Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm C

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm C

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm C

Lc 18, 9-14

Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 18,14)

Anh chị em thân mến,

Chúng ta vừa được nghe một bài Tin Mừng rất quen thuộc. Tôi tưởng tất cả chúng ta đều thuộc lòng bài Tin Mừng này. Vấn đề bài Tin Mừng hôm nay nói tới cũng là vấn đề hết sức thường tình. Chỉ có điều là biết thì ai cũng biết, nhưng thực hành thì quả thực không dễ. Chúng ta hãy để cho Lời Chúa soi dẫn chúng ta.

1. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. (Lc 18,14)

Trong cuộc sống: Ai là người tôn mình lên?

Một hôm Dương Chu sang nước Tống, vào ở trọ một nhà kia.  Người chủ nhà có hai nàng hầu, một nàng đẹp, một nàng xấu.  Để ý quan sát, Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí trọng người thiếp xấu mà khinh rẻ người thiếp đẹp.  Lấy làm lạ, ông mới dò hỏi cậu bé giúp việc.

Cậu bé tiết lộ:

-     Người thiếp đẹp hay kênh kiệu, tự cho mình là đẹp nên mất đẹp.  Chúng tôi chẳng ai còn nhìn ra cái đẹp của nàng.  Trái lại, người thiếp xấu, tự biết mình xấu, sống hồn nhiên vô tư với mọi người, nên không ai còn nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.

Dương Chu liền gọi học trò đến dặn:

-     Các con hãy ghi nhớ lời này:  Giỏi mà bỏ được cái thói tự cho mình giỏi thì đi đâu mà chẳng được người yêu quý tôn trọng.

Người Biệt phái trong Tin Mừng hôm nay là người bị coi là thuộc hạng người này: Khoe khoang, tự kiêu, tự mãn, tôn mình lên ... vv.

Đối với những hạng người như thế thì Chúa bảo "sẽ bị hạ xuống". Ai hạ xuống? Thưa chính Chúa.

Hoàng Đế Nã Phá Luân, của Pháp ngày xưa (1804 đến 1821) là một bậc anh hùng tài giỏi bách chiến bách thắng. Năm 1815, trong trận đánh Nga, vua Nã Phá Luân đã mơ tưởng sẽ thu phục được cả nước Ấn độ, và với lòng kiêu ngạo vô biên, nhà vua đã cho đúc một thứ huy chương có dòng chữ này: “Thiên đàng là của Thiên Chúa, trái đất là của ta”. Nhưng rồi như lịch sử còn ghi lại: Nã Phá Luân đã thất bại và đã mất ngôi báu vì trận đánh này. Sau cuộc thất bại của nhà vua, viên đại tướng người Nga đã cho đúc một thứ huy chương khác, trên mặt có hình một bàn tay đưa qua đám mây, cầm roi quất vào lưng vua Nã Phá Luân với cũng một lời tương tự như thế: “cái lưng là của mày, cái roi là của tao”. Và như thế, vị hoàng đế kiêu ngạo này, sau đó bị đày ra hòn đảo Sainte Héleine quạnh hiu hoang vắng và chôn vùi cuộc sống buồn tẻ cho tới mãn đời. Chính từ nơi đây ông có thể suy nghĩ về chân lý, những lời này của Chúa:

 “Ai hạ mình xuống thấp hèn, sẽ được Thiên Chúa nâng lên cao.

Ai nâng mình tới tận trời, sẽ bị hạ xuống tận đời đất đen”

2. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. (Lc 18,14)

Thử hỏi ai là người biết hạ mình xuống.

Theo bài Tin Mừng hôm nay thì chúng ta có thể thấy: Đó là người thu thuế. Người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay chẳng có gì để nói về mình khi đối diện với Thiên Chúa. Tất cả những gì anh ta muốn nói với Chúa chỉ là cầu xin lòng Chúa xót thương của Người. Thái độ khiêm nhường đó đã được Chúa khen: "Người này ra về thì đã được trở nên công chính"

Lacordaire nhà văn lớn của nước Pháp đã viết rất hay về vấn đề này: "Khiêm nhường lấy sự thật làm nền tảng. Tự gắn cho mình cái sai ta không có, phóng đại những lỗi lầm ta không phạm, từ chối không nhìn nhận khả năng của mình, tự cho mình thua kém mọi người, đó không phải là cách sống khiêm nhường; nhưng đó là dấu hiệu của một quan điểm sai lầm, hay một khuynh hướng bệnh hoạn. Muốn thực hiện khiêm nhường chỉ cần nhìn nhận những khuyết điểm, thấy mình tội lỗi, giới hạn, biết rằng trong tất cả mọi lãnh vực có nhiều người khác vượt xa tôi.

Lạy Chúa, con sẽ đứng đúng chỗ con, không cao hơn, mà cũng không thấp hơn."

Hồi ấy, lúc 40 tuổi Moise đang chăn chiên dưới chân núi Goben, Chúa liền hiện ra trong đám lửa ở bụi gai mà phán với Moise rằng:

- Ta đã thấy những lầm than khổ cực của Israel dân Ta. Ta đã nghe những tiếng rên xiết và khóc than của con cái Israel. Bởi vậy cha chọn con, để giải phóng Israel dân cha khỏi ách nô lệ của người Ai cập. Cha sai con đến với vua Pharaon, hoàng đế nước Ai cập, để xin nhà vua cho dân Israel được ra khỏi đất Ai cập, và tiến về đất hứa.

Bấy giờ Moise cảm thấy mình hèn yếu bất lực, nên đã thưa lại rằng:

- Lạy Chúa con là vật gì, mà Chúa chọn và sai con. Con là ai, mà dám đến với hoàng đế Pharaon. Con chỉ là một tên nô lệ, laị là đứa nói ngọng, thì làm sao thuyết phục được vua nước Ai cập.

Thấy Moise khiêm tốn, biết mình hèn yếu bất lực, Chúa đã chấn tĩnh:

- Con nói trúng, để đương đầu với vua Pharaon, phải có một bàn tay cứng rắn sắt đá; nhưng con đừng sợ, cha sẽ ở với con.

Thế rồi, Chúa luôn ở với Moise bằng cách trao cho ông chiếc gậy thần để ông làm nhiều phép lạ, thuyết phục được hòang đế  Pharaon. Và Moise đã trở nên vị lãnh đạo xuất chúng, đưa dân Do thái ra khỏi nước Ai cập, đi qua biển Đỏ, và tiến vào đất hứa.

Moise đã hạ mình xuống, nhận mình là hèn yếu, bất lực, là tên nô lệ, là đứa nói ngọng, nên đã được Chúa nâng lên làm vị lãnh đạo đưa dân Do thái ra khỏi nước Ai cập và tiến vào đất Chúa hứa.

3. Bài học hôm nay.

Hãy biết sống khiêm nhường dể được Chúa yêu thương. Lý do tại sao? 

Socrate là một triết gia rất thời danh của nước Hy-lạp vào năm 470-399 trước Chúa giáng sinh. Socrate cũng là một quân tử đã khai sinh cho khoa luân lý học. Lần kia, quân tử Socrate đã gọi sinh viên Aleibriade lên đứng trước tấm bản đồ thế giới mà bảo:

- Này trò, trò hãy chỉ cho thày coi, Châu Á ở chỗ nào?

Chàng Sinh viên Aleibriade đã chỉ trúng vào chỗ Châu Á. Quân tử Socrate lại bảo trò

- Hãy chỉ nước Hy-lạp trong Châu Á.

Sinh viên Aleibriade cũng chỉ trúng chỗ. Quân tử Socrate bảo thêm:

- Trò hãy chỉ xứ Attique trong bán đảo Péloponnèse.

Sinh viên Aleibriade đã chỉ trúng vào cái chấm nhỏ xíu.

Sau cùng, quân tử Socrate mới bảo:

- Trò hãy chỉ cho thày biết, cái chỗ trò đang đứng trên tấm bản đồ thế giới.

Đến đây sinh viên Aleibriade đỏ tai và luống cuống, không biết chỉ vào chỗ nào cho trúng, vì thấy mình rất nhỏ bé trên tấm bản đồ thế giới. Bấy giờ quân tử Socrate nói:

- Thày muốn dạy các trò một quan niệm đích thực về con người. Các trò đối với thế giới, giống như giọt nước đối với biển cả mênh mông. Các trò đối với nhân loại giống như hạt cát đối với bãi sa mạc bát ngát, để các trò có một bài học khiêm tốn đối với mọi người (7,83).

Vậy nếu quân tử Socrate đã dạy các sinh viên của ông bài học khiêm tốn, khi biết mình là bé nhỏ, thì trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa cũng dạy chúng ta phải ở khiêm tốn, đừng có kiêu ngạo, khi Chúa phán:

“Ai hạ mình xuống thấp hèn

Sẽ được Thiên Chúa nâng lên cao vời”

Top