Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin của Giáo hội Việt Nam
WGPSG -- Kính thưa Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện của Đức Thánh Cha tại Việt Nam
- Kính thưa Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam,
- Kính thưa Đức hồng y, quý Đức Tổng, quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và toàn thể cộng đoàn hiện diện,
Nếu dùng ngôn ngữ phổ biến của thời hiện đại, chúng ta có thể nói Thánh lễ hôm nay mang tính chất “ba trong một”. Trong một thánh lễ, chúng ta cử hành ba biến cố:
– Cùng với Hội đồng Giám mục Việt nam, trong tình hiệp thông với Đức Thánh Cha khai mạc Năm Đức Tin.
– Cùng với Đức giám mục và giáo phận Thanh Hóa cử hành lễ Tạ ơn trong Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập giáo phận.
– Chia sẻ niềm vui với gia đình giáo phận Thanh Hóa nhân dịp khánh thành Trung tâm Mục vụ.
Cả ba sự kiện này đều được liên kết với nhau để hướng tới một mục đích duy nhất, đó là đức tin.
Quả vậy, để thúc đẩy công cuộc loan báo Tin Mừng và thông truyền đức tin tại miền Bắc Việt Nam mà Tòa Thánh đã quyết định thành lập giáo phận Thanh Hóa, tách ra từ giáo phận Phát Diệm, ngày 7-5-1932.
Với mục đích huấn luyện và giúp các tín hữu tăng trưởng trong đức tin mà Đức cha Thanh Hóa và cả giáo phận đã nỗ lực cố gắng để xây cất Trung tâm Mục vụ. Đây là một công trình có tầm cỡ, như muốn diễn tả sức bật mạnh mẽ của giáo phận.
Và, một cách đặc biệt, trong tình hiệp thông sâu sắc với Đức Thánh Cha và với Giáo hội hoàn vũ, Hội đồng Giám mục Việt Nam đang tổ chức Hội nghị thường niên lần II tại Thanh Hóa, long trọng khai mạc Năm Đức Tin, với sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Đại diện Đức Thánh Cha, cùng với Đức hồng y, quý Đức Tổng và quý Đức cha thành viên của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Kính thưa Cộng đoàn,
Năm Đức Tin là một sáng kiến của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Mục đích của Năm Đức Tin – như Đức Thánh Cha nói – là nhằm “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức Tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng” (Trích Tự sắc Porta Fidei, số 9).
Trước một thực tại thế giới được đánh dấu bằng một loạt các cơn khủng hoảng trong nhiều lãnh vực như kinh tế, văn hóa, gia đình và luân lý, Đức Thánh Cha đã khẳng định: nguyên nhân sâu xa của các cơn khủng hoảng này là do khủng hoảng đức tin. Ngài đã viết: “…Chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa, một sự mất ý thức tôn giáo là điều tiêu biểu cho một trong những thách thức lớn nhất đối với Giáo Hội ngày nay”. Theo Đức Thánh Cha, hơn bao giờ hết, con người cần có Thiên Chúa. Nếu không có Thiên Chúa, trần gian sẽ biến thành hỏa ngục. “Sự chối bỏ Thiên Chúa đưa tới sự sa đọa con người và nhân loại” (Phát biểu tại Assisi nhân ngày cầu nguyện cho hòa bình 27-10-2011).
Đối với các tín hữu công giáo, Năm Đức Tin là một cơ hội để chúng ta nhìn lại cách sống và thực hành đức tin của mỗi người. Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố những hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin. Hội đồng Giám mục Việt Nam trong những ngày Hội nghị vừa qua cũng đề ra những chỉ dẫn và gợi ý để Dân Chúa tại Việt Nam thực hành lời mời gọi của Đức Thánh Cha.
Dựa trên giáo huấn của Đức Thánh Cha và định hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong ngày Khai mạc trọng thể này, chúng ta cùng suy tư về những việc cụ thể cần thực hiện trong Năm Đức Tin. Xin được đề nghị ba gợi ý: Năm Đức Tin nhắc nhở mỗi chúng ta củng cố Đức tin, sống Đức tin và thông truyền Đức tin.
– Trước hết, Năm Đức Tin là dịp để chúng ta củng cố đức tin nơi cá nhân mỗi người. Đức Giêsu trong dụ ngôn “người gieo giống” đã nhắc đến các loại đất khác nhau: đất bên vệ đường, đất nhiều sỏi đá, đất giữa bụi gai và đất màu mỡ. Qua dụ ngôn này, Người kêu mời chúng ta hãy là mảnh đất tốt, để đón nhận hạt giống Lời Chúa, nhờ đó mà hạt giống được gieo “lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm”. (Mc 4,8). Người tín hữu khi lắng nghe Lời Chúa phải để cho Lời ấy sinh hoa kết trái, thấm đượm và làm cho cuộc đời mình trở nên tốt lành hơn. Đức tin là ân ban của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận khi được Thanh tẩy. Nhưng để Đức tin lớn lên trong ta, thì cần có nỗ lực cố gắng của bản thân. Tin vào Chúa không phải là một mớ những công thức hay lý thuyết suông, nhưng là cuộc gặp gỡ với một Đấng, một Con Người. Đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta để mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha. Cuộc gặp gỡ ấy giúp chúng ta mở ra một chân trời mới, xác định một hướng đi dứt khoát cho mình. Mối thân tình với Chúa cần phải được hun nóng mỗi ngày nhờ tâm tình cầu nguyện và những cố gắng nên thánh. Chính nhờ việc sống đức tin một cách sâu xa mà mỗi chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Nhờ có đức tin vững vàng, chúng ta có thể đứng vững trước những thử thách và phong ba bão táp của cuộc đời.
– Năm Đức Tin cũng là dịp để mỗi người “duyệt lại cách sống đức tin” của mình. Đức tin vào Chúa phải là một động lực thúc đẩy và hướng dẫn mọi hoạt động của người tín hữu, chi phối trọn vẹn tư tưởng, lời nói và việc làm của họ. Nơi một số tín hữu, Đức tin bị giới hạn trong nhà thờ và trong một số nghi thức phụng vụ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã nhiều lần phê phán những người Biệt phái và Luật sĩ. Người kết án họ là “giả hình”, vì giữa đời sống và việc làm của họ có một khoảng cách xa vời. Thánh Giacôbê đã viết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Mỗi tín hữu được mời gọi chứng minh Đức tin của mình bằng lòng nhân ái, vị tha, bằng sự nhiệt thành dấn thân cộng tác xây dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp. Đức tin cũng mời gọi chúng ta đến với anh chị em, mặc dù còn nhiều dị biệt về tôn giáo, văn hóa hay phong tục tập quán.
Trong xã hội Việt Nam hôm nay, bên cạnh những tiến triển khả quan đáng mừng, vẫn còn đó một tình trạng đáng lo ngại: những vụ việc chém giết, cướp bóc, lừa lọc ngày càng gia tăng. Những vấn đề như phá thai, ly dị, tội phạm nơi vị thành niên ngày càng nghiêm trọng. Tiếc rằng, những vụ việc trên đôi khi cũng xảy ra nơi người công giáo. Trong một xã hội nhiều tiêu cực như thế, thay vì lên án phê bình, người công giáo chúng ta hãy tự hỏi: tôi có thể làm gì để bớt đi những tội ác và tệ nạn trong xã hội? Vâng, đất nước và xã hội Việt Nam hôm nay rất cần đến những chứng nhân của Đức Giêsu, Đấng đã đến để kêu gọi con người sống yêu thương và bác ái, công bằng và bao dung. Người tín hữu, khi đón nhận Giáo huấn của Chúa Giêsu phải đem áp dụng trong cuộc sống, trong mối tương quan cụ thể với những người xung quanh mình.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã đưa ra những gợi ý rất cụ thể. Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát công chính, biết xót thương người, sống trong sạch, xây dựng hòa bình và sẵn sàng đau khổ vì sống công chính. Chúa hứa cho họ những phần thưởng đời này cũng như đời sau, nhất là phần thưởng Nước Trời. Đây chính là những gợi ý thực hành cho chúng ta trong Năm Đức Tin này. Mỗi người tùy hoàn cảnh và khả năng có thể thực hiện được những mối phúc trong giáo huấn của Chúa.
– Sau cùng, Năm Đức Tin nhắc nhở chúng ta hãy nhiệt thành chia sẻ niềm vui đức tin cho những người xung quanh, tức là cố gắng nỗ lực truyền giáo. Sứ mạng truyền giáo đã được nhấn mạnh trong suốt Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Trong Tự sắc về Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: “Ngày nay cần có một sự dấn thân xác tín hơn nữa của Giáo Hội, thực hiện công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng để tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại sự hăng say thông truyền đức tin” (Tự sắc Porta Fidei, số 7). Trong những ngày này, tại Roma, đang diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục thế giới do chính Đức Thánh Cha chủ tọa. Với đề tài “Tân Phúc âm hóa nhằm thông truyền Đức tin Kitô giáo”. Thượng Hội đồng muốn nhắc lại cho chúng ta bổn phận quan trọng của Giáo Hội, cũng là của mỗi tín hữu, là sống và làm cho Lời Chúa được thấm đượm nơi mọi môi trường xã hội. Sứ mạng truyền giáo nhắc chúng ta xây dựng mối liên hệ thân thiện với những anh chị em không cùng tôn giáo, trong tinh thần đối thoại tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau dấn thân xây dựng quê hương, hướng tới một tương lai tốt đẹp của đất nước và dân tộc. Đại Lễ khai mạc Năm Đức Tin của Giáo Hội công giáo Việt Nam được tổ chức tại Thanh Hóa mang một ý nghĩa đặc biệt: tại mảnh đất này, cách đây 385 năm, tức là năm 1627, Cha Đắc Lộ và các nhà truyền giáo đã đặt những bước chân đầu tiên lên bến Cửa Bạng, khởi đầu công cuộc truyền giáo tại miền Bắc. Dù có nhiều khó khăn lúc ban đầu, công cuộc truyền giáo đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Dấu chân các nhà truyền giáo còn in nơi mảnh đất này. Tinh thần Cửa Bạng thúc bách chúng ta hãy tiếp nối bước chân các Thừa sai và các bậc Tiền nhân, nhiệt thành đem Tin Mừng cứu độ cho mọi người.
Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,
Cử hành Năm Đức Tin bằng những cố gắng nỗ lực để gặp Chúa và loan truyền Chúa cho mọi người. Đây cũng là cách tiếp nối những gì chúng ta đã đề ra trong Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, với thao thức diễn tả một cách sinh động hình ảnh Giáo Hội Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ.
Hôm nay, khi cùng với giáo phận Thanh Hóa nhìn lại 80 năm lịch sử, chúng ta cùng vang lên lời ca ngợi: “Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng, người gieo ơn Cứu độ”. Tiếp nối bước chân của cha Đắc Lộ và các nhà truyền giáo, biết bao bước chân đã lên đường dấn thân để sống và loan báo Tin Mừng, trong số đó có nhiều người đã chấp nhận đổ máu đào, hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Giáo phận Thanh Hóa đã chờ đợi từng giờ biến cố hồng phúc này. Những chuẩn bị rất công phu và chu đáo cho ngày lễ tạ ơn hôm nay đã diễn tả sự hiệp nhất, là “di sản ngàn đời” của giáo phận, đồng thời thể hiện tâm tình mến yêu đối với Giáo hội, cụ thể là Đức Tổng giám mục đại diện Đức Thánh Cha và Hội đồng Giám mục Việt Nam. Công trình Trung tâm Mục vụ được hoàn thành vào dịp này, như bằng chứng cho sức mạnh đức tin và lòng nhiệt thành của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận.
Cánh cửa của Năm Đức Tin được mở ra từ hôm nay cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cùng với việc mở cửa Năm Đức Tin, chúng ta được chứng kiến một nghi thức rất cảm động và mang tính tượng trưng sâu sắc: những chùm bóng bay muôn màu muôn sắc vươn lên trời cao, mang theo logo của Năm Đức Tin và tên của 26 giáo phận cùng với cộng đoàn Công giáo Việt Nam hải ngoại. Qua hình ảnh đẹp này, chúng ta mong ước cho Giáo hội Việt Nam luôn vươn cao vươn xa, thăng tiến phát triển về mọi mặt, nhất là về đức tin. Xin cho các tín hữu công giáo Việt Nam nhiệt thành dấn thân, đem Đạo vào đời, góp phần làm thăng tiến con người, gắn bó với Dân tộc và Quê hương thân yêu của chúng ta.
Chúng ta đang tôn vinh Đức Mẹ một cách đặc biệt trong tháng Mân Côi. Mẹ là mẫu mực Đức tin. Xin Mẹ dạy chúng ta kiên trung trong đức tin, vững vàng trong đức cậy và trọn vẹn trong đức mến, để chúng ta xứng đáng là những môn đệ trung tín của Chúa Giêsu. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tại sao người Công giáo cúi đầu mỗi khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu
-
Những ngày cuối cùng của Năm Đức Tin -
Những cái lắc tay dễ thương – Cảm nhận sau khi tham dự buổi Cử hành Năm Đức Tin của anh chị em khiếm thị và khiếm thính -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 48. Trân trọng sự sống -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 47. Hôm nay và mãi mãi -
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 46. Bí tích Hôn phối -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 45. Thừa tác vụ linh mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 44. Thừa tác vụ giám mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 43. Bí tích Truyền chức thánh -
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 42. Bí tích Xức dầu bệnh nhân
bài liên quan đọc nhiều
- Tại sao người Công giáo cúi đầu mỗi khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu
-
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 25. Thiên Chúa thật và người thật -
Giáo lý Thánh Kinh: Bài 7 - Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 31. Thánh lễ là hy tế -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 27. Ân sủng của bí tích Thêm sức -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 40. Ăn năn tội và xưng tội -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 28. Bí tích của các bí tích -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 45. Thừa tác vụ linh mục -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 17. Xác và Hồn -
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 24. Ân sủng của bí tích Rửa tội