Ban Mục vụ Thánh nhạc Tổng Giáo phận Sài Gòn: Ngày gặp gỡ Thánh Nhạc

Ban Mục vụ Thánh nhạc Tổng Giáo phận Sài Gòn: Ngày gặp gỡ Thánh Nhạc

“Làm sao cho việc ca hát đúng với ý muốn của Hội Thánh, mà ý muốn Hội Thánh địa phương ở Việt Nam được thể hiện qua Hội đồng Giám mục Việt Nam”. Đó là lời Cha Trưởng ban Mục vụ Thánh Nhạc TGP Rôcô Nguyễn Duy trình bày trong Ngày gặp gỡ Thánh nhạc tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn ngày 16/09/2017.

Lúc 8g30 thứ Bảy, ngày 16/09/2017, ngày giỗ Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận 1, TPHCM đã diễn ra Ngày gặp gỡ Thánh Nhạc do linh mục Trưởng ban Mục vụ Thánh Nhạc TGP Rôcô Nguyễn Duy tổ chức.

Buổi gặp gỡ chung với mục đích chia sẻ và đồng hành với văn kiện “HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC” do Ủy ban Thánh Nhạc soạn thảo, đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận cho thử nghiệm trong thời gian 3 năm, kể từ ngày 28/04/2014. Nay văn kiện được chấp thuận cho áp dụng chính thức ngõ hầu thống nhất mục vụ thánh nhạc theo giáo huấn của Giáo Hội.

Trong buổi gặp gỡ có nhạc sĩ Đức Hiệt – thành viên Ban thánh nhạc TGP trong vai trò điều khiển buổi gặp gỡ; Nhạc sĩ Phanxicô – giáo sư Nguyễn Đình Diễn; Nhạc sĩ Minh Tâm – giảng viên Thánh nhạc – Nhạc lý ký xướng âm tại TTMV, Thư ký Ban Thánh nhạc TGP; Nhạc sĩ Anh Tuấn – thành viên Ban Thánh nhạc Sài Gòn, Thư ký biên bản của Ủy ban Thánh nhạc, Giảng viên Thánh nhạc - Nhạc lý ký xướng âm tại TTMV trong vai trò thư ký và linh mục Rôcô Nguyễn Duy chủ tọa.

Trên 200 tham dự viên, gồm: quý linh mục, quý soeur, quý ca trưởng, ca viên và người đệm đàn của các dòng tu, các giáo xứ trong TGP Sài Gòn đến tham dự. Ngoài ra, còn có thầy Rufino OCP, đến từ Mỹ. Thầy cũng có những góp ý rất thiết thực cho việc Mục vụ Thánh nhạc.

Khi bước vào hội trường, Ban Tổ chức gửi cho từng tham dự viên một quyển HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC, hai đĩa CD: Xanh Trời Noel và Kinh Cầu Tình Yêu do linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy biên tập và bài hát NÀY CON ĐÂY do ngài sáng tác để chuẩn bị cho Lễ Truyền chức Tân Giám mục phụ tá thứ hai của TGP TP.HCM: Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng ban Mục vụ Gia đình.   

Để bắt đầu buổi gặp gỡ, nhạc sĩ Đức Hiệt giúp các tham dự viên tập hát bài NÀY CON ĐÂY do linh mục Rôcô sáng tác.

Mở đầu buổi gặp gỡ, linh mục Rôcô có nhắc đến: “Làm sao cho việc ca hát đúng với ý muốn của Hội Thánh, được thể hiện qua Hội đồng Giám mục Việt Nam” (HĐGMVN). Qua đây, linh mục Rôcô cho biết: Kỳ họp HĐGMVN vào tháng 4 năm 2017 vừa qua, văn bản Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc (HDMVTN) đã được phê chuẩn trở thành văn kiện chính thức, áp dụng cho tất cả các cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại, bao gồm: các ca trưởng, ca viên, những người đệm đàn, các linh mục phụ trách, các cộng đoàn giáo xứ, bề trên của các hội dòng, các đoàn thể.

Trong buổi gặp gỡ, linh mục Rôcô có nhắc đến Một số Hướng Dẫn cần lưu tâm về:

1/ Hát Thánh Vịnh Đáp Ca (TVĐC) như thế nào? (Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, Số 144 – 149, trang 57 – 59).

- Do việc dệt nhạc vào TVĐC phải trung thành tuyệt đối với bản dịch đã được chuẩn nhận, nên Ban Thánh nhạc sẽ phổ biến cuốn TVĐC mới, đúng với ý muốn của Hội Thánh. 

- Những lúc tập không kịp, thì đọc TVĐC.

- “Như một quy luật, nên hát Thánh vịnh Đáp ca”. Tốt nhất nên hát TVĐC theo kiểu đối đáp. Người đọc hoặc hát thánh vịnh (người xướng thánh vịnh) xướng các câu thánh vịnh tại giảng đài, đang khi toàn thể cộng đoàn tham dự bằng những câu đáp.

- Người hát TVĐC là người thứ ba (không phải là một trong hai người vừa đọc Bài đọc 1 hay sẽ đọc Bài đọc 2).

- Tại sao người hát TVĐC phải tại giảng đài? Vì TVĐC cũng là Lời Chúa (giáo huấn của Giáo Hội).

2/ Tung hô Tin Mừng như thế nào? (Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, Số 150, trang 59).

- Không cần tập câu Tin Mừng cho cộng đoàn. Chỉ cần một người hát thôi (đứng ở vị trí phù hợp) hay ca đoàn hát thôi: Cộng đoàn chỉ hát Alleluia Alleluia lúc mở đầu – một người hay ca đoàn hát câu Tin Mừng – cộng đoàn hát Alleluia Alleluia kết thúc.

- Hoặc là người vừa xướng Thánh vịnh hát (hoặc đọc) câu Tin Mừng.

3/ Hát Thánh ca theo đối đáp:

- Khi các ca trưởng tập hát cho cộng đoàn trước Thánh lễ, chỉ nên tập câu điệp khúc thôi.

- Đối với câu Tung hô Tin Mừng, thì chỉ tập hát Alleluia thôi. Không tập câu Tin Mừng.

4/ Thinh lặng thánh: (Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, Số 106, trang 45).

- Thinh lặng trong phụng vụ cho phép cộng đoàn suy tư về những gì họ vừa nghe và cảm nghiệm, và mở lòng ra trước mầu nhiệm được cử hành.

- Những lúc thinh lặng thánh trong Thánh lễ: trong nghi thức thống hối và sau lời mời cầu nguyện. Ngoài ra, còn sau Bài đọc 1, sau Bài đọc 2, sau Tin Mừng để giúp mỗi người hồi tâm lại, suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe và sau bài hát hiệp lễ, thì ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng.

5/ Bài Hiệp lễ:

- Bài Hiệp lễ được cất lên ngay khi linh mục cho cộng đoàn rước Mình Thánh Chúa.

- Có nhiều giải pháp để thực hiện tốt việc này: chia đôi ca đoàn lên rước lễ (đối với bài Hiệp lễ quen thuộc), hát ngắn lại để lên rước lễ (đàn tiếp tục đệm cho đến khi hành động phụng vụ của 3chủ tế chấm dứt).

Trong buổi trao đổi, linh mục Rôcô cũng nhắc đến vai trò của linh mục chánh xứ, linh mục phụ trách ca đoàn trong việc áp dụng văn kiện HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC.

Xen kẽ giữa giờ giải lao, có sự góp mặt của ca sĩ Nhật Hạ và Ban hợp xướng Piô X phục vụ các bài Thánh ca: Này Con Đây và Lắng Nghe Lời Chúa do linh mục Rôcô Nguyễn Duy sáng tác, Dâng lên do nhạc sĩ Phạm Liên Hùng và bài Tình Yêu Chúa do nhạc sĩ Tiến Linh sáng tác.

Buổi gặp gỡ kết thúc lúc 11g30. Sau khi linh mục Rôcô ban phép lành, mọi người ra về trong tâm tình hân hoan vì đã nhận thêm nhiều kiến thức về Thánh nhạc.

Vài điều linh mục Rôcô nhắc riêng:

- Đối với bài NGÀY VỀ (thánh vịnh 125) - Lm. Kim Long: còn được áp dụng hát vào các thánh lễ khác, có cùng thánh vịnh 125, chứ không phải chỉ hát cho lễ An táng, như các ca đoàn hay áp dụng.

- Các ca trưởng phải thận trọng khi chọn bài hát trên Internet.

- Trong hai quyển Thánh Ca Việt Nam 1 và 2, đã có những sửa đổi: các giáo xứ nên phổ biến và áp dụng.

- Cho dù không hát chính Bài đọc, thì câu tung hô kết thúc Đó là Lời Chúa nên hát. Rồi cộng đoàn cùng đáp lại Tạ ơn Chúa.

- Trong mỗi Thánh lễ, nên chọn một bài mới thôi, để cho phù hợp với cộng đoàn.

- Không cấm sử dụng các nhạc cụ trong Thánh lễ, vì nhiều loại nhạc cụ khác cũng làm phong phú việc cử hành phụng vụ, như là khí nhạc (sáo, trúc, kèn,…) đàn dây, các bộ gõ. Có thể dùng những nhạc cụ này “tùy theo sự xét định và phê chuẩn của thẩm quyền địa phương… miễn là thích nghi đề sử dụng trong các việc thánh thiêng và thực sự góp phần nâng cao tâm hồn các tín hữu”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top