Bài giảng của ĐHY Giovanni Battista Re trong Thánh lễ An táng Đức Giáo hoàng Phanxicô
TGPSG / Vatican News – Bài giảng của Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn trong Thánh lễ An táng Đức Giáo hoàng Phanxicô vào sáng Thứ Bảy, ngày 26.4.2025 tại thềm Đền Thờ Thánh Phêrô.
Trong quảng trường Thánh Phêrô uy nghiêm này, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần cử hành Thánh lễ và chủ sự các cuộc gặp gỡ trong suốt 12 năm qua, giờ đây chúng ta quây quần cầu nguyện bên thi hài của ngài, với lòng đau buồn nhưng được nâng đỡ bởi niềm tin vững chắc vào sự sống đời sau. Đức tin này đảm bảo với chúng ta rằng đời người không kết thúc ở nơi phần mộ, nhưng trong Nhà Cha trên trời, nơi hạnh phúc vĩnh cửu không bao giờ tàn lụi.
Nhân danh Hồng y đoàn, tôi xin chào và chân thành cảm ơn sự hiện diện của tất cả quý vị. Với tấm lòng trân trọng, tôi xin gửi lời chào mừng và lời tri ân sâu sắc đến các nguyên thủ quốc gia, các thủ tướng, các phái đoàn chính thức từ nhiều quốc gia đã đến đây để bày tỏ tình yêu thương, lòng tôn kính và sự ngưỡng mộ đối với vị Giáo hoàng đã rời xa chúng ta.
Những biểu hiện tình cảm và sự đồng hành dạt dào trong những ngày qua, kể từ khi ngài về với Chúa, cho thấy triều đại giáo hoàng sâu sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô đã chạm đến trí óc và con tim của chúng ta.
Hình ảnh cuối cùng của ngài sẽ mãi khắc ghi trong mắt và tim chúng ta: vào Chúa nhật Phục sinh vừa qua, dù sức khỏe suy yếu, Đức Thánh Cha vẫn muốn ban phép lành từ ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, rồi ngài xuống quảng trường trên chiếc xe mui trần để chào đám đông tín hữu trong lễ Phục sinh.
Giờ đây, qua lời cầu nguyện, chúng ta muốn phó thác linh hồn vị Giáo hoàng kính yêu của chúng ta cho Chúa, để Người ban cho ngài hạnh phúc vĩnh cửu trong ánh sáng và vinh quang của tình yêu bao la.
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay soi sáng và dẫn dắt chúng ta, khi Chúa Kitô hỏi vị Tông đồ trưởng rằng: "Phêrô, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?" Và Phêrô đã đáp lại một cách chân thành: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy." Chúa Giêsu đã trao cho ngài sứ mạng cao cả: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy." Đây là nhiệm vụ trường tồn của Phêrô và các vị kế vị, một sứ vụ yêu thương theo gương của Thầy Chí Thánh, Đấng đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người. (Mc 10,45)
Dù những ngày cuối yếu và đau, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn con đường dâng hiến đến hơi thở cuối cùng. Ngài đã bước theo chân Chúa, như một vị mục tử nhân lành, Đấng yêu thương đoàn chiên đến nỗi hy sinh mạng sống. Ngài đã làm điều đó với sức mạnh và bình an, gần gũi với đoàn chiên là Giáo hội của Chúa, ghi nhớ lời Chúa Giêsu được Thánh Phaolô trích dẫn: "Cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20,35)
Khi Hồng y Bergoglio được Mật nghị bầu làm Giáo hoàng kế vị Đức Bênêđictô XVI vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài đã có nhiều năm sống đời tu sĩ trong Dòng Tên và nhất là được hun đúc bởi 21 năm mục vụ tại Tổng Giáo phận Buenos Aires, với các vai trò Giám mục phụ tá, Giám mục phó, và sau đó là Tổng Giám mục.
Việc ngài chọn danh hiệu Phanxicô ngay lập tức thể hiện một chương trình và phong cách ngài muốn định hình cho triều đại giáo hoàng của mình, lấy cảm hứng từ tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi.
Ngài giữ nguyên cá tính và phong cách lãnh đạo mục tử của mình, đồng thời khẳng định mạnh mẽ phong cách điều hành Giáo hội. Ngài thiết lập mối liên hệ trực tiếp với từng con người và từng cộng đồng, luôn mong muốn gần gũi với mọi người, đặc biệt là những người gặp khó khăn. Ngài đã không ngừng dấn thân cho những người nghèo nhất, những người bị gạt sang bên lề xã hội. Ngài là một vị Giáo hoàng giữa lòng dân chúng, với trái tim rộng mở. Ngài cũng là một vị Giáo hoàng nhạy bén trước những điều mới mẻ trong xã hội và những gì Chúa Thánh Thần khơi dậy trong Giáo hội.
Với ngôn ngữ đặc trưng giàu hình ảnh và ẩn dụ, ngài luôn tìm cách chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng vào những vấn đề của thời đại, đưa ra câu trả lời dưới lăng kính đức tin và khích lệ các tín hữu sống niềm tin giữa những thách thức và nghịch lý của thời đại đang chuyển mìnhm mà ngài thường gọi là "thay đổi thời đại."
Ngài có sự giản dị và cách tiếp cận gần gũi với tất cả mọi người, kể cả những người xa rời Giáo hội.
Giàu lòng nhân ái và thấu cảm sâu xa những bi kịch của thời đại. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực sự chia sẻ những âu lo, những đau khổ và hy vọng của thời toàn cầu hóa. Ngài dành trọn cuộc đời mình để an ủi và khích lệ bằng một sứ điệp có khả năng chạm đến trái tim con người cách trực tiếp và mạnh mẽ.
Ơn đặc sủng chào đón và lắng nghe, cùng với phong cách ứng xử phù hợp với nhịp sống hiện đại, đã chạm đến biết bao con tim, khơi dậy những năng lực tinh thần và đạo đức.
Ưu tiên của ngài là loan báo Tin Mừng với dấu ấn truyền giáo rõ nét, lan tỏa niềm vui Phúc Âm — chính là tựa đề của Tông huấn đầu tiên Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng). Một niềm vui tràn đầy tin tưởng và hy vọng cho những ai phó thác nơi Chúa.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt sứ vụ của ngài là niềm xác tín rằng Giáo hội là ngôi nhà của mọi người, một ngôi nhà luôn mở cửa. Ngài thường ví Giáo hội như “bệnh viện dã chiến” sau trận chiến, nơi có nhiều người bị thương. Một Giáo hội quyết tâm chăm sóc những vấn đề của con người, những nỗi đau làm rạn nứt thế giới hôm nay. Một Giáo hội biết cúi xuống trên mỗi người, bất kể tín ngưỡng hay hoàn cảnh, để chữa lành các vết thương.
Vô số những cử chỉ và lời kêu gọi của ngài dành cho những người tị nạn và di dân. Ngài cũng không ngừng nhấn mạnh việc hành động vì người nghèo.
Thật ý nghĩa khi chuyến tông du đầu tiên của ngài là đến Lampedusa, hòn đảo biểu tượng cho bi kịch di cư với hàng ngàn người chết đuối trên biển. Tương tự là chuyến thăm Lesbos cùng Đức Thượng phụ Đại kết và Đức Tổng Giám mục Athens, hay Thánh lễ tại biên giới Mexicô và Hoa Kỳ trong chuyến tông du đến Mexicô.
Trong 47 chuyến tông du đầy vất vả, lịch sử sẽ mãi ghi nhớ chuyến đi đến Iraq năm 2021: một hành trình đầy rủi ro. Chuyến thăm khó khăn ấy như liều thuốc xoa dịu vết thương của người dân Iraq, những người đã chịu nhiều đau khổ dưới bàn tay tàn bạo của ISIS. Đây cũng là chuyến đi quan trọng cho đối thoại liên tôn, một khía cạnh nổi bật trong sứ vụ mục tử của ngài. Với chuyến tông du năm 2024 đến bốn quốc gia Châu Á và Thái Bình Dương, ngài đã đến “vùng ngoại biên xa xôi nhất của thế giới”.
Đức Thánh Cha Phanxicô luôn đặt Tin Mừng lòng thương xót làm trung tâm, nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ; Người luôn tha thứ cho bất cứ ai biết sám hối và quay về. Vì vậy, ngài đã khởi xướng Năm Thánh Lòng Thương Xót ngoại thường, để khẳng định rằng lòng thương xót là “trái tim của Tin Mừng”.
Lòng thương xót và niềm vui Tin Mừng là hai từ khóa trong triều đại giáo hoàng của ngài.
Trái ngược với "văn hóa loại bỏ," ngài nói về văn hóa gặp gỡ và liên đới. Chủ đề về tình huynh đệ xuyên suốt triều đại của ngài với âm hưởng mạnh mẽ. Trong Thông điệp Fratelli tutti (Tất cả anh em), ngài muốn khơi dậy khát vọng toàn cầu về tình huynh đệ, vì tất cả đều là con của cùng một Cha trên trời. Ngài thường nhắc nhở rằng chúng ta thuộc về cùng một gia đình nhân loại.
Năm 2019, trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ngài đã ký Văn kiện về “Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và chung sống”, nhấn mạnh nguồn gốc chung từ Thiên Chúa.
Qua Thông điệp Laudato si', ngài kêu gọi mọi người ý thức trách nhiệm đối với ngôi nhà chung của chúng ta: “Không ai được cứu một mình”.
Trước những cuộc chiến tàn khóc với bao cảnh tan thương và chết chóc trong những năm qua, ngài không ngừng lên tiếng kêu gọi hòa bình và theo lương tri, thúc giục đối thoại chân thành để tìm giải pháp. Vì chiến tranh – như ngài nói – chỉ mang lại cái chết, sự hủy diệt nhà cửa, bệnh viện và trường học. Chiến tranh luôn để lại thế giới tồi tệ hơn trước đó: Đó là một thất bại đau đớn và bi thảm.
“Xây cầu chứ đừng xây tường”, là lời nhắn nhủ mà ngài thường nhắc đi nhắc lại. Sứ vụ đức tin của ngài, với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, luôn gắn liền với sứ vụ phục vụ con người trong mọi chiều kích.
Trong sự hiệp thông thiêng liêng với toàn thể Giáo hội, giờ đây chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, để Chúa đón nhận ngài vào vòng tay yêu thương vô biên của Người.
Đức Thánh Cha Phanxicô thường kết thúc các bài diễn văn và cuộc gặp gỡ bằng lời nhắn: "Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi."
Giờ đây, kính thưa Đức Thánh Cha Phanxicô yêu quý, chúng con xin ngài cầu nguyện cho chúng con, và từ thiên đàng, xin ngài chúc lành cho Giáo hội, cho Rôma, và cho toàn thế giới, như ngài đã làm từ ban công Vương cung Thánh đường này vào Chúa nhật vừa qua, trong vòng tay cuối cùng ôm trọn Dân Chúa, và cả nhân loại đang tìm kiếm chân lý với tấm lòng chân thành và giữ cao ngọn đuốc hy vọng.
(Nguồn: Vatican News tiếng Việt)
bài liên quan mới nhất

- Các tín hữu bắt đầu viếng mộ Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Rogito - "Chứng thư" về cái chết thánh thiện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô -
Tường thuật trực tiếp Thánh Lễ An Táng ĐTC Phanxicô (26/04) -
Nghi lễ niêm phong và đóng nắp linh cữu của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky thảo luận kế hoạch hòa bình tại Đền Thánh Phêrô -
Thông báo về Tuần Cửu nhật tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Phanxicô -
Hồng y đoàn tổ chức phiên họp khoáng đại lần thứ 4, chuẩn bị cho lễ tang của một vị mục tử -
Hành trình sứ vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô qua hình ảnh -
Đài Rai của Ý: hơn 170 phái đoàn nguyên thủ quốc gia và chính phủ, 450 ngàn người tham dự tang lễ ĐTC Phanxicô -
12 năm và 12 dấu ấn Triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô (2013-2025)
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y