Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm cốt trụ của Đạo. Tuy nhiên đây lại là mầu nhiệm khó hiếu nhất.

1. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

Để có một chút ý niệm về mầu nhiệm này, thiết tưởng chúng ta không thể bỏ qua những chỉ dẫn của Sách Giáo lý chung của Giáo Hội.

Đây là lời dạy về Chúa Ba Ngôi của Sách Giáo Lý Chung:

"Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (234). Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi” (47).

Trong Tin Mừng, chính Chúa Kitô, là Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người đã mạc khải cho chúng ta về Mầu Nhiệm này. Không có sự mạc khải của Chúa Giêsu thì không ai trong chúng ta có thể nói cho chúng ta biết.

Về Thiên Chúa Cha, thì Chúa Giêsu đã nói thật rõ: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho." (Mt 1,27)

"Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17)

"Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết." (Ga 6,40)

Chúa cũng nói về Chúa Thánh Thần mà Người gọi bằng nhiều tên khác nhau: "Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Và đây là những lời rõ rệt nhất mà Chúa Giêsu nói nói về Ba Ngôi: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,19-20).

2. Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là mầu nhiệm để hiểu nhưng là mầu nhiệm để sống.

Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm này vì lý trí của con người quá hạn hẹp.

 Truyền thuyết kể lại rằng:

Thánh Augustinô - là một vị thánh Tiến sĩ của Giáo Hội - một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí ẩn về Thiên Chúa. Tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Cậu bé đang dùng một mảnh sò để đào một cái lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò ấy mà múc nước biển đổ vào.

  Nhưng thật là dã tràng xe cát biển đông, em bé đổ nước mãi vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của em bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi xem em đang làm gì, thì đứa bé trả lời không chút do dự:

  - Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương để đổ vào cái lỗ này.

  Thánh nhân lắc đầu bảo nó :

  - Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.

  Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói :

  - Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.

Nói xong câu đó, em bé biến mất. Thánh Augustinô chợt hiểu được điều Chúa muốn dùng em bé để dạy mình cho nên Ngài đã từ bỏ hắn việc suy nghĩ thêm về mầu nhiệm này. “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được” (D.Wahrheit)

Đây là mầu nhiệm lý Chúa và Giáo Hội dạy chúng ta phải tin. Hằng ngày chúng ta tuyên xưng niềm tin đó khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh Sáng Danh, và tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hoặc các trường hợp khác tương tự khi tham dự các Nghi Lễ Phụng Vụ.

Vậy nghĩa vụ khẩn thiết chúng ta phải có đối với Chúa Ba Ngôi là:

1. Tôn thờ

Chúng ta cần phải dâng lên Chúa lòng tôn thờ xứng đáng như một nghĩa vụ khẩn thiết của một thụ tạo phải có đối với Đấng Tạo Hóa, bằng cách luôn hiệp với Hiến Lễ Thánh Thể hằng tiến dâng nơi các bàn thờ trên khắp thế giới, nhất là mỗi khi chúng ta cử hành hay tham dự Thánh Lễ Misa; đồng thời biến cả cuộc đời chúng ta cùng với Công Nghiệp và Giá Máu Chúa Cứu Thế, thành một Thánh Lễ liên tiếp để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì chỉ có Lễ Hy Sinh của Chúa Kitô mới có giá trị vô song, tái diễn Lễ Hiến Tế Núi Sọ mới đáng được Thiên Chúa hài lòng chấp nhận. Không bao giờ cố tình tục hóa Đền Thờ bản thân chúng ta đã được hiến dâng cho Chúa ngày chúng ta lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, như lời Thánh Phaolô nhắn nhủ: "Anh em không biết rằng anh em là Đền Thờ Thiên Chúa sao, ai tục hóa Đền Thờ Thiên Chúa, sẽ bị Chúa hủy diệt" (1Cr 3,16).

2. Yêu mến

Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa, bằng cách không từ chối Chúa điều gì. Luôn làm hài lòng Chúa, làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, dâng trót tình yêu cho Chúa, đáp lại lòng Chúa khát khao: "Con hãy dâng trái tim con cho Cha!" (Prov 23,26) hợp với thánh lệnh Chúa truyền: "Con hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa con hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết tâm hồn con" (Mt 22,37).

3. Biết ơn

Để tỏ lòng biết ơn Chúa vì những ơn phúc Chúa đã ban, ơn được làm con Chúa, ơn được làm Bạn Tâm Phúc của Chúa Kitô, ơn được trở nên Thừa Tác Viên phân phát các mầu nhiệm thánh, chúng ta hãy cẩn thận bảo toàn ơn thánh đã lãnh nhận, luôn giữ tâm hồn trong sạch sống trong ơn nghĩa Chúa, luôn làm hòa lòng Chúa, không bao giờ xúc phạm đến Chúa, không cố tình phạm bất cứ một tội lỗi nào, nhất là tội trọng, vì phạm tội trọng là trục xuất Chúa Ba Ngôi ra khỏi tâm hồn, đón rước ma quỉ vào thống trị tâm hồn mình. Hơn nữa, cần phải cố gắng giãi sáng ơn thánh Chúa bằng sống đời gương mẫu thánh thiện, nên chứng nhân chinh phục cho Chúa các linh hồn, để tất cả những ai chúng ta giao tiếp, những ai chúng ta có sứ mạng phục vụ, đều cảm nhận thấy nơi bản thân chúng ta là "Người mang Thiên Chúa trong lòng".

Một bà kia không biết đến sự yêu thương của đồng lọai. Bà là một người không tôn giáo, nghèo khổ bị bỏ quên, bị ngược đãi, bị đối xử bất công lâu ngày đến nỗi bà thù ghét tất cả mọi người mà mọi người dường như nghịch cùng bà. Một lần kia, cha sở đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, song bà chẳng hiểu tình yêu là gì cả. Bà bảo :

  - Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và đối với tôi, tôi cũng không hiểu yêu thương là gì cả.

  Cha sở về lại nhà xứ mà lòng vẫn canh cánh ray rứt về câu chuyện với người phụ nữ nọ. Ngài cầu nguyện liền mấy ngày rồi chợt nảy ra một ý, ngài cho mời nhóm bạn trẻ Tông đồ trong xứ lại và kể cho các bạn ấy nghe đầu đuôi sự thể. Rồi ngài đề nghị mọi người hãy giúp cho bà ấy biết được tình yêu của Chúa bằng cách mỗi người trong nhóm sẽ lần lượt từng người đến thăm bà, chân thành tỏ cho bà biết trên đời này vẫn có người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ bà.

  Mấy tháng trôi qua, một ngày kia, khi cha sở lại thăm bà, bà xúc động đến rướm nước mắt:

  - Thưa cha, bây giờ thì tôi đã hiểu, đã biết yêu thương là gì rồi, và bây giờ tôi đã có thể xin cha cho tôi được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Top