Cảm nhận sau chuyến thăm một công trình Nhân Đạo liên tôn
“Chúa cất tiếng gọi con…”
Tiếng hát của ban Đối thoại Liên tôn chúng tôi hòa theo từng nhịp xe lăn bánh từ TP Cần Thơ đến Bệnh xá Nhân Đạo kênh 7 – tỉnh Kiên Giang, lúc tha thiết, lúc khoan thai như một lời từ biệt, cầu nguyện cho linh mục lương y Giacôbê Nguyễn Đức Thịnh - nguyên giám đốc Bệnh xá.
Thật tình cờ, khởi hành từ TP.HCM đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.2014), với dự định đến thăm cha và Bệnh xá – tới khi lên đường đến Kiên Giang, lại bất ngờ được tin cha đã đi xa, sau những ngày tháng lâm trọng bệnh. Là một lương y đầy tâm huyết, cuộc ra đi của cha để lại niềm tiếc thương sâu xa nơi bao người chung quanh cũng như các bệnh nhân và thân nhân của họ, từ nhiều tỉnh khác đến.
“Tai nghe không bằng mắt thấy”
Ông bà ta nói thật chí lý! Đến bệnh xá, chúng tôi tận mắt chứng kiến, đúng hơn là chiêm ngưỡng, một công trình của trái tim. Bệnh xá được tổ chức quy củ và hoạt động hài hòa nhờ một tập thể đa tôn giáo: Phật giáo, Cao đài, Hòa Hảo, Tin lành và Công giáo. Họ thuộc nhiều niềm tin tôn giáo khác nhau, nhưng có chung một tấm lòng, hiệp tâm góp sức chữa bệnh cho đồng bào thuộc mọi giới, giữa vùng sông nước và đồng ruộng mênh mang này.
Chúng tôi thấy một số thiết bị mới hỗ trợ việc chữa bệnh, được gặp gỡ những con người hiền lành, bình dị và đầy lòng nhân ái. Chẳng hạn chú Hai Be – Phật giáo Hòa Hảo - lo trại cơm miễn phí, ngày ngày đi lượm rác quanh bệnh xá – “ để bà con có môi trường tốt, mau hết bệnh hơn, khỏe hơn”. Bác Ba Tài- trưởng phòng thuốc Nam, chuyên sưu tầm, đi lấy thuốc từ xa – có khi đến tận Đắc Nông, Đồng Xoài, Phú Quốc – để tìm đủ dược thảo chữa trị bệnh nhân. Chị Chính, một Phật tử - nhân viên phòng khám - hằng ngày ngược xuôi trên 50 cây số, qua bao cái cầu, con dốc để đến đây “được làm việc thiện miễn phí”, mà không nề hà nhọc nhằn, vất vả của bản thân. Trái lại Chị luôn tươi vui, niềm nở phục vụ các bệnh nhân.
Lắng nghe chị Ngọc Bảo tâm sự, với vẻ tươi tắn và nụ cười như thang thuốc bổ cho thính giả. Có ai ngờ - linh mục giám đốc Giuse Phan Anh Dũng nói nhỏ với chúng tôi - suốt đêm qua chị đã canh thức bên giường bệnh của cha Giacôbê. Thế mà sáng đến giờ, chị vẫn tươi vui làm việc tại phòng thuốc và tiếp đón bệnh nhân, ân cần nói chuyện với chúng tôi như những người bạn quen biết từ lâu.
Sức mạnh nào đã bồi đắp cho chị, nếu không phải là từ lòng nhân. Lòng nhân đạo ấy còn được trợ lực bởi niềm tin Kitô giáo. Suối nguồn nội lực đó được Chị kín múc từ Đức Giêsu Kitô, vị Lương Y đến từ trời, để chữa lành cả thể xác lẫn tâm linh của con người mọi thời đại.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam sau cùng
Cha Giacôbê qua đời lúc hơn 1giờ sáng 28/2, sau khi sống trọn Ngày thầy thuốc ở dương thế với anh chị em y bác sĩ cũng như bệnh nhân. Linh cữu cha quàn trong nhà thờ giáo xứ thánh Giuse, sát bên Bệnh xá. Và bệnh xá vẫn hoạt động bình thường, tiếp đón người bệnh như bao ngày! Có lẽ hiểu được cái bệnh, một ngày không thể không có thuốc, không thể không đau nên Ban Giám đốc vẫn mở cửa tiếp đón bệnh nhân. Trong đó có những bà con ở xa, vì con số bệnh nhân đến chữa bệnh một ngày từ 200- 250 người, là con số không nhỏ.
Kính thưa cha Giacôbê! con chưa được gặp cha một lần khi cha còn tại thế. Con cũng là một bệnh nhân, nghe tiếng cha từ lâu, định đến đây chào cha một tiếng. Vậy mà, cha đã vội vã đi xa, không chờ chúng con một chút… Cha đã sống một đời linh mục thật tròn đầy…
Lời trẻ thơ
Đứng gần phần đất sẽ đón nhận thi hài cha, trước đài Đức Mẹ, con chợt nghe được cuộc trò chuyện của hai trẻ độ tuổi cấp I, đang quan sát những người chuẩn bị mộ huyệt:
- Họ làm gì vậy? đứa nhỏ hỏi đứa lớn.
- Họ đào hố để chôn cha cố.
- Ghê quá! Cha cố, chôn ở đây sao?
- Ừ!
- Trời ơi! Cha cố chết rồi sẽ thành ma. Chôn ở đây, cha cố sẽ dễ về nhát mình.
- Không! Cha cố sẽ không nhát mình đâu. Vì cha cố rất thương tụi mình mà, bộ em không nhớ, khi còn sống, cha cho mình kẹo, làm ảo thuật, văn nghệ cho mình coi đó, nhớ không?
- Ừ nhớ rồi! cha cố rất thương con nít chúng mình.
“Ông cố” Giacôbê đáng kính, “Chúa cất tiếng gọi cha đi làm chứng nhân Nước Trời”. Con nghĩ cha đã hoàn thành sứ mạng của một mục tử, với tâm tình của một người cha không ngừng thương yêu, bảo vệ và chăm sóc đoàn con, nhất là những ai bệnh tật.
“Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”
Khi cha cùng mọi người dựng xây Bệnh xá này, chắc không ai ngờ tiếng thơm của một nơi hẻo lánh nơi đây lại vang xa như hiện nay. Riêng con thì nghĩ rằng vang âm lớn nhất còn dội lại từ bệnh xá này là nơi chữa bệnh VÌ CON NGƯỜI, để mưu cầu hạnh phúc, sức khỏe cho mọi người. Một tấm bảng treo ở Bệnh xá đã vạch ra con đường đó: “ Chăm sóc người bệnh với tình yêu của người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của mình đang bị đau yêu”.
Cha và những anh chị em tín đồ các tôn giáo khác ở đây đã hiệp lòng thương người – chung cái tâm chăm sóc cho tất cả các bệnh nhân.
Xin nhớ đến chúng con, nhất là các anh chị em bệnh nhân và lương y sĩ, khi vào cõi vĩnh hằng, nơi không còn đau đớn và nước mắt, cha nhé!
* * *
Thương chào các lương y, chúng con ra về lòng dạt dào xúc cảm! Sài Gòn - Kênh 7 thật xa về địa lý. Con thấy gì khi tìm đến chốn xa xôi này? Thấy cánh đồng bao la…thấy con đường với đầy kênh rạch ư? Con nhận ra một khối chân tình lớn lao của các thiện nguyện viên, lương y sĩ đầy lòng nhân tại một không gian hẹp so với 300 người có mặt hàng ngày.
Chúa ơi! Chúa đã gọi chúng con là “bạn hữu”. Cảm tạ đã cho chúng con gặp được những người bạn của Chúa tại bệnh xá.
Nguyện cho những người bạn lớn này luôn kiên tâm bước đi trên con đường hẹp, để làm đẹp cho đời, khi phục hồi sức khỏe cho những người ốm đau.
Chúng tôi thực sự cảm phục các bạn, đồng thời tin rằng anh chị em sẽ luôn hạnh phúc, khi cùng nhau làm cho lòng nhân đạo lớn lên trong tim mọi người.
Mong sao "dòng Kênh 7" được thiết lập và tuôn chảy đến khắp nơi trên quê hương, để tình thương được san sẻ đến mọi người. Nhờ đó, ngày càng thêm nhiều người cảm nhận được sự hiện diện và lòng từ ái của một Thiên Chúa là Cha chung của tất cả chúng sinh.
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565