dùng, và mướn đặng một chiếc ghe kẻ ngoại, lại dặn các chú phải chia nhau ở xung quanh gần chỗ ghe đậu mà đợi người. Mà có bữa kia người xuống một mình dưới ghe ấy, có ý gặp lái ghe, mà hỏi thăm cho biết ngày nào chạy, thì có một tên thơ lại, và chức việc làng tới bắt người trong ghe tại sông Dinh gần nhà trường, liền gia giang giáo mác dùi gậy, giải về huyện, tra hỏi căn do, tên tuổi chức phận. Người xưng ngay mình là đạo trưởng, tức thì quan huyện giải người nạp tỉnh. Khi đã giải nạp tỉnh thì ngày mang gông, đêm bị cùm. Cha Châu được giam cùng trại với cha Bửu và ông Qui. Có lần cha Châu mang gông đến thăm và an ủi  đôi ba chú chủng sinh bị giam ở một trại khác” [3].
Những ngày bình yên nơi chủng viện, cha con sống với nhau, cha huấn giáo, cha an ủi… là chuyện thường ngày. Tuy nhiên cuộc thăm viếng trong chốn lao tù này chắc hẳn đã để lại trong lòng các chủng sinh một sự ấm áp khó quên, một bài ‘huấn đức không lời’ đầy ấn tượng. Ngày xưa Thánh Phaolô đã viết thư khuyên nhủ Timôthê, người học trò của mình: “Chớ gì đừng có ai khinh thường con vì con còn trẻ. Trái lại, con hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch” (1Tm 4,12). Bây giờ, trong đời thường cũng như trong chốn lao tù, linh mục Phaolô Châu, một người học trò ‘muộn màng’ của Thánh Phaolô trên giải đất Việt Nam, đã cặm cụi thi hành hết mình lời nhủ khuyên ấy.
Trong các lần khai báo trước quan quyền, cha Châu luôn nhận mình là đạo trưởng; cùng có thầy bốn Quờn (quê Lò Giấy, Phú Yên) nhận mình là đạo sư; ông Qui (quê Tân Hội, Bình Định) và ông Me (quê Quảng Nghiệp, Bình Định) cùng xưng là đạo chúng và cùng che giấu đạo trưởng. Căn cứ vào lời khai khẳng khái này, quan tỉnh làm án và thích vào má các vị hai chử “tả đạo”. Theo án chỉ triều đình, cha Châu, ông Qui và ông Me chịu án trảm quyết, thầy bốn Quờn chịu án giảo quyết.Án lệnh được thi hành tại Gò Chàm, Bình Định vào ngày 2 tháng 3 năm thứ 15 triều Tự Đức (tháng 5 năm 1862). Sự hy sinh anh dũng của bốn vị chứng nhân đức tin đã được kể lại:
“Khi dẫn bốn đứng ấy đến chốn pháp đình, đô hội người chen nhau đến coi, đạo một phần mà kẻ ngoại năm bảy phần. Tiên đoàn có một tên lính, vác thẻ biên tên bốn đứng ấy, hai tên khiêng chiêng tiếp sau; bốn đứng đi giữa. Mỗi đứng có hai tên lính, bồng gươm trấn áp tả hữu. Vòng ngoài có năm mươi lính khác, tay cầm giáo mác, tay cầm roi; sau hết hai quan giám sát võng ngựa điệu đi.
Các đứng ấy đi tề chỉnh, mặt vui vẻ, tay cầm ảnh thánh giá chuộc tội, miệng thầm thì đọc kinh cầu nguyện, chẳng thấy dấu lo sợ buồn bực chút nào; kẻ ngoại ai nấy đều khen ngợi.
Bấy giờ nghe tiếng truyền rằng: hễ nghe ba hồi chiêng rồi, thì cứ y như lịnh dạy; mà khi mới nghe một hai tiếng chiêng, tức thì nó đã chém rồi và thắt cổ xong; song bởi đứt dây, thì nó làm vòng thắt lại. Rồi lính quăng đầu các đứng ấy lên và lấy đuốc đốt chơn thầy Quờn bay khét nồng nà.
Khi ấy bổn đạo ở xung quanh khóc om sòm, cùng chạy lại lấy vải thấm máu; đoạn thầy Khoa lo chôn cất phô đứng ấy nơi xử. Đến khi cha Triết lấy cốt đem về Gò Thị, rồi chở vô nhà trường Làng Sông, táng trong nhà thờ. Trước năm Ất Dậu dỡ nhà thờ ấy, thì lấy cốt vào quách, để trong phòng nhà thờ mới; đến năm giặc Văn Thân, phải thân hào phá mất hết, chỉ còn một mình xác cha Châu mà thôi, vì trước đó các cha nhà trường Penang đã xin đem về cùng chôn tại nhà thờ”. [4]
Như lời Thánh Tổ của mình: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7), cha Phaolô Châu đã ra đi trong đức tin cao đẹp. Một niềm tin khẳng khái trung thành với Đấng chịu đóng đinh. [5]
 “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy” (Kh 3, 20). Cha Phaolô Châu đã mau mắn quảng đại mở cánh cửa lòng ra đón tiếp Chúa qua những con người, qua những công việc hằng ngày, hết mình với bổn phận cho đến hy sinh mạng sống, đến hơi thở cuối cùng. Noi gương và nhân thừa phong cách sống đạo của cha Phaolô Châu, năm 1921, Đức Cha Damien Grangeon Mẫn, vị Giám mục thứ 14 cai quản Giáo Phận Qui Nhơn, đã thành lập Hội Phaolô Châu. Qua đó, các hội hữu Phaolô Châu quảng đại mở cánh cửa lòng ra đóng góp tài sản nhằm giúp giáo phận nuôi dưỡng, giáo dục chủng sinh cho đến khi làm linh mục, đồng thời giúp cho các hội hữu Phaolô Châu có một ‘hương hỏa’ vĩnh viễn cho mình qua những ơn lành từ những thánh lễ do cha Giám đốc Hội cử hành: thánh lễ ngày thứ bảy đầu tháng, lễ Các Đẳng Linh Hồn hằng năm, thánh lễ khi hội viên vừa mới qua đời hoặc thánh lễ cho hội viên đã qua đời khi vừa được ghi tên vào Hội và một thánh lễ trong tháng đầu tiên của các tân linh mục. 
Hội Phaolô Châu, một hậu duệ tinh thần của cha Phaolô Châu được phát triển bền vững cho đến ngày hôm nay là một chứng tá sống động về lòng quảng đại, tinh thần trách nhiệm, lòng trung thành yêu mến Chúa và Giáo Hội của cha Phalô Châu như là muối men ướp mặn và xúc tác đời sống đức tin của dân Chúa.
-------------------------------
[1] Mương Lở là tên gi vùng đt bên b sông La Tinh, thuc thôn Hoà Hip, xã Cát Tài, huyn Phù Cát, tnh Bình Định. H Mương Lở ngày nay là giáo h Hòa Mc thuc giáo xứ Phù Cát.
[2] R.P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Th, Lang-Song imp. de la mission 1907, tr. 43.
[3] Mémorial Mission de Qui Nhon, 28 Février 1909, tr. 76-80.
[4] Sđd.

[5] Mémorial Mission de Qui Nhon, No. 148, 20 Mars 1919, tr. 20-25: Sắc lệnh Coreana et Cocincinen, Beatificationis seu Declarationis Martyrii Servorum Dei Simeonis Berneux Episcopi Capsensis Vicarii Apostolici Corenae et Pauli Châu Eorumque Sociorum (Sắc lệnh Cao Ly và Đàng Trong về việc tôn phong chân phước hay là công nhận việc tử đạo của các đầy tớ Chúa Simeon Berneux, giám mục Capsensis, Đại diện Tông tòa tại Cao Ly, và Phaolô Châu cùng các bạn) do Đức Hồng Y Vico, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh, ấn ký ngày 13 tháng 11 năm 1918 và được Đức Thánh Cha Bênêđictô XV ký chuẩn nhận.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top