Bài giảng Chúa Nhật VIII Thường Niên năm A

Bài giảng Chúa Nhật VIII Thường Niên năm A

Lời Chúa: Mt 6,24-34

"Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa
vừa làm tôi Tiền Của được." (Mt 6,24)

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta sống mối tương quan đối với những giá trị và thực tại vật chất trần thế.

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24)

1. Trước hết phải nhận, tiền bạc có một giá trị hết sức quan trọng trong cuộc sống.

Chúng ta hãy nghe một bài thơ mà ngày nay giới trẻ thường hay đọc:

Tiền là Tiên là Phật.
Tiền là sức bật của con người.
Tiền là nụ cười của người trẻ.
Tiền là sức khỏe của tuổi già.
Tiền là cái đà đi lên.
Tiền là mũi tên danh vọng.
Tiền là cái lọng che thân.
Tiền là cán cân công lý.
Có tiền là hết ý.

Có tiền người ta sẽ có một cuộc sống được nhiều người nể trọng. Đó là một thực tế không ai mà không công nhận.

Nhưng tiền không phải là tất cả như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi vì tiền của cũng có sức làm băng hoại cuộc sống con người một cách không lường được.

Thánh Antonio, là giám mục của vùng Firenze nước Ý vào khoảng thế kỷ thứ 15, có kể lại một câu chuyện mà ngài đã tận mắt chứng kiến trong đời mục vụ tông đồ của ngài:

Một hôm, ngài đang đi trên đường thì Thiên Chúa cho ngài thấy có một thiên thần cứ bay lượn bên trên một ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Ngài ghé vào hỏi thăm cha sở vùng này thì được biết gia đình ấy tuy rất nghèo nhưng rất đạo đức và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thánh Antonio động lòng thương, hiểu ra ý Chúa muốn soi sáng cho mình, ngài bèn trích quỹ từ thiện, kín đáo trợ cấp hàng tháng cho gia đình này một số tiền vừa đủ để có vốn liếng mà chí thú làm ăn cho đỡ nghèo khổ.

Bẵng đi một thời gian, ngài lại có việc đi qua vùng ấy. Ngài chợt giật mình trông thấy một tên quỉ xấu xa đang bay lượn trên mái một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhất vùng. Ngài lại ghé vào cha sở để hỏi thăm, thì hóa ra đó chính là ngôi nhà của gia đình mà ngài đã từng trợ cấp lâu nay. Ngài biết họ đã cố gắng ăn nên làm ra, nhưng dần dần, vì tham lam, họ đã học đòi những thủ đoạn mánh khóe bất lương để làm giàu nhanh chóng, đời sống họ hoàn toàn vô đạo đức, trở nên ích kỷ và độc ác, khinh bỉ xua đuổi những người nghèo khổ láng giềng ngày xưa. Hiện tại họ lại còn thói ăn chơi trụy lạc.

Thánh nhân đau lòng quyết định cắt đứt nguồn trợ cấp, để mong họ sớm hiểu ra mà sám hối quay về đường ngay nẻo chính.

Hơn nữa tiền bạc không phải là thứ mua được tất cả.

George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần viết:

"Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng nếu biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn".

Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được:

Tiền không mua được tình bạn chân thực.
Tiền không mua được lương tâm trong sạch.
Tiền không mua được niềm vui mạnh khỏe.
Tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu muốn chúng ta phải có một cái nhìn thật đúng đắn về những thực tại ở trần gian.

2. Thực ra thì Chúa Giêsu không lên án “tiền của”, nhưng Người không chấp nhận cho chúng ta sa lầy trong việc tôn sùng “tiền của” để cho tiền của làm chủ mình. Người nặng lời phê phán những ai yêu mến và gắn bó với những thực tại trần gian mà họ làm ra và sở hữu. Vấn đề không phải là không có mà là không được ưu tiên coi tiền của như là thực tại quan trọng nhất và có sức chi phối mọi suy nghĩ, chọn lựa, quyết định và hành xử của chúng ta. Thiên Chúa phải chiếm vị trí số một, và các đồ đệ của Đức Giêsu không được từ nan bất cứ điều gì Thiên Chúa đòi hỏi. Họ phải làm tôi Thiên Chúa trong tình yêu và trong sự gắn bó sâu xa với Ngài. Chính trong thái độ tâm linh căn bản đó, người đồ đệ sẽ có một cách hành xử đúng đắn đối với những thực tại và giá trị trần thế, ngay cả những thực tại và giá trị cốt thiết để hiện hữu và sống còn, như của ăn và áo mặc chẳng hạn.

James Bender, trong quyển sách "Làm thế nào để phát biểu trôi chảy?" mà ông là tác giả, đã kể lại câu chuyện về một người nông dân đã đoạt được rất nhiều giải thưởng cho những trái bắp mà ông trồng khi tham gia cuộc thi những trái bắp tốt của tỉnh. Một lần kia, có một phóng viên đã phỏng vấn ông và đã khám phá một điều rất thú vị về cách mà ông đã thực hiện: người nông dân chia sẻ những hạt bắp giống tốt của mình cho những người hàng xóm.  

- Sao ông lại cho láng giềng những hạt bắp giống tốt nhất của mình như vậy, trong khi họ cũng tham gia tranh tài với ông? - Phóng viên hỏi.

- Ồ - Người nông dân trả lời. Anh không biết rằng những luồng gió thổi những hạt phấn hoa từ cây bắp này sang cây bắp khác sao? Nếu láng giềng của tôi trồng toàn bắp kém chất lượng, thì sự thụ phấn có thể khiến những cây bắp của tôi cũng sản sinh ra những trái bắp kém chất lượng. Do đó, nếu muốn có được những trái bắp tươi tốt, tôi phải giúp những người hàng xóm của tôi trồng những cây bắp tươi tốt. Đó là lý do tại sao hàng năm tôi đều san sẻ những hạt bắp giống tốt nhất cho họ. Và đó cũng là lý do tại sao tôi thường giành được các giải thưởng mỗi năm.

  Người nông dân trên đã nhận thức sự liên đới giữa người với người trong cuộc sống. Những trái bắp của ông không thể nào lớn mạnh trừ khi những trái bắp của những người láng giềng cũng lớn mạnh. Các khía cạnh khác trong cuộc sống cũng vậy.

Những ai muốn có được sự hòa bình, trước hết phải giúp người khác tìm được hòa bình.

Những ai muốn có một cuộc sống tốt đẹp, phải giúp cho cuộc sống của người khác cũng tốt đẹp.

Bởi sự thành đạt của một người gắn liền với sự thành đạt của tất cả.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top