Caritas: Người tị nạn là nạn nhân của một hệ thống bất công 

Caritas: Người tị nạn là nạn nhân của một hệ thống bất công 

Caritas: Người tị nạn là nạn nhân của một hệ thống bất công 

WGPSG / Vatican News -- Caritas Quốc tế đã phát đi một thông điệp nhân Ngày Tị nạn Thế giới, thứ Bảy, ngày 20 tháng 6. 

Nhấn mạnh rằng “những người tị nạn là nạn nhân của một hệ thống bất công”, liên hiệp các tổ chức bác ái Công giáo toàn cầu đang kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của thế giới tiếp nhận người tị nạn một cách xứng đáng và an toàn, đảm bảo các nhu cầu cơ bản của họ, cũng như cung cấp cho họ các điều kiện sống an toàn, nhất là trong đại dịch Covid-19. 

Trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị 

“Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị đưa ra những quyết định can đảm để bảo vệ người tị nạn, đặc biệt là các nạn nhân của nhiều kiểu lạm dụng đang diễn ra ở nhiều nơi”. Đây là lời kêu gọi của Caritas Quốc tế, liên hiệp toàn cầu của 165 cơ quan phát triển và cứu trợ Công giáo thuộc các Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới. 

Trong một thông điệp được đưa ra nhân Ngày Tị nạn Thế giới (20/6), Tổng thư ký Caritas Quốc tế, ông Aloysius John nói những người tị nạn “là những con người có nhân phẩm, có các giá trị cũng như các quyền; và nghĩa vụ của tất cả chúng ta là mở rộng vòng tay tiếp nhận họ, đồng thời đảm bảo họ được sống trong phẩm giá”. 

“Là tổ chức Caritas Quốc tế, trọng tâm chính của chúng tôi là nuôi dưỡng tình huynh đệ qua việc thể hiện sự quan tâm và yêu mến đối với những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có người tị nạn”. 

Thông điệp của tổ chức Caritas Quốc tế lưu ý: “Người tị nạn - nạn nhân của bạo lực, sợ hãi, và trên hết là nạn nhân của một hệ thống bất công - đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để hướng tới một nơi bất định, nơi họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn, đau đớn, thống khổ và tổn thương”. 

Người tị nạn có diện mạo và câu chuyện 

“Phụ nữ, trẻ em và người già là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất”. Aloysius John chỉ ra rằng trong năm vừa qua, 33,4 triệu người “đã bị buộc phải đi vào con đường lưu vong khốn khổ ở trên 145 quốc gia”. Ông than phiền về sự thờ ơ và im tiếng của cộng đồng quốc tế đối với nỗi khổ đau của người tị nạn: “Đối với nhiều người trên thế giới, người tị nạn không có diện mạo hay câu chuyện, họ chỉ là những con số hoặc tin tức thoáng qua trên báo chí". 

Cần sự đồng cảm và tình liên đới 

Lưu ý rằng đại dịch Covid-19 đã khơi lên tình liên đới toàn cầu để đấu tranh chống lại bất cứ điều gì ảnh hưởng đến nhân loại, Tổng thư ký Caritas Quốc tế khẳng định rằng năm 2020 phải dẫn chúng ta tới một cách thức mới để xử sự với những người tị nạn và những nỗi khốn khổ của họ. Ông nói: “có một nhu cầu cấp thiết đói hỏi phải tiếp nhận những người tị nạn bằng sự đồng cảm và tình liên đới, cũng như giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này, đồng thời phát triển một hệ thống kinh tế công bằng, đảm bảo cho họ bình đẳng về các cơ hội. 

Về vấn đề này, ông đề cập đến trường hợp của người Rohingya, dù với sự tiếp nhận rất hiếu khách của chính phủ Bangladesh, vẫn đang phải đối mặt với các điều kiện rất dễ bị tổn thương, bao gồm cả đại dịch Covid-19. 

Robin Gomes (Vatican News) / Chuyển ngữ: Minh Lộc / Nguồn: WGPSG

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top