Các tu sĩ chia sẻ về đời sống tu dòng và tính hiệp hành
WHĐ (14.11.2023) – Theo cha Timothy Radcliffe, OP, nguyên Bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh và là một diễn giả, "có lẽ, các dòng tu có điều gì đó để cống hiến cho Giáo hội về nghệ thuật đối thoại".
Là người được Đức Thánh Cha mời giảng khoá tĩnh tâm ba ngày cho các tham dự viên Thượng Hội đồng về hiệp hành trước khi bắt đầu phiên họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng vào ngày mồng 04.10.2023 tại Roma, cha Radcliffe chia sẻ về các kỹ năng giao tiếp của một số vị lãnh đạo dòng tu: “Thánh Biển Đức dạy chúng ta tìm kiếm sự đồng thuận; Thánh Đa Minh thích tranh luận; Thánh Catherine Siena nghiêng về đối thoại; và Thánh Ignatius Loyola nhấn mạnh nghệ thuật phân định”.
Trong khi Giáo hội Công giáo đang trong tiến trình tìm hiểu và minh định về tính hiệp hành, thì cốt lõi của hiệp hành về cơ bản là một tiến trình nói và lắng nghe tích cực tìm kiếm để dung nạp và thu hút nhiều tiếng nói khác nhau khi tranh luận và ra quyết định mang tính tập thể.
Liệu các Dòng tu có “thực hiện” tính hiệp hành theo cách thế mà những thành viên khác của Giáo hội Công giáo có thể học hỏi chăng?
Cha Thomas Petri, OP, giám đốc và giáo sư trợ giảng về thần học luân lý và nghiên cứu mục vụ tại Dominican House of Studies ở Washington DC, Hoa Kỳ nói với trang mạng Our Sunday Visitor News (OSV News) rằng:
Tôi vẫn không hoàn toàn chắc chắn về ý nghĩa của tính hiệp hành. Nhưng nếu hiệp hành có nghĩa là một cuộc đối thoại cùng nhau – và nhìn vào sứ vụ, cũng như những gì Thiên Chúa đồng ý để chúng ta làm và mong muốn chúng ta làm, thì tôi nghĩ rằng rằng đời sống tu trì chắc chắn thực hiện tính hiệp hành, một cách tự nhiên và rõ ràng mà các ơn gọi khác có lẽ không làm được.
Dòng Giảng thuyết (The Order of Preachers) hay thường được gọi là Dòng Đa Minh do Thánh Dominic de Guzmán thành lập tại Pháp và được Đức giáo hoàng Honorius III phê chuẩn vào năm 1216. Với tôn chỉ của mình, Dòng được biết đến với khả năng giảng thuyết và học thuật. Hiện Dòng có hơn 30.000 tu sĩ, linh mục và nữ tu trên toàn thế giới.
Cha Petri giải thích: “Một phần của đời sống tu dòng đó là chúng tôi không hành động một mình nhưng luôn cộng tác với các anh em. Theo dòng lịch sử, cách thức mà tu sĩ Đa Minh trên thế giới cùng nhau phân định và cùng nhau hành động, cũng có nghĩa là luôn đối thoại với nhau".
Chính đời sống và cơ cấu cộng đoàn cũng góp phần vào tính hiệp hành.
Theo cha Petri, “Khi là một tu sĩ, bạn ngồi vào bàn ăn với nhau, dù là ăn trưa hay ăn tối, bạn luôn ăn cùng nhau. Vì vậy, có một nghệ thuật là học để biết cách trò chuyện và thu hút mọi người tại bàn ăn. Nhưng đối với tu sĩ Đa Minh, và có lẽ cũng đúng với hầu hết các tu sĩ, điều quan trọng hơn đó là cũng có những hình thức đối thoại trang trọng, với tư cách là một cộng đoàn”.
Trong Dòng vẫn có các hình thức “hội họp” theo cấp địa phương là cộng đoàn hội, hoặc Tu viện hội; theo cấp tỉnh Dòng là Tỉnh hội; và theo cấp toàn Dòng là Tổng hội. Ví dụ, “Trong Tu viện hội, Bề trên cộng đoàn sẽ đưa ra những vấn đề, những quan ngại hoặc nhận xét, và mọi người sẽ có cơ hội để thảo luận”.
Sơ Gemma Simmonds, giám đốc Viện Đời sống tu trì tại Viện Thần học Margaret Beaufort ở Cambridge, Anh quốc, nói với OSV News rằng: “Hiệp hành không phải là điều gì mới mẻ mà thực sự mang tính truyền thống sâu sắc".
Đề cập đến cuộc quy tụ sớm nhất của các vị lãnh đạo Giáo hội, Sơ Simmonds nêu lên câu hỏi: “Toàn bộ cách tiếp cận hiệp hành này thực sự phù hợp với các truyền thống tâm linh sâu sắc nhất trong Giáo hội. Giáo hội tiên khởi đã tìm ra những việc cần làm tại Công đồng đầu tiên ở Giêrusalem như thế nào?” Trong Cv 15, 1-31, công đồng đầu tiên của Giáo hội được cho là được tổ chức tại Giêrusalem vào khoảng năm 48-50. “Các Tông đồ ngồi xuống và lắng nghe nhau, và sau đó, cùng cầu nguyện dựa trên những gì họ đã nghe”.
Sơ Simmonds thuộc Dòng Chúa Giêsu (The Congregation of Jesus), một dòng quốc tế gồm khoảng 1.400 nữ tu hoạt động và chiêm niệm được thành lập vào năm 1609. Sơ Simmonds là 1 trong số 4 đại biểu tu sĩ được chọn để đối chiếu các câu trả lời khảo sát của Thượng Hội đồng dành cho các dòng tu cả nam lẫn nữ trên toàn thế giới, được đại diện bởi Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam (Union of Superiors General - USG) và Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (International Union of Superiors General- UISG). Bao gồm khoảng 200 dòng nam và 2.000 dòng nữ, tất cả được yêu cầu tổ chức một công nghị nhỏ (mini-synod) và đưa ra một Bản báo cáo.
Sơ Simmonds chia sẻ: “Điều khiến chúng tôi thực sự ngạc nhiên là mức độ đồng thuận trên toàn thế giới (giữa các nữ tu đến từ các châu lục khác nhau). ... Và tôi nghĩ đó là vì đây là những người mà công việc cả đời của họ là lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần”.
Theo Sơ Simmonds, đối với các tu sĩ, lắng nghe là một kỹ năng được tập luyện và rèn giũa qua đời sống cầu nguyện và đời sống cộng đoàn: “Mọi người nói rằng họ biết cách lắng nghe. Nhưng thực tế thì không phải vậy! Hầu hết mọi người - ngay cả khi ở trong nhóm nhỏ - chỉ đang lắng nghe bằng một tai, và họ đang suy nghĩ về câu trả lời của mình".
Trái lại, hiệp hành là lắng nghe với sự chú ý và có chủ ý rõ ràng.
Do đó, với Sơ Simmonds: “Nếu mọi người muốn biết tính hiệp hành là gì, thì trước hết và quan trọng nhất là học lắng nghe theo cách thế thực sự dễ tiếp thu”.
Sơ Mary Grace cầu nguyện tại mộ của Đức Hồng Y John O'Connor, New York, Hoa Kỳ trước khi Sơ và 6 thành viên khác tuyên khấn trọn đời hôm mồng 05. 08. 2023. Dòng the Sisters of Life do ĐHY O'Connor thành lập vào năm 1991. (Hình: OSV News/Gregory A. Shemitz)
Sơ Maria Cimperman thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, và là giáo sư môn đạo đức thần học Công giáo của trường Catholic Theological Union tại Chicago, Hoa Kỳ, đồng thời là giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Đời sống Thánh hiến, nói với OSV News: “Khi nói về tính hiệp hành, đó là một cách thế cùng nhau bước đi - nhưng đó cũng là một cách thế cùng nhau phân định. Thay vì nói: 'Bạn nghĩ chúng ta nên làm gì?’, thì một câu hỏi sâu sắc hơn nhiều đó là: 'Bạn cảm thấy Thánh Thần đang yêu cầu điều gì?'"
Cũng là thành viên trong số 4 đại biểu tu sĩ lượng giá Thượng Hội đồng, Sơ Cimperman giải thích, tính hiệp hành đôi khi cũng có thể là thách thức đối với các tu sĩ. "Trong cộng đoàn, bạn có thể nói, 'Đó là một cuộc đối thoại thực sự khó chịu', hoặc bạn có thể bực dọc với ai đó. Nhưng lời kêu gọi luôn là quay trở lại bàn hội thảo; quay lại với nhau".
Được biết Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu (The Sacred Heart of Jesus) chuyên tâm về việc giáo dục do Thánh Madeleine Sophie Barat thành lập tại Pháp thời hậu Cách mạng vào năm 1800. Hiện nay Dòng có 1.800 nữ tu hoạt động tại 41 quốc gia.
Đối với Cha Ed Tlucek, một linh mục dòng Phanxicô phục vụ 2 giáo xứ ở Wisconsin, và chuẩn bị trở thành cố vấn Tỉnh của Tỉnh Dòng Đức Mẹ Guadalupe, Hoa Kỳ, “Chính trong cuộc đối thoại khi sống với anh em - môi trường cộng đoàn nơi chúng tôi đang sống - mà chúng tôi thường xuyên bị thử thách, vì đó không chỉ để chia sẻ những suy nghĩ nội tâm mà còn phải lắng nghe người khác. Và sau đó, sẵn sàng thay đổi trong cuộc đối thoại".
Nói với OSV News, Cha Tlucek cho biết, mô hình lắng nghe đó rất quan trọng khi cuối cùng 5 tỉnh dòng Phanxicô của Hoa Kỳ trong năm nay đã quyết định sáp nhập thành một Tỉnh dòng mới đó là Tỉnh dòng Đức Mẹ Guadalupe: “Điều này không được thực hiện một cách riêng lẻ, và chắc chắn nó không được thực hiện từ trên xuống. Nhưng đó là từ việc nhận ra ý muốn của Thiên Chúa ở cấp độ căn bản”.
Được Thánh Phanxicô Assisi thành lập tại Ý vào năm 1209, các tu sĩ Phanxicô theo đuổi sự đơn giản của Tin Mừng, đồng cảm sâu xa với người nghèo và quan tâm đến công trình sáng tạo. Hiện nay Dòng có khoảng 35.000 tu sĩ dòng Nhất, 60.000 nữ tu Dòng kín, và 155.000 nam nữ tu sĩ dòng Ba.
Cha Tlucek cảm thấy Dòng của mình có điều gì đó để cống hiến cho Giáo hội ngày nay, thậm chí cho thế giới hiện đại, đặc biệt là khi nói đến truyền thông:
Chúng tôi được kêu gọi sử dụng những kỹ năng mà chúng tôi có với tư cách là tu sĩ Phanxicô và mời gọi giáo dân mà chúng tôi làm việc với, cùng suy xét những khí cụ này trong các cuộc đối thoại của họ; trong kinh nghiệm của họ; và trong sự phân định của họ. Chúng ta càng chia sẻ điều đó nhiều thì giáo hội sẽ càng phong phú hơn. Tất cả chúng ta đều cùng tham gia vào việc này.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: globalsistersreport.org (09.11.2023)
bài liên quan mới nhất
- Thiết lập Phụ Tỉnh Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân tại Việt Nam
-
Thánh lễ Tạ ơn mừng 50 năm sống đời Thánh hiến của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam -
Thánh lễ phong chức Phó tế cho 13 thầy Hội Thừa Sai Việt Nam -
Tu đoàn Chị Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ: Thánh lễ tạ ơn Hồng ân Thánh hiến -
Lưu xá Saint Paul mừng kỷ niệm 25 năm thành lập -
Tiến trình phong chân phước giai đoạn giáo phận cho Cha Arrupe đã hoàn tất -
Thánh lễ Truyền chức Phó tế và Linh mục thuộc Tu đoàn Nhà Chúa -
Ngọn nến Tháng 11 -
Tu đoàn Chị Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi -
Giờ tưởng niệm cha Thánh Phanxicô Assisi lâm chung 03.10.2024
bài liên quan đọc nhiều
- Cung hiến nhà nguyện Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn
-
Có thật là có “quỷ nhập” và “trừ quỷ”? -
Đan viện Cát Minh Sài Gòn: Lễ Thánh Têrêsa Hài đồng & Lễ Thánh Têrêsa Avila -
Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp: Lễ an táng nữ tu Têrêsa Phan Thị Thanh Nhì và nữ tu Maria Trần Thị Kim Chi -
Dòng Thánh Thể - Tỉnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Thánh lễ Truyền Chức Linh mục và Phó tế ngày 02/12/2023 -
Lễ Truyền Chức phó tế và linh mục tại Học viện Phanxicô Thủ Đức -
Tân Giám tỉnh Dòng Salêdiêng Bosco Việt Nam -
Văn phòng Đặc Trách Tu Sĩ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo hướng dẫn cử hành Phụng vụ -
Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán: Thông báo về việc tin giả mạo ngày 4-8-2021 -
Lễ Khánh Thành Nhà dưỡng lão Vị Hoàng: “Yêu thương- Sống khỏe - Sống vui”