Chân dung linh mục Việt Nam: cha Bônaventura Trần Văn Mân, Dòng Anh Em hèn mọn Việt Nam

Chân dung linh mục Việt Nam: cha Bônaventura Trần Văn Mân, Dòng Anh Em hèn mọn Việt Nam

Cha BÔNAVENTURA TRẦN VĂN MÂN (1916–2004)

Vị Tông đồ nhiệt thành và vui tươi của các bệnh nhân phong

 

1. Cuộc đời

Cha Bônaventura mà người địa phương thường gọi tắt là “Cố Bôna” hay thân mật hơn nữa là “Ông Sáu Mân” sinh ngày 11 tháng 09 năm 1916, tại giáo xứ Tịnh Giang, thuộc ngoại ô thị xã Hà Tĩnh. Ngài khấn tạm ngày 03 tháng 08 năm 1940, khấn trọng ngày 03 tháng 08 năm 1943, thụ phong linh mục ngày 15 tháng 08 năm 1945, qua đời ngày 14 tháng 05 năm 2004, tại Cù Lao Giêng, hưởng thọ 88 tuổi.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình đạo đức. Thân phụ là một lương y. Ngài là một trong những người đầu tiên gia nhập Chủng viện Phanxicô tại Thanh Hóa. Chúa ban cho Ngài một trí thông minh trung bình nhưng lại cho Ngài biệt tài vẽ các chân dung và các tranh ảnh tôn giáo.

Đầu năm 1945, trước lúc đầu hàng Đồng Minh, người Nhật đã tập trung tất cả các thừa sai cũng như các tu sĩ người Pháp lại một chỗ. Ban lãnh đạo Dòng thấy cộng đoàn Phan sinh không có người đứng đầu nên đã xin Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Huế cho phép truyền chức cho thầy Bôna Mân cách âm thầm, vội vã và trước thời hạn. Kể từ nay cho đến năm 1954 ngoài việc làm bề trên tại chỗ, Cha Bôna tìm cách ra Bắc, vào Nam, để liên lạc với anh em Phan sinh còn ở lại tại miền Bắc.

Năm 1954 sau hiệp định đình chiến Genève, ngài tạo điều kiện đưa anh em Phan sinh từ miền Bắc vào miền Nam. Năm 1958 Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, hồi đó là Giám mục Giáo phận Cần Thơ, giao cựu chủng viện Cù Lao Giêng cho anh em Phan sinh chăm sóc. Chủng viện này xưa thuộc Giáo phận Nam Vang. Năm 1946 bị đốt cháy và sau đó trở nên hoang tàn. Cha Bôna đã hướng dẫn 5 anh em Phan sinh đến đây sửa chữa nhà cửa, chủ yếu là để sống đời tu trì, làm tuyên úy dài hạn cho các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng ở gần bên, giúp mục vụ trong các họ lẻ lân cận khi được yêu cầu, phát triển Dòng Phan sinh Tại thế và làm các công tác từ thiện bác ái khác. Kể từ đó, ngài phục vụ trong giáo phận Cần Thơ và rồi trong giáo phận Long Xuyên được tách khỏi giáo phận Cần Thơ cho đến khi từ giã cõi đời.

Năm 1958, khi thấy có nhiều người phong cùi tại địa phương không được ai chăm sóc, cha Bôna đã cùng với các anh em cất một căn nhà lá và bắt đầu chăm sóc những bệnh nhân đầu tiên. Lúc đầu chỉ có các bệnh nhân vùng An Giang nhưng chẳng bao lâu sau nhiều bệnh nhân đã từ các tỉnh và thành phố tại Đồng bằng Sông Cửu Long đến để xin chữa trị. Cái hay nhất là các bệnh nhân có thể đến trung tâm một cách kín đáo trên những con thuyền nhỏ mà không bị những người kỳ thị phát hiện và xua đuổi. Từ năm 1958 đến 1975, nếu chỉ tính những bệnh nhân được chữa trị lâu dài, và hầu hết được lành bệnh thì con số đã tới mức trên dưới 4.900 người, với hồ sơ bệnh lý hiện đang được cất giữ tại Trung tâm.

Sau năm 1975, cha Bôna đã giao lại cơ sở bài phong cho Nhà Nước, chỉ để lại một vài nhân viên tiếp tục làm việc. Phần ngài, ngài trở về đời sống nội tâm, thỉnh thoảng đi thăm viếng các bệnh nhân tại gia và âm thầm giúp đỡ các gia đình nghèo khó trong khu vực.

Năm 2004, sau hai tháng thọ bệnh, Ngài đã được Chúa gọi về. Trong số đông đảo những người tham dự đám tang có rất nhiều tăng, ni, Phật tử, đại diện các tôn giáo bạn như Hòa Hảo, Cao Đài, bên cạnh những bệnh nhân đã được chữa lành cũng như những người đã được ngài giúp đỡ cách này hay cách khác.

2. Vị Tông đồ của Chúa

“Cố Bôna” đã từng làm bề trên tu viện nhiều khóa. Ngài đã góp phần vào việc đào tạo các tu sĩ trẻ tại đây. Ngài cũng là vị tuyên úy trung thành của Dòng Chúa Quan Phòng, nơi ngài được các nữ tu mộ mến vì lòng đạo đức, vì sự khôn ngoan và lối sống mực thước.

Ngài sẵn sàng đến dâng lễ tại các giáo xứ Cồn Phước, Rạch Sâu khi các cha sở tại đây đi vắng hoặc bị ngăn trở.

Đặc biệt là trong thời kỳ khó khăn nhất và do yêu cầu của cha sở Cù Lao Giêng, ngài đã đến giúp họ đạo Cồn Én, phía bên kia Sông Tiền. Mỗi chiều thứ bảy ngài bơi thuyền qua đó để dạy giáo lý rồi ở lại dâng lễ ngày Chúa nhật, đến chiều mới bơi thuyền trở về. Ngài quan tâm đến người nghèo và đã có công giúp họ giữ lại bãi đất bồi cuối cồn, bị những người từ xa đến lấn chiếm. Kể từ ngày ngài có mặt tại đó, con em trong họ đạo xem ra chăm chỉ học hành hơn.

3. Vị Tông đồ nhiệt thành và vui tươi của các bệnh nhân phong

Chăm sóc cho người phong hủi đã là một truyền thống trong Dòng Phan sinh. Trong suốt một thời gian dài, mỗi tháng ba lần vào dịp ngày 10, ngày 20 và ngày cuối tháng, Chẩn y viện, sau này được gọi là Trung tâm Hansen Cửu Long, mở cửa đón tiếp các bệnh nhân đến để được chữa trị và lãnh thuốc miễn phí. Chính thái độ yêu thương, từ tốn, vui tươi của con người hèn mọn lúc phục vụ đã lôi cuốn các bệnh nhân. Tư cách linh mục và tư cách của người thầy thuốc hết lòng phục vụ đã khiến cho nhiều bệnh nhân đặt hết tin tưởng vào ngài, nhờ đó việc chữa trị lại càng đạt được kết quả cao. Vào những ngày có quá nhiều bệnh nhân, ngài phải làm việc cả đêm khuya. Dầu vậy ngài vẫn vui vẻ, lâu lâu lại kể chuyện khôi hài khiến bầu không khí trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu. Ngài đã đi đúng đường hướng của Dòng Phan sinh là qua công tác từ thiện đến với mọi người. Trong số các bệnh nhân nhiều người đã xin tìm hiểu đạo và theo đạo. Một điểm đặc biệt nơi cha Bôna, đó là niềm vui. Ngài luôn vui tươi và khôi hài, ngay cả trong những giờ phút cuối đời rất đau đớn vì bệnh ung thư gan hành hạ.

4. Vị Tông đồ có tinh thần đại kết

An Giang là vùng đất có nhiều tôn giáo. Thánh địa của anh em Phật giáo Hòa Hảo ở cách Cù Lao Giêng chẳng bao xa. Ở phía đầu Cù Lao có Chùa Ông Đạo Nằm thu hút khá nhiều tín đồ và khách hành hương. Ở giữa Cù Lao có rất nhiều Thánh thất Cao đài. Đối với các bệnh nhân thuộc các tôn giáo khác, cha Bôna không hề phân biệt đối xử. Đối với các vị lãnh đạo tôn giáo, cha vẫn một lòng kính trọng và luôn tìm cách gặp gỡ giao lưu. Chính thái độ khiêm tốn và chân thành của ngài đã làm bớt đi các mối nghi kị giữa các tôn giáo. Phải thú nhận rằng trong khoảng thời gian trước năm 1954, thời gian chiến tranh, tương quan giữa các tôn giáo đã bị sứt mẻ vì các lập trường chính trị khác nhau. Điều này vẫn còn mãi trong tâm tư của những người thuộc các tôn giáo và cha Bôna đã góp phần làm nhẹ bớt các thành kiến ấy.

Về phía Giáo hội, cha Bôna một lòng yêu mến và quý trọng Đức Giám mục và các anh em linh mục như Cha thánh Phanxicô đã từng dạy anh em. Cha tỏ ra vui mừng mỗi lần có các cha tới tĩnh tâm trong tu viện. Còn các anh em linh mục xem ra cũng yêu thương các anh em Hèn mọn khiến cho tương quan triều và dòng trở nên tốt đẹp, cũng như sự cộng tác trở nên dễ dàng và có kết quả hơn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top