Chân dung linh mục Việt Nam: cha Matthêu Phạm Hảo Kỳ
Cha Matthêu PHẠM HẢO KỲ (1912–1994)
Nhà tu đức chuyên nghiệp
Lời vị chủ chăn giáo phận
Chiều 31-5-1982, trong giờ tôn vinh Đức Mẹ tại giáo xứ Ninh Phát, trước khi ban phép lành kết thúc, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, Giám mục Chính toà giáo phận Xuân Lộc đã nói: ‘‘Ngày nay, kiếm một linh mục đã khó. Thế nhưng, kiếm một linh mục đạo đức, thánh thiện trổi vượt mà lại khiêm tốn như cha cố Mátthêu Phạm Hảo Kỳ lại còn khó hơn gấp bội”.
Thật vậy, “hữu xạ tự nhiên hương”, những ai đã từng tiếp xúc và sống với cha cố Mátthêu chắc chắn đã cảm nhận được ảnh hưởng về đời sống thiêng liêng cũng như hương thơm nhân đức nơi ngài toả ra như thế nào.
Hành trình đời sống trần thế
Mùa Thu năm 1912, cậu Mátthêu Phạm Hảo Kỳ đã cất tiếng khóc chào đời đúng vào ngày 21-9 tức ngày lễ kính thánh Matthêu tông đồ thánh sử. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp đạo hạnh, với tư chất thông minh sẵn có và lòng đạo đức trổi vượt so với các bạn cùng trang lứa, cậu đã hiến dâng đời mình cho Chúa và được diễm phúc lãnh nhận thánh chức linh mục ngày 12-8-1944 tại Phát Diệm.
Khởi đầu sứ vụ linh mục, cha Matthêu được bề trên bổ nhiệm làm cha phó xứ Bình Sa - Ninh Bình từ 1944–1945. Năm Ất Dậu 1945 là kí ức kinh hoàng đối với dân tộc Việt Nam với khoảng 2 triệu người chết đói tại miền Bắc. Chính trong thời điểm này, bằng những việc bác ái rất mực cao độ kết hợp với đời sống đạo đức gương mẫu vốn đã có nền tảng từ những năm tháng ở chủng viện, cha đã chứng tỏ cho mọi người thấy cha đúng là vị mục tử như lòng Chúa mong ước. Nhận thấy chiều sâu tâm hồn của cha xứng đáng là mẫu gương cho các linh mục tương lai noi theo, trong suốt 30 năm, từ 1945–1975, Bề trên đã tín nhiệm đặt cha làm cha linh hướng kiêm giáo sư tại các chủng viện: Tiểu chủng viện Phúc Nhạc; Tiểu chủng viện Phát Diệm Phú Nhuận, Tiểu chủng viện và Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn. Trong nhiều năm trước 1975, cha đã cộng tác với cha Bề trên Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc để hướng dẫn hai tu hội: “Tu hội Chúa Giêsu” và “Tu hội Mẹ Maria” nay đổi tên là “Tu hội Nô tỳ Thiên Chúa”.
Sau biến cố 1975, vì lý do thời cuộc, cha được Bề trên bổ nhiệm làm chánh xứ Ninh Phát từ 1975–1994; đồng thời kiêm nhiệm chức Quản hạt Gia Kiệm từ 1976–1994 và Bề trên đồng sáng lập Tu hội Nô Tỳ Thiên Chúa từ 1983–1994 (cha GB. Trần Ngũ Nhạc qua đời ngày 04-09-1983).
Là một người rất sùng kính Đức Trinh Mẫu Rất Thánh Diễm phúc Maria, cha đã hướng dẫn rất nhiều tu sĩ và giáo dân hiểu biết về Mẹ. Cha tổ chức nhiều cuộc trình diễn với những lời dẫn, hình ảnh và hoạt cảnh để người tín hữu hiểu sâu xa hơn về cuộc đời của Chúa Cứu Thế và Đức Trinh Nữ Maria một cách sống động, cụ thể hơn, qua đó dễ thực hành theo gương Chúa và Đức Mẹ. Đặc biệt, cha tổ chức nhiều khoá huấn luyện về đời sống tận hiến, giúp người tín hữu biết chạy đến với Đức Mẹ, cậy trông, phó thác nơi Đức Mẹ, và qua Mẹ để đến với Chúa Ba Ngôi.
Đầu năm 1994, cha lâm trọng bệnh và sức khỏe ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Với lòng yêu mến Mẹ đặc biệt, Cha luôn cầu khẩn Đức Mẹ cho cha đựơc chết vào một ngày lễ nào đó của Mẹ. Và thật cảm động thay, như một dấu chỉ ưu ái mà Đức Mẹ ân ban cho cha, đúng vào lúc 11 giờ ngày 31-5-1994, ngày lễ Đức Mẹ đi thăm viếng bà thánh Isave, giữa lúc lời Kinh Truyền Tin đang được cất lên trên môi miệng của những người vây quanh giường cha thì cũng chính là lúc Đức Mẹ đến viếng thăm và đón cha về nhà Cha trên Trời.
Linh đạo cha cố Matthêu
Là một nhà tu đức chuyên nghiệp và sâu sắc, cha cố Matthêu đã trình bày cách rất bình dân dễ hiểu một KITÔ GIÁO HIỂU VÀ SỐNG, cũng gọi là ĐẠO CHÍNH TRUYỀN CẢI MẾN YÊU. Gọi là Đạo Chính Truyền vì là đạo do chính Chúa Kitô truyền dạy, còn ghi lại trong Tin Mừng.
Dựa trên nền tảng hai lời Thánh Kinh: “Ai tin và chịu phép rửa tội sẽ được cứu rỗi, ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16,16); và “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17), cha phân tích:
– Đạo hiểu nghĩa là tin mà chưa có việc làm.
– Đạo sống tức là tin và có việc làm.
Thế nên, để được cứu rỗi cần phải kết hợp đạo hiểu và sống. Sau đây là tóm tắt cách trình bầy của cha:
A. PHẦN LÝ THUYẾT
1/ ĐẠO HIỂU tức KẾ HOẠCH CỨU RỖI (phần tín lý): được tóm gọn trong kinh Tin kính các Thánh Tông Đồ gồm 3 điểm:
– Chúa Cha tạo dựng loài người và nhận làm con để có quyền thừa kế gia nghiệp của Cha là Nước Trời.
– Chúa Con nhập thể làm người rồi chết khổ nhục và sống lại sướng vinh để chuộc lại cho loài người chức làm con Thiên Chúa và quyền thừa kế Nước Trời đã mất vì tội.
– Chúa Thánh Thần cùng Hội Thánh tiếp tục việc cứu chuộc của Chúa Kitô, nhờ đó ta được thực sự làm con Thiên Chúa và có thể thừa kế Nước Trời.
2/ ĐẠO SỐNG tức SỐNG ĐẠO CHÍNH TRUYỀN (phần luân lý và tu đức): đây là kết luận do phép rửa tội cũng gồm 3 điểm:
– Ba lần thề hứa từ bỏ ma quỷ, công việc, sự phù hoa của chúng. Đó là bỏ tà dục, nết xấu, tội lỗi, gọi tắt là CẢI.
– Ba lần thề hứa làm con Thiên Chúa. Con thì phải mến Cha, gọi tắt là MẾN.
– Những người cùng làm con một Cha chung thì là anh chị em với nhau. Anh chị em thì phải yêu nhau, gọi tắt là YÊU.
Vậy Cải mình, Mến Chúa, Yêu người là những việc phép rửa tội đòi buộc nói tắt là CẢI, MẾN, YÊU. Sống 3 việc đó là sống ĐẠO CHÍNH TRUYỀN CẢI MẾN YÊU.
Tuy nhiên, để đạt tới sự yêu người hoàn bị, Kitô giáo đề cập đến ba yếu tố: Công bình, Bác ái, Hoà giải, gọi tắt là CÔNG, ÁI, HOÀ.
Như vậy, sống đạo Cải Mến Yêu cách trọn vẹn chính là sống ĐẠO CHÍNH TRUYỀN gồm 5 điểm căn bản: CẢI, MẾN, CÔNG, ÁI, HÒA với 5 lời Thánh kinh sau:
– CẢI: “Hãy cởi bỏ người cũ” (Ep 4,22).
– MẾN: “Này con đến để tuân hành ý Cha” (Dt 10,9).
– CÔNG: “Đừng làm cho ai cái mình không muốn chịu” (Tob 4,10).
– ÁI: “Mọi điều chúng con muốn người ta làm cho mình thế nào, thì hãy làm cho họ như vậy.” (Mt 7,12).
– HÒA: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26).
B. PHẦN THỰC HÀNH
Xác tín rằng: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17), cha cố Matthêu đã dày công nghiên cứu, đã sống và rút ra những chỉ dẫn cụ thể để giúp ta hoàn thiện lối sống Đạo Chính Truyền Cải Mến Yêu như sau:
Để sống Đạo Chính Truyền Cải Mến Yêu cách sâu đậm và toàn diện:
– Tránh những lối sống đạo lệch lạc như: sống đạo theo hứng, sống đạo vụ lợi, sống đạo kinh lễ.
– Tận dụng tất cả những sinh hoạt tôn giáo vào việc đó như: Sống mầu nhiệm Nhập Thể, sống mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh; tôn sùng Phép Thánh Thể; sống thánh lễ; sống lời Chúa; chịu bí tích Sám hối; lần hạt Mân Côi – yêu mến Đức Mẹ; cầu nguyện.
Kết hợp với những chỉ dẫn trên, ngài luôn yêu cầu người thực hiện phải có những điểm sống cụ thể đi kèm. Chẳng hạn: để thực thi sự tiết độ trong ăn uống, ngài dạy: Đừng để cho mình nghiện thứ gì; Bài trừ tật xấu như thi đua tửu lượng, ép nhau ăn uống đến say sưa; không mượn chén rượu để tranh luận, dạy con, mắng nhiếc người khác; thỉnh thoảng hãm mình như ăn chay, ăn vài miếng cơm nhạt, hoãn uống mấy phút khi khát …
Ngài đã viết nhiều sách vở về thần học, tu đức, nhiều tập thơ để giúp cho giáo dân, nhất là các thiếu nhi dễ nhớ nội dung các bài giáo lý và những cách sống đạo thật thực tế và hữu hiệu.
Tóm lại, ưu tiên hàng đầu mà ngài đặt ra sau khi đã giúp người nghe hiểu được điều phải tin là buộc phải có điểm sống cụ thể để thực hành trong đời sống.
Lời kết
Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Ngày nay người ta tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy. Nếu người ta tin vào thầy dạy vì thầy dạy đã sống chứng nhân”.
Cha cố Matthêu đích thực là một vị mục tử tốt lành và thánh thiện, một chứng nhân sống động của Tin Mừng. Ngài không chỉ dạy người ta sống mà đặc biệt, ngài đã sống những điều đó một cách hết sức anh hùng và gương mẫu. Đời sống thánh thiện ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người được ngài trực tiếp hướng dẫn và chăm sóc đến độ mọi người, kể cả các đấng Bề Trên, từ lâu nay vẫn gọi ngài là “Cha thánh Kỳ” với lòng kính trọng đặc biệt.
Nếu như khi được chứng kiến đời sống thánh thiện của cha thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, bổn mạng của các linh mục, đã khiến có người phải thốt lên: “Tôi đã thấy Chúa trong một con người”; thì con cái của cha cố Matthêu hôm nay cũng có thể nói được rằng: “Cha cố Matthêu cũng chính là hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa lòng thời đại hôm nay”.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)