Các khoá Dự tu: Họp mặt truyền thống
Sáng ngày 28.9.2009, chúng tôi đến thăm một linh mục ở số 6bis Tôn Đức Thắng, Q1, TP,HCM và bất ngờ được mời tham dự buổi họp mặt truyền thống đầu tiên của bốn khóa dự tu tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM.
Anh em chúng ta có chung một ngôi nhà
Từ lầu ba đi xuống, qua ngổn ngang vôi vữa ximăng của toà nhà TTMV đang được xây dựng tu bổ, chúng tôi gặp ba chủng sinh đang vội vã đi lên. Sau vài câu làm quen, chúng tôi chuyện trò với anh MX, một người đã từng là kỹ sư xây dựng. Gương mặt lớn, tóc xõa không chải, nơi anh đầy ấn tượng của một người từng trải và kinh nghiệm. Quả thật, với 45 tuổi đời, anh là người lớn tuổi nhất trong các chủng sinh. Đứng trước một căn phòng khóa cửa nhìn vào, anh nhìn tôi cười thật hiền rồi chỉ vào hai người bạn:
- Mình lớn như vậy nhưng cứ bị mấy đứa nhỏ này bắt nạt, ăn hiếp hoài.
Một khuôn mặt trẻ măng, mắt sáng môi đỏ, vội vàng đính chính:
- Đâu có, đó chỉ là nhờ vả hoặc xin hướng dẫn điều này điều nọ thôi. Anh MX trước đây làm nhiều tiền lắm đó bác, đôla không hà.
Anh đẹp trai cùng đi liền bảo:
- Anh ấy vui lắm bác ơi!
Thấy bầu khí đã thật thoáng và đầy thoải mái, tôi liền “tranh thủ”:
- Có một câu rất khó hỏi vì nó vô duyên và lãng nhách, nhưng không thể không hỏi, thế anh MX đã có người yêu chưa?
Thật bất ngờ, anh vui vẻ đáp ngay:
- Tôi từng yêu và đã được yêu. Yêu cũng vui và ý nghĩa lắm chứ!
- Vậy tại sao anh lại đi tu?
- Vì đến một lúc nào đó trong đời, tôi bỗng thấy con đường theo Chúa là vui hơn, và cũng chính là con đường vui nhất có ý nghĩa nhất. Và cái lúc nào đó, chính là lúc này đây.
Chuyện trò với các anh thật thú vị. Các anh là những trí thức, hai người chủng sinh đi cùng anh MX cũng đều đã tốt nghiệp đại học, ở những khoa mang tính thời thượng và đang hái ra tiền.
Người ta thường bảo, tứ thập nhi bất hoặc, bốn mươi tuổi không còn nghi nan. Những người “tu muộn” như anh MX luôn có rất nhiều điều đáng để học hỏi.
Cuộc chuyện trò đang tốt đẹp thì được điện thoại của cha mời xuống căntin. Căntin ở ở tầng trệt, phía bên phải là phòng ăn, một căn phòng đơn sơ đã tập họp rất đông người. Chúng tôi được giới thiệu với cha Nguyễn Duy, một nhạc sĩ rất nổi tiếng, từ lâu chỉ nghe tên, hôm nay mới được gặp mặt. Chúng tôi còn được được gặp nhiều vị khác nữa là các cha giáo, cha phụ trách và nhiều vị từ các nơi, hôm nay cũng có mặt trong dịp vui này.
Phòng ăn gồm 9 bàn ăn. Các chủng sinh lần lượt ngồi vào từng bàn chia theo từng nhóm dự tu: khoá 1,2,3 và 4. Tất cả khoảng gần 80 người. Họ đang chờ nhân vật cao nhất của bữa cơm hôm nay, đó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Khảm, giám đốc TTMV.
Không phải chờ đợi lâu, Đức Cha đã xuất hiện với phong cách dung dị và gần gũi vốn có của Ngài. Một tràng phào tay vang lên chào đón. Cha Nguyễn Duy cất hát bài “Anh em chúng ta có chung một mái nhà”. Lời ca tập thể vang lên nhịp nhàng đầy hưng phấn, song cũng không thiếu sự thiêng liêng ấm cúng của những tâm tình tận hiến hôm nay.
Ai đó đã hỏi: “Sao Đức cha không đội mũ?” Đức Cha hồn nhiên trả lời vui vẻ: “Đội mũ lúc này để người ta cười cho à!”
Trong phần ban huấn từ rất ngắn và làm phép của ăn, Đức Cha đã bày tỏ sự hân hoan khi được gặp những chủng sinh của cả bốn khóa. Ngài bảo rằng, đó là niềm mơ ước từ lâu của mình, là làm sao, ít ra một năm cũng phải có được một ngày gặp mặt chung như thế này. Và hôm nay mơ ước ấy đã trở thành hiện thực, cùng với sự hoàn thành nhà ăn của Trung tâm.
Những khuôn mặt rất trẻ của bốn khoá dự tu, hầu hết chỉ trong độ tuổi từ 20 đến ngoài 30, đã làm bữa ăn rộn ràng tươi tắn. Những ánh mắt long lanh. Những nụ cười hiền lành thông tuệ. Những đùa vui đầy ý nhị hồn nhiên.
Lần lượt, các cha đã đến từng bàn chúc vui trò chuyện. Ai cũng dễ dàng cảm thấy Mùa Xuân của Giáo hội đang ở rất gần, rất thật và lúc này, đang diễn ra ở ngay trước mắt với đầy sức sống.
Một ai đó giới thiệu tôi với một tân chủng sinh đang là bác sĩ sản khoa của một bệnh viện lớn. Chưa đầy 30 tuổi và với vẻ mặt thật dễ mến, anh rất ngại nói về mình. Nhưng do các người bạn ngồi bên cạnh trêu chọc, anh cũng nhẹ nhàng kể về lý do tại sao lại bỏ con đường với nhiều tương lai tươi sáng của một bác sĩ, để chọn con đường tu trì đầy thách đố.
Anh bảo, giúp chữa bệnh phần xác là điều rât đáng quý, nhưng giúp xoa dịu tâm hồn nhờ biết Chúa thì đáng quý hơn. Những người biết Chúa hôm nay đang là quá it, và rao giảng Tin Mừng lúc này không thể chỉ là những lời nói xuông. Vì xa rời hoặc vắng bóng Lời Chúa, nên tiêu cực đang xảy ra ở khắp nơi. Trong ngành Y, anh biết rõ các điều ấy hơn ai về ngành của mình.
Anh cũng hiểu rõ những hạn chế phận người, cả những yếu đuối và kém cỏi bản thân, nhưng anh tin vào Chúa ở trên cao và nhất là, nơi mọi người và qua các bề trên của mình.
Viết về một buổi gặp mặt của rất nhiều chủng sinh, mà chỉ nói về gương mặt của một vài người đã từng là kỹ sư bác sĩ thì quả là một thiếu sót lớn. Nhưng thiếu sót ấy có thể sẽ được giảm khinh khi biết rằng, đó là tình trạng tinh thần của chung tất cả.
Bạn cứ lo việc cho Chúa, rồi Chúa sẽ lo việc cho Bạn
Được nhiều người mách bảo, tôi đã tìm đến gia đình của kỹ sư VK ở một giáo xứ vùng Xóm Mới. Nhiều người đã nói với tôi rằng, đó là một “kỹ sư dại dột”, một “kỹ sư không tưởng” của một gia đình “khờ khạo thiếu thực tế.” Với một người cha “ kém khôn ngoan”.
Sở dĩ có nhiều tên gọi tiêu cực về chủng sinh VK như thế, vì hơn 30 tuổi, anh là con trai trưởng của 4 đứa em còn đang đi học. Qua nhiều công trình ở các nơi, anh đang làm ra rất nhiều tiền. Các chủ công trình đầu tư nước ngoài hết sức quý mến và o bế. Đùng một cái, anh quyết định đi tu, nghĩa là, bỏ hết những điều bao nhiêu người vẫn thường mơ ước mà không đạt được. Người ta cho rằng anh đang thả mồi bắt bóng.
Thậm chí, có kẻ còn cho rằng, anh là con người tàn nhẫn, vì đã đang tâm bỏ rơi đàn em cùng với gia đình đang thiếu thốn, trong lúc anh quá dư điều kiện để giúp đỡ cưu mang và phải trả hiếu mẹ cha khi tuổi già xế bóng.
Gia đình nhỏ của VK gồm một người cha đang bị tai biến mạch máu não, cùng bốn người em, và mấy người dì, ở trong một dãy nhà gồm nhiều căn phòng nhỏ chật hẹp, được bao phủ bằng một hàng mắt lưới B 40, bên ngoài là một ruộng rau muống luôn ngập nước.
Cha của VK, luôn nằm như dán người trên chiếc ghế bố kê sát giường. Ông bị tai biến khi VK vừa được nhận vào chủng viện. Mẹ VK đã mất trước đó không lâu. Khi còn sinh tiền, bà là một người phụ nữ hiền thục, tần tảo ngược xuôi nhưng luôn thiết tha tin Chúa.
Dù nằm trên giường bệnh, nhưng ông vẫn luôn cười rất tươi. Ông kể, khi nhận được tin tôi bị bệnh tai biến phải nằm liệt giường, VK tất tả về thăm. Tôi nói với VK: “Con ơi! nếu con ở nhà để lo cho ba và các em, bất quá, con chỉ lo được cho một mình ba với mấy đứa em của con hôm nay mà thôi. Nhưng nếu con dâng mình cho Chúa, thì con sẽ giúp được bao nhiêu người khác.
Còn chuyện lo cho ba và gia đình lúc này ư? Xin con đừng lo gì về điều ấy, vì Chúa không thua lòng quảng đại của bất cứ ai đâu. Con cứ về lo việc của Chúa, rồi Chúa sẽ lo liệu mọi việc khác cho con. Có thể những lo liệu ấy của Chúa không giống như mình tưởng nghĩ, nhưng như thế sẽ được bình an hơn, vì biết rõ, đó là ý Chúa.”
Bên cạnh cuốn Thánh Kinh ông dùng hàng ngày để chiêm niệm và cầu nguyện, ông đưa cho tôi xem cuốn sách: “Quyền năng của những lời cảm tạ”. Ông bảo, tôi luôn cám ơn Chúa về mọi sự, và lạ lắm bác ơi, từ ngày VK vào chủng viện và tôi bị tai biến đến nay, các em của VK làm ăn phát đạt hơn, thuận lợi hơn rất nhiều. Càng lạ lùng hơn nữa, là tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ những nơi không thể ngờ, dù tôi chẳng biết và cũng không yêu cầu hoặc nhờ vả gì về những giúp đỡ ấy.
Như bác thấy đó, lúc này tôi vẫn không thể nói được là dư dả, nhưng VỪA ĐỦ, KHÔNG HỀ THIẾU THỐN CHI. Tôi vẫn đêm ngày tạ ơn về điều ấy, vì biết đó là ý Chúa. Tôi bình an lắm bác ạ!"
Ông tiễn tôi với nụ cười thật tươi. Tạm biệt ba của chủng sinh VK, tôi như được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh, từ niềm tin của một người bệnh, nhưng lại không đau!
Người phu quét lá
Buổi gặp mặt truyền thống của các khoá chủng sinh dự bị đã để lại trong tôi thật nhiều ấn tượng tốt lành. Chúa gọi thì nhiều, nhưng Ngài chọn rất ít, ai cũng biết vậy. Các chủng sinh hôm nay, dù mai đây họ có trở thành linh mục hay không, nhưng với các vốn liếng mà họ nhận được, qua những đào tạo từ chủng viện hôm nay, sẽ là những nền móng vững chắc cho Giáo hội ngày mai.
Ý nghĩ này đã làm tôi liên tưởng đến một đoạn văn như đã thuộc nằm lòng từ gần 20 năm trước của Đức cha Phêrô, xin được trích lại đây thay cho lời kết:
“Người phu quét lá, đang “quét cả nắng chiều, quét cả mùa thu”, nghe có vẻ thơ mộng, nhưng sự thật, người phu đã quét lá, cả trong những ngày mưa dầm gió bấc, và trong những buổi nắng đổ chứa chan. Co ro lạnh buốt và nhễ nhại mồ hôi.
Linh mục, cuộc đời dường như thanh thản quá, nhưng sự thật, linh mục đã và đang làm công việc dọn đường trong mọi trạng huống, mọi hoàn cảnh đời người. Linh mục dọn đường cho anh em, vì muốn anh em trên đường đời an toàn và đến đích điểm bình an.
Linh mục yêu một “người tình không chân dung: Thiên Chúa. Nhưng vì và với tình yêu ấy, linh mục đến với anh em như một người bạn, để chia sẻ với anh em niềm vui nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc trong cõi nhân gian, để rồi, cùng anh em làm một cuộc vượt qua, đến tận bến bờ có hạnh phúc và bình an vĩnh cửu.”
bài liên quan mới nhất
- Đại hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Tân Định mừng lễ Chúa Kitô Vua -
Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024 -
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023