Bài thuyết trình: "Đối diện với môi trường TP.HCM theo tinh thần Phaolô"

Bài thuyết trình: "Đối diện với môi trường TP.HCM theo tinh thần Phaolô"

WGPSG (28.10.2009) -- Vào lúc 8g30 ngày 28.10.2009 tại Toà Tổng Giám mục đã diễn ra buổi hội thảo "Đối diện với môi trường Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Phaolô" với thuyết trình viên là Cha Phanxicô Vũ Phan Long, OFM. Tại buổi hội thảo, với tâm tình mục tử, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn, các Đức Cha, quý Bề trên dòng, quý Cha Đại Chủng Viện và quý Cha đặc trách mục vụ giáo phận đã cùng trao đổi, góp ý bổ sung, thực hành. Dưới đây là nguyên văn Bài thuyết trình của Cha Phanxicô Vũ Phan Long:

Đối diện với môi trường Thành Phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Phaolô
Bài thuyết trình tại Tòa Tổng Giám mục TPHCM, 28-10-2009


Dưới ánh sáng của tinh thần Phaolô, chúng ta có thể “đọc” và “hiểu” thế nào, và làm gì cho môi trường Thành Phố Hồ Chí Minh? Câu hỏi này có giống chăng với câu hỏi hẳn đã nảy ra trong tâm khảm thánh Phaolô khi đứng trước thế giới Hy-lạp, tức thế giới ngoại giáo mênh mông? Trong Diễn từ cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2008, trong khung cảnh Năm Phaolô, ĐGH Bênêđictô XVI đã tung ra một tiếng gọi khẩn cấp để đương đầu với các hoàn cảnh mới của sứ vụ “ad gentes”: “Năm Phaolô cung cấp cho chúng ta cơ hội làm quen với vị Tông đồ trứ danh ấy, đấng có ơn gọi là công bố Tin Mừng cho Lương Dân, thể theo những gì Đức Chúa đã loan báo cho ngài: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22,21). Làm thế nào mà lại không nắm lấy cơ hội được cống hiến bởi Năm thánh đặc biệt cho các Hội Thánh địa phương, cho các cộng đoàn Kitô hữu và cho các tín hữu từng cá nhân, để phổ biến cho tới những biên giới xa xăm nhất của thế giới lời loan báo Phúc Âm, quyền năng của Thiên Chúa nhằm cứu độ bất cứ ai tin (Rm 1,16)?”

1. Tinh thần truyền giáo của thánh Phaolô

“Thánh Phaolô đối với chúng ta không phải là một gương mặt của quá khứ, mà chúng ta nhắc đến với lòng tôn kính. Ngài cũng là thầy chúng ta, đối với chúng ta là tông đồ và người loan báo Đức Giêsu Kitô”. Nói tóm, thánh Phaolô đã có thể băng qua mọi biên giới tôn giáo và văn hóa mà đưa Tin Mừng hội nhập văn hóa và công bố Tin Mừng tại các “arêôpagô” văn hóa và xã hội học, bởi vì, nhờ ân sủng và ơn gọi, ngài đã biết đón tiếp Chúa Kitô và sống điều này trong sự hiệp thông với các giáo đoàn địa phương, đặc biệt với Nhóm Mười Hai. Chúng ta tự hỏi: Làm thế nào mà thánh tông đồ có thể đi tới một xác tín phải nói là khó tin, khi ngài viết trong thư 2 Cr: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (6,2)? Để khám phá ra được “ngày hôm nay” này, thánh nhân đã phải thực hiện một hành trình không đơn giản. Bởi nếu có người nào, về phương diện con người, ít được chuẩn bị nhất để trở thành Kitô hữu và tông đồ của Chúa Kitô, người ấy hẳn phải là Saolô, một Pharisêu trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, hết sức thù ghét các Kitô hữu (x. Pl 3,5-6; Cv 22,4; 26,9-11).

a) Đối với thánh Phaolô, truyền giáo là một vấn đề tình yêu

Khởi đi từ cuộc gặp gỡ có sức biến đổi với Chúa Kitô phục sinh trên đường Đamát (“thấy Đức Kitô”: 1 Cr 9,1), thánh Phaolô đáp trả bằng một tình yêu chung thủy bền chặt (x. Gl 2,20b). Quả thật, đối với ngài, “tình yêu Đức Kitô – tình yêu của Đức Kitô đối với ngài, và tình yêu của ngài đối với Đức Kitô – thôi thúc” (2 Cr 5,14) ngài say mê dấn thân. Không có thách đố nào, một arêôpagô nào có thể tách ngài khỏi tình yêu của Đức Kitô (x. Rm 8,35-39; 14,8; 2 Cr 11,24-29), bởi vì sức mạnh của ngài nằm nơi Đức Kitô phục sinh và Lời hằng sống của Người. Thánh Phaolô tận tụy loan báo Tin Mừng trong tình yêu (Gl 2,20b), bởi vì tất cả những gì không giúp yêu mến Đức Kitô hoặc làm cho Đức Kitô được yêu mến thì đều là “thiệt thòi” (Pl 3,7). Ngài thấy mình vừa là “tôi tớ” vừa là “tông đồ” (Rm 1,1; Ep 1,1; Cl 1,23), “người mắc nợ” Tin Mừng (1 Cr 9,16; 2 Cr 11,7).

Chúng ta cần những tông đồ say mê Chúa Kitô, như thánh Phaolô, liên tục gặp gỡ Chúa Kitô và gặp gỡ anh chị em. Chúng ta cần những nhà thừa sai và mục tử xác tín mình “mắc nợ” Tin Mừng, để ra sức đáp trả, trả nợ chứ không phải là thi ân giáng phúc! Khi đó, các tông đồ ra đi mà loan báo một Tin Mừng toàn vẹn (Tài liệu: arêôpagô 1, “Loan báo Tin Mừng toàn vạn bằng chứng tá đời sống”), đó là về một Đấng đang sống, Đức Giêsu Kitô.

b) Làm chứng về niềm hy vọng

Tin Mừng về ơn cứu độ thánh Phaolô loan báo là một Tin Mừng về niềm hy vọng, khiến mọi người cảm thấy niềm vui sâu xa: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). Niềm hy vọng này có một tên, “Đức Kitô Giêsu” (1 Tm 1,1). Chính vì thế, ngài luôn sẵn sàng ra đi để nêu một chứng từ cụ thể và trọng yếu: “Chúng ta/tôi đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa hằng sống” (1 Tm 4,10; x. 2 Tm 1,1). Ngài đã khẳng định: “không có Đấng Kitô, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này” (Ep 2,12).

Chúng ta cần những chứng nhân say mê Chúa Kitô để có thể làm chứng về niềm hy vọng chân thật (Tài liệu: arêôpagô 9, “Niềm hy vọng”).

c) Tôn trọng và hòa mình với mọi người

Tôn trọng những ân ban của mỗi dân tộc (x. 1 Tx 5,21), đặc biệt các di sản văn hóa và tôn giáo của họ: có những điểm giống nhau và khác nhau. Nếu sống vào ngày hôm nay, hẳn thánh tông đồ vẫn nói: “Tôi mắc nợ người Hy-lạp cũng như người man di, người thông thái cũng như người dốt nát” (Rm 1,14) và “Tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người… Tôi đã trở nên yếu với người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả chomọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9,19.22).

Chúng ta cần những tông đồ, khi dấn thân vào sứ vụ “ad gentes”, biết tôn trọng di sản văn hóa, di sản tinh thần của mọi tầng lớp dân chúng, trân trọng từng con người. Đây là chỗ cần quan tâm đến hiện tượng “toàn cầu hóa” với nét tích cực và tiêu cực (Tài liệu: arêôpagô 2, “Toàn cầu hóa”).

d) Xây dựng các cộng đồng Hội Thánh trong sự hiệp thông

Trong khi gắn bó với Chúa Kitô và Tin Mừng, thánh Phaolô đã tìm cách thiết lập những tế bào sống động (= các cộng đoàn mới) trong một phần lớn Đế quốc, dọc theo các hành trình truyền giáo của ngài, với một số cộng sự viên thân tín, rồi thăm viếng và thông tin cho mỗi cộng đoàn biết sự phát triển của các cộng đoàn khác. Bằng cách đó, ngài tạo nên một ý thức Hội Thánh về sự hiệp thông và truyền giáo. Ngài cũng vun đắp cho sự hiệp thông giữa các giáo đoàn và Hội Thánh-Mẹ Giêrusalem, đặc biệt qua việc lạc quyên để giúp người nghèo (x. Rm 15,27). Ngài làm tất cả các công việc đó với một thái độ khiêm nhường, kenosis, tực sự khiêm nhường và phục vụ nhưng-không và quảng đại, vì xác tín rằng việc truyền giáo bén rễ trong sự nhận biết khiêm nhường, trong sự tin tưởng và trong tình yêu đới với Chúa Kitô (x. 2 Cr 5,14; Rm 8,35).

Chúng ta cần những nhà thừa sai có cái nhìn cởi mở và toàn diện, chứ không cục bộ. Các vị này cần biết tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội và có khả năng đối thoại liên tôn và liên văn hóa (Tài liệu: arêôpagô 3, 7 và 8, “Truyền thông xã hội, đối thoại liên tôn và liên văn hóa”).

e) Cái giá phải trả: đau khổ do bị nghi ngờ về tư cách và bị bách hại, trăn trở về các giáo đoàn

Thư 1 Tx cho ta nghe ra những lời người ta ví ngài với giới triết gia khuyển nho, lang thang nay đây mai đó, thô lỗ và bần tiện, làm ăn bằng cách bán các sứ điệp (1 Tx 2,2-6). Thư 1 Cr cho ta nghe ra được là các quyền tông đồ của ngài bị đặt thành vấn đề (1 Cr 9,15-18.19-23). Thư 2 Cr cho thấy ngài đấu tranh chống lại những kẻ bôi bác tư cách của ngài (2 Cr 11,23-27). Thư Pl chứng tỏ ngài đang bị chèn ép vì những kẻ ghen tị (Pl 1,15). Chúng ta cũng nghe ra các lo toan trăn trở của ngài cho các giáo đoàn (x. 1 Tx 3,3; 2 Cr 11,28-29; Gl 4,14-20; Rm 14,1-4.13-21 …). Cộng vào đó, là những đau khổ do chính bản thân yếu đuối của ngài (Rm 7,14.20-24; 2 Cr 4,7; 12,1-10 …).

Chúng ta cần những nhà truyền giáo có lý tưởng nhưng cũng rất thực tế, biết chấp nhận bị bách hại dưới nhiều dạng (Tài liệu: arêôpagô 18, “Bách hại và tử đạo”).

2. Arêôpagô ở Athêna: Áp dụng tinh thần truyền giáo của thánh Phaolô

a) Arêôpagô thời thánh Phaolô

Athêna của Hy-lạp lúc đó là trung tâm lịch sử, văn hóa và triết học của thế giới cổ xưa. Tại đây, Kitô giáo đối diện trực tiếp với việc tôn thờ ngẫu thần ngoại giáo, triết học Hy-lạp và sự tò mò trí thức. Đây là thế giới duy vật, nhưng cũng giữ một quan hệ với thế giới vô hình: Đền thờ cho Thần vô danh. Dường như chẳng ai là duy vật và vô thần hoàn toàn?

Tại Arêôpagô (Hl: Areios pagos: “quả đồi của thần chiến tranh Arès”, phía tây bắc Athêna. Arêôpagô là tên một quả đồi, rồi sau này chỉ nơi và chính đại hội các nhà trí thức, các triết gia Hy-lạp), thánh Phaolô đã cảm thấy bị thôi thúc, bị “thách thức”, trình bày Tin Mừng cứu độ cho thế giới Hy-lạp này, một thế giới vừa rất trí thức vừa quờ quạng trong hướng phải theo. Ngài đã trình bày một bài diễn từ chuẩn bị kỹ lưỡng (Cv 17,22b-31), một bài giáo lý phù hợp với hoàn cảnh, tham chiếu rõ ràng (Cv 17,28), với ngôn ngữ thích hợp và hiểu được (RM 37). Thế nhưng ngài đã vấp phải thái độ dửng dưng của các thính giả, nên đã thất bại. Dù vậy nhạy cảm truyền giáo và cách ứng xử của ngài rất gợi ý cho chúng ta.

b) Arêôpagô ngày nay: Trách nhiệm của chúng ta

Nhận dạng ra và nêu lên các “arêôpagô mới” (= các cánh đồng Phúc Âm hóa mới, ở bên kia các biên cương của đức tin; các hoàn cảnh mới của sứ vụ “ad gentes”) là một bổn phận phải chu toàn hầu thực hiện được “bài sai truyền giáo”.

Đặc điểm của một “arêôpagô” đã được Đức Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (1975) giới thiệu với những điểm mấu chốt như sau: “Đối với Hội Thánh, vấn đề không phải chỉ là rao giảng Phúc Âm trong những mảnh đất địa dư ngày càng rộng lớn hơn hoặc cho những dân tộc ngày càng đông đảo hơn, nhưng cũng là đạt tới và như là đảo lộn bằng sức mạnh của Tin Mừng các tiêu chuẩn phê phán, các giá trị quyết định, các điểm thu hút chú ý, các chiều hướng suy tư, các nguồn gợi hứng và các điển hình sống của nhân loại, đang mâu thuẫn với Lời Chúa và kế hoạch cứu độ” (EN 19) .

Trong một chiều hướng tương tự, Đức Gioan-Phaolô II đã viết trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu chuộc (RM 1990): “Thiên Chúa mở ra cho Hội Thánh những chân trời của một nhân loại sẵn sàng hơn với việc đón nhận hạt giống Tin Mừng” (RM 3).

“Arêôpagô” là “các môi trường mới trong đó người ta phải công bố Tin Mừng” (RM 37). Và Đức Gioan-Phaolô II kể ra các “arêôpagô” của thời đại chúng ta: “thế giới truyền thông” hoặc các “phương tiện truyền thông” trong một thế giới từ nay đã trở thành một “ngôi làng lớn”, “phúc âm hóa nền văn hóa hiện đại” hoặc “nền văn hóa mới”, “các quyền của con người và của các dân tộc, nhất là các quyền của các người thiểu số”, “thăng tiến phụ nữ và trẻ em”, “bảo toàn tạo thành”, “các quan hệ quốc tế” (RM 37). Xem các “thách đố” trong TMA (1994) ss. 36-38.

Muốn vậy, “đà lao mới mẻ về sứ vụ ad gentes đòi hỏi có các nhà thừa sai thánh thiện. Không đủ nếu chỉ canh tân các phương pháp mục vụ, hoặc tổ chức tốt hơn và phối hợp tốt hơn các lực lượng của Hội Thánh, hoặc thăm dò tinh tế hơn các nền tảng Kinh Thánh và thần học của đức tin: phải làm dấy lên một “đà lao thánh thiện” mới nơi các nhà thừa sai và trong toàn thể cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt nơi những người là cộng sự viên gần gũi nhất của các nhà thừa sai” (RM 90). Tông thư Novo Millennio Ineunte (2001) thì mời trở thành những “chứng nhân tình yêu” để có thể đương đầu với các thánh đố hiện tại (ss. 42-47)

Nói tóm, có thể gọi một “arêôpagô mới” là một “lãnh vực văn hóa và xã hội học mới của việc phúc âm hóa”, hay là “vấn đề phải quan tâm”, hay “một thách đố”. Cũng có thể nghĩ đến các dấu chỉ thời đại” (= “thời điềm”).

3. Đối diện với môi trường TPHCM

Đôi khi chúng ta than thở về tình trạng sa sút khủng khiếp của thời đại chúng ta về phương diện luân lý. Tuy nhiên, khi đọc các Thư Phaolô, chúng ta nhận ra khung cảnh đáng buồn thánh tông đồ đã phác ra như là khung cảnh hoạt động của ngài: những con người buông theo dục vọng, sống trong ô nhơ; những con người chạy theo đam mê tủi hổ, theo lối phán đoán lệch lạc tới độ thực hiện những hành vi vô luân; nhưng con người sống theo khuynh hướng bất công, gian ác, tham lam, quỷ quyệt, chỉ toàn nghĩ đến ghen tị, giết chóc, cãi cọ, gian trá, tội lỗi; những con người thích bôi nhọ, nói xấu kẻ khác, thù nghịch với Thiên Chúa, phỉ báng, kiêu ngạo, huyênh hoang, hướng về điều dữ, phản loạn chống lại cha mẹ, điên cuồng, thiếu chân thật, không biết xót thương (x. Rm 1,24.26-31). Cái thế giới ngọai giáo này, thánh Phaolô phải giựt khỏi lưới giăng của thuyết duy vật, khỏi lối sống theo dục vọng, ích kỷ, và đưa quay trở về với Đạo giáo của Đấng chịu đóng đinh, với nền luân lý khắc khổ của Bài giảng trên núi, về với đức ái không tìm tư lợi, biết tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả (x. 1 Cr 13,4.7). Hơn nữa, trong thế giới Do-thái, còn có sự tương phản nổi bật giữa tính cách tuyệt vời của Lề Luật được Thiên Chúa ban và lối sống đáng trách của một số lớn; giữa mạc khải được ban cho cha ông và nền giáo huấn được đề nghị trong các trường lớp của các kinh sư; và có một dân tộc bị chia rẽ giữa các phe phái đấu tranh với nhau thật hung tợn, bị thúc đẩy hoặc do bởi một khuynh hướng ái quốc, hoặc một khuynh hướng tìm thỏa hiệp với nhà cầm quyền Rôma.

Những đặc điểm đó có khác với những đặc điểm của môi trường TPHCM chăng?

a) Lãnh vực các ơn gọi trong chiều kích truyền giáo (Tài liệu: arêôpagô 12, “Chiều kích truyền giáo của các ơn gọi”)

Đây là lãnh vực có thể cấp bách nhất và là thách đố lớn nhất: giúp sống ơn gọi Kitô hữu và các ơn gọi chuyên biệt (giáo dân, tu sĩ, linh mục) trong chiều kích truyền giáo. Thánh Phaolô rất quan tâm đến điểm này (x. Ep 5,21tt; Cl 3,5–4,1). Muốn vậy, điều đầu tiên là mỗi người phải sống ơn gọi như là “một lời đáp trả tích cực chấp nhận dự phóng của Thiên Chúa trên mỗi người và cộng tác với dự phóng này; một lời đáp biết đón tiếp sáng kiến yêu thương của Chúa và trở thành một đòi hỏi luân lý bắt dấn thân, một sự tôn vinh dành cho Thiên Chúa và một sự cộng tác tròn đầy vào chương trình Người theo đuổi trong lịch sử” . Chúng ta phải giúp nhau thực hiện:

   - Ơn gọi Giáo dân. Ơn gọi này là tháp nhập vào trong các cơ cấu xã hội, mỗi người thể theo các trách nhiệm riêng phải chu toàn trong thế hiệp thông với Hội Thánh (GS 43; AA 38, 43.).

   - Ơn gọi Tu sĩ. Sống Tin Mừng triệt để theo đoàn sủng để làm chứng về sự thánh thiện: “Đời sống thánh hiến là một ký ức sống động của cách sống và hành động của Đức Giêsu như là Ngôi Lời nhập thể trong tương quan với Cha người và với anh chị em Người” (VC 1, 22; x. PC).

   - Ơn gọi Linh mục. Linh mục là dấu chỉ nổi bật về vị Mục Tử nhân hậu. “Ân huệ thiêng liêng mà các linh mục đã nhận được dịp chịu chức chuẩn bị họ, không phải cho một sứ vụ giới hạn, nhưng cho một sứ vụ cứu độ có tầm mức vũ hoàn, “cho tới tận cùng trái đất” (Cv 1,8); quả thật, “thừa tác vụ linh mục tham dự vào các chiều kích phổ quát của sứ vụ được Chúa Kitô giao phó cho các tông đồ” (PO 10; PDV).

   - Phụ nữ. Đức Giêsu kính trọng các phụ nữ và cũng gọi họ đi theo Người (Mulieris dignitatem) và giao cho họ sứ mạng (MD 16). “Người đàn ông là vị Tông đồ cảm thấy có nhu cầu vận dụng điều theo bản tính là thuộc phái nữ để diễn tả chân lý của việc tông đồ của mình” (MD 22).
Khi giúp mỗi thành phần dân Chúa sống ơn gọi riêng, lại cần lưu ý đến hai điểm:

(1) Lãnh vực “Tân phúc âm hóa” (Tài liệu: arêôpagô 17)

Đây là một tiếng gọi hãy có lòng nhiệt thành trở lại của các tông đồ, để áp dụng những phương pháp và các cách diễn tả mới, miễn là nội dung Tin Mừng được giữ nguyên vẹn.

Trong Thông điệp RM, Đức Gioan-Phaolô nói đến việc “tái phúc âm hóa” (RM 33). Đây là các hoạt động khác nhau nhằm giúp cho các thành viên trong Hội Thánh sống Tin Mừng cách sống động hơn. Đây là những họat động cần thiết, đặc biệt trong các xứ Kitô giáo lâu đời, nhưng cũng liên hệ đến các Hội Thánh trẻ hơn, trong đó, có những nhóm người đã được rửa tội đã đánh mất cảm thức về đức tin, hoặc không còn nhìn nhận mình như là thành viên của Hội Thánh nữa, vì họ sống một cuộc sống không phải là Kitô hữu” (RM 33; x. Pl 4,4-9).

Vào thời đại hôm nay, Hội Thánh nói đến việc “Tân phúc âm hóa”. Các hoạt động “tân phúc âm hóa” vẫn có thể được thực hiện trong các xứ Kitô giáo lâu đời, nhưng được đặc biệt áp dụng cho các lãnh vực truyền giáo mới (các arêôpagô mới). Khi đó, chúng ta cần vận dụng cho sâu sắc và thông minh hai phương cách, là chứng tá đời sống và đối thoại liên tôn (Tài liệu: arêôpagô 7, “Đối thoại liên tôn”). Trong giáo xứ, hẳn là nên vận dụng các hội đoàn, các nhóm Kinh Thánh và cầu nguyện, các cuộc hành hương, các phong trào tông đồ… để vừa làm công việc “tái phúc âm hóa” vừa làm công việc “tân phúc âm hóa”, cả hai cách “phúc âm hóa” này đều nhắm làm chứng về niềm hy vọng ta có nơi Đức Giêsu Kitô (Tài liệu: arêôpagô 9, “Niềm hy vọng”).

Khi dấn thân trong các hành trình truyền giáo, thánh Phaolô vừa làm công việc “tân phúc âm hóa”, tức là đưa Tin Mừng đến cho những nơi chưa biết Chúa Kitô, vừa làm công việc “tái phúc âm hóa”, nghĩa là giúp các giáo đoàn ngài đã thành lập sống đời sống đạo sâu sắc hơn.

(2) Lãnh vực HT bị bách hại và tử đạo (hiên ngang làm chứng - Tài liệu: arêôpagô 18, “Bách hại và tử đạo”)

Vấn đề không phải là có mặc cảm bị bách hại, nhưng là biết đương đầu với mọi tình huống trong một tinh thần đức tin, đức cậy không lay chuyển với một khả năng thực sự biết yêu thương, hiến mạng sống và tha thứ (Pl 2,12-15).

Cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo với các nền văn hóa và các tôn giáo không thể nào không trong một thái độ “hư vô hóa” bằng khiêm nhường và thập giá, vì vâng theo giới răn yêu thương (x. Ga 13,35). Đây là kenosis của Chúa Kitô (x. Pl 2,6tt), là điều thánh Phaolô đã sống và đã giúp các giáo đoàn cũng như các cộng sự viên của ngài sống

b) Lãnh vực giới trẻ công giáo (Tài liệu: arêôpagô 10, “Giới trẻ”)

Những người trẻ, tương lai của chúng ta, dễ “bị khủng hoảng về niềm hy vọng, do sống trong những bối cảnh xã hội văn hóa không có những xác tín, những giá trị và những quy chiếu chắc chắn”, và lại “phải đương đầu với những khó khăn dường như vượt quá sức lực họ” .

Làm sao trong tôn giáo họ có thể gặp Chúa Kitô như một người bạn, không ai thay thế được (Vấn đề giáo lý): Phải giới thiệu cho họ “Chúa Kitô, người hùng đích thực, khiêm tốn và khôn ngoan, vị ngôn sứ của chân lý và của tình yêu, người bạn đồng hành và bằng hữu của người trẻ” ; cần giáo dục cho có một đức tin trưởng thành, hầu tránh rơi vào các “giáo phái” và “xu hướng cuồng tín” (Tài liệu: arêôpagô 6, “Các giáo phái”).

Cần tận dụng những biến động văn hóa xã hội để giúp người trẻ tái khám phá ra các giá trị chân thực của Tin Mừng, và đưa Tin Mừng đến cho bạn bè: “Làm thế nào chuyển sứ điệp của Chúa Kitô đến những người trẻ không phải là Kitô hữu, tương lai của các lục địa?” (RM 37). Nếu dấn thân như vậy, “họ sẽ có trước mắt một đời sống hấp dẫn; họ sẽ biết được niềm hạnh phúc chân thật là được loan báo Tin Mừng cho những anh chị em họ sẽ lôi kéo trên còn đường đi tới ơn cứu độ” (RM 80).

TPHCM đầy những người trẻ và trẻ em. Người trẻ đầy nhiệt thành; nhưng cũng có vài điểm yếu: nghe mà không nghe gì; không nói hết ý mình muốn; thiếu sự thẳng thắn…. Cần gặp gỡ đối nhân; phải giúp đỡ họ có khi một chút về tài chánh, để họ có thêm giờ mà sống sứ mạng người trẻ Kitô hữu. Các trẻ em là những con người yếu đuối nhất, nên rất cần được quan tâm.Hiện đang có một tệ đoan: các em bé bị chăn dắt vào nghề ăn xin…

c) Lãnh vực gia đình (Tài liệu: arêôpagô 15, “Gia đình”)

Đây là arêôpagô có nhiều bấp bênh nhất. Là tế bào căn bản của xã hội, gia đình được kêu gọi làm cộng đoàn truyền giáo đầu tiên. “Tương lai của thế giới và Hội Thánh đi qua gia đình”.

Để gia đình sống được chiều kích truyền giáo, “các cha mẹ phải dùng lời nói và gương sáng làm những người đầu tiên giúp con cái biết đức tin và phải trau dồi ơn gọi cho mỗi đứa con, đặc biệt ơn gọi thánh” (LG 11). “Gia đình có ơn gọi loan báo, cử hành và phục vụ Tin Mừng sự sống” (Evangelium vitae 92). “Gia đình có sứ mạng trở thành ngày một hơn điều nó là, tức là cộng đồng sự sống và tình yêu” (FC 17).

Tại TPHCM, những vấn đề ly dị, phá thai, đời sống gia đình bấp bênh (do vợ chồng không gặp nhau vì đi làm; cha mẹ con cái không gặp nhau…). Những lời thánh Phaolô khuyên để ý đến từng thành phần trong gia đình khiến chúng ta cần có một chương trình chăm sóc mục vụ vừa bao quát vừa chi tiết.

d) Lãnh vực giáo dục (Tài liệu: arêôpagô 16, “Giáo dục”)

Lãnh vực này nằm khá xa tầm vói của chúng ta. Thế mà giáo dục là để làm ra con người và phát triển con người toàn diện: vấn đề người trẻ, truyền thông xã hội (Tài liệu: arêôpagô 3, “Truyền thông xã hội”) và lãnh vực văn hóa xã hội (Tài liệu: arêôpagô 8, “Đối thoại liên văn hóa”).

Tại TPHCM, dường như chúng ta không thể làm được bao nhiêu trong lãnh vực giáo dục? Mở nhà trẻ? Chúng ta bổ sung và giúp cha mẹ bổ sung vào nền giáo dục ở nhà trường thế nào? Một TP quá sức xô bồ và hỗn độn: chạy xe không nhường nhau, căng thẳng, chạy trên lề đường; không biết nói lời “cám ơn” và “xin lỗi”; lương tâm dường như đang bị tê liệt dần (buôn gian bán đắt; vấn đề vệ sinh lương thực (không chỉ là vấn để của các con buôn); giết người cướp của dễ dàng…); vấn đề tôn trọng môi trường (không biết xử lý rác rưới; xả rác bừa bãi; phóng uế tự do); lấy đất của nông dân để làm sân golf...

Vấn đề huấn giáo? Phải chăng chỉ là thủ tục: cho rước lễ lần đầu, cho thêm sức, cho làm lễ cưới? Chúng ta giúp những người học gặp Chúa Kitô thế nào? Chúng ta giáo dục lương tâm giáo dân thế nào? Mầu nhiệm cứu độ có một chiều kích toàn diện. Về lịch sử, Hội Thánh vẫn coi “lịch sử (và ý nghĩa của lịch sử) là như một arêôpagô phải phúc âm hóa”.

e) Lãnh vực các Hội Thánh địa phương: trở thành thừa sai (Tài liệu: arêôpagô 11, “Hội Thánh địa phương truyền giáo”)

Làm thế nào để các Hội Thánh địa phương (giáo phận, giáo hạt; giáo xứ) có thể đương đầu một cách thích ứng và hữu hiệu, bằng những phương tiện riêng, với các tình huống khác nhau và với nhiều thách đố? Tuy nhiên, “Hội Thánh của Thiên Chúa” không chỉ là một tổng số các Hội Thánh địa phương, nhưng các Hội Thánh địa phương là sự thể hiện Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa, Hội Thánh này đi trước các Hội Thánh địa phương trong đó Hội Thánh của Thiên Chúa tự diễn tả ra và tự thể hiện” . “Hội Thánh địa phương, trong khi buộc phải diễn tả cách hoàn hảo tối đa Hội Thánh toàn cầu, phải biết rõ ràng rằng mình cũng đã được sai đến với những người không tin vào Chúa Kitô mà đang sống với mình trên cùng một miền đất, để nhờ chứng tá đời sống của mỗi tín hữu và của cả cộng đoàn, trở nên một dấu chỉ cho họ thấy Chúa Kitô” (RM 20).

Tại TPHCM: Phải chăng chúng ta quan tâm xây dựng đời sống nội bộ hơn là mở ra với người ngoại chung quanh? Như thế, an toàn hơn? Và cũng đơn giản hơn? Chúng ta thiếu nhân sự tông đồ? Phải chăng do không đánh giá tình trạng thực tế của mỗi địa phương: cứ nghĩ tới nhân sự của nơi khác, chứ không tận dụng người tại chỗ và đào tạo. Thế mà mỗi Hội Thánh địa phương phải vững mạnh để đương đầu được với các tình huống văn hóa và xã hội học riêng của mình, và phải dùng người tại chỗ, dù vẫn không đánh mất chiều kích hiệp thông phổ quát. Chúng ta có chính sách nào trong việc xây dựng và nuôi dưỡng nhân sự (cán bộ)?

g) Lãnh vực những người nghèo mới (Tài liệu: arêôpagô 3, “Truyền thông xã hội” và 14, “Bệnh nhân”)

Sứ mạng Kitô giáo luôn luôn là một sứ mạng nhằm phục vụ những người nghèo và người giàu không phân biệt: giải thoát người nghèo khỏi tình trạng bần cùng và áp bức, để có thể sống đúng nhân phẩm của họ; giúp người có của biết chia sẻ với người khác (x. Cv 4,32). Tuy nhiên, đức ái luôn buộc “chọn lựa ưu tiên đối với người nghèo” (NMI 49). Đức Giêsu đã đến vì người nghèo (Lc 4,18; x. Is 61,1). Cần một sự trợ giúp thiêng liêng đặc biệt tạo nên bởi sự gần gũi huynh đệ và lắng nghe. Giúp phúc âm hóa các bệnh nhân và giúp các bệnh nhân truyền giáo.

“Chứng tá Tin Mừng mà thế giới nhạy cảm với nhất là chứng tá về sự chú ý đến những con người và về lòng bác ái đối với những người nghèo, những người nhỏ bé và những người đau khổ” (RM 42). “Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa ở trong thế giới. Trong gia đình này, không một ai lại phải chịu đau khổ vì thiếu những gì cần thiết. Đồng thời, đức ái-agapê vượt quá các biên giới của Hội Thánh; dụ ngôn người Samari nhân hậu vẫn là một tiêu chí đo lường, buộc phải có tình yêu thương phổ quát đối với người nghèo gặp “tình cờ”, dù họ là ai” (Deus Caritas est, 25).

Trong TPHCM, hiện có những dạng người nghèo mới nào? – Người di cư (Tài liệu: arêôpagô 4, “Di dân”); vô gia cư; đĩ điếm; người bệnh SIDA; các bệnh viện quá tải: Các phòng khám Công giáo đang làm được gì? …

h) Lãnh vực môi trường sống (Tài liệu: arêpagô 5, “Văn hóa hậu hiện đại”)

Môi trường sống của TPHCM đang bị “ô nhiễm” trầm trọng: ô nhiễm bụi và khói, ô nhiễm tiếng động, rác rưới do dân cư quá đông và xô bồ (hơn 7 triệu). Nhưng đây lại là một môi trường nhanh nhạy với các tiến bộ kỹ thuật. Chúng ta phải làm gì để đưa lại ánh sáng cho tình trạng này? Phải làm gì để các thọ tạo của Thiên Chúa được tôn trọng và giúp phát triển đúng mức? Chúng ta nghĩ đến tâm trạng của thánh Phaolô khi đứng trước thế giới ngoại giáo, để rồi viết ra những câu mô tả tình trạng sa đọa nặng nề của loài người trong Thư Rôma (x. Rm 1,18-32).


Kết luận

Đã “được” Đức Kitô chinh phục (x. Pl 3,12) vào ngày đáng ghi nhớ ấy trên đường đi Đamát, thánh Phaolô chẳng còn một lý tưởng nào khác, một khát vọng nào khác, ngoài việc bằng mọi cách chinh phục tối đa người ta, Dân ngoại cũng như Do-thái, về cho Chúa Kitô. Đó chính là động lực mạnh mẽ nhất đã thôi thúc ngài đi hoạt động tới độ không biết mệt mỏi. Đó cũng phải là động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc Giáo Hội và chúng ta hôm nay, khi đứng trước những vấn đề và những trách nhiệm không khác những vấn đề và trách nhiệm đã đè nặng trên vai thánh tông đồ ngày xưa.

Chúng ta ước mong có những tâm tình của thánh Phaolô, thật ra là những tâm tình của Đức Kitô Giêsu (x. Pl 2,5; “chạnh lòng thương”, Mt 15,32) khi đứng trước đám đông đói khát niềm hy vọng (x. Ga 7,37), để truyền đạt Tin Mừng và giúp anh chị em chúng ta truyền đạt Tin Mừng cho nhau. Lấy dung mạo thánh Phaolô làm mẫu mực, chúng ta hiểu rõ hơn rằng “loan báo Tin Mừng, trước tiên chính là làm chứng, cách đơn giản và trực tiếp, về vị Thiên Chúa, được Đức Giêsu Kitô mạc khải, trong Chúa Thánh Thần” (x. EN 26).

Nhưng với thánh tông đồ, chúng ta cần có óc thực tế: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10; 13,4). Mãi mãi đời tông đồ là một kinh nghiệm sâu sắc về cặp song đối: sự yếu đuối của con người và quyền năng của Thiên Chúa.


Lm FX Vũ Phan Long, OFM

------------------------------------------------------
Ghi chú:

1) Thuật ngữ “Tài liệu” trong bài thuyết trình: Xin quy chiếu về Saint Paul et les nouveaux Aréopages, « Instrumentum Laboris », Plénière de la Congrégation pour l’Évangélisation des Peuples (16-18 novembre 2009). Ủy Ban LBTM của Giáo phận đã dịch dưới nhan đề Thánh Phaolô và những “Mặt bằng truyền giáo” mới.
2) Tên các Văn kiện của Huấn quyền, dù gọi đủ tên hay viết tắt, chúng tôi giữ nguyên kiểu gọi trong ngôn ngữ gốc, để quý độc giả dễ tham khảo theo « Tài liệu » trên.
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top