Bí mật của vũ trụ ngày càng lan rộng
Phỏng vấn LM José Gabriel Funes, giám đốc đài thiên văn Vaticăng, về bí mật của vũ trụ, bản đại hòa tấu chưa được biết tới
Chiều ngày 5 tháng 11 vừa qua Đại Hội Khoa Học 2010 đã diễn ra tại Genova, tây bắc Italia, về đề tài ”Vũ trụ lan rộng”. Tham dự và thuyết trình trong đại hội có Linh Mục José Funes, người Argentina, dòng Tên, Giám đốc Đài Thiên Văn Vaticăng.
Cha José Gabriel Funes sinh năm 1963 tại Cordoba, bên Argentina. Năm 1985 Funes đậu tiến sĩ Tinh tú học tại đại học Cordoba. Sau khi gia nhập dòng Tên thầy Funes thụ phong Linh Mục năm 1995, và trong cùng năm đậu tiến sĩ Thần học tại đại học Gregorinana ở Roma. Năm sau đó cha lấy bằng tiến sĩ Triết học tại El Salvador, và năm 2.000 cha lấy bằng tiến sĩ Nghiên cứu tinh tú học tại đại học Padova, bắc Italia. Trong cùng năm cha bắt đầu làm việc trong Đài Thiên Văn Vaticăng và chuyên nghiên cứu về sự chuyển động và năng động của các đĩa ngân hà cũng như sự hình thành của các vì sao. Ngày 19 tháng 8 năm 2006 cha được chỉ định làm Giám đốc Đài Thiên Văn Vaticăng, thay thế cha George Coyne.
Hồi tháng 6 năm 2000, Đài Thiên Văn Vaticăng đã tổ chức một đại hội kéo dài 5 ngày tại đại học Gregoriana ở Roma. Trong số 250 nhà thiên văn tên tuổi toàn thế giới tham dự, Linh Mục José Funes, 37 tuổi, đã là nhà thiên văn trẻ nhất. Đại hội thảo luận về sự hình thành và biến chuyển của các vì sao cũng như nhiều vấn đề khác: từ thuyết Big Bang, tức Vụ nổ khai nguyên vũ trụ cho tới sự hiện hữu của các nền văn hóa ngoài trái đất. Hồi đó cha Funes đã cho biết trong một dải ngân hà có ít nhất là 100 tỷ ngôi sao, có thể có nhiều hành tinh song sinh với trái đất với các sinh vật như con người. Và nếu họ hiện hữu, thì họ cũng là anh em của loài người chúng ta.
Trong các ngày đầu tháng 9 năm 2009, trong bối cảnh Năm Tinh Tú, Hàn Lâm Viện Khoa Học Tòa Thánh và Đài Thiên Văn Vaticăng cũng đã tổ chức một đại hội về Tinh tú học. Mục đích của đại hội là nghiên cứu về khả thể của sự sống thông minh trong vũ trụ, ngoài con người trên trái đất ra. Trong diễn văn khai mạc đại hội Đức Hồng Y Giovanni Lajolo, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh đặc trách Quốc Gia Thành phố Vaticăng kiêm thống đốc, khẳng định rằng: việc nghiên cứu này là một nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự nghiêm chỉnh khoa học chứ không được lẫn lộn với khoa học giả tưởng.
Ngoài ra cha Funes cũng cho biết cho tới nay chúng ta biết có 350 ngôi sao, hay 350 thái dương hệ, có các hành tinh xoay quanh. Và giữa các hành tinh đó có thể có các hành tinh có sinh vật giống như các sinh vật trên trái đất của chúng ta. Và mục đích ngành thiên văn học là tìm kiếm các khả thể sự sống trong vũ trụ, ngoài trái đất. Nhưng chúng ta không có bằng chứng nào về sự hiện hữu của sự sống trong vũ trụ, kể cả các hình thái đơn sơ nhất. Tuy nhiên, các vấn nạn liên quan tới sự hiện diện của sự sống trong vũ trụ, ngoài Trái đất, là các vấn nạn hợp pháp và đáng được chú ý.
Giáo sư Francesco Bertola, thầy dạy của cha Funes tại đại học Padova và cũng là người tổ chức đại hội nói trên, cho biết với ống kính viễn vọng ngày càng mạnh và tinh vi hơn, ngành nghiên cứu tinh tú và vũ trụ học hiện nay đang có những thay đổi rất lớn. Trước đây, các đài thiên văn chỉ có thể quan sát các dải ngân hà cách xa trái đất 1 tỷ năm ánh sáng, nhưng ngày nay có thể quan sát các dải ngân hà cách xa trái đất tới 12 tỷ năm ánh sáng.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn cha José Grabriel Funes, về hiện tượng vũ trụ ngày càng lan rộng.
Hỏi: Thưa cha, trong các năm vừa qua cha đã nghiên cứu về lãnh vực nào trong khoa tinh tú và vũ trụ học?
Đáp: Trong các năm qua tôi đã nghiên cứu về sự hình thành của các vì sao trong các dải ngân hà gần nhất với thái dương hệ của chúng ta.
Hỏi: Cả các vì sao cũng tiếp thục được tạo thành hay sao thưa cha?
Đáp: Vâng, chúng liên tục được tạo thành trong mỗi dải ngân hà, theo các đặc tính riêng của chúng. Chúng ta có thể nói rằng mỗi năm có từ 1 tới 10 ngôi sao mới được thành hình cho đơn vị đám sao. Mỗi dải ngân hà có đám sao của nó tùy theo trọng lượng của khí và bụi mà nó được làm thành.
Hỏi: Làm như thể đó là một cái gì sống động, có đúng thế không thưa cha?
Đáp: Ý niệm về sinh vật không nằm trong bối cảnh này. Điều mà chúng ta có thể nói đó là mỗi một phần riêng biệt của vũ trụ, đều chuyển biến, trong môi trường hạn hẹp của nó và như là một phần của toàn thể. Về khả thể có sự sống liên quan tới vũ trụ ngoài trái đất và hệ thống thái dương hệ, có một ngành đặc biệt của tinh tú học nghiên cứu về lãnh vực này: đó là sinh học tinh tú.
Hỏi: Thưa Cha, sự kiện có các vì sao thành hình và vũ trụ lan rộng có nghĩa là luôn có chất liệu mới được thành hình hay sao?
Đáp: Theo luật vật lý mà chúng ta biết, tổng số của khối lượng và của năng lực hiện hữu không thay đổi, nhưng vẫn luôn luôn như thế. Và từ muôn đời vẫn luôn là như vậy, mà chúng ta có thể biết đựơc một cách khoa học.
Hỏi: Thế chúng ta có thể biết được điều gì thưa cha?
Đáp: Chẳng hạn, chúng ta có thể biết rằng từ tổng khối lượng của vũ trụ, mà chúng ta biết và có thể học hiểu được với các dụng cụ trên bình diện vật lý, nghĩa là chúng ta biết rằng vũ trụ này được làm bằng các nguyên tử, các phân tử, và chúng ta mới chỉ biết được 4% tổng khối lượng của vũ trụ này mà thôi.
Hỏi: Vậy còn tổng số lượng còn lại trong vũ trụ, thì sao?
Đáp: 23% tổng số lượng còn lại đó chúng ta gọi là chất liệu đen tối. Chúng ta không biết nó được làm bằng gì. Điều có thể nói được đó là chúng ta biết sự hiện hữu của nó, vì nó sinh ra trọng lực và chúng ta giả thiết rằng nó bước vào trong việc thành hình các dải ngân hà. Thế rồi còn có 73% năng lực đen tối còn lại, chúng ta không biết nó là gì, nhưng dùng nó để giải thích rằng vũ trụ lan rộng, và sự lan rộng đó xảy ra với một sự chuyển động gia tốc, vì nó ngày càng lan rộng với tốc độ lớn hơn và nhanh hơn.
Hỏi: Thưa cha, điều này có nghĩa là gì?
Đáp: Nó có nghĩa là tất cả mọi vì sao và tất cả mọi dải ngân hà rời xa chúng ta; càng xa chúng lại càng bay với với vận tốc nhanh hơn, theo luật Hubble. Nói cho cùng, mọi sự đều chuyển biến, cả trong dải ngân hà, trong đó có vì sao là thái dương hệ của chúng ta nữa. Chúng ta hiểu được điều này từ các thay đổi ánh sáng, từ cấu tạo hóa học thay đổi, từ sự đồng hình của hệ thống... Các vệ tinh xoay quanh các hành tinh, các hành tinh xoay quanh mặt trời, mặt trời xoay quanh trung tâm dải ngân hà.
Hỏi: Trên thực tế, việc hiểu biết này dùng để làm gì, nó có ích lợi gì không thưa cha?
Đáp: Tôi có thể trả lời rằng nó chẳng dùng cho cái gì cả. Chỉ vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tính tò mò. Con người phải khám phá và hiểu biết các thế giới mới, phải tìm hiểu biết chúng. Và trong môt nghĩa nào đó, điều này khiến cho phẩm chất cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, trong mức độ nó giúp chúng ta ý thức và đặt để chúng ta vào trong trong vũ trụ một cách ngày càng chính xác hơn. Trong vũ trụ mênh mông bát ngát này chúng ta không là gì cả, chúng ta là số không; và ý thức này phải thúc đẩy chúng ta khiêm nhường hơn, cả trong việc sử dụng các tài nguyên nữa. Thế rồi, từ bao đời nay con người vẫn dò xét bầu trời và tìm hiểu các tinh tú đấy chứ.
Hỏi: Vậy, như là người có đức tin, cha đã hiểu được điều gì?
Đáp: Tôi có thể nói là tôi đã hiểu việc tạo dựng vũ trụ hơn. Vẻ đẹp của vũ trụ giúp hiểu biết vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa.
Hỏi: Thưa cha, làm thế nào để hòa giải giữa thuyết Big Bang hay vụ nổ khai nguyên vũ trụ, với sự kiện vũ trụ lan rộng và việc tạo dựng?
Đáp: Trước hết, phải nói rằng thuyết vụ nổ khai nguyên vũ trụ Big Bang là việc giải thích hay nhất mà chúng ta hiện có, nhưng nó không hoàn toàn. Chúng ta đang chờ đợi hiểu nhiều điều khác nữa. Trên bình diện khoa học, chúng ta không biết gì về các giây phút đầu tiên của vũ trụ. Trái lại, từ đức tin chúng ta biết rằng nếu không có Thiên Chúa, thì sẽ không thể nào giải thích được sự hiện hữu của vũ trụ. Đồng thời khoa học không thể trả lời cho câu hỏi chính yếu liên quan tới sự hiện hữu của vũ trụ: đó là tại sao vũ trụ lại hiện hữu, mà không phải là sự hư vô?
Hỏi: Thưa cha, có những khoa học gia như ông Stephen Hawking trả lời rằng vũ trụ tự tạo dựng ra nó. Họ khước từ chấp nhận Thiên Chúa cần thiết cho vũ trụ, và coi siêu hình học là hoàn toàn vô ích. Riêng cha, thì cha nghĩ sao?
Đáp: Đối với những ai có đức tin, Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự. Khoa học gia phải tìm các giải thích trên bình diện tự nhiên. Và thật là không đúng đắn, khi dùng khoa học để trả lời các vấn nạn triết lý và siêu hình, bởi vì người ta hỏi nó điều, mà nó không thể cho. Liên quan tới khoa học gia Hawking, tôi chưa đọc cuốn sách của ông ta. Nhưng có điều chắc chắn đó là chúng ta không thể nghĩ tới Thiên Chúa như nghĩ tới một năng lực, một lực của trọng lượng: đó là một điểm khởi hành sai lạc.
Thiên Chúa ở ngoài các hiểu biết khoa học của chúng ta. Chúng ta không cần Thiên Chúa để giải thích lý do tại sao vũ trụ hiện hữu thay vì là sự hư không. Và vấn nạn này, hay đúng hơn đòi buộc sâu thẳm này của con người không liên quan gì tới khoa học cả.
(Avvenire 5-11-2010)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô