Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm A
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.
Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19)
Kính thưa anh chị em,
Suốt trong thời gian thật dài vừa qua, chúng ta đã có dịp nói với nhau nhiều về Chúa Giêsu.
Tuần vừa qua chúng ta đã suy niệm về Chúa Thánh Thần.
Hôm nay Giáo Hội dẫn chúng ta vào trọng tâm quan trọng nhất của niềm tin khi Giáo Hội, hướng chúng ta về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm cột trụ của Đạo.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm rất khó trình bày. Khó không phải về phía Thiên Chúa mà khó về phía con người chúng ta. Ngôn ngữ của chúng ta không đủ sức để diễn tả về một mầu nhiệm cao cả như thế này.
Ở đây tôi cũng không dám có một tham vọng làm cho anh chị em hiểu thật rõ mầu nhiệm này. Tuy nhiên tôi cũng phải cố gắng nói một điều gì đó cho việc cử hành phụng vụ hôm nay.
Tôi xin dựa vào Thánh Kinh để nói với anh chị em. Vậy thử hỏi Thánh Kinh đã nói gì về mầu nhiệm này?
A. Trước hết là Cựu ước.
Có thể nói Cựu ước không có một chỉ dẫn nào rõ rệt về Mầu nhiệm này.
a- Hình ảnh đầu tiên mà người ta gặp ở trong Cựu Ước về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa đầy uy quyền và đáng sợ.
+ Ngay từ chương đầu của sách Sáng Thế Ký, chúng ta đã thấy điều đó. Chỉ cần một lời là Thiên Chúa đã làm nên mọi sự. Cả công trình sáng tạo: Chỉ cần Thiên Chúa phán một lời là có tất cả. Đối với con người thì cách diễn tả có hơi khác một chút nhưng tựu trung thì chúng ta thấy Thiên Chúa chẳng cần phải vất vả gì Người cũng làm được mọi sự Người muốn.
+ Nhưng bên cạnh đó ta cũng thấy một Thiên Chúa thật đáng sợ. Thiên Chúa tập trung mọi quyền hành trong tay của Người, sẵn sàng trừng phạt tất cả những ai dám chống đối, dám đi ngược lại với những cấm kỵ mà Người đã ban bố. Câu chuyện Adam-Evà và nhất là câu truyện lụt Đại Hồng Thủy cho chúng ta thấy điều đó. Thiên Chúa sẵn sàng dìm gần như cả loài người xuống nước khi loài người cố tình đi xa đường lối của Chúa. Cha Maurice Zundel gọi Thiên Chúa của thời kỳ này là “Thiên Chúa cảnh sát.”
b- Bước sang giai đoạn thứ hai của Cựu Ước.
Bên cạnh hình ảnh một Thiên Chúa đầy uy quyền, chúng ta còn thấy một Thiên Chúa độc tôn, duy nhất và xa cách với con người.
+ Bài sách thánh thứ I mà chúng ta vừa nghe khẳng định một chân lý thật quan trọng trong giai đoạn này: Thiên Chúa là Đấng thống trị, Chúa duy nhất.
+ Thiên Chúa duy nhất đó vẫn còn là một Thiên Chúa đáng kính sợ...loài người không xứng đáng được gần Người. Moise phải tụt giày ra mới được chạm tới nơi Người ngự xuống. Dân chúng thì phải cách xa hơn...kẻ nào dám vượt qua cái giới hạn đã được vạch sẵn thì lập tức sẽ phải chết.
+ Sau này khi hòm bia Giao Ước được trao cho con người gìn giữ thì cũng chỉ có những ai được chỉ định đặc biệt mới được vào mà dâng hương. Ngoài ra thì không ai được bén mảng tới. Kẻ nào mà dám liều lĩnh thì hình phạt sẽ không thể lường được.
Đó là hình ảnh về một Thiên Chúa mà chúng ta gặp trong Cựu Ước.
B. Bước sang thời Tân Ước, chúng ta đã thấy có một bước nhảy vọt thật đáng mừng. Thiên Chúa không còn phải là Thiên Chúa đầy uy quyền và xa cách với con người nữa mà đã trở thành một Thiên Chúa gần gũi với con người.
+ Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện sứ thần truyền tin cho Đức Maria. Thật là một sự thể không ai có thể tưởng tượng trước được. Một Thiên Chúa làm người. Người trở thành EMMANUEL...nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Thiên Chúa không còn xa cách con người nữa nhưng đã đi vào cuộc sống và sống như một con người, bằng xương bằng thịt. Thánh Gioan đã viết cho các tín hữu của Người như thế này: “Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống” Phêrô cũng viết tương tự như thế: “Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người”
+ Thời đại của một Thiên Chúa đáng sợ và xa cách đã chấm dứt để nhường chỗ cho một Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường ở giữa loài người. Tuy nhiên đó chưa phải là hình ảnh mà Thiên Chúa muốn cho con người chúng ta có về Người.
+ Hình ảnh đúng mà con người phải có về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa Ngôi vị. Đây là mặc khải quan trọng nhất trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Hình ảnh này phải đợi mãi tới những ngày cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu chúng ta mới được Người mặc khải cho chúng ta khi Người nói cho chúng ta về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần...và nhất là lệnh truyền của Người khi Người sai các sứ giả phải nhân danh Chúa Cha - Chúa Con và Chúa Thánh thần mà rao giảng cho mọi người biết về một Thiên Chúa yêu thương loài người.
Vâng chính vì yêu thương mà Chúa đã dựng nên loài người. Cũng vì yêu thương mà Người đã cứu chuộc và cũng chính vì yêu thương mà Người vẫn tiếp tục thánh hóa loài người chúng ta. Người chính là Tình yêu.
Chúng ta hãy hết lòng thờ kính Người.
C. Abraham từ ngày được Chúa chọn ngày càng sống tâm tình với Chúa và xa cách các thần tượng. Thấy thế ông thân sinh dẫn Abraham đến trước mặt vua Ramos.
Nhà Vua hỏi Abraham:
- Tại sao nhà ngươi lại không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?
+ Tâu hoàng thượng! - Abraham trả lời một cách cương quyết. Bởi vì lửa có thể thiêu rủi các thần tượng ấy.
- Như vậy thì hãy tôn thờ lửa. Nhà vua nói.
Abraham thưa lại:
+ Nếu thế thì hạ thần tôn thờ nước thì tốt hơn. Vì nước dập tắt được lửa.
- Thế thì hãy tôn thờ nước.
+ Tâu hoàng thượng, không. Hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn bởi vì nước từ mây mà ra.
- Thế thì hãy tôn thờ mây đi.
+ Tâu hoàng thượng không. Vì gió mạnh hơn mây và gió thổi làm mây phải tan biến.
- Vậy thì hãy tôn thờ gió.
Nghe thế Abraham trả lời vua Ramos:
- Nếu gió là Thiên Chúa...thì ta hãy tôn thờ con người vì con người có hơi thở.
Nhà vua đã bắt đầu có dấu hiệu không còn đủ kiên nhẫn, tuy nhiên nhà vua cũng ráng giữ vẻ ôn tồn bảo Abraham:
- Vậy thì hãy tôn thờ con người
Abraham trả lời:
+ Tâu hoàng thượng không ! Vì con người phải chết.
Nhà vua giận dữ quát lên:
- Vậy hãy tôn thờ sự chết đi.
Abraham dõng dạc trả lời: “Đấng duy nhất phải tôn thờ là Chúa tể của cả sự sống và sự chết. Đấng đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần”.
Vâng chúng con cũng vậy. Chúng con xin tôn thờ Chúa là Chúa của chúng con. Chính Chúa đã ban cho chúng con sự sống. Chính Chúa cứu chuộc chúng con để chúng con được sống dồi dào. Vận mệnh của mỗi người chúng con ở trong tay Chúa. Xin Chúa giữ gìn và thánh hóa chúng con, giúp chúng con đạt tới quê hương trên trời mai sau. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống
-
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B