Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 19 Thường niên năm B
Ga 6,41-51
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51).
Kính thưa anh chị em.
Chúng ta còn tiếp tục suy niệm về bài giảng Bánh hằng sống thêm hai tuần nữa, nhưng cho dù có suy nghĩ thêm thì vấn đề cũng chẳng vì thế mà hết khó khăn. Xin Chúa mở lòng mở trí cho chúng ta để chúng ta hiểu được một phần nào Lời của Người.
Bây giờ chúng ta đi thẳng vào chủ đề.
1. Đức Giêsu vừa long trọng khẳng định: “Tôi là bánh từ trời xuống”.
Ngày xưa Thiên Chúa đã ban cho Dân Do thái “bánh bởi trời”. Bánh ấy có tên là Manna. Theo Chúa Giêsu thì Manna chỉ là của ăn tạm bợ, mau hư nát. “Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết”. Manna chỉ là hình bóng cho một thứ lương thực khác mà Thiên Chúa sẽ ban cho loài người. Chúa Giêsu gọi lương thực đó là “Bánh trường sinh”. Bánh trường sinh là một thứ lương thực duy nhất có khả năng làm cho lòng người được no đầy phỉ chí. Bánh đó trổi vượt và kỳ diệu hơn Manna xưa rất nhiều. “Tôi là bánh trường sinh... là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
Tất cả những lời đó được nói ra với một sự quả quyết sắt đá xem chừng như không có gì làm thay đổi được. Nó đòi hỏi người nghe phải xác định một thái độ. Xem chừng như Chúa Giêsu không còn chờ đợi thêm nữa. Đã đến lúc trắng phải ra trắng đen phải ra đen.
Và quả đúng như thế. Người Do thái đã bắt đầu không còn cảm tình với Chúa nữa. Họ xầm xì về những gì Chúa nói. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Chúa với họ trước đây bây giờ không còn. Nó đã bắt đầu trở nên mỗi ngày một xấu đi để rồi từ sự ngộ nhận này đến sự ngộ nhận khác người ta đã bắt đầu đi tới thái độ không chịu hiểu và sau đó là chống đối. Sự thay đổi và chống đối càng ngày càng trở nên quyết liệt.
Mặc kệ cho những lời xầm xí phản đối, Chúa Giêsu đã không nhường bước. Không những không nhẹ giọng, Ngài còn lên tiếng mạnh mẽ và quả quyết rằng Ngài từ Thiên Chúa mà đến, - rằng chỉ mình Ngài là người đã thấy Chúa Cha. Tin Đức Kitô là tuyên xưng Ngài có nguồn gốc từ trời, không căn cứ vào những vẻ bề ngoài, không lệ thuộc vào những gì ta biết được về liên hệ gia đình và xã hội của Ngài. Tin chính là khởi đầu đi từ dấu chỉ để học cho biết cách nhận ra và hết lòng tin cậy vào Đấng Chúa Cha sai đến... Và đó hẳn không phải là chuyện con người có thể một mình mà làm được. Nhưng chỉ có những ai được Chúa Cha lôi kéo mời đến được với Đức Kitô mà thôi: “Chẳng ai đến được với Tôi, nếu không được Chúa Cha, là Đấng đã sai Tôi, lôi kéo người ấy...”.
Sau đó dựa vào những lời hứa và hình ảnh đã được tiên báo trong Cựu ước, Đức Giêsu còn tuyên bố rằng những lời hứa và hình ảnh ấy nay đang ứng nghiệm nơi chính bản thân Ngài.
Isaia xưa đã loan báo rằng Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra cho toàn thể dân Người: “Mọi người sẽ được chính Thiên Chúa dạy dỗ” (Is 54,13 và 11,8 hoặc Giê 31,34). Đức Giêsu khẳng định chính bây giờ là lúc lời hứa ấy được ứng nghiệm. Ngài còn nói với họ: Chính bây giờ là lúc Chúa Cha kêu gọi các ông và lôi kéo các ông đấy, bởi lẽ lời dạy của tôi là lời dạy của Chúa Cha; Người mà các ông chỉ muốn coi là “Con ông Giuse” lại chính là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa đã được các ngôn sứ loan báo từ trước.
Manna, lương thực lạ lùng thật, nhưng chỉ là tạm bợ, không thể giữ cho lớp người ở sa mạc khỏi phải chết. Còn Đức Giêsu, bởi Thiên Chúa mà đến, mới thực là “Bánh hằng sống”, Bánh đem lại phúc trường sinh: “Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”.
Ở câu 51: “Bánh tôi sẽ tặng ban, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống”, với những lời này Đức Giêsu đã muốn loan báo trước về cái chết của Ngài như một ân huệ, một ân huệ nguồn sống. Đây là câu chuyện chuyển tiếp qua phần hai của “diễn từ về Bánh hằng sống” chúng ta sẽ đọc vào Chúa Nhật tới.
2. Kính thưa anh chị em. Đó là nội dung những gì tôi muốn chia sẻ với anh chị em hôm nay. Rất căng nhưng cũng rất sòng phẳng để từ đó chúng ta phải có một thái độ rõ ràng đối với Chúa. Chúa không thích thái độ nửa chừng mà “Nóng thì ra nóng, lạnh thì ra lạnh, hâm hâm nguội nguội ta sẽ mửa ngươi ra”
Ferdowsi (925–1020), thi sĩ người Ba tư sống vào thế kỷ 11 có kể một câu chuyện: Một quốc vương nọ phải đi qua sa mạc để đến một ốc đảo. Cùng đi với ông là một đoàn tùy tùng rất đông. Họ mang theo vô số bạc vàng của cải. Dọc đường, một con lạc đà bỗng ngã quỵ. Và từ trên lưng nó, một dòng thác vàng bạc châu báu chảy xuống cát. Tức khắc người ta thấy ngay được sự tham muốn đến tột độ bừng lên trong những con mắt của những người đi theo hộ giá nhà vua.
Bằng một cử chỉ rất vương giả, quốc vương nói với những người tùy tùng:
- Các khanh hãy tự do nhặt lấy những thứ đó. Trẫm tặng cho các khanh tất cả. Các khanh cũng được tự do đi tiếp với trẫm hoặc lựa chọn con đường khác mà quay về.
Nói xong, ông tiếp tục lên đường không một chút do dự. Ông nghĩ, tất cả sẽ dừng lại để nhặt cho đến viên kim cương cuối cùng.
Đang đi bỗng ông nghe thấy có tiếng chân theo sau mình. Quay lại, và ông nhận ra đó người hầu cận được tiếng là trung thành nhất. Ông hỏi:
- Sao nhà ngươi không ở lại nhặt vàng bạc trẫm đã ban tặng? Ngươi không biết rằng với số vốn ấy ngươi sẽ trở nên giàu sang ư?
Người hầu cận trung thành trả lời:
- Tâu bệ hạ, ngài là vua. Đối với hạ thần, bệ hạ là kho tàng quí giá nhất. Bệ hạ là tất cả của thần.
Chúng ta hãy lặp lại một lời tương tự như thế đối với Chúa đi các bạn. “Lạy Chúa, đối với con, Chúa là kho tàng quí giá nhất vì Chúa là Thiên Chúa. Vâng Chúa là tất cả của con”
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề ;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy ;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B