Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
Mt 2.1-12
Bài Tin mừng hôm nay nói cho chúng ta biết rằng khi Chúa Giêsu giáng sinh trong hang đá Belem thì có một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời.
Hẳn là đã có nhiều người thấy ánh sao lạ, nhưng tại sao chỉ có mấy đạo sĩ đã nhận ra đó là “tín hiệu” loan báo Chúa Cứu thế giáng sinh.
Con trẻ sinh ở Bêlem hẳn nhiều người đã thấy hoặc đã biết, nhưng tại sao chỉ có mấy đạo sĩ nhận ra rằng trẻ sơ sinh đó chính là Con Thiên Chúa làm người và các ngài đã quỳ xuống dâng kính Ngài lễ vật cũng như thờ lạy Ngài. Tại sao thế?
KẺ THẤY NGƯỜI KHÔNG
Đứng trước cùng một sự kiện mà có kẻ thấy người không, kẻ tìm ra ý nghĩa người không. Vậy thì làm sao mà cắt nghĩa được sự khác biệt đó?
Nguyên nhân gây ra khác biệt là do một bên nhìn bằng con mắt thường một bên nhìn bằng đức tin, con mắt của con tim. Bên nhìn bằng con mắt thường thì chỉ thấy những việc thông thường, còn bên nhìn bằng con mắt đức tin, con mắt của con tim thì nhờ đức tin và tình yêu mà khám phá ra được thực chất và ý nghĩa ở bên trong.
Tại nhà ga Verona, bên Italia năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Sự xuất hiện của chuyến xe lửa đã làm bật lên những tiếng hò reo vui sướng tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt.
Từ trên xe lửa, những tấm thân tiều tụy bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của những người thân. Cuối cùng, một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về phía một người đàn bà già yếu và chỉ đủ sức để thốt lên tiếng:
- Mẹ!
Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Người mẹ già xót xa:
- Làm sao một người mù như con lại có thế tìm đến với mẹ ?
Người lính mù ấy đáp:
- Thưa mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con.
Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.
Sự vật thay đổi diện mạo và ý nghĩa tùy theo cách nhìn và mức độ quan sát của mỗi người. Cùng một giọt máu nếu nhìn bằng mắt thường thì chỉ thấy màu đỏ, còn quan sát bằng kính hiển vi thì có thể đếm được hồng cầu và bạch cầu. Đức tin cũng giống như một thứ kính hiển vi. Nó giúp cho người ta thấy rõ hơn, lớn hơn, thật hơn. Bởi thế đức tin là một sự khám phá, một cái nhìn tinh tế theo chiều sâu, một thứ ánh sáng cực mạnh dội vào sự vật giúp ta nhìn thấy tận bên trong. Chính vì các đạo sĩ có lòng tin nên đã nhận ra Con Thiên Chúa trong khi những người khác chỉ thấy một trẻ thơ.
KINH NGHIỆM NỘI GIỚI
Như vậy thì đức tin có phải là cái gì hoàn toàn chủ quan không? Người tin có phải chỉ là một người bị ám ảnh bởi một đối tượng do chính mình tưởng tượng ra?
Đức tin thật ra không hoàn toàn khách quan mà cũng không hoàn toàn chủ quan.
Không hoàn toàn khách quan vì những điều người tín hữu tin không thể cân, đo, đong, đếm được. Không thể chứng minh bằng lý luận như một bài toán hay một định luật khoa học, không thể viết thành công thức đưa vào máy điện toán để kiểm chứng. Tin là một xác tín cá nhân chỉ chắc chắn cho chính người tin.
Nhưng đức tin cũng không hoàn toàn chủ quan vì không phải chỉ có một người tin nhưng hằng bao nhiêu tỷ người thuộc các thế hệ cùng tin. Và những người tin này đều lành mạnh, tỉnh táo, sáng suốt, trong đó có biết bao nhiêu nhà bác học hàng đầu của thế giới. Chẳng hạn ở thế kỷ XIX, trong số 432 nhà bác học lớn đã có tới 357 Kitô hữu.
Thực ra đức tin là một thứ kinh nghiệm nội giới độc đáo có tính riêng tư. Trong lãnh vực tôn giáo, mỗi người phải cảm nghiệm cho mình bằng tâm hồn. Tự chúng, những thực tại tôn giáo không thế chứng minh được, lý lẽ nào cũng chỉ là gợi ý có tính thuyết phục tương đối. Vì thế mới cần đến chứng tá đời sống. Chính đời sống sẽ biện minh cho những gì không thế giải trình bằng lý luận.
Đức tin cũng giống như cảm hứng và cái nhìn của nghệ sĩ. Nghệ sĩ hơn người ở chỗ cảm thấy cái đẹp, nhìn thấy cái đẹp, nhận diện được cái đẹp ở những nơi, vào những lúc mà người thường chẳng thấy gì cả. Không thể nói người nghệ sĩ bịa đặt ra một cái gì thực ra không có, nhưng phải nhìn nhận rằng tâm hồn không có tính nghệ sĩ là tâm hồn thiếu nhạy bén. Người có đức tin giống nghệ sĩ ở chỗ tâm hồn cởi mở, nhạy cảm nên nắm bắt, lĩnh hội được cái vô hình. Tâm hồn người tín hữu bắt trúng tần số.
LÒNG THÀNH VÀ ƠN THÁNH
Bởi đâu người có đức tin lại có một cái nhìn thấu suốt như vậy? Có điều kiện nào để con người có thể có được một đức tin trong sáng như thế hay không?
Thưa có. Đó là sự thành tâm thiện chí, sự ngay thật khiêm tốn trong tâm hồn. Thiếu những điều kiện đó đức tin khó có thể nảy sinh.
Tuy nhiên dầu có tất cả những điều đó cũng vẫn chưa đủ. Còn cần có tác động của Chúa trong tâm hồn. Nguồn mạch chính của đức tin là ơn Chúa. Đức tin trước hết là một hồng ân.
Chúng ta tin. Nhưng chính Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể tin. Chính Ngài mở lòng mở trí chúng ta để chúng ta thấy và hiểu. Đức tin là một cuộc hiển linh: Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta được thấy Ngài. Chính Ngài rọi ánh sáng vào lòng chúng ta và rọi ánh sáng trên mọi sự để chúng ta có thể thấy. Lời thánh vịnh 39 thật có ý nghĩa: “Trong ánh sáng của Chúa chúng con nhìn thấy ánh sáng”. Mọi ánh sáng đều bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.
Như vậy người tín hữu là người đã nhận được ánh sáng của Thiên Chúa và nhìn thấy mọi sự trong và nhờ ánh sáng của Thiên Chúa.
Cũng như các đạo sĩ, người tín hữu đã được Thiên Chúa mở lòng mở trí, đã bắt được ánh sáng của Thiên Chúa, đã được đưa vào thế giới mới của Ngài. Phải gọi ơn này là gì? Gọi là ơn trời biển thì cũng chưa nói được gì về cái phúc của mình. Hãy tri ân và đừng bao giờ coi thường phúc đó.
Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như sau:
Một hôm, tình cờ tôi đi ngang qua một khu rừng, ông nghe thấy có một âm thanh kì lạ: cứ sau một tiếng gõ búa vào đá ông lại nghe thấy một tiếng cám ơn! Tò mò đến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ Lamartine mới thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa vào phiến đá, ông lại thốt lên hai tiếng “Cám ơn”.
Thi sĩ Lamartine nấn ná đến hỏi chuyện, người thợ đá mới giải thích: “Tôi tạ ơn Chúa”. Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lam lũ, lầm than vất vả hơn nhiều người, thi sĩ bảo:
- Giả như bác được giàu có thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng “cám ơn”. Đàng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần duy nhất, đó là lúc Ngài tạo nên bác. Và sau đó Ngài ban cho bác một cây búa, rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa? Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?
Nghe nói thế, người thợ đá mới hỏi vặn lại thi sĩ:
- Ông cho rằng, Thiên Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao?
- Dĩ nhiên -Thi sĩ Lamartine bèn thách thức- Chúa chỉ nghĩ đến bác chỉ có một lần thôi!
Người thợ đá nghèo nhưng đầy lòng tin mếu máo thốt lên:
- Tôi nghĩ điều đó không gì là đáng ngạc nhiên cả. Ông hãy nghĩ Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi, vậy không đủ tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa!
Nói xong, người thợ đá bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông! Vừa đập đá vừa cám ơn Chúa!
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống
-
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B