Biết lắng nghe

Jed Harris là một nghệ sĩ người Mỹ rất nổi tiếng. Không biết vì lý do gì làm ông có mặc cảm là mình bị điếc. Harris cho người đi mời một bác sĩ giỏi nhất chuyên về bệnh tai để khám bệnh cho ông. Sau một hồi lâu khám bệnh thật kỹ càng, bác sĩ lấy trong hộp đồ nghề ra một cái đống hồ quả quýt nhỏ bằng vàng. Bác sĩ hỏi:

- Ông có nghe thấy tiếng tích tắc của đồng hồ không ?

Ông Harris trả lời:

- Dĩ nhiên là tôi nghe rõ tiếng kêu tích tắc của nó.

Bác sĩ bước thêm mấy bước ra tới cửa, tay giơ đồng hồ lên và hỏi:

- Ông còn nghe tiếng đồng hồ tích tắc nữa không ?

Ông Harris cầm trí một lúc rồi nói:

- Có, tôi vẫn còn nghe rõ tiếng tích tắc của đồng hồ.

Bác sĩ vẫn cầm đồng hồ trên tay bước ra khỏi cửa vào phòng bên cạnh và quay lại hỏi:

- Bây giờ ông còn nghe thấy gì nữa chăng ?

- Có, tôi vẫn còn có thể nghe tiếng tích tắc của đồng hồ quả quýt vàng nơi tay bác sĩ.

Và bác sĩ mỉm cười kết luận:

- Này ông Harris, thực ra không có vấn đề gì với tai ông cả. Chỉ có vấn đề là ông không muốn nghe mà thôi !

Các bạn thân mến, phải thú nhận là trên thực tế biết bao lần tuy có tai thính, nhưng chúng ta lại không biết nghe. Trong phương pháp giáo dục của Don Bosco, biết lắng nghe là một trong những bí thuật thành công rất hữu hiệu. Don Bosco không mỏi mệt lặp đi lặp lại với các cộng tác viên của ngài:

- Hãy để cho các học sinh được tự nhiên phát biểu tư tưởng của mình. Hãy lắng nghe vã hãy nhường chỗ cho các em được dịp nói, được nói thật nhiều.

Don Bosco quả là tấm gương của người cha biết lắng nghe. Trong sách tiểu sử của ngài có chép: “Mặc dù Don Bosco bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng với trái tim của người cha hiền, ngài luôn sẵn sàng đón nhận trong phòng của ngài tất cả những học sinh nào cần đến nói chuyện hoặc bàn hỏi với ngài về bất cứ điều gì. Don Bosco đối xử cách rất thân mật, cả những khi các học sinh tỏ ra vô lễ hoặc thiếu tế nhị. Ngài tiếp nhận các học sinh với lòng kính trọng cũng như khi tiếp nhận những người có địa vị, cấp cao. Ngài kiên nhẫn và chú ý lắng nghe như là việc quan trọng nhất phải làm trong lúc đó.

Trong đời sống gia đình, đa số các phụ huynh tưởng mình biết lắng nghe con cái, vì là chuyện dĩ nhiên, nhưng thử hỏi có mấy ai thực sự biết chú ý lắng nghe con cái tìm cách hiểu sâu hơn những gì chúng muốn nói ?

Trong trường cải huấn, một thanh niên đã nói với cha mình trước mặt ông bác sĩ tâm lý, muốn tìm cách giải hòa giữa hai cha con:

- Thưa ba, ba có nhận ra rằng, trong suốt 20 năm trường, đây là lần đầu tiên ba thực sự đang lắng nghe con nói ?

Tiếc thay, nhiều khi cha mẹ muốn con cái phải nói đến những vấn đề mà chỉ cha mẹ muốn nghe mà thôi, chứ không phải những gì con cái cần được dịp nói tới. Rốt cục, chỉ là cớ gây nên những chuyện cãi vã, gây tức giận lẫn nhau, đi đến những sự bất đồng ý kiến, không hiểu nhau và làm cho bầu khí gia đình càng thêm căng thẳng.

Một trong những yếu tố cản trở tinh thần đối thoại và thông cảm trong gia đình thường là yếu tố thời gian. Vì công ăn việc làm và mọi thứ lo lắng, cha mẹ không thể dành nhiều thời giờ để lắng nghe con cái. Tuy nhiên, nhiều khi đó chỉ là cớ để chữa lỗi, để xí xóa những thiếu sót. Nhưng có lẽ phải thành thật thú nhận rằng vấn đề sâu xa hơn nữa là tại cha mẹ không muốn hoặc không biết cách lắng nghe.

Có những cha mẹ tránh né việc lắng nghe con cái vì một phản ứng tự nhiên nào đó. Họ không muốn lắng nghe cũng không muốn biết đến những vấn để của con cái để khỏi phải cảm thấy trách nhiệm và những thiếu sót của mình, để khỏi phải bận tâm đến những điều con cái không hài lòng. Có những cha mẹ không muốn lắng nghe con cái để khỏi phải đối phó với sự thật, và như thế có thể làm ngơ trước những tâm tình của con cái.

Về phía con cái, thiếu sự tin tưởng và thân mật đối với cha mẹ cũng là lý do làm cho chúng đóng cữa lòng lại, không muốn nói ra những gì chúng cảm thấy trong tâm hồn. Chúng sợ xấu hổ, sợ bị cha mẹ quở phạt nếu nói hết sự thật, sợ bị hiểu lầm, sợ bị mất tình thương của cha me nếu cha mẹ biết được những tính hư nết xấu, những nhược điểm, hoặc sợ bị cha mẹ nổi giận.

Tinh thần đối thoại và sự cảm thông giữa cha mẹ, con cái đòi hỏi sự lưu tâm chú ý và cũng không ít lòng can đảm. Sau đây là một vài bí quyết huấn luyện tinh thần đối thoại và lắng nghe.

1. Lắng nghe với tất cả sự chú ý. Cần cho con cái và các bạn trẻ cảm thấy rằng họ đang được lắng nghe và những lời nói của họ không qua đi như gió bay, hoặc rơi vào lỗ tai điếc. Lắng nghe với những cử chỉ khích lệ để người nói cảm thấy được nâng đỡ.

2. Chấp nhận những khoảng trống yên lặng. Thuờng thì trong các cuộc đối thoại chúng ta rất sợ và chỉ muốn tranh né những giây phút yên lặng và chỉ muốn lấp đầy khoảng trống ấy bằng những câu nói vô duyên, những lời đề nghị, hoặc nhắn nhủ lạc đề, không đúng chỗ. Trái lại, những giấy phút yên lặng như thế là dịp thuận tiện để suy nghĩ điều mình nghe và cân nhắc lời mình nói.

3. Đừng vội vã nói lên phán đoán của mình, làm như thế là cản trở việc đối thoại, đánh mất sự tin tưởng và đặt người đối thoại trong tư thế tự vệ. Một khi đã mất sự tin tưởng cũng rất khó mà nối lại nhịp cầu thông cảm.

4. Tránh đưa ra những giải pháp rẻ tiền. Kinh nghiệm bản thân cho chúng ta thấy rằng không ai tự nhiên lại thích được người khác chỉ dạy việc mình phải làm, hoặc chấp nhận những người tự cho mình là thông thái, luôn có sẵn đáp số cho mọi vấn đề. Trong việc giáo dục con cái, có những cha mẹ xem ra lúc nào cũng có sẵn trong túi những công thức, và những đáp số cho mọi vấn đề của con cái.

Họ quên rằng con cái phải được dịp học hỏi, cân nhắc, tính toán và sau cùng cảm nghiệm được niềm vui sướng vì đã tự tìm được giải pháp cho các vấn đề khó khăn của mình. Đó là những bước đường đầu tiên giúp rèn luyện tinh thần trách nhiệm, tự lập và tự tin cho con cái sau này.

5. Biết nhìn nhận giá trị của tình cảm. Cảm nghĩ và tình cảm vui buồn, sung sướng, sợ hãi của các bạn trẻ không phải là điều bé nhỏ, có thể bỏ qua, hoặc có thể coi thường. Đó là những cảm tình còn nông nổi, chưa được chủ trị, và vì thế cần được cha mẹ cảm thông và hướng dẫn như người biết giữ giây cương và cầm vững tay lái của người trưởng thành mai ngày.

-----------

Cf * FERRERO Bruno, Per favore, mi ascolti un momento in Genitori Felici con il sistema di Don Bosco , LDC (1997) p. 31 - 33.

* MIHALIC Frank, 1000 Stories You Can Use, Vol. 2, Divine Word Publications (1989) N. 628.

Top