Chân dung linh mục Việt Nam: Batôlômêô Nguyễn Văn Thật
Cha Batôlômêô NGUYỄN VĂN THẬT
(1902 – 1996)
Âm thầm, khiêm tốn, “đến đúng lúc, đi đúng lúc”
1. Cha sở của làng quê
Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Thật sinh ngày 02 tháng 02 năm 1902, trong một gia đình nghèo, đạo đức tại họ đạo Thủ Ngữ, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, giáo phận Mỹ Tho.
- 1914 – 1922: Học Tiểu chủng viện Sài Gòn.
- 1922 – 1928: Học Đại chủng viện Sài Gòn.
Thời gian thụ huấn ở Chủng viện, Batôlômêô Nguyễn Văn Thật luôn tỏ ra là một chủng sinh có kỷ luật, siêng năng học tập, có năng khiếu về âm nhạc và có triển vọng tốt về ơn gọi làm linh mục.
Ngày 25 tháng 05 năm 1929, thầy Batôlômêô Nguyễn Văn Thật được lãnh nhận chức linh mục.
Từ năm 1929 đến năm 1993, cha Batôlômêô đã lần lượt được sai đến phục vụ các họ đạo sau:
- 1929 – 1933: Cha phó họ đạo Vũng Tàu;
- 1933 – 1935: Cha sở họ đạo Cái Quau;
- 1935 – 1959: Cha sở họ đạo Rạch Cầu;
- 1959 – 1962: Cha sở họ đạo Đức Hòa;
- 1962 – 1993: Cha sở họ đạo Trà Đư;
- 1993 – 1996: Hưu dưỡng tại Nhà Chung và Rạch Cầu;
- 04-07-1996: Được Chúa gọi về, an táng tại họ đạo Rạch Cầu.
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, khi trở thành linh mục phần lớn cuộc đời sứ vụ của cha cũng ở nông thôn nên cha rất hiểu cuộc sống của người giáo dân miền quê và thông cảm với họ.
Giáo dân ở những nơi cha đến phục vụ, mỗi khi nhắc đến cha là họ nhớ đến một người cha hiền hòa, đơn sơ, giản dị, rất dễ gần gũi và tiếp xúc.
Không có khoảng cách giữa cha và giáo dân. Nhà xứ của cha luôn rộng mở với mọi người, những người nghèo khổ không hề thấy mặc cảm khi đến với cha trong bộ quần áo lam lũ, chân đất của mình.
2. Yêu thương và thông cảm với cuộc sống của giáo dân
Hiểu được hoàn cảnh vất vả của người dân quê “một nắng hai sương”, phải lệ thuộc vào đồng ruộng, khi mưa gió hoặc mùa nước lũ, đường đi bùn lầy trơn trợt, không mấy dễ dàng, nên cha rất thông cảm và kiên nhẫn khi người giáo dân không giữ đúng giờ hẹn gặp cha. Cha thường nói, ngoài quy định giờ lễ, không thể đòi hỏi người dân quê đúng giờ được.
Một trong những kiên nhẫn lớn của cha là luôn sẵn sàng ngồi tòa giải tội khi có một số giáo dân không theo đúng giờ giấc đến xin cha ban phép giải tội. Cha thường nói, đời sống đức tin của một họ đạo được thể hiện qua việc giáo dân dự lễ có rước lễ đông và sốt sắng hay không. Vì thế cha sẵn sàng cho đi giờ giấc của mình để giáo dân được xưng tội và rước lễ.
Tuy là người dễ thông cảm, nhưng cha tỏ ra rất nghiêm túc và đòi hỏi trong việc học giáo lý và kinh bổn. Một ông cụ từng là học trò giúp lễ của cha kể lại, dù được cha thương mến, nhưng do không thuộc giáo lý, phải đến năm 18 tuổi ông mới được cha cho lãnh phép Thêm Sức. Nhưng cũng nhờ học thuộc lòng nhiều giáo lý và kinh sách, mà sau này khi gặp khủng hoảng, bế tắc tưởng chừng như tuyệt vọng, thì những lời kinh thuộc lòng từ thuở nhỏ mà ông nhớ lại, đã giúp ông cầu nguyện được với Chúa và Đức Mẹ, nhờ đó ông tìm lại được đức tin, trở về với Chúa. Điều đó khiến ông không bao giờ quên ơn cha sở của mình. Và ông lấy đó như kinh nghiệm để dạy con cháu phải học giáo lý vững vàng và phải thuộc kinh sách.
3. Chu toàn bổn phận trong âm thầm, khiêm tốn, “đến đúng lúc, đi đúng lúc”
Dù là việc lớn hay nhỏ, cha luôn chu toàn trong âm thầm khiêm tốn, tận tụy và chu đáo.
Tinh thần này được thể hiện ở thái độ cha noi gương Chúa Giêsu đến là để phục vụ. Cha không không đòi hỏi gì cho riêng mình, không màng đến danh vọng địa vị, không tìm ảnh hưởng cho mình.
Là người giàu tình cảm, cha yêu thương họ đạo và giáo dân mình, và cũng buồn khi phải rời nơi mình gắn bó, nhưng cha cũng sẵn sàng để được Bề Trên sai đi nơi khác. Cha luôn xác tín “vâng lời” Bề Trên trong sứ vụ là đáp lại lời mời gọi đươc Chúa sai đi và đó chính là cách để cha biết “đến đúng lúc và đi đúng lúc”.
Không những “đến đúng lúc, đi đúng lúc” mà cha “đến cũng nhẹ, đi cũng nhẹ”. Khi đến họ đạo mới hay khi rời khỏi nơi mình phục vụ, thì cũng thật nhẹ nhàng. Hành trang khi đến nhận nhiệm sở cũng là hành trang lúc ra đi: một ít sách vở và đồ dùng cá nhân. Những gì cha tạo lập được là của riêng mình, cha đều để lại cho họ đạo.
Và khi đã ra đi, “đầu không ngoảnh lại”. Dẫu biết giáo dân lưu luyến, quý mến cha, nhưng cha không để cho tình cảm lấn át sứ mạng. Tình cảm thường dễ thiên vị, mù quáng và chật hẹp có thể làm cản trở sứ vụ của mình và người khác; chỉ có sứ mạng mới vô vị lợi và rộng mở với hết mọi người. Cha luôn biết nghĩ đến người khác, nhất là với anh em linh mục, không bao giờ cha nói điều gì xấu, làm hại uy tín anh em mình trước mặt người khác. Cha không muốn làm cản trở công việc của anh em mình. Cha thường nói, không làm cản trở anh em tiến bước là góp phần tích cực vào kế hoạch của Chúa. Mình không làm được việc thì để anh em làm và tạo điều kiện tốt cho anh em làm.
Sau này, dù lớn tuổi, già dặn kinh nghiệm, nhưng khi làm việc mục vụ cha cũng thường hỏi ý kiến anh em linh mục trẻ và tôn trọng các anh em linh mục mình, không bao giờ áp đặt ý mình lên người khác.
4. Đau khổ, thử thách
Cuộc đời linh mục của cha có nhiều niềm vui nhưng cũng không ít những nỗi buồn và cam go thử thách. Trong đau khổ, cha chỉ im lặng và âm thầm đón nhận phần thua thiệt về mình.
Điều này được thể hiện rất rõ khi có lần cha bị một số giáo dân nơi cha đến phục vụ điệu ra trước tòa án thế gian. Cũng vì “thật thà” đúng như tên cha là “Thật” mà cha đã bị hiểu lầm, bị tố cáo, bị sỉ nhục và cuối cùng bị xua đuổi ra khỏi nơi cha đã từng yêu thương, phục vụ. Trong đau đớn tột cùng, cha một mực âm thầm đón nhận, không hơn thua tranh chấp, cũng không oán hận người đã hại mình.
“Nhân vô thập toàn”, đã là người thì làm sao tránh khỏi những lầm lỗi, thiếu sót! Với lòng khiêm tốn sâu xa, cha đón nhận mọi biến cố xảy đến cho mình, để cho ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa xuyên qua tất cả con người mình và những yếu đuối của mình. Chính vì thế, trong thử thách, cha vẫn tìm thấy được sự bình an và kiên định trong sứ vụ. Khổ đau đã làm cha trở nên đẹp hơn, người giáo dân luôn nhận ra ở cha tấm lòng nhân ái, bao dung của một vị mục tử hiền hòa mà vững chãi, rất dễ gần gũi và rất dễ cảm thông với nỗi khổ của người khác.
Cuộc đời cha cứ thế âm thầm khiêm tốn phục vụ qua các họ đạo, cho đến ngày cha trở lại Rạch Cầu lần cuối, nơi trước đây cha đã từng phục vụ, để sống quãng đời còn lại của mình.
Và ngày 04-07-1996, cha đã ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng để về Nhà Cha trên Trời trong sự thương tiếc của giáo dân họ đạo Rạch Cầu.
Cha đã được an táng tại nghĩa trang của họ đạo, giữa đoàn con cái đã an nghỉ, như cách bày tỏ lòng quý mến, hiếu thảo của giáo dân Rạch Cầu dành cho cha, vừa như nhắc nhớ về một người cha luôn kiên trì trong sứ vụ, sống trọn vẹn nghĩa tình với đoàn chiên của mình cho đến cùng và đang chờ ngày để cùng với tất cả đoàn con cái mình được tái hợp trong Nước Chúa, nơi không còn khổ đau và nước mắt, lúc đó tình nghĩa của mọi người sẽ nên trọn vẹn hơn, tròn đầy hơn.
Có thể nói, đơn sơ giản dị, âm thầm khiêm tốn, “đến đúng lúc, đi đúng lúc” trong sứ vụ được sai đi là nét đẹp trong cuộc đời linh mục của cha Batôlômêô Nguyễn Văn Thật.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)