Cây Piano và bản nhạc cuối cùng

Cây Piano và bản nhạc cuối cùng

Cây Piano và bản nhạc cuối cùng

WGPHN (17.10.2023) - Mỗi lần đi ngang qua cây đàn, tôi nhìn nó và thấy anh. Thi thoảng tiếng piano văng vẳng vang lên, lúc xa lúc gần, tôi lại nhớ về anh – Giuse Lê Danh Tường. Bản nhạc đời anh đã chấm dứt, nhưng cây piano vẫn ở đó, âm thanh trong trẻo và tươi sáng vẫn ngày ngày vang lên trong ngôi Nhà Chung đầy ấm áp, một thứ âm thanh tươi mới, sinh động, đầy sức sống, xuyên không và vượt thời gian.

11h25, ngày 13 tháng 10 năm 2022, anh nhắn tin cho tôi: Cái đàn Piano của mình cậu cho chuyển giúp về nhà mới để dùng nhá! Mình đề nghị là để ở Hội trường, nhưng tùy cậu xếp đặt cho tiện cũng được. Chuyển càng sớm càng tốt.

Ngay lập tức, tôi xuống phòng anh. Tôi biết, bất cứ điều gì anh muốn làm lúc này đều rất quan trọng. Rất quan trọng, vì công việc chúng tôi được vinh dự tham gia đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng, trước khi Công nghị Giáo phận chính thức khai mở. Nhưng với tôi, lúc này nó rất quan trọng, vì sức khỏe của anh xấu đi cách rất tệ. Anh không ăn được, cơ thể gầy rộc, lục phủ ngũ tạng đình công, bụng chướng lên, và đôi chân phù nề, các mao mạch chân lông đang vỡ dần và rỉ ra như muốn phá bục lớp da xanh xao ấy. Dịch từ chân chảy ra nhiều, phải lấy băng gạc để bưng lại. Lúc dịch chảy nhiều quá thì chúng tôi đặt nguyên cái chậu nhựa dưới chân anh, tháo bông gạc cho thoáng chân, rồi thi thoảng đổ chậu dịch đi là xong.

Ngồi trước anh, chứng kiến anh ăn cách khó khăn, đôi hàm trệu trạo nhai, rồi gồng mình nuốt từng miếng nhỏ, lòng tôi tê tái. Có hai anh trai túc trực chăm em. Người ngồi bón, cố tỏ ra mạnh mẽ và lạc quan với những lời nói bông đùa cho bầu khí đỡ nặng nề. Người còn lại đứng phía sau, thi thoảng ngoảnh mặt cố giấu đi những giọt nước mắt rơm rớm nơi khóe mắt.

Anh phá vỡ bầu không khí ấy với câu đùa, mà theo dân gian thì đó là một điềm gở: Hôm nào khỏe khỏe, mấy anh em mình về làm bữa thịt chuột, ăn cho đã đời! Đương nhiên, sẽ chẳng còn cơ hội nào cho một bữa thịt chuột như thế cả.

Ăn được vài miếng, anh nói: Chiều cậu chuyển đàn đi nhé. Như linh cảm được điều sắp xảy đến, như muốn sắp xếp lại mọi sự cho ổn thỏa, như tạm biệt dần những gì là gắn bó và thân thiết, anh lo sắp xếp mọi sự cách cẩn thận và tỉ mỉ, như tính cách con người anh trước nay vẫn thế.

Tôi đề nghị: Cha chơi một bản nhạc trước khi con chuyển em nó đi chứ nhỉ!

Đôi mắt anh lóe sáng, gạt chiếc chậu hứng dịch ra khỏi chân, tiến về phía cây đàn cách khó nhọc. Sau khi ngồi chắc chắn, cố gắng khẽ đặt những ngón tay gầy guộc lên phím đàn cho thật đúng nốt, đúng tư thế, lưng thẳng, anh lấy hết sức gõ những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc cuối cùng, bài Tâm tình phó thác.

“Cho con sinh ra, trong ngàn người, rồi Cha khẽ gọi con đi, dù tâm tư con không thể hiểu thấu sự gì…”

Những ngón tay trở nên linh hoạt, tâm hồn anh hòa vào ý nghĩa của bài Thánh ca, làm cho thân hình khẳng khiu ấy lắc lư theo từng giai điệu. Tâm hồn anh phiêu du, như lạc trôi khiến bàn tay bỗng chơi giai điệu của một bài hát khác có câu: “Chúa muốn nhận, cuộc sống của con…”

Có gì đó đang diễn ra trong anh như dở dang, như không cam lòng…; có gì đó rất con người, như đang cố vùng vẫy nhưng bất lực, cố thoát ra nhưng càng bị siết chặt, cố làm nốt cho xong nhưng đành đứng nhìn tất cả cuốn theo chiều gió… Có khởi sự, nhưng không có hoàn thành. Nói khác đi, công việc Thiên Chúa khởi sự nơi anh, nhưng dường như Ngài lại chuyển qua hoàn thành nơi một ai khác không phải anh. Tôi đứng đó ghi hình lại bản nhạc cuối cùng anh đang chơi, ngơ ngác hồi tưởng lại những thứ tôi và anh chia sẻ. Những thực tại không mấy tốt đẹp được phơi bày như lên án. Những viễn tượng tương lai được vẽ ra như niềm hy vọng đầy bỏng cháy đang hiển hiện ngay trước mắt, như thể chỉ cần đưa bàn tay ra là có thể sờ chạm tới. Như tìm thấy nhau, như gặp được tri kỷ, chúng tôi dành nhiều giờ huyên thuyên về những thứ như thế khi thưởng trà. Những thứ nghiêm túc như tài liệu, kế hoạch, những cuộc họp hành… Tất cả đều đang rất sống động, gấp gáp, và cũng đều đang dở dang.

Cuối phiên khúc, khi giai điệu đang dồn cao trào để đẩy lên điệp khúc… thì lời bài hát cuốn lấy anh, kéo anh đi và dù thở chẳng ra hơi, anh cũng gồng mình lên cất lời hát thều thào: “Con không bơ vơ, giữa trần gian mây mù phủ ngập hồn. Con luôn an tâm, vì biết rằng… Cha vẫn ở bên con”.

Bài hát ấy kết thúc với câu: “Con luôn an vui, vì Chúa là: chính suối nguồn yêu thương”. Hình như anh muốn dừng lại mãi ở đó, những ngón tay không muốn đặt xuống phím đàn để chạy hết những nốt sau cùng. Anh nắn nót từng nốt nhạc, thật chậm, thật ngấm, có cả khoảng lặng như muốn rớt tim, như muốn dừng lại… rồi, anh cũng chạy hết những nốt nhạc cuối cùng. Tay anh rời phím đàn, thả thõng xuống đùi, không còn chút sức lực. Bản nhạc kết thúc, và giờ thì anh đã an giấc.

*****

Công nghị Tổng Giáo phận đã khép lại. Đó là tâm huyết, cũng là việc lớn nhất, quan trọng nhất mà khi đảm nhận, anh xác định dồn chút sức lực cuối cùng vào đó vì Giáo phận, cho dù có thể vì thế mà ngã xuống. Một học trò của anh hỏi: Sức khỏe của cha không cho phép, mà sao cha vẫn nhận nhiệm vụ lớn lao tới vậy? Anh đã trả lời: Mình muốn để lại tâm huyết và thành quả của quá trình nghiên cứu trong suốt bao nhiêu năm tu học vào một công trình, để những giá trị ấy sẽ còn mãi.

Giáo phận đang thực hiện năm đầu tiên của tinh thần Công nghị: Canh tân đời sống đức tin cá nhân. Đức Tổng Giám mục cũng đã ban hành Văn kiện hậu Công nghị, như luật riêng của Tổng Giáo phận nhằm ngày lễ Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời. Anh hãy an lòng.

Cây piano được chuyển lên hội trường, như trăng trối của anh, nhưng nó chưa bao giờ được trình diễn trên sân khấu trong một buổi nhạc đúng nghĩa nào cả. Phòng đó chủ yếu dùng cho hội họp và học tập, ngoài ra thì ít người qua lại, hay đóng cửa và tối tăm. Họa hoằn lắm mới có một vài chú ứng sinh lên tập đàn.

Tôi đã chuyển cây piano, đặt nó ở nơi nhiều người qua lại. Ở đó có nhiều âm nhạc, và ai nổi hứng đều có thể dạo chơi trên cây đàn ấy. Nơi đó có đầy ánh sáng. Nơi đó có nhiều sách vở. Nơi đó cũng có nhiều cà phê, trà và có cả rượu. Anh còn ở đây, chắc chắn chúng ta sẽ ngồi với nhau nhiều thời gian ở đó.

Mỗi lần đi ngang qua cây đàn, tôi nhìn nó và thấy anh. Thi thoảng tiếng piano văng vẳng vang lên, lúc xa lúc gần, tôi lại nhớ về anh – Giuse Lê Danh Tường. Bản nhạc đời anh đã chấm dứt, nhưng cây piano vẫn ở đó, âm thanh trong trẻo và tươi sáng vẫn ngày ngày vang lên trong ngôi Nhà Chung đầy ấm áp, một thứ âm thanh tươi mới, sinh động, đầy sức sống, xuyên không và vượt thời gian.

Trích “Nội san Nhà Chung”, Số 8 (tháng 9 năm 2023)
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (17.10.2023)

Top