Bài giảng Thánh lễ cầu nguyện cho quý Đức cha và quý Cha đã từng phục vụ giáo phận mà nay đã qua đời
THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN
CHO QUÝ ĐỨC CHA VÀ QUÝ CHA ĐÃ QUA ĐỜI
(Kh 21,1-8; Cv 20,19-24.28-32; Mt 25,31-46)
Cha Tổng Đại diện và quý cha thân mến,
1. Hôm nay, tôi đến đây để cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn các vị Giám mục và Linh mục thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn của chúng ta. Đây là một cử chỉ biểu lộ lòng biết ơn của Giáo phận đối với những tiền nhân đã hết mình phục vụ Giáo hội Chúa Kitô tại Sài Gòn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho quý Đức cha (Đức cha Cassaigne, Đức cha Simon Hòa Hiền, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đức cha Phanxicô Trần Thanh Khâm, Đức cha Lu-y Phạm Văn Nẫm), và tất cả các cha đã qua đời.
2. Mọi người, trong đó có các anh em thuộc hàng Giám mục và Linh mục đã qua đời đều phải đối diện với “cuộc phán xét cuối cùng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, được Phúc Âm Mátthêu mô tả cách sống động. Chúa Kitô phán xét chúng ta dựa trên điều cốt yếu nhất, trên điều răn mới của Người: yêu mến anh em như Người yêu mến. Tình yêu mà Chúa dạy ta phát xuất từ Thiên Chúa: “Như Chúa Cha yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em” (Ga 15,9). Đức bác ái thể hiện dưới rất nhiều góc độ: tâm tình, tư tưởng, lời nói, việc làm, và cả những điều thiếu sót. Những điều thiếu sót thường thì rất nhiều: không cho kẻ đói ăn, không cho kẻ khát uống, không tiếp rước khách đỗ nhờ, không cho kẻ rách rưới mặc, không thăm viếng…
3. Chúng ta thường có thói quen nghĩ rằng: vi phạm chính điều luật thì quan trọng, còn thiếu sót thì không quan trọng mấy. Nhưng dựa trên bài Phúc Âm hôm nay, đó là một ý nghĩ sai, vì nó phát xuất từ sự hờ hững của chúng ta đối với tha nhân. Thái độ hờ hững là một thái độ rất tiêu cực, phản ảnh sự thiếu quan tâm đến người khác, sự ích kỷ chỉ quy về bản thân. Nó không phản ảnh chút nào bản chất của Thiên Chúa là “Tình Thương”. Nó là tâm trạng phổ biến trong thế giới hôm nay. Trong xã hội ngày nay, hầu như không có chỗ đứng cho Tình Thương và cho “Thiên Chúa là Tình Thương”.
4. Chính Tình yêu mà Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho ta (x. Rm 5,5), làm cho ta không còn thái độ dửng dưng nữa. Không những vậy, mà còn biến tâm tình yêu thương của chúng ta thành hành động: cho ăn, cho uống, tiếp rước, cho mặc, thăm viếng… Và mỗi lần hành động như thế là làm cho chính Chúa Kitô.
Hãy cầu nguyện thật nhiều cho các Giám mục và Linh mục đã ra đi trước chúng ta, xin Chúa thương xót và tha thứ cho những thiếu sót của họ.
5. Sách Khải huyền dạy chúng ta phải tin tưởng có “Trời mới Đất mới” (Kh 21,1), vì chính Thiên Chúa ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). “Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4), vì Chúa Kitô Phục Sinh đã chiến thắng sự chết, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Và cũng không làm chủ được chúng ta nữa, vì Chúa chúng ta là Khởi Nguyên và là Cùng Tận, Ngài là Alpha và là Ômêga, là Đấng Hằng Sống, là Nguồn Nước Trường Sinh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh em chúng ta đã qua đời, được hưởng Mặt Chúa. Chắc chắn Chúa lắng nghe lời cầu nguyện trong đức tin và lòng mến của chúng ta.
6. Trong bài đọc trích sách Công vụ Tông đồ, Thánh Phaolô mô tả về cuộc đời Tông đồ của ngài, đầy những gian nan thử thách, nhưng cũng đầy tràn Tình yêu dành cho Chúa Kitô, cho Toàn thể Dân Chúa, gồm cả Do thái và Dân ngoại. Phaolô hoàn toàn để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dù xiềng xích và gian truân luôn chờ đợi ngài. Ngài coi mạng sống của mình chẳng là gì, miễn sao chu toàn trách nhiệm mà Chúa Giêsu đã trao phó, là làm chứng cho Tin Mừng về Ân sủng của Thiên Chúa: “Tất cả đều là hồng ân!” Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Chúa Thánh Thần đã đặt chúng ta làm người coi sóc (Cv 20,28). Chúng ta lưu ý tới phần rỗi của mình bằng cách tận tình chăm sóc cho phần rỗi của đoàn chiên. Hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã mua bằng máu của chính mình.
7. Chúng ta liên đới với những anh em đã qua đời trong mầu nhiệm “các Thánh thông công”: chúng ta còn lữ thứ trần gian đầy những thử thách, nhưng cũng đầy những an ủi của Chúa Thánh Thần, các anh em Linh mục đã ra đi mà nay đang hưởng Mặt Chúa, các anh em đã qua đời mà nay còn phải thanh tẩy trong luyện ngục như ý của Thiên Chúa. Theo Giáo lý Gông giáo, vì còn lữ thứ, chúng ta còn có thể lập công phúc và nhường lại cho anh em đã qua đời, chúng ta hãy cử hành Thánh lễ để cầu nguyện cho họ. Trong tháng các đẳng linh hồn, hãy vì bác ái và tinh thần khó nghèo mà cầu nguyện cho những anh em Linh mục mà ít người xin lễ, dù không có bổng lễ.
Xin Chúa chúc lành cho anh em.
Nhà thờ Chí Hoà, ngày 05 tháng 11 năm 2014
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023