Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm B
CHÚA CHỊU PHÉP RỬA
Phúc âm hôm nay nhắc tới ba dạng Phép rửa khác nhau:
1. Phép Rửa thứ nhất là Phép Rửa bằng nước. Đây là Phép Rửa của Gioan. Phép rửa của Gioan là Phép Rửa sám hối.
Đây là một dấu chỉ dân chúng ăn năn tội lỗi của họ và muốn tẩy xóa nó đi.
Phép rửa này chỉ là bước đầu tiên trong một cuộc hành trình dài. Nó chỉ là một dấu hiệu, một khởi điểm.
Gioan đã làm sáng tỏ điều này khi ông nói: “Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối - Nhưng có một Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Linh và bằng Lửa. Ngài cao trọng hơn tôi . Tôi chẳng xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người.”(Mt 3,11)
Nói một cách khác, Gioan cho rằng phép rửa của ông chỉ là chuẩn bị cho phép rửa sắp tới. Đó là phép rửa bằng Thánh Linh của Đức Giêsu. Vào cuối đời Chúa đã nói với các môn đệ như thế này: “Các con hãy đi đến với mọi người trên khắp thế gian, rao giảng cho họ về Nước Trời, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(Mt 28,19).
2. Phép rửa thứ hai là phép rửa của Chúa Giêsu. Đây là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa mới được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô.”(Cl 2,12-13)
Thánh Mác-xi-mô, giám mục Tô-ri-nô cắt nghĩa rất hay: Đức Ki-tô chịu phép rửa không phải để được nước thánh hóa nhưng là để chính Người thánh hóa nước và dùng sự thanh sạch của Người mà thanh tẩy dòng nước đang bao bọc Người. Quả thật, khi Đức Ki-tô tự thánh hiến trong phép rửa thì Người cũng thánh hiến nước từ trong bản chất của yếu tố thiên nhiên này.
Khi Đấng Cứu Độ dìm mình trong nước, thì mọi nguồn nước cũng được thanh tẩy để dùng thanh tẩy chúng ta sau này: giếng nước được thanh tẩy, để từ nay ơn thanh tẩy được ban phát cho hậu thế. Vậy Đức Ki-tô chịu phép rửa trước, để dân Ki-tô hữu tin tưởng đi theo Người.
Như vậy qua Phép Rửa này, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa đời sống thần linh của Ngài. Điều này dẫn chúng ta đến phép rửa thứ ba: Phép rửa thánh Gioan làm cho Chúa Giêsu.
3. Tin Mừng hôm nay mô tả thật rõ những sự kiện xảy ra khi Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cho Ngài: “Bầu trời mở ra, rồi Thánh Thần hiện xuống rồi sau đó một giọng nói từ trời vọng xuống: Đây là Con yêu dấu của Ta. Con đẹp lòng Ta”.
Nếu phải đặt cho phép rửa này một tên thì ta có thể gọi đây là phép rửa Mặc khải. Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta qua hình ảnh bầu trời, Thánh linh và giọng nói được vang ra.
a- Trước hết là hình ảnh bầu trời được mở ra.
Ngày xưa người Do thái tin rằng Thiên Chúa sống ở trên một góc trời nào đó bên trên bầu trời bao bọc trái đất như một bức chắn. Nếu Thiên Chúa muốn đi vào trái đất thì Thiên Chúa phải đi qua bức chắn này. Tiên tri Isaia cũng cùng một quan niệm như thế khi ông nói: “Xin Chúa hãy xé toang bầu trời ra và xuống cứu dân của Người”(Is 64,1).
Hình ảnh bầu trời được mở ra có nghĩa là Thiên Chúa đã nghe lời cầu xin của nhà tiên tri và đã xuống thế gian. Như thế là một thời đại mới đã bắt đầu: thời đại Thiên Chúa xuống để cứu dân của Người.
b- Bước qua hình ảnh thứ hai: Thánh thần Chúa lượn quanh trên Đức Giêsu. Hình ảnh này thật giống với hình ảnh trong STK: “Thần khí Chúa bay lượn là đà trên mặt nước” vào lúc Chúa khởi đầu việc tạo dựng. Tại sao lại có một sự trùng hợp như thế. Đây không phải là ngẫu nhiên. Ở đây Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Thời đại mới mà Ngài xây dựng trên trần gian là một cuộc tạo dựng mới. Nói cách khác đây là một cuộc tái tạo lại trần gian.
c- Sau hết là việc Thiên Chúa xác nhận Chúa Giêsu là Con của Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta” Qua lời xác nhận này Thiên Chúa muốn giới thiệu với con người về Chúa Giêsu như một “Adam mới”
Thánh Phaolô đã khai thác ý tưởng này rất hay như sau: “Con người đầu tiên tức Adam đã được tạo dựng nên như một vật sống. Còn Adam cuối cùng tức là Đức Giêsu là Thần ban sự sống....Adam thứ nhất đến từ đất - Adam thứ hai đến từ trời.....Như chúng ta đã mặc lấy hình ảnh người bởi đất mà ra (tức Adam thứ nhất) thế nào thì chúng ta cũng mặc lấy hình ảnh của người từ trời mà đến như thế. Người từ trời đây chính là Adam thứ 2, tức là Đức Giêsu.(1Cor 15,45-49).
Như vậy thì ý tưởng đã rõ. Phép rửa Chúa Giêsu chịu là Phép rửa Mặc khải. Nó báo cho con người biết là một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Kỷ nguyên này là một cuộc tạo dựng mới với sự có mặt của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa như một Adam mới của nhân loại.
Vâng chúng ta đang được sống trong một kỷ nguyên mới trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Bởi thế, thánh Phaolô nói với chúng ta: “Anh em đã được phục sinh để sống cùng với Đức Kitô. Vậy anh em hãy hướng tâm hồn anh em về với những sự ở trên trời. Hãy giữ lòng trí anh em luôn nghĩ về những điều ở trên đó chứ đừng nghĩ đến những điều ở dưới đất này....Sự sống đích thực của anh em là Đức Kitô và khi Ngài hiện ra thì anh em cũng được xuất hiện với Ngài để được cùng chia sẻ vinh quang với Ngài.” (Cl 3,1-4).
Một hôm duyệt binh, vua Alexandre thấy một anh bộ đội có vẻ yếu ớt và mang một cây gươm dỉ, Ngài đứng lại và hỏi tên, hắn thưa mình là Alexandre.
Nghe nói, vua liền nổi giận, nhìn thẳng vào con người lười biếng đó và bảo:
- Mày một là phải đổi tên, hai là phải đổi tính nết.
Alexandre là một ông vua trẻ trung, can đảm, hoạt động mà tên lính của Alexandre thì như vậy vua coi là một điều xấu hổ.
Mang danh hiệu Kitô hữu, có đạo Đức Chúa Giêsu mà cách ăn ở không có gì giống Chúa, thì chỉ làm xấu cho đạo. Nhiều khi trong đời sống người có đạo còn thua kém người bên lương: ăn gian, nói dối, lỗi đức công bình, bác ái…
Vậy chúng ta hãy cố gắng trở nên giống Chúa Giêsu.
Truyện cổ tích Ả-rập có kể lại câu chuyện vui sau đây: Một vị vua muốn tất cả các nghệ sĩ danh tiếng trong vương quốc của mình hoạt hình ngài cho thật giống, để lưu truyền muôn đời. Nhà vua cho triệu tập những họa sĩ, những nhà điêu khắc gia đến hoàng cung, và ra kỳ hạn là trong vòng một tháng sẽ đến thăm từng người một, để xem ai là kẻ họa hình hay khắc hình giống ngài nhất.
Thế là tất cả các họa sĩ trong nước bận rộn thi hành công tác. Ho dùng hết tài năng và những vật liệu quí nhất, để có thể thực hiện được ước muốn của nhà vua. Đến kỳ hẹn, nhà vua đi thăm từng phòng làm việc của mỗi người, ngài rảo qua các phòng của các họa sĩ, ngắm nhìn những bức tranh vẽ về chính mình, nhưng không tìm thấy bức tranh nào ưng ý mình cả. Ngài tiếp tục đi thăm phòng các nhà điêu khắc, ngắm nhìn tất cả các bức tượng, người thì tạc trên gỗ quí, người thì tạc trên đá cẩm thạch đẹp nhất, nhưng rồi nhà vua cũng không tìm được một mẫu tượng nào vừa ý ngài.
Bước vào phòng của người nghệ sĩ cuối cùng, nhà vua ngạc nhiên vì không thấy bức hình hay bức họa nào cả . Và càng ngạc nhiên hơn nữa, khi nhìn vào trong căn phòng thì thấy toàn là thủy tinh trong sáng, phản chiếu chính dung mạo của nhà vua trong nhiều tư thế khác nhau, tùy theo vị trí xê dịch và góc cạnh thủy tinh. Nhà vua vui mừng ngắm nhìn dung mạo chính mình qua các vách thủy tinh, và truyền lệnh thưởng công người nghệ sĩ đã có sáng kiến phản chiếu hình ngài. Bởi vì người nghệ sĩ đó đã hiểu rằng, chỉ có hình ảnh phản chiếu của đức vua mới diễn tả đúng mức dung mạo của đức vua mà thôi.
Mỗi người chúng ta có thể áp dụng ý nghĩa sâu xa của câu truyện vui trên vào trong đời sống chính mình. Con người đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, và ơn gọi căn bản của con người là phản chiếu chính dung mạo của Thiên Chúa, để Thiên Chúa nhìn thấy chính Ngài nơi con người, và cũng để anh em nhìn thấy được dung mạo của Thiên Chúa nơi mình.
“Chúng con hãy nên trọn lành như Cha chúng con ở trên Trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48).
Mỗi người Kitô hữu hãy để cho quyền lực của Chúa biến đổi con người chúng ta nên trinh trong như thủy tinh, để cho chính Chúa Kitô hiện diện, như lời thánh Phaolô Tông đồ đã nói: “tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô là hình ảnh trung thực nhất của Thiên Chúa Cha, Ngài là Đấng đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống
-
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B