Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioakim Đặng Đức Tuấn

Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioakim Đặng Đức Tuấn

Cha GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN (1806-1874)
Tinh hoa công giáo ái quốc
 
1. Gia cảnh
Quê tôi Bình Định,
Làng chánh Qui Hoà,
Giữ đạo truyền gia,
Mẹ cha đã mất,
Không lập gia thất,
Có một mình tôi,
Anh em chết rồi,
không còn ai cả1
Làng Qui Hoà theo lời cha Gioakim Đặng Đức Tuấn khai với quan huyện Mộ Đức như trên, ngày nay là thôn Qui Thuận, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi chôn nhau cắt rốn của cha vào năm 1806. Xét về phương diện tôn giáo, Qui Hoà hay Qui Thuận đã từng là trung tâm sinh hoạt tôn tôn giáo của địa sở Gia Hựu, một địa sở kỳ cựu, sầm uất của giáo phận Qui Nhơn. Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn là một trong ba người con của ông Đặng Đức Lành, một ẩn sĩ làm Câu địa sở Gia Hựu. Gioakim Đặng Đức Tuấn có người anh là Đặng Đức Hoá và người em là Đặng Đức Bình.
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đức tin và văn hoá, Đặng Đức Tuấn đã tỏ ra thông minh, nhanh trí, mỗi đêm có thể học thuộc năm mươi trang sách nho. Năm Ất Dậu (1825), Đặng Đức Tuấn dự khoa thi Hương tại Thừa Thiên,2 Ngay từ trường nhất (kinh nghĩa) và trường nhì (chiếu, biểu, luật, dụ), Đặng Đức Tuấn đã đậu thủ khoa nhưng vào trường ba (thơ, phú, văn sách) Đặng Đức Tuấn không may vô duyên với khoa bảng vì chép đề thi sai sót một chữ mà phải chịu lạc đề. Phải chăng cái lạc đề vô duyên ấy như dấu giáng âm để chuyển cung điệu mà Thiên Chúa đã ghi sẵn vào dòng nhạc cuộc đời Đặng Đức Tuấn?
Trong khi không đậu bảng vàng, không được thăng quan tiến chức, Đặng Đức Tuấn ở nhà làm giáo làng và sinh sống bình dị như bao người trong làng xóm, thì ở Chủng viện Penang, Mã Lai, các chủng sinh Việt Nam đang cần thầy giáo Hán Văn. Ngoài những môn học theo qui trình đào tạo linh mục của Hội Thánh, các chủng sinh Việt Nam cần phải có thêm kiến thức Hán văn để có thể đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu học tập ở Chủng viện và truyền giáo tại nước nhà. Thầy giáo Tuấn chưa biết, chưa nghĩ đến nhu cầu ấy của Hội Thánh nhưng Thiên Chúa đã biết, đã nghĩ đến thầy.
2. Khúc quanh cuộc đời
Nhân chuyến viếng thăm địa sở Gia Hựu, Đức cha Stêphanô Cuénot Thể ngỏ ý với các chức việc về việc Chủng viện Penang đang cần thầy giáo Hán Văn. Các chức liền giới thiệu giáo làng Đặng Đức Tuấn con ông câu Lành cho Đức cha.
Sau khi được yết kiến Đức cha Stêphanô Cuénot Thể và được biết nhu cầu của Hội Thánh Việt Nam, giáo làng Đặng Đức Tuấn vâng lời nhận lệnh Đức cha và được Đức cha Cuénot đưa vào Gia định, chờ tàu đi Penang. Lúc bấy giờ vào khoảng đầu thời Vua Thiệu Trị (1841-1847).
Đến Penang, thầy Đặng Đức Tuấn được tiếp cận với văn hóa Đông Tây. Vốn tư chất đạo đức, thông minh và bản tính hiếu học, ngoài giờ giảng dạy Hán văn tại Chủng viện Penang, thầy Đặng Đức Tuấn còn chú tâm nghiên cứu học hỏi Pháp ngữ và cả tiếng La tinh là ngôn ngữ căn bản của Hội Thánh. Sau ba năm chuyên tâm học hỏi, thầy Đặng Đức Tuấn đã đạt được trình độ hiểu biết về tiếng La tinh và Pháp ngữ một cách khả quan. Sự tận tụy chu toàn bổn phận của một người thầy, của một Kitô hữu và sự hiếu học cũng như đời sống nhân bản của một thanh niên Việt Nam chín chắn, chững chạc đã lọt vào tầm ngắm của người có trách nhiệm đào tạo linh mục cho cánh đồng truyền giáo Việt Nam.
3. Quyết chọn làm linh mục
Một hôm cha Giám đốc Đại chủng viện Penang gặp ông thầy dạy Hán văn đang nghiên cứu văn phạm La ngữ, ngài hỏi: “Con có muốn học để làm linh mục không?” Thầy Đặng Đức Tuấn tỏ ý muốn làm linh mục của mình, song e ngại đã lớn tuổi. Cha Giám đốc hứa can thiệp với Đức cha Cuénot Thể để chuẩn nhận thầy vào chủng sinh của giáo phận. Sau thời gian cha Giám đốc liên lạc thỉnh ý Đức cha Cuénot Thể và được Đức cha chấp thuận, Chủng viện Penang có thêm một chủng sinh tu muộn già dặn, tinh thông văn tự Đông Tây “vừa học vừa làm”, vừa làm thầy giáo Hán văn, vừa học các môn học của Hội Thánh. Sau bảy năm dùi mài những môn học ở Chủng viện, thầy Ðặng Ðức Tuấn đã được thụ phong phó tế.
Sau khi lãnh chức phó tế ở Đại chủng viện Penang, thầy Tuấn trở về Việt Nam. Sau một thời gian phục vụ giáo phận, thầy Tuấn được Đức cha Cuénot Thể truyền chức linh mục tại Toà Giám mục Gò Thị 3 và được bổ nhiệm làm việc tại Tư Ngãi (Quảng Ngãi).
4. Lâm nạn phụng quốc hành
Trong thời gian cha Gioakim Đặng Đức Tuấn làm việc tại Quảng Ngãi, tình hình chính trị trong nước rất bất ổn. Tàu chiến Pháp gây chiến ở Đà Nẵng, rồi Gia Định. Triều đình Huế nghi kỵ người Công giáo. Vua Tự Đức liên tiếp ra các sắc dụ cấm đạo vào những năm 1859, 1860, khắc nghiệt nhất là sắc dụ phân sáp năm 1860 được thực hiện triệt để vào năm 1861. Nhà thờ bị phá hủy, nhà cửa ruộng vườn các tín hữu bị tịch thu, các tín hữu bị bắt phân tán vào các làng mạc. Trước tình thế khắc nghiệt ấy, cha Ðặng Đức Tuấn phải rời nhiệm sở Quảng Ngãi, trở về Bình Định, rồi lại từ Bình Định trở ra Quảng Ngãi để vừa lẩn tránh vừa tìm cách thăm nom an ủi bổn đạo. Đó là sự tính toán và nỗ lực của con người, còn Thiên Chúa có cách ứng xử của Ngài.
Đầu năm 1862, hôm cha Tuấn tạm trú tại nhà Hương Côn ở Nga Mân 4, Tú Quới đến chơi, hai bên hàn huyên tương đắc. Tú Quới ngưỡng mộ tài đức và văn học của cha Đặng Đức Tuấn, nhưng đoán biết cha Tuấn là công giáo, nên sợ quan quyền hay biết, không dám ém nhẹm, mà tự mình bắt thì không đành nên kêu làng tới xét hỏi. Làng đòi đóng gông, nhưng Tú Quới bảo lãnh đưa về nhà mình cơm nước. Sáng hôm sau, làng giải giao cha Đặng Đức Tuấn lên huyện Mộ Đức 5 .
Trong thời gian bôn tẩu, nhìn vào thế cuộc, tâm hồn đau xót vì Hội Thánh bị lâm nạn, Nam kỳ bị Pháp xâm chiếm, cha Đặng Đức Tuấn soạn thảo hai bản điều trần: Hoành Mao Hiến Bình Tây sách và Minh Đạo Bình Tây sách, để chờ có dịp dâng lên triều đình.
Trong lúc bị áp giải, cha Đặng Đức Tuấn vẫn giữ hai bản Điều trần này trong gói hành lý cùng với bảo vật tùy thân là tượng Đức Mẹ. Vì sợ quan quân tịch thu xúc phạm đến Đức Mẹ, cha Tuấn đành phải gởi tượng Đức Mẹ vào một bộng cây da bên lề đường.
Sau khi lấy khẩu cung, quan huyện biết tác giả hai bản điều trần là đạo trưởng, cha Đặng Đức Tuấn được chuyển lên tỉnh. Tại tỉnh, cha Tuấn viết tờ khai bằng bài vè bốn chữ, 88 câu (Tư Thừa Khai) 6. Tại tỉnh, cha Đặng Đức Tuấn bị đưa ra công đường tra tấn. Lúc bấy giờ có quan Khâm sai từ kinh đô vào ghé lại tỉnh đường. Quan Khâm sai xem qua bản điều trần thấy có vấn đề quan trọng, quan Khâm sai truyền giam cha Tuấn rồi gởi hồ sơ nội vụ về triều đình. Cha Đặng Đức Tuấn được triệu về kinh đô Huế và được Thượng thư bộ binh Lâm Duy Hiệp cùng Hiệp biện Phan Thanh Giản tra vấn về đạo Công giáo và về giặc Tây đánh phá Việt Nam. Cha Đặng Đức Tuấn thuyết phục hai đại quan bằng tình lý trong sáng vói chánh ngôn, chánh lý chặt chẽ. Nhân dịp này, Cha Tuấn viết thêm hai bản điều trần xin tha cho giáo dân và hiến kế làm cho dân giàu quân mạnh. Phan Thanh Giản dâng lên cho vua. Vua Tự Đức khen thưởng và nới lỏng lệnh cấm đạo. Vào khoảng tháng 3-1862, cha Đặng Đức Tuấn viết thêm hai bản điều trần nữa, bản thứ năm và thứ sáu về vấn đề cấm đạo và vấn đề kế sách giảng hòa với Pháp. Cha Đặng Đức Tuấn được vua Tự Đức cử tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị với Pháp.
Cuộc thương nghị khai diễn vào ngày mồng một tháng Năm, năm Nhâm Tuất, tức ngày 6 tháng 6 năm 1862. Pháp đòi ta bồi chiến phí năm triệu đồng và cắt giao trọn sáu tỉnh Nam kỳ. Thấy điều kiện giảng hoà quá nặng, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp hỏi ý kiến cha Đặng Đức Tuấn. Cha Đặng Đức Tuấn không che dấu mà còn phát huy tư cách linh mục của mình cùng với cương vị là một nhân viên thông ngôn của sứ bộ, cha Đặng Đức Tuấn bày tỏ lập trường cương quyết giữ vững chủ quyền và sự nguyên vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc:
Phan, Lâm đòi Tuấn hỏi han:
Tây xin nhiều quá, Tuấn bàn làm sao?
Tuấn rằng: “Ông lớn lượng cao,
Đòi bồi thì chịu, đừng giao tỉnh thành.
Ý tôi thời vậy đã đành,
Mặc lượng quan lớn quyền hành chủ trương 7.
Sau khi hòa ước được ký kết, vua Tự Đức ra Chỉ dụ bãi bỏ lệnh phân sáp, giáo dân bị phân sáp được trở về quê cũ và được trả lại điền thổ. Đây là chính sách chung của triều đình, trong đó có phần đóng góp công lao khá quan trọng bằng những lời điều trần của cha Đặng Đức Tuấn.
5. Cho đến hết hơi cho đến trọn đời linh mục
Ngày 24 tháng 5 năm 1862, cha Đặng Đức Tuấn được lệnh triều đình cho về quê. Trên đường về, cha Tuấn ghé lại gốc cây da xem lại tượng Đức Mẹ cha đã cất giấu lúc bị áp giải từ Nga Mân lên huyện Mộ Đức như cha đã tường thuật:
Bôn ba về tới huyện trung,
Qua than Bàu Gốc thăm vùng cây da.
Lại xem tượng ảnh Đức Bà,
Hình còn y cựu, bộng đà nhỏ nhoi.
Lấy dao khoét rộng ra coi,
Để vào trong áo ngậm ngùi hân hoan.
Đội ơn Đức Mẹ muôn ngàn,
Giữ gìn con dại bình an trở về.
Tạc ghi ơn Chúa nhớ hoài Mẹ ta.” 8
Khi cha Tuấn về Bình Định thì Đức cha Cuénot Thể đã bị chết rũ tù, cha Charles Herrengt, Bề trên địa phận, đang ở Xóm Chiếu, Sài Gòn. Cha Tuấn được bề trên bổ nhiệm về xứ đạo Tân Lộc, Quảng Ngãi rồi sau đó vào Mương Lỡ (Hòa Mục), Bình Định. Năm 1865, Đức cha Eugène Charbonnier bổ nhiệm cha Gioakim Đặng Đức Tuấn làm cha sở Nước Nhỉ, một xứ đạo bên bờ đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Lúc bấy giờ xứ Nước Nhỉ không có nhiều giáo dân, năm 1850 Nước Nhỉ có 132 giáo dân và họ Suối Lâm 78 giáo dân. Ngoài việc truyền giáo và chăm sóc mục vụ cho giáo dân, Cha đã dành thời gian viết nhiều tác phẩm bằng thi ca, đặc biệt hun đúc giáo dân Nước Nhỉ có lòng sùng kính Đức Mẹ rất sốt sắng. Trong thời gian cha Tuấn ở Nước Nhỉ, vua Tự Đức triệu mời cha về kinh đô Huế hai lần để tham vấn về việc nước.
Ngày 24 tháng 7 năm 1874, Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn trút hơi thở cuối cùng tại nhà thờ Nước Nhỉ, ấp Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Một kẻ sĩ, một kho tàng văn hóa, một tình thương dân tộc, một cuộc đời linh mục đặc biệt sùng kính Đức Mẹ và kết hợp nhuần nhuyễn nhân, trí, dũng Á Đông với triết lý và thần học Kitô giáo để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, cho đất nước đã kết thúc, nhưng gương sáng và việc lành của cha còn đó. Cha được an táng tại khuôn viên nhà thờ Nước Nhỉ. Thương nhớ cha, giáo dân lập một bàn thờ Đức Mẹ bên mộ cha. Sau giờ kinh tối thứ bảy hằng tuần, giáo dân quây quần bên mộ cha và bàn thờ Đức Mẹ để cha con cùng đọc kinh kính Đức Mẹ như thể lúc cha còn sống bên đoàn chiên vậy. Thói quen này được giáo dân Nước Nhỉ gọi là chầu lầu, được giữ mãi cho đến khi di cư (1966). Năm 1905, nhà thờ Nước Nhỉ được cha Jean Marie Guéno dời đến vị trí mới. Mộ cha Đặng Đức Tuấn được cải táng về Lăng Tử Đạo Nước Nhỉ, vị trí hiện nay.
6. Những tác phẩm của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn:
Giáo sư Lam Giang và linh mục Giuse Võ Ngọc Nhã đã sưu tập các di cảo của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn:
1/ Việt Nam Giáo Sử Diễn Ca: Lược thuật lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam từ thời hậu Lê cho đến chỉ dụ phân sáp của vua Tự Đức.
2/ Lâm Nạn Phụng Quốc Hành: Thuật lại những sự kiện từ khi bị bắt ở Nga Mân đến lúc vua Tự Đức ra chỉ dụ bãi bỏ lệnh phân sáp.
Hai thi phẩm trường thiên nầy cho thấy khả năng kết hợp tài tình của cha Đặng Đức Tuấn giữa các thể thơ lục bát, song thất lục bát và thất ngôn đường luật. Đồng thời cho thấy nghệ thuật trình bày hấp dẫn của cha. Nơi “Việt Nam Giáo sử Diễn Ca”, cha dùng thuận tự pháp trình bày các sự kiện lịch sử theo thứ tự thời gian. Nơi “Lâm Nạn Phụng Quốc Hành”, cha dùng nghịch tự pháp thuật lại các sự kiện không theo thứ tự thời gian nhưng đột ngột lấy những sự kiện làm điểm nhấn rồi qua đó trình bày đầu đuôi ngọn nguồn. Nơi “Việt Nam Giáo sử Diễn Ca”, cha kết thúc nơi cái chết của Đức cha Cuénot Thể, cái chết gây xót xa trong lòng người thì nơi “Lâm Nạn Phụng Quốc Hành”, cha kết thúc nơi chỉ dụ bãi bỏ lệnh phân sáp của vua Tự Đức, một kết thúc gây cảm giác phấn khởi. Hết bỉ cực đến thái lai, từ tử nạn đến phục sinh là qui luật của sự sống mà cha Đặng Đức Tuấn đã ngấm ngầm diễn tả nơi hai thi phẩm trường thiên nầy.
3/ Hoành Mao Hiến Bình Tây Sách
4/ Minh Đạo Bình Tây Sách
Hoành Mao Hiến Bình Tây Sách và Minh Đạo Bình Tây Sách là hai bản điều trần được viết trước khi bị bắt. Bốn bản khác được viết khi cha bị giữ ở triều đình hiện nay chưa được tìm thấy, chỉ biết được có bốn bản này qua tường thuật của cha trong “Lâm Nạn Phụng Quốc Hành”.
5/ Nguyên Đạo: Bản văn ngắn gửi cho bộ Binh trình bày nguồn gốc Kitô giáo.
6/ Văn Tế Đức Cha Thể: Thể hiện tâm tình với Đức cha Cuénot.
7/ Minh Dân Vệ Đạo Khúc: Trình bày chân lý Kitô giáo nhằm đáp lại bài “Hoán mê khúc” của quan Án sát Ngụy Khắc Đản đã hiểu sai về Kitô giáo.
8/ Kim Thạch Giải Sầu Ca: An ủi giáo dân trung thành với đức tin Kitô giáo.
9/ Cách Ngôn Liên Bích: Chỉ dẫn giáo dân xử thế lập thân, sống đạo bằng những những câu cách ngôn có nội dung từ Tin Mừng và tục ngữ ca dao.
10/ Văn Tế Các Đẳng: Thương nhớ những người quá cố.
11/ Minh Tâm Linh Số: Bài thơ chữ Hán thể thất ngôn, chữ đầu của câu thơ là một chữ số nói về một chân lý đức tin.
12/ Thống Hối Đề Ngâm: Gồm 76 câu thơ lục bát nói lên sự cần thiết và lý do thống hối lỗi lầm. 
13/ Cải Quá Tự Tân Luận: Trường thơ lục bát khuyên giáo dân chừa bỏ Bảy mối tội đầu. 
---------------------------
1 Gs. Lam Giang & Lm. Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn Tinh hoa Công Giáo ái quốc, 1970, Trang 134.
2 Theo ‘Châu Bản Triều Nguyễn, triều Minh Mạng, năm thứ 7, tập XX, trang 129’ và ‘Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục, bản dịch Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm, nxb Tổng hợp Tp. HCM, 1993’: Năm 1813 Vua Gia Long cho mở cuộc thi hương ở Bình Định cho các sĩ tử trong vùng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Từ năm 1821, các sỉ tử từ đèo Cả trở ra phải thi ở Thừa Thiên cho đến năm 1850, triều đình cho lập trường thi ở Bình Định.
3 - Trong lời khai của cha Tuấn năm 1861 “Khi về nước Nam, tôi ra Tư Ngãi, ở đây ngũ tải, giảng đạo Chúa Trời…”. Như vậy trước khi bị bắt, cha Tuấn đã làm việc tại Tư Ngãi (Quảng Ngãi ) được 5 năm. Như thế cha Tuấn thụ phong linh mục vào năm 1856; đi Penang năm 1846.
  - Mémorial Mission de Qui Nhơn, No.62, 19 Mars 1910, p. 13. trong danh sách các cha được Đức cha Thể truyền chức linh mục từ năm 1850, có ghi cha Khâm quê Gia Hựu, chết ở Nước Nhỉ. Cha Tuấn được giáo dân và các thân hào gọi là cha Khâm vì ngài được triều đình cử đi cùng với hai vị đại quan Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương thuyết với Pháp về việc nước.
4 Ngày nay là thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Thôn Nga Mân hiện nay là trung tâm của xã Phổ Cường, có đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1 đi ngang qua. Về địa bàn tôn giáo, Nga Mân thuộc địa sở Trà Câu. Ngày nay thuộc giáo xứ Vĩnh Phú, Quảng Ngãi.
5 Lúc cha Tuấn bị bắt, Nga Mân thuộc châu Đức Phổ, huyện Mộ Đức. Huyện Đức Phổ được thành lập năm 1899.
6 Gs. Lam Giang & Lm. Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn Tinh hoa Công Giáo ái quốc, 1970, Trang 134-137.
7 Sđd. Lâm nạn phụng quốc hành, phần III, câu 73-78.
8 Sđd. Trang 164.
 

 

GP Qui Nhơn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top