Chân dung linh mục Việt Nam: cha Micae Lê Quang Vinh
Cha Micae LÊ QUANG VINH (1917–1946)
Cha Micae Lê Quang Vinh sinh năm 1917 tại họ đạo Cái Mơn, nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Cha mẹ ngài là ông Phaolô Lê Quang Mầu và bà Maria Nguyễn Thị Dết. Cha mẹ ngài sinh ra được mười người con. Cha Micae Quang Vinh là anh hai trong gia đình. Ngài có hai người em gái làm dì phước: Dì năm Nghiệm thuộc dòng Cái Mơn (1924-2008), dì út Ngọc thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái và hai cháu làm linh mục: cha Gioan Baotixita Nguyễn Tri Tài và cha Phanxicô Xaviê Lê Quang Dũng.
Vào khoảng năm 1928, cha Gioan Baotixita Lê Quang Triêu cho ngài đi tu. Sau 15 năm tu luyện ngài được Đức cha Jean Cassaigne phong chức linh mục năm 1943 tại Nhà thờ chánh toà Sài Gòn.
Sau đó ngài được Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục bổ nhiệm về làm phó xứ cho cha Vincent Nguyễn Ngọc Thanh để coi sóc họ đạo Cái Cá, Cồn Rừng và Khâu Băng. Ngài thi hành chức vụ linh mục chỉ vỏn vẹn được khoảng hai năm.
Tính tình hiền hoà, vui vẻ, dễ thương và lòng nhiệt thành tông đồ của ngài đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp nơi bổn đạo và anh em lương dân.
Mùa xuân năm Ất Dậu 1946, tại một họ đạo nhỏ bé mang tên Cái Cá ở vùng sình lầy đất đỏ xa xăm…
Ngày mồng một tết, Ban Quới Chức và bổn đạo đến mừng tuổi cha phó xứ, linh mục Micae Lê Quang Vinh. Năm đó cha phó mới được 29 tuổi. Sau khi cám ơn mọi người cha cho biết ngày mồng hai cha sẽ đi Cái Mơn thăm và chúc tết ông bà nội, mồng mười tết mới về. Nhưng chỉ mới mồng bốn tết cha đã lật đật quay trở về, bất chấp nguy hiểm và sự ngăn cản của cha mẹ vì cha không thể bỏ rơi đàn chiên.
Trước tình hình rối ren, bổn đạo sợ cha gặp nguy hiểm nên bàn bạc để lén đưa cha đi họ đạo khác hay về Cái Mơn. Nhưng cha không đồng ý: “Sống chết tôi cũng ở đây với họ đạo, tôi không đi đâu hết.”
Chiều ngày mồng chín tết, người ta gánh cao su và kéo rất nhiều lá dừa đem đến sân nhà thờ. Cả họ đạo xôn xao bàn tán vì chẳng biết người ta sẽ làm gì. Tình hình bấy giờ rất căng thẳng. Một số người biết chuyện nhưng không dám hé môi. Thế là kế hoạch giết cha đã được định đoạt. Nhưng ai sẽ là người thực hiện? Người ta đã phải bốc thăm bởi vì ai cũng sợ làm việc này.
Như thường lệ, vào lúc 5 giờ sáng ngày mồng mười tết, một số bổn đạo đến nhà thờ để tham dự thánh lễ nhưng bốn bề vắng lặng. Phía trên nhà sàn, ngay chỗ cha ở có lố nhố vài bóng đen. Sau khi rước Mình Thánh Chúa, cha đi từ nhà thờ đến nhà xứ, vừa đi vừa đọc kinh nhật tụng.
Vào khoảng 6 giờ sáng, có tiếng tàu Pháp chạy từ Bến Tre xuống Thạnh Phú. Trong làng tiếng mõ báo động đánh liên hồi như báo trước điều gì khủng khiếp sắp ập tới.
Giờ hành quyết bắt đầu. Toàn bộ khu vục nhà thờ phát hoả. Nhà thờ, nhà xứ, nhà ông từ thi nhau bốc cháy. Cùng lúc đó họ bịt mắt, trói tay, hai người được chỉ định kè cha xuống phía sau nhà thờ. Nơi gần con sông nhỏ với mục đích thủ tiêu xong thả xác cha trôi sông. Cha vùng vẫy nói: “Tôi muốn chết tử vì đạo.”
Túng thế, họ đã dùng dao găm đâm vào trái tim của cha. Trong lúc sơ ý, kẻ sát nhân đã để máu từ trong lồng ngực cha vọt ra trúng mặt và tóc của hắn. Cha thốt lên: “Tôi vô tội. Tại sao các anh lại giết tôi?”
Với nhát dao xuyên tâm ấy, cha đã gục xuống trên vũng máu. Như để cho chắc ăn, họ đã cắt cổ cha và ném thi thể vào ngôi nhà của ông từ đang còn cháy dở dang.
Có một điều lạ xảy ra. Đó là người cầm dao đâm cha bị máu xịt văng lên mặt. Nửa mặt của y bị nám đen, rửa không ra. Trên đầu người này có bốn chòm tóc bạc hình cây thánh giá, cố nhuộm đen mà không thể được.
Khoảng 9 giờ sáng, ngọn lửa đã tắt nhưng một vài chỗ vẫn còn âm ỉ bốc khói. Trước mắt mọi người chỉ còn lại cảnh hoang tàn thê lương. Những kẻ hành sự đã rút đi.
Khi đó bổn đạo chặt cây, xới tung đống lửa vẫn còn âm ỉ cháy trong nhà chú từ, tìm thấy một xác người nằm co quắp. Khi lật xác lên thì thấy cha nằm trên đống đồ lễ, gót giầy vẫn còn dính ở chân. Thi thể của cha bị cháy đen hết, lóng chân và lóng tay rớt ra từng đốt. Máu cháy đọng lại thành dề. Dầu vậy, phần lồng ngực cha vẫn trắng tinh, không chút bị nám vì cha mới rước Mình Thánh Chúa buổi sáng hôm đó.
Sau khi rửa xác cha xong, vì tình hình căng thẳng không thể mua hàng được nên ông Câu Sáu, ông Biện Thu và một số bổn đạo đành liệm xác người cha kính yêu của mình vào trong cái rương đựng đồ lễ. Dùng ba miếng ván của bộ ngựa làm kim tĩnh, vội vàng chôn cất cha. Chôn xong, mạnh ai nấy chạy trốn.
Vào năm 1963, theo lời gợi ý của cha Nguyễn Văn Xuân, gia đình đã nhờ cha Bernard Nguyễn Ngọc Khả, dì năm Nghiệm là em của cha Micae dẫn đầu đoàn cùng với cha Phaolô Lê Văn Linh, cha Phaolô Nguyễn Minh Đoán và một số đông các dì phước đi lấy hài cốt cha Micae Lê Quang Vinh. Phái đoàn lên đường trong sự hồi hộp lo lắng vì tình hình bất ổn. Khi tới nơi, ông Biện Thu chỉ chỗ cho người ta đào mộ lên nhưng chỉ gặp cục đá và cây thánh giá mà không gặp miếng xương nào.
Mọi sự tưởng chừng như đã chấm dứt. Chỉ còn lại nắm đất kỷ niệm được vun lên. Thân xác vị linh mục trẻ gửi lại nơi lòng đất lạnh, chẳng mấy ai quan tâm để ý. Gia tài cha để lại cho đàn chiên là tấm gương hy sinh, quên mình, trung thành với đức tin cho đến hơi thở cuối cùng.
Phần mộ của cha Micae Lê Quang Vinh nằm trong một giáo xứ nhỏ của giáo phận Vĩnh Long. Giáo xứ này do cha Gioan Phạm Hữu Diện đảm trách suốt gần mười ba năm nay.
Vào năm 1998, nhân cơ hội tu bổ khu vực nhà thờ để đón Đức cha về ban phép thêm sức cho ngày 13-01-1999, một tấm đan bằng xi măng được đặt bên trên phần mộ của cha với vài hàng chữ ngắn gọn: “Nơi an nghỉ của linh Mục Micae Lê Quang Vinh”. Chỉ với mong ước là hãy nhớ đến Ngài, xin đừng để cái chết ấy rơi vào quên lãng.
Ngày 06-06-2005, nhà thờ Cái Cá được phép xây dựng. Vài đoàn thể đã đến tận nơi xem thực hư nhà thờ thế nào để giúp đỡ, nhân tiện viếng thăm mộ cha Micae Lê Quang Vinh.
Trong niềm vui hân hoan tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, ngày 07-10-2005 họ đạo khởi công xây cất nhà thờ. Họ đạo cũng nhớ đến công ơn của cha Micae nên vào ngày 15-02-2006 đã xây một ngôi mộ đơn sơ cho cha.
Vào ngày 03-09-2007 Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân chủ sự lễ khánh thành nhà thờ Cái Cá. Trong thánh lễ, Đức cha có nhắc tới gương hy sinh anh dũng của cha Micae. Sau khi lễ tan, nhiều người đã ra viếng mộ, thầm thĩ cầu nguyện xin cha Micae chuyển cầu những ước vọng của họ lên trước tòa Chúa.
Nhiều người đã được ơn qua lời chuyển cầu của cha Micae Lê Quang Vinh. Trong số đó có anh Nguyễn Văn Nhu tại giáo xứ Bùi Chu. Chính vì vậy nên anh có ý xây cho cha một ngôi mộ khang trang hơn để tỏ lòng biết ơn. Vấn đề được đặt ra là: xây trên nền mộ cũ hay di dời mộ cha đến chỗ mới?
Nhưng liệu hài cốt cha có còn không, vì gia đình đã bốc một lần mà không thấy. Vấn đề này được trình lên Đức Giám mục. Ngài cho ý kiến: “Hãy cầu nguyện. Tin tưởng phó thác cho Chúa. Cộng thêm sự khôn ngoan và một chút liều nữa.”
Sau khi đã cầu nguyện, ngày 09-03-2009 họ đạo đã khởi sự dỡ bỏ ngôi mộ cũ. Ngày 10-03-2009 đào sâu xuống độ một mét nhưng không thấy gì. Phần lớn chắc là đã bị phân huỷ hết rồi. Số đất đào lên đem cho ngôi mộ mới xây. Ngày 11-03-2009, đang khi Ban Quới Chức kéo hàng rào thì Biện Chung lén vào thắp hương cầu nguyện trước di ảnh của Cha Micae, sau đó rủ thêm Biện Chí tiếp tục đào, giá của họ chạm vào miếng ván. Họ reo mừng la lên: “Thấy rồi!”
Mọi người xúm lại vui mừng khôn xiết, ông Trùm Trung buột miệng nói: “Cha nói là cha không đi đâu hết, sống chết cha cũng ở với họ đạo mà.”
Tin tìm thấy hài cốt của cha Micae Lê Quang Vinh được loan đi trong họ đạo. Bổn đạo tuôn đến quy tụ lại quanh hài cốt của cha, bùi ngùi rơi lệ và đọc kinh cầu nguyện.
Ngày 14-03-2009, nấm mộ bằng đá được chở xuống. Nghi thức tẩm liệm, làm phép xác và huyệt mộ được diễn ra trước sự chứng kiến của một số đông bổn đạo. Ngày 15-03-2009, sau thánh lễ tạ ơn, mọi người quây quần bên phần mộ của người cha kính yêu để đọc kinh và chứng kiến việc dựng bia mộ.
Từ đó đến nay đã có nhiều đoàn thể đến kính viếng, cầu nguyện bên di ảnh và phần mộ của linh mục Micae Lê Quang Vinh. Một vị chủ chăn trẻ, cuộc sống chỉ vỏn vẹn hai mươi chín năm ngắn ngủi. Can đảm ở lại với đàn chiên đến giây phút cuối cùng. Lìa đời trong những ngày đầu xuân khói lửa ở trần gian để vươn tới mùa xuân vĩnh cửu nơi thiên đàng. Tấm gương ngời sáng ấy sẽ không thể nhạt nhòa theo thời gian.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)